DMagazine

Nhận diện "Giấc mộng Trung Hoa" sau bước ngoặt Đại hội Đảng 20

(Dân trí) - Đại hội 20 là dấu mốc mới cho tương lai của Trung Quốc, trong đó cho thấy các định hướng, cơ hội phát triển và cả thách thức không nhỏ ở nội tại và cả bên ngoài mà Trung Quốc phải đối mặt.

CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA TRUNG QUỐC SAU ĐẠI HỘI ĐẢNG 20

Đại hội 20 là dấu mốc mới cho tương lai của Trung Quốc, trong đó cho thấy các định hướng, cơ hội phát triển và cả thách thức không nhỏ ở nội tại và cả bên ngoài mà đất nước này phải đối mặt.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bế mạc ngày 22/10, với việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là kỳ Đại hội quan trọng giúp định hình chặng đường phát triển tiếp theo của Trung Quốc trên con đường hiện thực hóa "Giấc mộng Trung Hoa".

Đại hội 20 là sự kiện hết sức quan trọng đối với Trung Quốc, được tổ chức vào thời điểm then chốt khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hoàn thành mục tiêu "100 năm thứ nhất", xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện và bước vào hành trình mới thực hiện mục tiêu "100 năm thứ hai" là  xây dựng Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt.

Đường lối chính trị

Nhận diện Giấc mộng Trung Hoa sau bước ngoặt Đại hội Đảng 20 - 1

Đại hội 20 cho thấy vai trò của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tăng cường (Ảnh: AFP).

Đại hội xác định, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc". Thành công lớn nhất về lý luận là Trung Quốc đã xây dựng "tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới" (hay còn gọi là "tư tưởng Tập Cận Bình"), trong đó nội hàm cốt lõi gồm các mục tiêu, chiến lược phát triển Trung Quốc cả bên trong lẫn bên ngoài để đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hiện đại và hiện thực hóa được "Giấc mộng Trung Hoa" vào giữa thế kỷ XXI.

Đại hội 20 đã thông qua nghị quyết về việc sửa đổi Điều lệ Đảng, trong đó bổ sung nội dung "hai xác lập", bao gồm: xác lập vị trí hạt nhân của ông Tập Cận Bình trong Trung ương Đảng và trong toàn Đảng và xác lập vai trò chỉ đạo của tư tưởng Tập Cận Bình về "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" thời đại mới; nhấn mạnh vai trò của tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới như là thành quả mới nhất của việc Trung Quốc hóa, thời đại hóa chủ nghĩa Mác.

Điều lệ Đảng cũng bổ sung các nhiệm vụ hiện đại hóa kiểu Trung Quốc để thúc đẩy phục hưng dân tộc, hướng tới thịnh vượng chung, thúc đẩy phát triển chất lượng cao, đẩy nhanh xây dựng bố cục phát triển mới, phát huy tinh thần đấu tranh và tự cách mạng, đẩy mạnh việc học tập lịch sử Đảng và một số nội dung quan trọng khác.

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội

Nhận diện Giấc mộng Trung Hoa sau bước ngoặt Đại hội Đảng 20 - 2

Bảy thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình (chính giữa), (bên trái từ trên xuống) Bí thư Thượng Hải Lý Cường, Bí thư thứ nhất Ban Bí thư Vương Hỗ Ninh, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đảng Đinh Tiết Tường. (Bên phải từ trên xuống) Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Triệu Lạc Tế, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Lý Hi (Ảnh: Reuters).

Kể từ Đại hội 19, Trung Quốc đã đưa ra mục tiêu "phát triển chất lượng cao" thay vì phát triển tốc độ cao như thời kỳ trước, đồng nghĩa với việc hướng đến một nền kinh tế hùng mạnh, tự chủ và phát triển bền vững. Đây là xu thế sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới và theo như phát biểu của ông Tập tại Đại hội 20, "thịnh vượng chung" là mục tiêu chính cho các chính sách phát triển và chiến lược kinh tế trong tương lai.

