Nước Mỹ đã sẵn sàng có nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử?
(Dân trí) - Sự ủng hộ cho ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris đang ngày càng lớn, nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu người Mỹ đã sẵn sàng để bầu ra nữ tổng thống đầu tiên hay chưa.
Kể từ khi Tổng thống Joe Biden rời khỏi cuộc đua tổng thống vào ngày 21/7 và ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris làm ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, bà đã nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ.
Ngày 20/8, bà đã chính thức nhận tấm vé đề cử ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ để đối đầu với cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa vào tháng 11 tới.
Bà Harris nhanh chóng huy động được hàng trăm triệu USD chỉ trong chưa đầy một tháng vừa qua, vươn lên dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò toàn quốc và ở các tiểu bang dao động.
Bà Harris và ứng viên "phó tướng", Thống đốc Minnesota Tim Walz, cũng đã thu hút hàng chục nghìn người ủng hộ đến các cuộc mít tinh gần đây của họ ở Pennsylvania, Wisconsin, Michigan, Arizona và Nevada.
Mặc dù mọi thứ có thể thay đổi đáng kể trong hơn hai tháng tới, nhưng có khả năng thực sự là người Mỹ sẽ bầu ra nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử.
Yếu tố giới tính
Theo The Conversation, trong các cuộc khảo sát do trang tin này tiến hành vào tháng 8, yếu tố giới vẫn có sự tác động nhất định tới các cử tri.
Năm 2016, đảng Dân chủ từng đặt nhiều hy vọng vào cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, hy vọng bà sẽ là nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ. Theo The Conversation, các chuyên gia nhận định, yếu tố giới được xem là một trong những nguyên nhân khiến bà Clinton thất bại trước tỷ phú Donald Trump của đảng Cộng hòa.
Gần một thập niên trôi qua, đã có những hy vọng về việc người Mỹ sẽ ủng hộ nhiều hơn với việc phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo.
Theo khảo sát của The Conversation trên toàn quốc với 11.000 người tham gia, 51% đồng ý rằng "nước Mỹ sẵn sàng để có một nữ tổng thống gốc Phi đầu tiên". Chỉ có 23% người tham gia không đồng ý.
Mặt khác, theo giới quan sát, việc ông Trump có thái độ gay gắt khi công kích cá nhân bà Harris có thể tạo ra lợi thế cho phó tổng thống với các nhóm cử tri dao động.
Trong thời gian qua, ngay cả các đồng minh của ông Trump cũng bày tỏ sự lo ngại khi ông ngày càng sử dụng các từ ngữ mạnh để chỉ trích bà Harris, nhưng lại không liên quan tới chương trình nghị sự của bà.
Ví dụ, ông gọi bà là người "IQ thấp", cho rằng bà có ngoại hình không đẹp bằng ông. Phía đảng Cộng hòa đã kêu gọi ông Trump tập trung vào việc phản biện các chính sách của bà Harris hơn là công kích cá nhân.
Những phát ngôn này diễn ra trong bối cảnh dư luận Mỹ, đặc biệt là cử tri đảng Dân chủ ngày càng quan tâm tới vấn đề quyền lợi của phụ nữ. Tòa án Tối cao Mỹ 2 năm trước đưa ra phán quyết lịch sử, kết thúc quyền được phá thai theo Hiến pháp, động thái gây ra phản ứng mạnh mẽ từ dư luận.
Theo USA Today, những lời chỉ trích của ông Trump đã góp phần tác động tới nhóm cử tri đảng Dân chủ, những người đã thể hiện sự quyết tâm sẽ đi bỏ phiếu cho bà Harris.
"Chúng ta đã cố gắng vì bà Hillary, nhưng bây giờ chính là thời điểm, giờ phút, khoảnh khắc và chúng tôi sẽ nắm bắt từng phút một", Mary Whipple-Lue, cựu thị trưởng Gordon, Georgia, kêu gọi bỏ phiếu cho bà Harris.
Tuy nhiên, theo The Hill, yếu tố giới vẫn có thể được xem là rào cản tới ghế tổng thống của bà Harris.
Cuộc thăm dò của Times/SAY24 của YouGov trên 1.170 cử tri cho thấy 54% người tham gia cho biết họ đã sẵn sàng để có một nữ tổng thống và 30% cho biết họ chưa sẵn sàng.
Con số 54% có thể được xem là khá lớn vì chiếm quá một nửa, tuy nhiên, trên thực tế nó lại thấp hơn tới 9% so với khảo sát của Economist/YouGov vào năm 2015, thời điểm mà bà Clinton tuyên bố ra tranh cử. Khi đó, 63% người tham gia khảo sát tin rằng nước Mỹ đã sẵn sàng cho một nữ tổng thống.
Ngoài ra, có 41% người tham gia bỏ phiếu cho rằng hơn một nửa số người Mỹ sẽ không muốn bỏ phiếu cho một phụ nữ thay vì một người đàn ông nếu hai ứng cử viên có trình độ ngang nhau.
Trong nhóm cử tri Dân chủ, trong khi 77% người tham gia cho rằng đất nước đã sẵn sàng cho một nữ tổng thống, thì 37% nghĩ rằng những người Mỹ khác sẽ không bỏ phiếu cho một người phụ nữ có trình độ ngang nhau nếu người này đối đầu với nam giới.
Những lo lắng này được cho đã khiến 35% đảng viên Dân chủ tin rằng bà Harris nên chọn một người đàn ông để liên danh tranh cử và chỉ có 6% ủng hộ bà chọn ứng viên nữ để liên danh tranh cử.
Mặt khác, việc bà Harris giành được sự ủng hộ lớn ở đảng Dân chủ là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, với nhóm cử tri Cộng hòa và cử tri dao động, The Conversation chỉ ra rằng, nghiên cứu của họ cho thấy yếu tố giới vẫn đóng một vai trò không nhỏ tới việc họ quyết định sẽ bầu cho ai.
Tuy nhiên, theo Deloris Hudson, đại biểu Ohio tại Hội nghị toàn quốc đảng Dân chủ, thất bại của bà Hillary trước ông Trump vào năm 2016 đã tạo ra một cú hích cho vai trò của phụ nữ trong nền chính trị Mỹ.
Nó đã thúc đẩy một số lượng kỷ lục các ứng cử viên nữ ra tranh cử vào năm 2018. Hiện tại, 28,5% hạ nghị sĩ là phụ nữ, so với 19,1% vào năm 2017, theo Trung tâm nghiên cứu Pew.
Trong khi đó, trong 10 năm qua, theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Quốc gia của Đại học Chicago, tỷ lệ người Mỹ tin rằng đàn ông phù hợp với chính trị hơn phụ nữ liên tục giảm.
Bản thân bà Harris cũng là một người phụ nữ làm nên lịch sử. Bà là người phụ nữ đầu tiên, người gốc Á đầu tiên, người gốc Phi đầu tiên trúng cử chức phó tổng thống Mỹ vào năm 2020. Vào thời điểm đó, truyền thông Mỹ đã gọi bà với cái tên "người phá vỡ mọi rào cản".
Năm nay, bà trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên được một chính đảng lớn đề cử.
Con đường khác biệt của bà Harris
Theo các chuyên gia, dù giới tính là yếu tố vẫn có sự tác động nhất định tới quan điểm của cử tri Mỹ, nhưng chiến dịch của bà Harris dường như không sử dụng "lá bài này" cho cuộc bầu cử năm nay.
Mặc dù đồng minh của bà Harris nhiều lần nói rằng bà đã phải đối mặt với sự phân biệt giới tính sâu sắc trong suốt sự nghiệp chính trị, Phó tổng thống Mỹ đã cố gắng tập trung vào những khía cạnh khác, thay vì nhấn mạnh bà là một phụ nữ.
Mallory McMorrow, thượng nghị sĩ cấp bang Michigan, cho rằng bà Harris dường như đã chủ ý làm điều này.
"Nước Mỹ giờ đã có nhiều chính trị gia là nữ giới hơn trước đó vì vậy tôi nghĩ chúng ta không cần đề cập tới vấn đề giới tính nữa", bà McMorrow nhận định.
Politico cũng có nhận định tương tự. Khác với bà Clinton 9 năm trước, bà Harris không nhấn quá mạnh vào các đặc điểm riêng của bà như là phụ nữ, là người da màu, là người gốc Á. Thay vào đó, thông điệp của bà hướng tới việc bà được nuôi dạy trong một gia đình trung lưu và có nền tảng trong ngành công tố.
Cựu thượng nghị sĩ bang Illinois Carol Moseley Braun cho biết: "Thẳng thắn mà nói, đề cập về việc tôi là người da màu đầu tiên thế này, tôi là người đầu tiên thế kia, không đưa bạn đi tới đâu. Nó thậm chí đẩy bạn vào một góc (khó tiếp cận các nhóm cử tri lớn) và đối mặt với việc bị đối thủ cáo buộc sử dụng lá bài sắc tộc. Bà Harris đã không chọn làm như vậy và tôi nghĩ đó là một điều thông minh".
Bà Moseley Braun cho biết giờ đây thời thế đã thay đổi" và "mọi người cởi mở hơn với phụ nữ làm chính trị", vì vậy việc nhấn mạnh vào đặc điểm của bản thân là phụ nữ không cần thiết. Điều bà Harris muốn làm dường như là chứng minh rằng, bất kể giới tính của bà là gì, bà đều sẵn sàng cho vị trí lãnh đạo nước Mỹ với các kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm, chứ không phải là vì bà là phụ nữ hay bà muốn tạo nên lịch sử.
Theo Politico, chiến lược của bà Harris dường như có sự tương đồng với chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Barack Obama nhiều hơn so với bà Hillary. Vào năm 2008, ông Obama đã tránh nói nhiều về chủng tộc của mình ngay cả khi ông được hưởng lợi từ sự ủng hộ của cộng đồng người Mỹ gốc Phi.
Thay vào đó, ông giành phần lớn thời gian để trao đổi, tiếp xúc với những cử tri đoàn rộng hơn, ví dụ những nhóm cử tri da trắng ở các bang chiến trường như Pennsylvania, Wisconsin và Michigan. Tại đây, ông thuyết phục họ bằng cam kết và chương trình nghị sự rõ ràng, hơn là sử dụng lá bài da màu.
Bà Harris đang có một cách tiếp cận tương tự. Các quảng cáo truyền hình của bà ở các tiểu bang chiến trường nói về công việc trong quá khứ của bà với tư cách là tổng chưởng lý California, công việc làm thêm tại McDonald's, và thành tích của bà khi đảm nhận các vị trí trong chính quyền.
Bà Harris không né tránh bản sắc cá nhân của mình là một phụ nữ gốc Á, gốc Phi nhưng bà đang tránh biến nó thành trọng tâm trong chiến dịch tranh cử.
Bà Harris dường như cũng không thoải mái khi các phóng viên cố gắng hỏi bà về giới tính, màu da, sắc tộc. Bà cho rằng điều đó chỉ đang đánh lạc hướng dư luận khỏi trọng tâm của chiến dịch của bà và những giá trị bà cam kết sẽ mang lại.
Theo Conversation, BBC, Politico