DNews

Nước cờ của ông Putin khi dọa cấp vũ khí cho đồng minh tấn công phương Tây

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thông điệp cứng rắn tới Mỹ và đồng minh khi ông chủ Điện Kremlin cảnh báo chuyển vũ khí tầm xa cho các nước đối tác để tấn công phương Tây.

Nước cờ của ông Putin khi dọa cấp vũ khí cho đồng minh tấn công phương Tây

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg (SPIEF) ngày 5/6, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga đang xem xét các biện pháp "bất đối xứng" chống lại các nước viện trợ vũ khí cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga.

"Chúng tôi không ảo tưởng về điều này", chủ nhân Điện Kremlin nói, đồng thời nhấn mạnh Nga sẽ đáp trả bằng việc tăng cường năng lực phòng không, phá hủy các tên lửa của phương Tây.

Tổng thống Putin cảnh báo, việc các quốc gia phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, đồng thời cho phép Kiev sử dụng các vũ khí này để tấn công lãnh thổ Nga là một "bước đi nguy hiểm", có thể thúc đẩy Nga đáp trả bằng cách cung cấp vũ khí tầm xa tương tự cho những nước khác để tấn công các mục tiêu phương Tây. Ông nói rằng các quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine có nguy cơ bị kéo vào cuộc chiến với Nga.

"Nếu ai đó nghĩ rằng họ (phương Tây) có thể cung cấp những loại vũ khí như vậy cho vùng chiến sự để tấn công vào lãnh thổ của chúng tôi, tại sao chúng tôi lại không có quyền cung cấp vũ khí tương tự cho các khu vực khác trên thế giới, những nơi sẽ tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào những cơ sở nhạy cảm của các quốc gia phương Tây đó?", ông Putin tuyên bố.

Đây được cho là lần đầu tiên Tổng thống Putin công khai ý tưởng cung cấp vũ khí cho các nước đồng minh, đối tác của Nga để tấn công các mục tiêu của phương Tây.

Nước cờ của ông Putin khi dọa cấp vũ khí cho đồng minh tấn công phương Tây - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg (SPIEF) tại Saint Petersburg, Nga ngày 7/6 (Ảnh: Reuters).

Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Putin, nói với một kênh truyền hình nhà nước Nga rằng, ông tin lời cảnh báo từ nhà lãnh đạo Nga đã được phương Tây lắng nghe và đang được "giải mã". "Họ cần phải xem xét lập trường của chúng tôi", ông Peskov nói.

Tuy nhiên, ông Peskov không tiết lộ những khu vực mà Nga dự định triển khai vũ khí theo tuyên bố của Tổng thống Putin.

Bình luận về phát biểu của Tổng thống Putin, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev khẳng định "điều này đánh dấu sự thay đổi khá đáng kể trong chính sách đối ngoại của Nga".

"Bây giờ hãy để Mỹ và các đồng minh cảm nhận được tác động trực tiếp của việc bên thứ ba sử dụng vũ khí Nga", ông Medvedev nói.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga tuyên bố: "Nếu Mỹ là đối thủ của họ, thì họ là bạn của chúng tôi".

"Hãy sử dụng vũ khí của Nga ở những khu vực gây ra sự tàn phá khốc liệt nhất có thể cho đối thủ của họ và đối thủ của chúng ta. Hãy để "các cơ sở nhạy cảm của các quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine" bị thiêu rụi trong lửa địa ngục, cùng với những người vận hành chúng", ông Medvedev cảnh báo.

Hiện chưa rõ Tổng thống Putin có dự định bố trí vũ khí Nga ở khu vực nào. Binh lính và vũ khí Nga đã được triển khai ở Belarus, một đồng minh của Moscow, trong đó có vũ khí hạt nhân chiến thuật. Belarus gần châu Âu hơn Nga, đồng thời giáp với vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga trên biển Baltic. Nga cũng có lực lượng ở Syria, gần các căn cứ nơi lực lượng Mỹ hoạt động.

Tổng thống Putin gần đây đã ngầm cảnh báo Mỹ và các đồng minh rằng, Nga sẵn sàng trang bị vũ khí cho Triều Tiên nếu phương Tây tiếp tục cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí tinh vi để tấn công lãnh thổ Nga.

Mặc dù ông Putin không nêu cụ thể loại vũ khí nào sẽ cung cấp cho Triều Tiên, nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang mong muốn phát triển kho đầu đạn hạt nhân, tên lửa, tàu ngầm và vệ tinh. Đây cũng đều là những lĩnh vực mà Nga có lợi thế về công nghệ.