Để hiện thực hóa mục tiêu 100 năm lần thứ hai, Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì quan điểm phát triển mới "Sáng tạo, hài hòa, xanh, mở cửa, chia sẻ". Đây sẽ là quan điểm mang tính chiến lược trong xây dựng "cục diện phát triển mới" của Trung Quốc với trọng tâm là đẩy nhanh xây dựng hệ thống đáp ứng nhu cầu trong nước hoàn chỉnh; tự lực, tự cường về khoa học công nghệ; thúc đẩy nâng cấp chuỗi ngành, nghề, chuỗi cung ứng; thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14", tập trung vào chiến lược kinh tế "Tuần hoàn kép" nhằm đảm bảo nền kinh tế đủ phát triển trong tất cả lĩnh vực quan trọng để có thể ứng phó với sự gián đoạn về tài chính, thương mại và nguồn lực đôi khi phát sinh trên thị trường quốc tế. Các lĩnh vực công nghệ cao cũng được chú trọng, nhất là về công nghệ sinh học, chất bán dẫn và phương tiện năng lượng mới; phát triển xanh, giảm bất bình đẳng; ổn định thị trường nhà ở, việc làm, tài chính; nâng cao vị thế đồng nhân dân tệ, nghiên cứu đồng tiền số; tiếp tục thúc đẩy các hiệp định hợp tác phục vụ phát triển trong nước; xây dựng văn hóa văn minh Trung Quốc.

Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tiêu chuẩn cao, trong đó thị trường đóng vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực và chính phủ thực hiện tốt hơn vai trò của mình.

Tăng cường an ninh quốc gia

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) đánh giá, Báo cáo Chính trị mà Chủ tịch Tập Cận Bình trình bày tại Đại hội 20 cho thấy, Trung Quốc ngày càng tập trung cao vào an ninh quốc gia.

Báo cáo chính trị đã đề cập đến một vấn đề hoàn toàn mới đó là tập trung vào quan niệm "đa chiều" và mở rộng về an ninh quốc gia, được mô tả là "nền tảng của sự trẻ hóa quốc gia". Báo cáo kêu gọi các quan chức Trung Quốc thúc đẩy an ninh quốc gia trong tất cả các lĩnh vực và công việc của Đảng và đất nước, duy trì "sự lãnh đạo tập trung, thống nhất đối với công tác an ninh quốc gia". Đáng chú ý, Báo cáo có tới 91 lần đề cập đến từ "an ninh" (tăng 37 lần so với Báo cáo tại Đại hội Đảng lần thứ 19).

Nhiều nỗ lực được nêu trong phần an ninh quốc gia mới sẽ giúp Trung Quốc có thể đối phó tốt hơn với một loạt các tình huống hoặc tình huống khẩn cấp không lường trước được, bao gồm cả khủng hoảng hoặc xung đột bên ngoài.

Việc Báo cáo đề cập đến việc tăng cường cơ chế chống lại các lệnh trừng phạt, can thiệp của nước ngoài và quyền tài phán dài hạn cho thấy, Bắc Kinh không loại trừ khả năng sẽ có các biện pháp đáp trả mạnh tay đối với Mỹ và phương Tây nhằm tăng cường khả năng tự cường của Trung Quốc và bảo vệ nền kinh tế nước này khỏi những tác động tồi tệ nhất của các lệnh trừng phạt.

Đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội

Mục tiêu hiện đại hóa quân đội sẽ tiếp tục được Trung Quốc đẩy mạnh. Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 20, ông Tập Cận Bình cho biết: "Đảng sẽ cố gắng đáp ứng các mục tiêu hiện đại hóa, bao gồm cả việc xây dựng một quân đội đẳng cấp thế giới"; cam kết đẩy nhanh hơn việc hiện đại hóa quân đội, nhân sự và vũ khí; nâng cao các khả năng chiến lược của quân đội, trong đó có khả năng răn đe.

Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố các tổ chức Đảng trong lực lượng vũ trang, xây dựng các cơ chế để cải thiện công tác chính trị của quân đội, thi hành kỷ luật và chống tham nhũng trong quân đội, tăng cường công tác huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, củng cố quản trị quân đội toàn diện, nâng cao các chiến lược tích hợp quốc gia và các khả năng chiến lược.

Nhận diện Giấc mộng Trung Hoa sau bước ngoặt Đại hội Đảng 20 - 3

Các binh sĩ Trung Quốc trong một duyệt binh (Ảnh: AFP).

Quyết tâm thống nhất Đài Loan

Nói về vấn đề Đài Loan, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ không từ bỏ phương án sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn phong trào đòi độc lập.

Đây không phải là dấu hiệu hay những thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Bắc Kinh với vấn đề Đài Loan bởi nó phù hợp với báo cáo tại Đại hội Đảng lần thứ 19 vào năm 2017 cũng như các báo cáo và tuyên bố khác. Tuy nhiên, quyết tâm thúc đẩy hoàn thành tiến trình thống nhất đối với Đài Loan đã được đưa vào trong Điều lệ Đảng sửa đổi tại kỳ Đại hội này với nội dung: "Thực hiện đầy đủ, trung thành và kiên quyết chủ trương "Một quốc gia, hai chế độ"; kiên quyết phản đối và răn đe phe đòi "Đài Loan độc lập".

