"Quân bài" mặc cả chiến lược của Tổng thống Trump với Ukraine
(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump đang sử dụng đất hiếm như một quân bài mặc cả với Ukraine nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho Mỹ.

Ngày 3/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông muốn Ukraine cung cấp đất hiếm cho Mỹ để đổi lấy việc hỗ trợ tài chính cho Kiev trong cuộc xung đột với Nga.
Tổng thống Trump cho biết ông đã nói với Ukraine rằng ông muốn nhận được một khoản "tương đương 500 tỷ USD giá trị đất hiếm" để đổi lấy "hơn 300 tỷ USD" viện trợ quân sự mà Washington đã cung cấp cho Kiev kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự vào năm 2022.
Yêu cầu của ông Trump đã được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trình lên nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky trong một đề xuất thỏa thuận mà ông mang đến cuộc họp ở Kiev. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ được cấp 50% quyền sở hữu khoáng sản đất hiếm của Ukraine để đổi lấy viện trợ quân sự của Washington.
Vào ngày 15/2, Tổng thống Zelensky nói rõ rằng Ukraine không từ chối thỏa thuận về khoáng sản do Tổng thống Trump đề xuất. Tuy nhiên, ông Zelensky cho biết thỏa thuận với Mỹ liên quan đến đất hiếm của Ukraine phải bao gồm các đảm bảo an ninh cho Kiev.
Theo Tổng thống Zelensky, tài liệu do Bộ trưởng Tài chính Mỹ trình lên sẽ cần được sửa đổi để phản ánh lợi ích của Ukraine, đồng thời lưu ý rằng ông muốn có mối quan hệ đối tác cùng có lợi với Mỹ, thay vì đánh đổi nguồn tài nguyên giá trị của Ukraine.
"Nếu chúng tôi không nhận được các đảm bảo an ninh từ Mỹ, tôi tin rằng hiệp ước kinh tế sẽ không hiệu quả. Mọi thứ đều phải công bằng", tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
Hiện vẫn chưa rõ Tổng thống Trump đang nhắm mục tiêu đến tất cả các loại khoáng sản quan trọng của Ukraine hay chỉ tập trung vào đất hiếm. Ông Trump cho biết Mỹ đang tìm cách đạt được thỏa thuận với Ukraine về "đất hiếm và các tài nguyên khác".

Một số mẫu đất hiếm (Ảnh: Reuters).
Đất hiếm là một nhóm gồm 17 kim loại được sử dụng để chế tạo nam châm chuyển hóa năng lượng thành chuyển động cho xe điện, điện thoại di động, hệ thống tên lửa và các thiết bị điện tử khác. Hiện không có loại khoáng sản khả thi nào thay thế cho đất hiếm.
Trung Quốc, quốc gia bị Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế và cảnh báo nguy cơ chiến tranh thương mại, là nơi sản xuất đất hiếm và nhiều khoáng sản quan trọng khác lớn nhất thế giới.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ xếp 50 loại khoáng sản vào danh sách khoáng sản quan trọng, bao gồm một số loại đất hiếm, nickel và lithium.
Theo dữ liệu của Bộ Kinh tế Ukraine, nước này sở hữu 22 trong số 34 loại khoáng sản được Liên minh châu Âu (EU) coi là quan trọng, bao gồm vật liệu công nghiệp và xây dựng, hợp kim ferro, kim loại quý và kim loại màu, và một số nguyên tố đất hiếm. Ukraine cũng có trữ lượng than đáng kể, nhưng hầu hết trong số này hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga tại các vùng lãnh thổ do Moscow kiểm soát.
Tài nguyên khoáng sản của Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky giới thiệu bản đồ các nguồn tài nguyên chiến lược của Ukraine (Ảnh: Reuters).
Được biết đến là vựa lúa mì của châu Âu, Ukraine cũng tự hào có nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ, trong đó có một số loại khoáng sản đóng vai trò thiết yếu trong các ngành công nghiệp như quốc phòng, thiết bị công nghệ cao, hàng không vũ trụ và năng lượng xanh.
Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham đã nêu bật sự giàu có về đất hiếm của Ukraine trong chuyến đi của ông đến nước này vào tháng 6 năm ngoái. Sau đó, ông tuyên bố rằng Ukraine đang sở hữu khối tài sản trị giá 10.000-12.000 tỷ USD.