Tổng thống Putin cũng cảnh báo Hàn Quốc không nên cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, coi đây là "sai lầm rất lớn" và Seoul có thể sẽ vấp phải đòn đáp trả của Moscow. Tuy vậy, các quan chức Hàn Quốc nói rằng họ vẫn cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.

Dani Nedal, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto, nhận định những cảnh báo của Tổng thống Putin khá "mơ hồ", vì không nêu cụ thể quốc gia nào mà Nga sẽ chuyển các vũ khí tầm xa tới. Ông lưu ý rằng các đối tác của Nga đều có chương trình tên lửa đang hoạt động và không cần nguồn cung từ nước ngoài.

"Tuy nhiên không thể coi đây hoàn toàn là một trò đùa", chuyên gia Nedal cho biết. Ông tin rằng tuyên bố của Tổng thống Putin không hẳn là một lời đe dọa, mà giống như một lời cảnh báo của nhà lãnh đạo Nga gửi tới phương Tây.

Trong khi đó, Oleg Ignatov, nhà phân tích cấp cao về Nga tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, nhận thấy sự thay đổi trong giọng điệu của Moscow.

"Moscow từng tuyên bố sẽ phá hủy vũ khí của phương Tây nếu chúng được gửi tới Ukraine. Bây giờ, ông Putin nói rằng Nga sẽ trả đũa chính các nước phương Tây. Đây là sự thay đổi đáng kể, cho thấy cuộc chiến ở Ukraine đang có chiều hướng leo thang", chuyên gia Ignatov nói.

Chuyên gia Nedal cho rằng, việc theo dõi thông điệp từ các quan chức Nga trong thời gian tới sẽ rất hữu ích.

Liên quan tới thông điệp của Tổng thống Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói trong một cuộc phỏng vấn với ABC rằng, Washington chỉ ủng hộ Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp cho một số mục đích nhất định, bao gồm việc giúp Kiev ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga vào vùng Kharkov.

"Chúng tôi không nói về việc cung cấp cho họ vũ khí để tấn công Moscow, tấn công Điện Kremlin. Mục tiêu chỉ là ngay bên kia biên giới, nơi đang được Nga sử dụng để tấn công Ukraine", ông Biden nói.

Nga sẽ thực sự hành động?

Nước cờ của ông Putin khi dọa cấp vũ khí cho đồng minh tấn công phương Tây - 2

Lính Nga khai hỏa pháo về phía lực lượng Ukraine (Ảnh: Sputnik).

Một số nhà phân tích cho rằng, thông điệp của Tổng thống Putin không có nghĩa là Nga sẽ lập tức cung cấp vũ khí cho các nước khác để tấn công các mục tiêu của phương Tây. Các chuyên gia nhận định, đây có thể chỉ là đòn "nắn gân" của Moscow.

"Nga có thể đang bất mãn và điều đó có thể ảnh hưởng tới phán đoán của họ theo nhiều cách nguy hiểm. Nhưng thành thật mà nói, tôi khó có thể tưởng tượng họ sẽ làm điều gì nguy hiểm hơn những gì họ đang làm từ trước đến nay", Stephen Sestanovich, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Xô cũ từ năm 1997 đến năm 2001, cho biết.

Ông Sestanovich chỉ ra rằng Tổng thống Putin không phải là quan chức Nga duy nhất đưa ra quan điểm về vấn đề vũ khí.

"Việc (Nga) cảnh báo cung cấp cho các quốc gia khác những loại vũ khí có thể gây tổn hại cho Mỹ chỉ là sự thay thế cho các lời đe dọa leo thang hạt nhân vốn được Nga đưa ra trong suốt thời gian qua", ông Sestanovich bình luận.

Ông Sestanovich cho rằng, "phía sau hậu trường", các quan chức Nga "dường như khá ngạc nhiên" trước những giới hạn mà các quốc gia phương Tây đặt ra cho các loại vũ khí mà họ gửi tới Ukraine.

Những hoài nghi về cảnh báo của ông chủ Điện Kremlin được đưa ra trong bối cảnh lời đe dọa của Nga về vũ khí hạt nhân dường như không còn sức nặng tới mức khiến phương Tây lo ngại.

Theo chuyên gia Gideon Rachman của Financial Times, những cảnh báo về xung đột hạt nhân của Nga vẫn không thể ngăn cản một số quốc gia NATO, bao gồm Mỹ, thực hiện bước leo thang mới nhất bằng cách cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga.

Ông Rachman nhận định, Mỹ và các đồng minh châu Âu giờ đây không còn quá lo ngại về lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga như 18 tháng trước.

Việc Mỹ và các đồng minh sẵn sàng chấp nhận rủi ro cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong lập trường của phương Tây so với thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Khi đó, các nước NATO vẫn còn lo lắng về việc cung cấp cho Ukraine bất kỳ loại vũ khí tấn công nào có thể khiến xung đột leo thang với Nga.