Theo nhiều chuyên gia, thời gian gần đây, Trung Quốc đại lục đã tạo lập một "trạng thái bình thường mới" có lợi cho mình trong vấn đề Đài Loan, đó là chiếm thế chủ động về chiến lược trong quan hệ giữa hai bờ eo biển và quan hệ với Mỹ. Trong đó, đối với Đài Loan, Trung Quốc có thể sẽ thực hiện việc thống nhất khi đạt được các ưu thế áp đảo về quân sự và khi điều kiện chín muồi. Đối với Mỹ, Trung Quốc sẵn sàng có các động thái đáp trả mạnh mẽ hơn giai đoạn trước trong các vấn đề liên quan Đài Loan.

Đường lối đối ngoại

Bất chấp "những thay đổi mạnh mẽ" trong bối cảnh quốc tế, những gì mà Trung Quốc thể hiện tại Đại hội Đảng 20 vừa qua cho thấy sự nhất quán đáng kể với các tuyên bố trước đây của Bắc Kinh về quan điểm chính sách đối ngoại, các mục tiêu và nguyên tắc an ninh quốc gia.

Các học giả dự đoán, chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thời gian tới sẽ không có những thay đổi lớn mà chủ yếu sẽ là các thay đổi mang tính cụ thể, làm sâu sắc hơn hoặc đẩy nhanh tiến trình thực tiễn dựa trên các khung chiến lược có sẵn. Trọng tâm chiến lược trong đường lối đối ngoại của Trung Quốc sẽ tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, mục tiêu của Bắc Kinh trong 5 năm tới là "nâng cao vị thế và ảnh hưởng quốc tế, đồng thời đóng vai trò lớn hơn trong quản trị toàn cầu". Báo cáo chính trị tại Đại hội nhấn mạnh việc thúc đẩy hòa bình và phát triển thế giới, đẩy mạnh xây dựng cộng đồng chung vận mệnh là mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh "ngoại giao láng giềng". Trung Quốc khẳng định kiên trì phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước trên nguyên tắc cùng chung sống hòa bình, thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới; thúc đẩy phối hợp, tương tác tích cực giữa các nước lớn; kiên trì phương châm ngoại giao láng giềng "thân, thành, huệ, dung" và thân thiện với láng giềng.

Tư tưởng "ngoại giao láng giềng" là cấu phần quan trọng của Tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình bởi ông Tập coi các khu vực xung quanh Trung Quốc là điểm tựa chiến lược trong công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Trong bối cảnh hiện nay, "ngoại giao láng giềng" được xem là chìa khóa quan trọng để Trung Quốc nắm thế chủ động trong cấu trúc an ninh khu vực, mở rộng sự ủng hộ và các mối quan hệ trước sự kiềm tỏa của Mỹ và phương Tây.

Ba là, tiếp tục xây dựng và thể hiện phong cách ngoại giao nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã tích cực triển khai chiến lược "ngoại giao chiến lang", nhất là đối với các vấn đề mà họ coi thuộc về "chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia", tuy nhiên, sẽ có những điều chỉnh nhất định và "mềm hóa" tùy từng thời điểm.

Việc Trung Quốc theo đuổi phong cách "ngoại giao chiến lang" là điều được dự đoán, nhất là trong bối cảnh đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh lên chứ không còn phải "giấu mình chờ thời" như trước.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục hoàn thiện và đưa ra các lý luận, quan điểm, sáng kiến mới mang đặc sắc Trung Quốc tương tự như Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), "Sáng kiến Phát triển Toàn cầu" (GDI), "Sáng kiến An ninh Toàn cầu" (GSI) để củng cố vững chắc vị thế "kim chỉ nam" của tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình. Chú trọng tìm kiếm và nhấn mạnh những giá trị chung toàn cầu nhằm khẳng định mong muốn góp phần xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế kiểu mới, cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu và kiến tạo "cộng đồng chung vận mệnh nhân loại" giữa bối cảnh thế giới đang trải qua "cục diện thay đổi to lớn trăm năm có một" như ông Tập đã nhận định.

Năm 2023, Trung Quốc sẽ kỷ niệm 10 năm triển khai BRI, do đó đây sẽ là nội dung mà Trung Quốc tích cực tuyên truyền trong công tác đối ngoại trong thời gian tới.

Những thách thức phía trước

Nhận diện Giấc mộng Trung Hoa sau bước ngoặt Đại hội Đảng 20 - 4

Trung Quốc vẫn đang duy trì chính sách Zero Covid (Ảnh: Reuters).

