1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Tổng thống Putin bất ngờ công bố đề xuất hòa bình với Ukraine?

Thành Đạt

(Dân trí) - Các điều kiện đàm phán hòa bình được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trước thềm hội nghị về Ukraine vào cuối tuần này.

Vì sao Tổng thống Putin bất ngờ công bố đề xuất hòa bình với Ukraine? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc gặp với lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga tại Moscow ngày 14/6 (Ảnh: Reuters).

"Đương nhiên, chúng tôi để mở các đề xuất", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với hãng tin Tass hôm 14/6 khi được hỏi các đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ kéo dài trong bao lâu.

"Tuy nhiên, tình hình ở tiền tuyến đang thay đổi nhanh chóng và có thể sẽ đến lúc nó thay đổi theo hướng khiến vị thế của chính quyền Kiev trở nên tồi tệ hơn", ông Peskov nói thêm.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Putin đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi quân sự hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư, trong khi cố vấn của ông Zelensky, Mikhail Podolyak, nói rằng các sáng kiến mới của Nga "không có đề xuất hòa bình thực sự".

Người phát ngôn Điện Kremlin lưu ý rằng chính quyền Kiev sẽ cần thời gian để suy nghĩ. Theo ông Peskov, Tổng thống Putin đã chọn thời điểm này để công bố đề xuất vì hội nghị hòa bình về Ukraine ở Thụy Sĩ chuẩn bị diễn ra.

"Sẽ không có cuộc đối thoại nào về hòa bình ở đó. Họ sẽ chỉ thảo luận về nhiều vấn đề nhân đạo giả tạo. Trong bối cảnh này, sáng kiến hòa bình (của Nga) rất phù hợp", ông Peskov nói thêm.

Quan chức nga nhấn mạnh rằng điều quan trọng là Moscow phải đạt được các mục tiêu của mình.

"Đây là những mục tiêu mà Tổng thống Putin cố gắng đạt được và thúc đẩy các sáng kiến khác nhau trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Peskov tuyên bố.

Theo ông Peskov, Nga đã nỗ lực sử dụng các biện pháp chính trị và ngoại giao cho đến giây phút cuối cùng. Và chỉ khi tất cả những nỗ lực này đã cạn kiệt, Nga mới tiến hành các hoạt động quân sự.

"Tất nhiên, đàm phán hòa bình vẫn được ưu tiên hơn", người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh.

Ông Peskov cũng cho biết các nước phương Tây chắc chắn sẽ xem xét các sáng kiến của Tổng thống Putin về vấn đề Ukraine. Ông khẳng định phản ứng và cách lý giải của tổng thống Ukraine về đề xuất của Nga là "hoàn toàn sai lầm" vì Nga "không đưa ra bất kỳ tối hậu thư nào".

"Chúng tôi đã nhắc lại rằng điều quan trọng là Nga phải đạt được các mục tiêu đã đặt ra ban đầu cho chiến dịch quân sự đặc biệt (tại Ukraine). Tất nhiên, tốt nhất là đạt được bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao. Và chỉ khi các biện pháp này bị bác bỏ hoàn toàn, mọi biện pháp quân sự mới được thực hiện. Và đó là lý do chiến dịch quân sự đặc biệt đang được thực hiện", thư ký báo chí của tổng thống Nga kết luận.

Ông Peskov cho biết, mặc dù nhiệm kỳ tổng thống Ukraine của ông Volodymyr Zelensky đã hết, nhưng điều này không gây trở ngại cho việc bắt đầu các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev về giải quyết xung đột.

"Việc ông Zelensky thiếu tính hợp pháp không phải là trở ngại. Tổng thống Nga đã tuyên bố rõ ràng về tính bất hợp pháp của Tổng thống Zelensky, nhưng điều này không có nghĩa là ở Ukraine không có đại diện hợp pháp nào. Tổng thống đã phân tích rõ ràng các quan điểm liên quan trong hiến pháp Ukraine và tuyên bố rằng có các lực lượng hợp pháp trong hiến pháp Ukraine trong bối cảnh hiện tại", ông Peskov nói thêm.

"Trong tình hình hiện nay, ai là người tổ chức đàm phán không quan trọng. Các cuộc đàm phán có sự tham gia của các chuyên gia, người có chuyên môn và những cuộc đàm phán này rất khó khăn. Điều quan trọng nhất là kết quả đàm phán được ấn định bởi các đại diện hợp pháp. Và có những đại diện như vậy ở Ukraine", ông Peskov nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với các phóng viên rằng Moscow sẽ ủng hộ những đề xuất mới nhất của Tổng thống Putin về giải pháp ở Ukraine và mong chờ phản hồi từ các nước.

"Nếu tín hiệu này cho đến nay vẫn chưa được ai nghe thấy, điều đó có nghĩa là chúng tôi một lần nữa cảm thấy thất vọng về các đối tác phương Tây", ông Lavrov nói.

Theo đề nghị của Ukraine, Thụy Sĩ đã lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine vào ngày 15-16/6 tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock.

Sự kiện xoay quanh thảo luận "công thức hòa bình" của Ukraine. Công thức hòa bình được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra cuối năm 2022. Đây là một bản đề xuất gồm 10 điểm, trong đó có các yêu cầu như Nga phải rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường chiến tranh.

Chính phủ Thụy Sĩ ngày 10/6 tiết lộ, đã có 90 quốc gia, tổ chức đăng ký tham dự hội nghị. Nga hiện không được mời tham dự, song giới chức Thụy Sĩ cho biết, đây là hội nghị nhằm xác định lộ trình để đưa cả Nga và Ukraine tham gia tiến trình hòa bình trong tương lai.

Trong khi đó, Moscow gọi hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ là thiếu mục tiêu rõ ràng và hoàn toàn "lãng phí thời gian". Ngoài Nga, một số nước như Trung Quốc, Brazil, Ả Rập Xê Út đã từ chối dự hội nghị với nhiều lý do khác nhau.

Theo Tass