Trong suốt cuộc xung đột ở Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã từng bước chấp nhận những rủi ro lớn hơn để hỗ trợ Kiev. 6 tháng trước, các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn chưa sẵn sàng thảo luận về những thay đổi lập trường có thể làm, ít nhất là không công khai.

Nhưng những bước tiến gần đây trên chiến trường của Nga và thái độ cứng rắn hơn của phương Tây đối với Moscow đã bắt đầu xóa mờ những lằn ranh đỏ.

Trước đây, mỗi lần phương Tây cung cấp các vũ khí tinh vi hơn cho Ukraine, từ tên lửa tầm xa, xe tăng cho tới máy bay chiến đấu, các cuộc tranh luận đều nổ ra, thậm chí gay gắt trong nội bộ phương Tây, vì lo ngại mối đe dọa hạt nhân từ Nga. Tuy nhiên, sau nhiều lần các nước NATO "vượt ngưỡng", Nga vẫn không "hiện thực hóa" các tuyên bố đe dọa hạt nhân của mình.

Điều này giúp liên minh phương Tây thực hiện các bước tiếp theo một cách dễ dàng hơn.

Giới phân tích nhận định, Tổng thống Biden dường như cho rằng hầu hết những lời đe dọa trả đũa của Nga đều không đáng tin. Sau nhiều lần đe dọa hành động chống lại các nước NATO nhằm đáp trả các hành động gây hấn, thậm chí cảnh báo Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, Moscow đã thực hiện rất ít hành động cho thấy xung đột có thể lan rộng hơn.

Theo chuyên gia Ian Bremmer của Time, điều này có thể một phần do Washington dường như đã vạch ra những lằn ranh đỏ với Nga.

"Mỹ đã nói với Nga rằng, nếu họ kích nổ một quả bom hạt nhân, ngay cả khi không khiến ai thiệt mạng, chúng tôi sẽ tấn công tất cả các mục tiêu của họ ở Ukraine bằng vũ khí thông thường, chúng tôi sẽ phá hủy tất cả", Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.

Tổng thống Biden cũng chấp nhận rủi ro lớn hơn với Nga vì ông không muốn bị cho là hành động yếu kém hơn các đồng minh châu Âu. Cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều ra tín hiệu sẵn sàng cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.

Đan Mạch thông báo sẽ cung cấp máy bay chiến đấu F-16 để Ukraine có thể sử dụng xuyên biên giới.

Cuối cùng, sau hơn 27 tháng xung đột, giới quan sát cho rằng không có sự leo thang nguy hiểm thực sự nào dẫn tới một cuộc chiến mà có thể khiến NATO và Nga đối đầu trực tiếp.

Mặc dù vậy, việc Mỹ và các đồng minh không còn quá lo lắng về thế trận hạt nhân của Nga không có nghĩa là họ hoàn toàn bác bỏ mối đe dọa này. Một số quan chức phương Tây vẫn lo ngại nguy cơ leo thang liên quan đến việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.

Hai tình huống mà Mỹ cho rằng Nga có thể chuyển sang xung đột hạt nhân là khi lực lượng Nga sắp bị đánh bại trên chiến trường, hoặc nếu quân đội Ukraine đe dọa Crimea, bán đảo huyết mạch mà Nga tuyên bố sáp nhập vào năm 2014.

Các chuyên gia cho rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân có sức công phá hủy diệt này cho mục đích mở rộng lãnh thổ. Thay vào đó, Moscow sẽ chỉ dùng chúng trong trường hợp lực lượng của họ phải rút lui và đối mặt với tổn thất nặng nề.

Trong báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế hồi tháng 1, cựu quan chức Lầu Năm Góc và NATO, ông William Alberque, cho biết Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược (NSNW) để buộc phương Tây tỉnh táo và giải quyết xung đột theo điều kiện của Moscow.

Về phần mình, Tổng thống Putin mới đây nói rằng, phương Tây sai lầm khi nghĩ Nga không bao giờ dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, với tình hình hiện nay, Moscow thấy không cần thiết phải sử dụng loại vũ khí này.

Theo một số chuyên gia, rủi ro xung đột giữa Nga và phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, vì các nhà lãnh đạo phương Tây không thể mong đợi Nga sẽ ngồi yên khi những cảnh báo của nước này liên tục bị phớt lờ và lằn ranh đỏ có nguy cơ bị vượt qua. Nga có thể sẽ không tiến hành một cuộc tấn công trực diện vào một quốc gia thành viên NATO, nhưng có thể tìm ra những cách khác để khiến các nước NATO gặp khó khăn và bất an hơn, theo Time.

Theo FT, Time, CBC, NYT