1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia phương Tây "giải mã" thông điệp hạt nhân của Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho rằng, việc giới lãnh đạo Nga liên tục đề cập đến vấn đề hạt nhân gần đây nhằm phát đi thông điệp răn đe phương Tây.

Chuyên gia phương Tây giải mã thông điệp hạt nhân của Nga - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Sputnik).

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/6 tuyên bố, Nga sẽ tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân của nước này như một biện pháp răn đe và tự vệ.

"Chúng tôi có kế hoạch phát triển hơn nữa bộ 3 hạt nhân như một sự đảm bảo cho khả năng răn đe chiến lược và duy trì cán cân quyền lực trên thế giới", chủ nhân Điện Kremlin nói.

Bộ 3 hạt nhân mà Tổng thống Putin đề cập đến gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên đất liền, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược, tất cả đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Trước đó, ông cũng tuyên bố, Nga đang cân nhắc khả năng thay đổi học thuyết của nước này về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo học thuyết hiện tại, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân, hoặc trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công thông thường gây ra mối đe dọa cho sự sống còn của nước Nga.

Mặc dù vậy, ông Putin khẳng định, Nga không cần tấn công hạt nhân phủ đầu.

Các chuyên gia của ISW có trụ sở tại Washington (Mỹ) cho rằng, đây dường như là thông điệp răn đe của Nga nhằm cản trở sự hỗ trợ hơn nữa của phương Tây dành cho Ukraine.

ISW nhận định, mặc dù mối đe dọa leo thang hạt nhân là yếu tố then chốt trong chiến lược của Nga nhằm tác động đến việc ra quyết định của phương Tây, song việc leo thang hạt nhân thực sự vẫn khó có thể xảy ra do các cơ chế răn đe hạt nhân và thông thường.

Theo ông Dmitry Kornev, người sáng lập cổng thông tin Quân sự Nga, ông Putin đang gửi một thông điệp rõ ràng tới phương Tây. Tuy nhiên, ông Korrnev cho rằng sẽ không có những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách hạt nhân của Nga.

"Không có thay đổi nào liên quan đến... lực lượng hạt nhân chiến lược, việc triển khai vũ khí hạt nhân trong các tài liệu cơ bản của Nga", ông Kornev nói.

Ông phân tích, có 4 tình huống mà Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân và động thái của Moscow nhiều khả năng chỉ là nêu chi tiết hơn những tình huống đó.

Gần đây, Nga liên tục đưa ra các thông điệp hạt nhân. Một trong những thông điệp đó được phát đi thông qua cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật giữa Nga và Belarus hồi đầu tháng này.

Giới phân tích tin rằng, cuộc diễn tập này dường như là tín hiệu cảnh báo phương Tây ngừng can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến ở Ukraine, đặc biệt sau khi lãnh đạo một số nước ủng hộ phương án đưa quân đến Ukraine và cho phép Kiev sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga.

Bản thân các nước phương Tây tuy quyết định nới lỏng chính sách viện trợ Ukraine hơn nữa, nhưng vẫn lo ngại khả năng leo thang xung đột hạt nhân từ việc cho phép Ukraine dùng vũ khí tập kích lãnh thổ Nga. Đó là một trong những lý do hàng đầu khiến Mỹ vẫn cấm Ukraine khai hỏa tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS vào lãnh thổ Nga.

Theo Sputnik Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine