DNews

Những diễn biến định hình bức tranh thế giới năm 2024

Nhóm phóng viên
Nhóm phóng viên

(Dân trí) - Thế giới năm 2024 tiếp tục chứng kiến hàng loạt sự kiện chấn động trên nhiều lĩnh vực, tác động đáng kể tới cục diện của các khu vực cũng như toàn cầu.

Những diễn biến định hình bức tranh thế giới năm 2024

Chiến sự Nga - Ukraine tiếp diễn năm thứ 3

Những diễn biến định hình bức tranh thế giới năm 2024 - 1

Lính Ukraine khai hỏa về phía Nga ở Donetsk (Ảnh: Reuters).

Cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài năm thứ 3 với nhiều diễn biến giằng co, dai dẳng. Ukraine rơi vào tình thế bất lợi khi các lực lượng Nga đạt được đà tiến trên chiến trường. Vào tháng 5, lực lượng Moscow mở chiến dịch tạo vùng đệm ở khu vực Kharkov, tuy nhiên họ mới chỉ chiếm thêm rất ít lãnh thổ do bị ngăn chặn quyết liệt.

Bước ngoặt lớn xảy ra vào tháng 8 khi lực lượng Kiev đột kích vào vùng Kursk, đánh dấu cuộc tấn công trên bộ đầu tiên của một lực lượng quân sự nước ngoài vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II, đồng thời khiến Moscow bất ngờ.

Tuy nhiên, chiến dịch này của Ukraine được đánh giá là một "sai lầm chiến lược" vì không những không khiến Nga phải rút bớt quân từ chiến trường về nước, mà còn giúp Moscow củng cố vị trí, đạt các bước tiến lớn ở miền Đông Ukraine cũng như có vị thế tốt hơn trong bất cứ cuộc đàm phán tiềm tàng nào với Kiev.

Việc Mỹ và phương Tây cho phép Kiev dùng vũ khí tầm xa viện trợ tập kích sâu vào lãnh thổ Nga phần nào giúp ngăn chặn đà tiến công của đối phương. Tuy nhiên, Nga dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm Oreshnik đáp trả khiến nhiều nước lo ngại.

Kiev cáo buộc Triều Tiên đưa quân tới Kursk sát cánh cùng Nga, nhưng cả Moscow và Bình Nhưỡng đều bác bỏ cáo buộc.

Cuộc chiến Nga - Ukraine giờ đây đang đứng trước triển vọng có thể kết thúc vào năm 2025. 

Sau khi ông Donald Trump - người từng tuyên bố có thể giúp chấm dứt chiến sự tại Ukraine trong 24 giờ nếu tái đắc cử - chiến thắng trong bầu cử Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có lập trường mềm mỏng hơn khi tuyên bố để ngỏ thỏa thuận ngừng bắn.

Còn phía Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết Slovakia - nước thành viên Liên minh châu Âu có biên giới chung với Ukraine - có thể là địa điểm thích hợp cho các cuộc đàm phán trong tương lai về giải quyết xung đột với Kiev.

"Lò lửa" Trung Đông bùng cháy

Những diễn biến định hình bức tranh thế giới năm 2024 - 2

Một người đàn ông Palestine ôm đầu trước quang cảnh khủng khiếp sau vụ ném bom của Israel nhằm vào trại tị nạn Jabalia ở phía bắc Dải Gaza (Ảnh: Reuters).

Trung Đông tiếp tục chứng kiến một năm nóng rực với các mâu thuẫn và xung đột đan xen giữa nhiều quốc gia, nhiều lực lượng: Cuộc xung đột kéo dài chưa có hồi kết tại Gaza, sự đối đầu gia tăng giữa Israel và Iran, chính biến tại Syria. 

Sau cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng Hamas vào Israel ngày 7/10/2023, Israel đẩy mạnh làn sóng tấn công nhằm vào các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza. Tel Aviv cũng công khai đối đầu "Trục kháng chiến" gồm một loạt nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn, ngoài Hamas còn có lực lượng Hezbollah ở Li Băng, Houthi ở Yemen và các nhóm vũ trang ở Syria.

Israel bị nghi đã hạ sát hàng loạt thủ lĩnh cấp cao của lực lượng Hezbollah, đồng thời đưa quân vào Li Băng, gây thiệt hại nặng Hezbollah.

Cuộc đối đầu giữa Israel và Iran càng ngày trở nên gay gắt. Nhằm đáp trả hành động gây hấn của Tel Aviv nhằm vào các cơ sở ngoại giao, hôm 14/4, Iran đã tiến hành đòn tập kích đường không ồ ạt bằng tên lửa và UAV nhưng được sự trợ giúp của Mỹ, Anh và các đồng minh, Israel tuyên bố đánh chặn thành công 99% vũ khí mà đối phương sử dụng.

Trước nguy cơ bị đứt gãy trục kháng chiến và bị Tel Aviv qua mặt ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran hồi tháng 7, hôm 1/10, Iran đã tiến hành đòn tập kích ồ ạt vào Israel bằng 180 tên lửa đạn đạo, khiến lưới lửa canh trời trứ danh của đối phương gặp nhiều khó khăn.

Đổi lại, Israel cũng tiến hành tấn công trả đũa, phòng không Iran dường như bất lực nên đã có thiệt hại. Hai nước sau đó chủ động xuống thang.

Hơn lúc nào hết, khu vực Trung Đông rất cần một thỏa thuận đình chiến để khôi phục hòa bình sau hơn một năm chiến tranh cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người dân vô tội. Thỏa thuận đình chiến giữa Israel và Li Băng đã tạm thời chấm dứt cuộc xung đột kéo dài và đẫm máu nhất giữa hai bên trong nhiều thập niên, đồng thời mang lại hy vọng một thỏa thuận tương tự sẽ đạt được ở Dải Gaza.

Giới quan sát cho rằng Israel phải chấp nhận đình chiến do quân đội nước này đã chạm ngưỡng thiếu hụt nhân sự khi phải căng mình ra nhiều mặt trận cùng lúc. Dù chỉ là tạm thời, thỏa thuận đình chiến giữa Israel và Li Băng đã giúp khôi phục hòa bình ở một trong những điểm nóng nhạy cảm nhất thế giới, tạo điều kiện để thúc đẩy đàm phán cho cuộc xung đột tại Dải Gaza.

Bầu cử tổng thống Mỹ: Sự trở lại của ông Donald Trump

Những diễn biến định hình bức tranh thế giới năm 2024 - 3

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: EPA).

Mùa bầu cử tổng thống Mỹ khép lại với chiến thắng thuộc về ứng viên Cộng hòa Donald Trump. Đây là một kết quả có thể dự đoán trước, nhưng diễn biến cuộc bầu cử là chuỗi những sự kiện bất ngờ, khó đoán, đầy kịch tính.

Cuộc đua vào Nhà Trắng ban đầu được xác định là cuộc đua song mã giữa ứng viên Dân chủ, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, và ứng viên Cộng hòa Donald Trump. Tuy nhiên, ông Biden bất ngờ rút khỏi đường đua sau cuộc tranh luận có phần thua kém so với ông Trump.

Việc lựa chọn Phó Tổng thống Kamala Harris làm ứng viên thay thế đã mang lại cho đảng Dân chủ một động lực mới trong giai đoạn đầu. Các thăm dò dư luận đều cho thấy một cuộc đua sít sao giữa bà Harris và ông Trump.

Đường đua vào Nhà Trắng tiếp tục có bước ngoặt nữa khi ông Trump liên tục trở thành mục tiêu ám sát. Những vụ ám sát hụt vô tình góp phần tạo đòn bẩy cho chiến dịch tranh cử thành công của ông. Cuối cùng, ông Trump đã giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ Harris trong cuộc bầu cử lịch sử.

Sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump báo hiệu sẽ tác động lớn đến tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới.

Kinh tế thế giới phục hồi nhưng vẫn mong manh

Những diễn biến định hình bức tranh thế giới năm 2024 - 4

Kinh tế toàn cầu phục hồi trong năm 2024 nhưng vẫn đối mặt nhiều rủi ro (Ảnh: Reuters).

Kinh tế thế giới năm 2024 tiếp tục chứng kiến nhiều biến động, thiên tai và các rủi ro địa chính trị như cuộc xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng leo thang ở Trung Đông.

Tuy nhiên, các dữ liệu cho thấy kinh tế toàn cầu về cơ bản phục hồi khá ấn tượng và có những tín hiệu lạc quan.

Báo cáo công bố trong tháng này của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay đạt 3,1%, thấp hơn một chút so với năm ngoái.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đánh giá kinh tế toàn cầu ổn định, với điểm sáng là Mỹ và các nước mới nổi châu Á.

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế châu Á công bố giữa tháng 12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nâng mức dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á năm nay lên 4,7%, từ mức 4,5% dự báo trước đó.

Tỷ lệ lạm phát toàn cầu tiếp tục đà giảm xuống còn 4,6% và được dự đoán về mức 3,5% vào năm sau. Các ngân hàng trung ương trên thế giới cuối cùng đã có thể bắt đầu hạ lãi suất, sau khi hạ nhiệt được lạm phát mà không gây ra suy thoái.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại tình hình có thể có nhiều biến động vào năm 2025.

Chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể kéo theo một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn, lạm phát có thể tăng trở lại trong khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố có thể áp thuế 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và lên đến 60% với hàng hóa từ Trung Quốc. Các chuyên gia cảnh báo, chính sách này có thể dẫn tới những tác động với thương mại toàn cầu.

Công nghệ mới "lột xác" tương lai tác chiến

Những diễn biến định hình bức tranh thế giới năm 2024 - 5

Một xuồng không người lái tự sát của Ukraine (Ảnh: Quân đội Ukraine).

Trong năm 2024, công nghệ quân sự đã tiến bộ đáng kể, tập trung vào việc nâng cao hiệu quả tác chiến, nhận thức tình huống và khả năng phòng thủ. Các xu hướng chính bao gồm: Trí tuệ nhân tạo trong hoạt động theo dõi thời gian thực, ra quyết định chiến đấu, phát hiện mối đe dọa.

Cùng với đó, công nghệ robot và hệ thống tự động là một điểm nhấn tiêu biểu, với sự xuất hiện của hàng loạt phương tiện không người lái trên không, trên bộ, trên mặt nước và dưới lòng biển. Chúng giúp làm giảm nguy cơ binh sĩ bị thiệt mạng trong chiến đấu và gia tăng hiệu quả tác chiến.

Với sự gia tăng của UAV trong tác chiến, công nghệ chống lại vũ khí này đã trở nên thiết yếu. Các công nghệ tiên tiến như hệ thống xung điện từ (EMP) đang được phát triển để vô hiệu hóa máy bay không người lái của đối phương một cách hiệu quả.

Cuộc đua về vũ khí siêu vượt âm tiếp tục nóng lên khi các cường quốc dồn nguồn lực vào phát triển những tên lửa có khả năng bay nhanh hơn ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh. Ngoài ra, các biện pháp ngăn chặn vũ khí này cũng được phát triển.

Vũ khí năng lượng định hướng: Việc phát triển và triển khai vũ khí laser đã có nhiều tiến triển, mang đến phương tiện mới để chống lại các mối đe dọa như máy bay không người lái và tên lửa một cách chính xác và nhanh chóng.

Năm 2024 chứng kiến cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc về quân sự trong bối cảnh căng thẳng tại nhiều điểm nóng trên thế giới không ngừng hạ nhiệt.

Mỹ đang tập trung vào công nghệ UAV tự động điều khiển bằng AI và phòng thủ tên lửa siêu vượt âm. Trung Quốc tích cực theo đuổi công nghệ UAV bầy đàn và phát triển hải quân. Nga ưu tiên các vũ khí siêu vượt âm và nâng cao năng lực tác chiến điện tử tiên tiến.

Trong khi đó, EU và Ấn Độ tập trung vào các dự án hợp tác cũng như tăng cường tự chủ trong việc nâng cao năng lực quân sự.

Các tiến bộ về công nghệ phản ánh sự chuyển dịch theo hướng máy móc sẽ tác chiến tự chủ hơn, các hệ thống vũ khí kết nối chặt chẽ hơn và dựa trên dữ liệu, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả và khả năng thích ứng trong chiến tranh hiện đại.

Cạnh tranh địa chính trị tăng nhiệt: NATO và BRICS cùng mở rộng

Những diễn biến định hình bức tranh thế giới năm 2024 - 6

Hội nghị BRICS tại Nga năm 2024 (Ảnh: Reuters).

Vào tháng 3, Thụy Điển chính thức trở thành thành viên thứ 32 của NATO, sau Phần Lan một năm trước đó. NATO cho biết, việc họ mở rộng liên minh là do các mối đe dọa an ninh gia tăng, đặc biệt là từ Nga, và thể hiện khả năng thích ứng với thực tế địa chính trị đang thay đổi.

Trong khi củng cố khả năng phòng thủ tập thể, sự mở rộng này cũng làm sâu sắc thêm sự chia rẽ với Nga, tạo tiền đề cho căng thẳng khu vực gia tăng.

NATO đang tăng cường sự hiện diện của mình ở Bắc Âu. Sự mở rộng này nhấn mạnh sự chuyển dịch từ cách tiếp cận kiềm chế sau Chiến tranh Lạnh sang tăng trưởng chủ động, đảm bảo một chiếc ô an ninh rộng hơn cho các thành viên của mình.

Sự mở rộng này báo hiệu cam kết của NATO trong việc ngăn chặn Nga nhưng có nguy cơ làm leo thang căng thẳng với Moscow, có khả năng dẫn đến quân sự hóa hơn nữa dọc theo biên giới của NATO.

Ngoài ra, NATO cũng đang tăng cường hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với việc các nước thành viên mở rộng quan hệ đối tác ở châu Á thông qua hợp tác tăng cường và các sáng kiến chung. Giới quan sát nhận định, NATO có xu hướng muốn liên minh hướng tới mục tiêu lớn hơn, trên phạm vi toàn cầu.

Trong năm 2024, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - được mở rộng bằng cách kết nạp Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Sự mở rộng này tăng cường ảnh hưởng kinh tế và nhân khẩu học của BRICS, với 10 quốc gia thành viên hiện đại diện cho hơn 1/4 nền kinh tế toàn cầu và gần một nửa dân số thế giới.

Việc đưa các quốc gia giàu tài nguyên như Ả Rập Xê Út và UAE vào sẽ củng cố vị thế của liên minh trên thị trường năng lượng toàn cầu, có khả năng thách thức sự thống trị của phương Tây trong các lĩnh vực này.

Sự mở rộng của BRICS vào năm 2024 đánh dấu một động thái chiến lược hướng tới ảnh hưởng toàn cầu lớn hơn của các nền kinh tế mới nổi, nhằm định hình lại trật tự quốc tế và giảm bớt tầm ảnh hưởng của phương Tây. Hiện có hàng chục quốc gia khác đã bày tỏ mong muốn trở thành một phần của BRICS.

Việc NATO mở rộng nhấn mạnh cam kết của khối này đối với an ninh tập thể, trong khi BRICS tìm cách thách thức sự thống trị của phương Tây và thúc đẩy trật tự thế giới đa cực.

Cả hai sự mở rộng đều phản ánh sự liên kết chiến lược được thúc đẩy bởi căng thẳng địa chính trị, với NATO tập trung vào an ninh và BRICS nhấn mạnh vào hợp tác kinh tế và các cấu trúc quản trị thay thế.

Chính biến Syria rung chuyển Trung Đông

Những diễn biến định hình bức tranh thế giới năm 2024 - 7

Chân dung Tổng thống Assad bị xé ở Syria (Ảnh: Getty).

Vào cuối tháng 11, một liên minh các phe đối lập ở Syria đã phát động cuộc tấn công lớn chống lại các lực lượng ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar Assad.

Cuộc tấn công được thực hiện bởi một số nhóm đối lập có vũ trang ở Syria do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo và được hỗ trợ bởi các phe phái đồng minh được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Cuộc tấn công đầu tiên diễn ra ở tiền tuyến giữa Idlib do phe đối lập nắm giữ và tỉnh Aleppo lân cận. Phe chống chính phủ Syria tiến công rất nhanh, chỉ trong vòng 2 tuần, hàng loạt thành phố lớn của Syria thất thủ. 

Rạng sáng 8/12, các lực lượng đối lập tuyên bố giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus, lật đổ chính quyền Assad, đánh dấu kết thúc hơn 50 năm cầm quyền của gia tộc Assad.

Nga xác nhận Tổng thống Assad đã từ chức và rời khỏi Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cấp quy chế tị nạn cho gia đình ông Assad và họ đang ở Moscow.

Sau khi chính quyền Assad bị lật đổ, ông Mohammed al-Bashir, người từng lãnh đạo chính quyền do nhóm Hồi giáo HTS điều hành ở Idlib, đã được bổ nhiệm làm thủ tướng lâm thời Syria.

Về nguyên nhân khiến chính quyền Assad sụp đổ nhanh chóng: Thứ nhất, Syria đang gặp khó khăn khi nền kinh tế suy thoái khiến tỷ lệ ủng hộ ông Assad ngày càng sụt giảm; thứ hai, niềm tin của quân đội sụt giảm, khiến binh sĩ bỏ chạy trước sự tiến công của phe đối lập; thứ ba, chính quyền Assad và quân đội Syria phụ thuộc sự hỗ trợ của Nga và Iran nhiều năm qua, tuy nhiên cả Nga và Iran hiện tại đều có những mối bận tâm khác, với Moscow là cuộc chiến ở Ukraine, với Tehran là cuộc xung đột giữa Hezbollah, Hamas với Israel.

Cuộc chính biến được coi là bước ngoặt lớn đối với Syria cũng như với cán cân quyền lực ở Trung Đông. Nga được cho là đã rút quân khỏi các căn cứ quân sự ở Syria, động thái có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Moscow trong khu vực.

Thiết quân luật gây khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc

Những diễn biến định hình bức tranh thế giới năm 2024 - 8

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu trước toàn quốc tại Văn phòng Tổng thống ở Seoul vào ngày 12/12 sau lệnh thiết quân luật (Ảnh: Reuters).

Ngày 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bất ngờ tuyên bố thiết quân luật, cáo buộc đảng đối lập chính có chính sách thân Triều Tiên và có các hoạt động chống lại nhà nước. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1980, Hàn Quốc ban bố thiết quân luật. 

Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu ngay trong đêm để chặn lệnh thiết quân luật của Tổng thống. Sắc lệnh được vô hiệu hóa sau 6 giờ, nhưng đã khiến chính trường Hàn Quốc rúng động.

Tổng thống Yoon hôm 7/12 đã xin lỗi toàn dân trên truyền hình quốc gia và cam kết không trốn tránh nghĩa vụ pháp lý liên quan đến việc bất ngờ ban bố thiết quân luật.

Các đảng đối lập đã đệ trình kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon và kêu gọi ông từ chức. Bộ Tư pháp Hàn Quốc ra quyết định cấm xuất cảnh đối với Tổng thống Yoon trong lúc giới chức trách điều tra ông với cáo buộc nổi loạn, phản quốc. Liên quan đến lệnh thiết quân luật, cảnh sát Hàn Quốc cũng bắt giữ khẩn cấp hàng loạt quan chức cấp cao.

Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 bỏ phiếu thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon liên quan lệnh thiết quân luật. Động thái này khiến ông Yoon bị đình chỉ mọi quyền hạn tổng thống và phải trao lại quyền lực cho Thủ tướng Han Duck-soo, người trở thành quyền Tổng thống.

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ có 180 ngày để quyết định "số phận" của Tổng thống Yoon. Nếu tòa án ủng hộ kiến nghị luận tội, ông Yoon sẽ bị phế truất. Nếu ông Yoon bị phế truất, Hàn Quốc phải tổ chức bầu cử và chọn ra tổng thống kế nhiệm trong vòng 60 ngày kể từ khi có phán quyết.

Đội luật sư của Tổng thống Yoon cho đến nay vẫn phủ nhận mọi cáo buộc và tìm cách thuyết phục Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc không phế truất tổng thống. Nếu tòa án bác bỏ kiến nghị luận tội, ông Yoon sẽ được khôi phục quyền lực.

COP29: Bước đột phá về thị trường carbon và tài chính khí hậu

Những diễn biến định hình bức tranh thế giới năm 2024 - 9

Quốc kỳ các nước tại Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức ở Baku, Azerbaijan vào ngày 20/11 (Ảnh: Reuters).

Diễn ra vào ngày 11-22/11 tại Baku, Azerbaijan với sự tham gia của gần 200 quốc gia và 90 nhà lãnh đạo thế giới, Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) với chủ đề "Đoàn kết vì một thế giới xanh" đã đạt được những kết quả mang tính đột phá.

Thành tựu lớn đầu tiên của COP29 là đã đạt được thỏa thuận về tài chính khí hậu có tên gọi "Mục tiêu Định lượng Tập thể Mới". Theo đó, các quốc gia phát triển đã cam kết tăng gấp 3 nguồn tài chính cho các nước đang phát triển, từ 100 tỷ USD mỗi năm trước đây lên 300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2035. 

Khoản tài trợ này nhằm hỗ trợ các nỗ lực thích ứng và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo. Vì vậy, đây không chỉ là bước đột phá về mặt tài chính mà còn là một cam kết chính trị mạnh mẽ của các quốc gia phát triển nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Một thành tựu nổi bật khác tại COP29 chính là việc tháo nút thắt cho một thị trường carbon toàn cầu theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris, giúp thiết lập tiêu chuẩn mới cho thị trường tín chỉ carbon. 

Việc đạt được sự đồng thuận về thị trường carbon toàn cầu giúp các bên tháo gỡ điểm nghẽn trong nhiều năm và hoàn thiện các mục tiêu giảm phát thải của Thỏa thuận Paris.

Bên cạnh 2 kết quả đột phá trên, COP-29 còn đạt được một số đồng thuận tích cực khác như tăng cường các tiêu chuẩn báo cáo khí hậu minh bạch; chính thức khởi động Quỹ tổn thất và thiệt hại hay đưa ra Sáng kiến Baku về Phát triển Con người nhằm Thích ứng với Biến đổi Khí hậu…

COP29 khép lại với nhiều đồng thuận đạt được, mang đến những hy vọng mới cho thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Tuy vậy, COP30 diễn ra tại thành phố Belém (Brazil) vào tháng 11/2025 được dự báo mới là một trong những hội nghị khó khăn nhất, bởi đây là cơ hội cuối cùng để các quốc gia đưa ra kế hoạch rõ ràng cho mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5⁰C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 

Bán đảo Triều Tiên: "Nóng" nhất trong 70 năm qua

Những diễn biến định hình bức tranh thế giới năm 2024 - 10

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Bình Nhưỡng ngày 19/6 (Ảnh: Reuters).

Trong năm 2024, tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, khiến giới quan sát nhận định đây là năm "nóng" nhất đối với quan hệ liên Triều 70 năm qua.

Sóng gió bắt đầu nổi lên trên bán đảo Triều Tiên ngay từ đầu năm khi ngày 15/1 nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Hàn Quốc là "đối thủ chính" của Bình Nhưỡng. Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên quyết định hủy bỏ các cơ quan phụ trách quan hệ với Hàn Quốc và thừa nhận sự tồn tại của cả hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên.

Những tháng tiếp theo, Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ thử nghiệm vũ khí và tên lửa rầm rộ, gồm cả tên lửa hành trình và tên lửa liên lục địa. Điển hình là vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-19 ngày 31/10 được truyền thông nhà nước Triều Tiên đánh giá "mạnh nhất thế giới". 

Căng thẳng liên Triều dường như bị đẩy lên đến đỉnh điểm khi ngày 15/10 Triều Tiên cho nổ các đoạn đường bộ và đường sắt kết nối với Hàn Quốc từng được coi là biểu tượng quan trọng của tiến trình hòa giải.

Phía bên kia giới tuyến, Hàn Quốc cũng không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự, tiếp tục duy trì và mở rộng các cuộc tập trận nhằm củng cố mối quan hệ đồng minh với Mỹ. 

Năm 2024, tam giác Mỹ - Nhật - Hàn đẩy mạnh liên kết cả về ngoại giao, an ninh và quân sự khi lần đầu tiên ba bên tiến hành cuộc tập trận hải quân chung ở phía nam bán đảo Triều Tiên vào tháng 1, cùng với 2 cuộc tập trận không quân trong tháng 6 và tháng 11.

Bên cạnh căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, tình hình bán đảo Triều Tiên năm 2024 cũng bị tác động mạnh bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc trên thế giới.

Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện Nga - Triều Tiên được hai bên ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bình Nhưỡng hồi tháng 6 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 4/12. 

Theo thỏa thuận giữa hai nước, trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào một trong hai quốc gia thì quốc gia còn lại cam kết sẽ hỗ trợ, kể cả các phương tiện quân sự theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc.

Trong khi đó, ngày 11/7, Mỹ và Hàn Quốc cũng đã ký thỏa thuận về răn đe hạt nhân mới nhằm nâng cao khả năng ứng phó với các mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng từ Triều Tiên.

Những tháng cuối năm 2024, tình hình bán đảo Triều Tiên còn bị chi phối bởi 2 diễn biến chính trị lớn ở Mỹ và Hàn Quốc. Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền nhiệm kỳ 2 ở Mỹ và chính biến "thiết quân luật" liên quan tới Tổng thống Yoon Suk-yeol ở Hàn Quốc chắc chắn sẽ có những tác động sâu sắc tới bán đảo Triều Tiên trong năm 2025 và những năm tiếp theo.