Theo Viện Địa chất Ukraine, nước này sở hữu các nguyên tố đất hiếm như lanthanum và cerium, được sử dụng trong tivi và hệ thống chiếu sáng; neodymium, được sử dụng trong tua bin gió và pin xe điện; erbium và yttrium, có thể được ứng dụng từ năng lượng hạt nhân đến laser. Nghiên cứu do EU tài trợ cũng chỉ ra rằng Ukraine có trữ lượng scandium, nhưng dữ liệu chi tiết vẫn chưa được công bố.
Tổng thống Zelensky cho biết Nga đã kiểm soát khoảng một nửa trữ lượng đất hiếm của Ukraine. Trong khi đó, các nhà phân tích cho biết Ukraine không có mỏ đất hiếm nào đang hoạt động ở quy mô thương mại.
Theo Tổng thống Zelensky, Ukraine có trữ lượng titanium và uranium lớn nhất châu Âu. Diễn đàn Kinh tế Thế giới xác nhận, Ukraine cũng là nguồn cung cấp quan trọng về lithium, beryllium, mangan, gallium, zirconium, graphite, apatite, fluorite và nickel.
Trữ lượng titanium chủ yếu nằm ở phía tây bắc và miền trung Ukraine, trong khi lithium nằm ở miền trung, phía đông và đông nam.
Trữ lượng than chì của Ukraine, một thành phần chính trong pin xe điện và lò phản ứng hạt nhân, chiếm 20% nguồn tài nguyên toàn cầu. Các mỏ này nằm ở miền trung và phía tây Ukraine.
Cuộc xung đột kéo dài 3 năm đã gây ra thiệt hại trên diện rộng khắp Ukraine và Nga hiện kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine.
Phần lớn các mỏ than của Ukraine, nguồn cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp thép của nước này trước chiến tranh, tập trung ở phía đông và đã không còn nằm dưới sự kiểm soát của Kiev.
Các nhóm nghiên cứu Ukraine gồm We Build Ukraine và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia, trích dẫn dữ liệu cho đến nửa đầu năm 2024, cho biết khoảng 40% trữ lượng kim loại của Ukraine hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Kể từ giữa năm ngoái, quân đội Nga liên tục tiến quân đều đặn ở vùng Donetsk phía đông. Vào tháng 1 năm nay, Ukraine đã đóng cửa mỏ than cốc duy nhất gần thành phố Pokrovsk, nơi quân đội Nga đang tìm cách bao vây và kiểm soát.
Nga cũng kiểm soát ít nhất 2 mỏ lithium của Ukraine, một ở Donetsk và một ở Zaporizhzhia, phía đông nam. Trong khi đó, Kiev vẫn kiểm soát các mỏ lithium ở khu vực Kyrovohrad, miền trung Ukraine.
Thứ trưởng Kinh tế Ukraine Oleksiy Sobolev hồi tháng 1 cho biết chính phủ nước này đang đàm phán các thỏa thuận với các đồng minh phương Tây bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và Italy về các dự án liên quan đến khai thác các khoáng sản quan trọng. Chính phủ Ukraine ước tính tổng tiềm năng đầu tư của lĩnh vực này khoảng 12-15 tỷ USD vào năm 2033.
Cơ quan Địa chất Quốc gia Ukraine cho biết chính phủ đang chuẩn bị cấp phép khai thác và phát triển cho khoảng 100 địa điểm.
Mỹ cần khoáng sản từ Ukraine

Xe chuyển quặng sắt từ một địa điểm khai thác gần Horishni Plavni, Ukraine năm 2019 (Ảnh: Getty).
Mỹ và các nước phương Tây khác đã để mắt đến nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine trong một thời gian dài.
"Chúng tôi đang đầu tư hàng trăm tỷ USD. Họ có nguồn đất hiếm tuyệt vời. Tôi muốn đảm bảo an ninh cho nguồn đất hiếm, và họ sẵn sàng làm điều đó", ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục vào ngày 3/2, nhưng không nêu rõ Ukraine đã đồng ý làm gì.
Trước đây, ông Trump từng gợi ý rằng bất kỳ khoản hỗ trợ nào trong tương lai nên được cung cấp dưới dạng khoản vay và sẽ có điều kiện là Ukraine phải đàm phán với Nga.
Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 65,9 tỷ USD viện trợ quân sự kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự toàn diện vào tháng 2/2022.
Ông Biden lập luận rằng khoản viện trợ này là cần thiết vì chiến thắng của Ukraine đóng vai trò then chốt đối với chính an ninh của Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump tuyên bố Mỹ không nên tiếp tục cung cấp viện trợ mà không nhận lại được gì từ Kiev.
Mặc dù ông Trump không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về những gì ông muốn từ Kiev, một thỏa thuận phác thảo sự hợp tác sâu sắc hơn giữa Mỹ và Ukraine về khoáng sản đã được tiến hành trong nhiều tháng trước khi ông nhậm chức vào tháng 1.
Một biên bản ghi nhớ được lập dưới thời chính quyền Biden vào năm ngoái cho biết, Mỹ sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư vào các dự án khai thác mỏ của Ukraine cho các công ty Mỹ để đổi lấy việc Kiev tạo ra các ưu đãi kinh tế và thực hiện các hoạt động kinh doanh và môi trường thuận lợi.
Ukraine đã có một thỏa thuận tương tự với Liên minh châu Âu, được ký kết vào năm 2021.
Adam Mycyk, một đối tác tại văn phòng Kiev của công ty luật toàn cầu Dentons, cho biết mặc dù mục tiêu của thỏa thuận - đảm bảo nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng từ Ukraine - vẫn không thay đổi, nhưng cách tiếp cận của ông Trump dường như mang tính giao dịch nhiều hơn.
"Hiện vẫn chưa rõ thỏa thuận như vậy sẽ có hình thức như thế nào, nhưng sẽ vì lợi ích tốt nhất của Ukraine đối với quá trình phục hồi sau chiến tranh và triển vọng kinh tế dài hạn của nước này nhằm tối đa hóa việc sản xuất và tạo ra giá trị từ bất kỳ loại khoáng sản nào được khai thác tại Ukraine bởi các công ty Ukraine", chuyên gia Mycyk nói.
Nataliya Katser-Buchkovska, đồng sáng lập Quỹ đầu tư bền vững của Ukraine, cho biết một thỏa thuận nhằm thúc đẩy đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực khai thác mỏ của Ukraine sẽ có lợi cho cả hai bên.
Mỹ chủ yếu nhập khẩu khoáng sản, nhiều loại trong đó từ Trung Quốc. Trong số 50 loại khoáng sản được coi là quan trọng, có 12 loại Mỹ phải nhập khẩu hoàn toàn và 16 loại Mỹ phải nhập khẩu 50%, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.
Trong khi đó, theo chính phủ Ukraine, nước này có 22 trong số 50 loại khoáng sản quan trọng mà Mỹ cần.
"Đây không chỉ là bước đi quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế sau chiến tranh của Ukraine, mà còn là cơ hội để Mỹ giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu", Katser-Buchkovska, cựu nghị sĩ Quốc hội Ukraine và là người đứng đầu một ủy ban quốc hội về an ninh năng lượng và chuyển đổi, nhận định.
Thách thức "sự thống trị" của Trung Quốc

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp ông Donald Trump năm 2024 (Ảnh: EPA).
Trung Quốc từ lâu đã giữ vị trí "thống trị" về sản xuất đất hiếm và các vật liệu quan trọng về mặt chiến lược trên toàn cầu. Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã tận dụng tối đa trữ lượng đất hiếm của nước này bằng cách đầu tư mạnh vào các hoạt động tinh chế.
Trung Quốc cũng đã nộp một số lượng lớn bằng sáng chế về xử lý đất hiếm, một trở ngại đối với các công ty ở các quốc gia khác nếu muốn triển khai hoạt động xử lý đất hiếm trên quy mô lớn.
Kết quả là, mặc dù có trữ lượng đất hiếm dồi dào ở những nơi khác, nhưng nhiều công ty thấy rằng họ sẽ tiết kiệm chi phí hơn nếu chuyển đất hiếm chưa qua xử lý đến Trung Quốc tinh chế, từ đó càng củng cố thêm sự phụ thuộc vào đất hiếm ở Trung Quốc.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Trung Quốc chiếm tới 70% sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu và 90% công suất tinh luyện loại khoáng sản này, khiến Trung Quốc giữ vị trí "gần như độc quyền". Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nước sản xuất than chì và titanium lớn nhất thế giới, đồng thời là nước xử lý lithium lớn.
Với chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Trump có thể đang tìm cách thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ bằng cách giành "thế thượng phong" trước Trung Quốc. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thị trường khoáng sản quan trọng toàn cầu có giá trị 320 tỷ USD và có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới.
Căng thẳng thương mại mới nhất giữa Washington và Bắc Kinh cũng buộc Mỹ càng phải tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế. Mỹ hiện phụ thuộc vào Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản và Estonia để đáp ứng 80% nhu cầu đất hiếm của nước này.