Một là, sự già hóa dân số Trung Quốc ngày càng nhanh: Đây sẽ là thách thức về kinh tế và xã hội lớn nhất đối với Trung Quốc. Theo các nhà nhân khẩu học, mặc dù Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ người nhưng tỷ lệ sinh đang trên đà giảm xuống mức thấp kỷ lục ngay trong năm nay. Dự đoán chỉ có chưa tới 10 triệu trẻ ra đời trong năm 2022 so với con số 10,6 triệu được sinh ra vào năm ngoái. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc hiện vào nhóm thấp nhất trên thế giới.

Báo Financial Times đánh giá, việc già hóa dân số khá nhanh sẽ ảnh hưởng tới các lợi thế kích thích tăng trưởng và quản lý khủng hoảng kinh tế của Bắc Kinh.

Hai là, về kinh tế: Nền kinh tế Trung Quốc đang bước vào giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của chính sách chống dịch "Zero Covid" (Không Covid) và cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, lần đầu tiên nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với phần còn lại của châu Á sau hơn 30 năm.

Các chuyên gia nhận định, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang chịu áp lực phải có sự cải tổ về kinh tế, báo hiệu những chuyển dịch xa hơn nữa khỏi nền kinh tế thị trường vốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập kỷ qua để có thể đạt được mục tiêu "thịnh vượng chung". Tham vọng của ông Tập Cận Bình là xác định lại sự tiến bộ, không phải ở khía cạnh tạo ra mức tăng trưởng hai con số, mà là giải quyết các thách thức lâu dài như suy giảm nhân khẩu học, bất bình đẳng xã hội và giá bất động sản cao - qua đó đáp ứng "nhu cầu ngày càng tăng của mọi người về một cuộc sống tốt đẹp hơn". 

Ba là, về chính sách "Zero Covid": Trong khi hầu hết thế giới đã cởi mở và học cách sống chung với Covid-19, Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách "Zero Covid". Cách tiếp cận này có thể làm gia tăng áp lực kinh tế, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên gia tăng.

Bốn là, về sự tự lực về công nghệ:  Quan hệ Trung - Mỹ ngày càng xấu đi và việc thắt chặt khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài của các công ty Trung Quốc đã khiến các nhà lãnh đạo đảng không chỉ xem xét lại các nguồn tăng trưởng kinh tế của đất nước mà còn buộc họ phải điều chỉnh lại cách tiếp cận đối với các vấn đề đối ngoại.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tăng cường thúc đẩy tự lực về công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực chiến lược do sự suy yếu của các thị trường xuất khẩu chủ chốt và sự gia tăng cạnh tranh địa chính trị với Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là Trung Quốc vốn có truyền thống dựa vào sự kết nối với phần còn lại của thế giới để hỗ trợ đổi mới, sáng tạo, do đó tham vọng tự lực về công nghệ của Trung Quốc chưa rõ sẽ đi được bao xa.

Năm là, các thách thức từ bên ngoài: Trung Quốc sẽ gặp không ít thách thức trong quá trình phát triển, mở rộng ảnh hưởng khi Mỹ và phương Tây không nhìn về Trung Quốc giống như cách mà ông Tập Cận Bình và đảng Cộng sản Trung Quốc hình dung.

Mặc dù tại Đại hội 20, ông Tập Cận Bình đã bày tỏ tin tưởng rằng, sức mạnh và triển vọng của Trung Quốc đang tăng lên, nhưng ông cũng đưa ra những cảnh báo rõ ràng về sự gia tăng các mối đe dọa và thách thức từ bên ngoài mà Trung Quốc phải đối mặt. Điều lệ Đảng sửa đổi mà Đại hội 20 vừa thông qua đã thể chế hóa những lo ngại của ông Tập Cận Bình khi bổ sung một số cụm từ như "đấu tranh", "phấn đấu", vốn được sử dụng khi nói về các thách thức hoặc các mối đe dọa bên ngoài.

Bên cạnh đó, môi trường địa chiến lược và địa chính trị khu vực và thế giới có những biến động bất ngờ, khó dự báo cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển và trỗi dậy của Trung Quốc trong thời gian tới.

Có thể nói, Đại hội 20 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với chu kỳ phát triển của Trung Quốc và cá nhân ông Tập Cận Bình, định hình sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc khi hoạch định một cách khoa học các chủ trương lớn, mục tiêu, nhiệm vụ đối với sự phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đất nước Trung Quốc trong 5 năm tới, thậm chí dài hơn. Những định hướng chính sách, những cơ hội và cả thách thức đang đón chờ Trung Quốc ở phía trước và việc Trung Quốc thành công tới đâu sẽ phụ thuộc vào sự chèo lái của Chủ tịch Tập Cận Bình, đội ngũ lãnh đạo chủ chốt và đảng Cộng sản Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị thế giới đầy biến động.

Nguyên Long