Mỹ và EU lấy phần lớn nguồn cung từ Trung Quốc, nhưng cả hai đều đang cố gắng thúc đẩy việc xử lý và tinh chế đất hiếm để giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Vào giai đoạn đỉnh điểm của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung năm 2019, các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ có thể bị cắt giảm để trả đũa các biện pháp của Washington.
Nhật Bản đã từng chứng kiến hậu quả của việc bị cắt giảm nguồn cung vào năm 2010, khi Trung Quốc dừng xuất khẩu đất hiếm do xung đột lãnh thổ. Kể từ đó, Tokyo đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung.
Các biện pháp kinh tế được Trung Quốc công bố hôm 4/2 để trả đũa mức thuế quan mới của Tổng thống Trump bao gồm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với hơn 20 sản phẩm kim loại và các công nghệ liên quan. Mặc dù chúng không bao gồm các vật liệu quan trọng nhất mà Mỹ cần, nhưng động thái này cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng sử dụng nguồn khoáng sản của nước này làm đòn bẩy trong các tranh chấp thương mại.
Bộ Thương mại và Cục Hải quan Trung Quốc cho biết nước này đang áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với vonfram, tellurium, bismuth, molypden và indium để "bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia". Vonfram, tellurium, bismuth và indium được Cục Khảo sát Địa chất Mỹ chỉ định là khoáng sản quan trọng, những vật liệu thiết yếu cho công nghệ tiên tiến, năng lượng sạch và an ninh quốc gia.
Chuyên gia Mycyk cho biết nhu cầu về các khoáng sản quan trọng dự kiến sẽ tăng vọt do quá trình chuyển đổi toàn cầu sang xe điện và công nghệ năng lượng tái tạo.
"Do vậy, các mỏ của Ukraine có ý nghĩa quan trọng trên toàn cầu, mang lại sự đa dạng hóa ngoài các nhà sản xuất thống trị như Trung Quốc. Việc giữ các nguồn tài nguyên này dưới sự kiểm soát của Ukraine là rất quan trọng để duy trì chủ quyền kinh tế của nước này", ông Mycyk nói thêm.
Tân Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio gần đây đã cảnh báo về lợi thế chiến lược mà Trung Quốc có được từ việc kiểm soát chuỗi cung ứng đất hiếm trên thế giới, vì vậy ông có thể đã tác động đến quan điểm của Tổng thống Trump về vấn đề này liên quan đến Ukraine.
Chính sách đối ngoại của chính quyền Trump 2.0 tập trung vào việc kiềm chế Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn theo mọi cách có thể. Do vậy, nguồn cung khoáng sản khổng lồ của Ukraine sẽ là mục tiêu mà ông Trump nhắm tới.
Việc ông Trump tập trung vào nguồn khoáng sản ở Ukraine không phải là điều đáng ngạc nhiên. Các nhân vật cấp cao của đảng Cộng hòa đã lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ về sự thống trị của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng đất hiếm. Việc ông Trump mạnh mẽ theo đuổi ảnh hưởng lớn hơn của Mỹ đối với Greenland, vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, cũng có liên quan đến lợi ích của Washington trong việc đảm bảo quyền tiếp cận kho khoáng sản của hòn đảo lớn nhất thế giới này.
Theo Samuel Ramani, nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu RUSI, trụ sở ở Anh, khi nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào việc nhập khẩu lithium và đất hiếm, trữ lượng của Ukraine có thể thúc đẩy đáng kể chuỗi cung ứng của nước này và giảm bớt sự phụ thuộc chiến lược vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, một vấn đề cần chú ý là tỷ lệ đáng kể các mỏ đất hiếm của Ukraine nằm ở Crimea, Donetsk và Lugansk, những khu vực mà Nga đã tuyên bố sáp nhập và kiểm soát một phần.
Khoáng sản cũng được tìm thấy ở Dnipropetrovsk, giáp ranh với các vùng Donetsk và Zaporizhia, nơi Nga đang tìm cách kiểm soát. Quân đội Nga cũng đang tiến quân ở những khu vực này.
Do vậy, nếu muốn đảm bảo nguồn cung đất hiếm và tránh nguy cơ mất tài nguyên vào tay Nga, Mỹ phải tìm cách hỗ trợ Ukraine để giữ quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ này.
Theo Kyiv Post, Asia Times, Reuters, Telegraph