DNews

Nhà máy vũ khí Nga chạy ngày đêm, NATO chật vật chạy đuổi

Quốc Đạt

(Dân trí) - Khi các tiệm bánh và trung tâm mua sắm ở Nga trở thành nơi chế tạo vũ khí và trang bị quân sự phục vụ chiến dịch ở Ukraine, các nước NATO đang chật vật đuổi theo trong cuộc đua sản xuất quốc phòng.

Nhà máy vũ khí Nga chạy ngày đêm, NATO chật vật chạy đuổi

Đã từng có thời gian trung tâm mua sắm Itlamas ở thành phố Izhevsk, thuộc miền tây nước Nga, tượng trưng cho cuộc sống trung lưu tại xứ sở bạch dương. Mặt tiền nơi đây từng là vị trí đặt quảng cáo cho các nhãn hiệu H&M, McDonald's, hay Detsky Mir, chuỗi cửa hàng đồ chơi hàng đầu của Nga.

Lúc này, thương hiệu phương Tây và cả Nga đều đã biến mất. Trung tâm mua sắm Italmas hiện là Trung tâm nghiên cứu khoa học Italmas, chuyên sản xuất UAV tấn công Lancet cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine. Và đây chỉ là một trong nhiều địa điểm dân sự trở thành cơ sở sản xuất vũ khí kể từ khi chiến sự bùng nổ.

Tất cả chỉ là phần nổi của cuộc động viên kinh tế mà nước Nga hy vọng sẽ giúp dứt khoát thay đổi tình thế chiến sự tại Ukraine.

"Chúng ta đang ở trong hoàn cảnh mà Nga đang chi 40% GDP cho cuộc xung đột, cao hơn cả y tế và giáo dục", một quan chức phương Tây nói với Telegraph hồi tháng 1.

Đó là con số mà toàn bộ phương Tây đang chật vật bắt kịp. Các chuyên gia quốc phòng đánh giá, nỗ lực của Nga theo thời gian có thể mang lại ưu thế vượt trội về trang thiết bị để giành chiến thắng tại Ukraine.

Nhà máy vũ khí Nga chạy ngày đêm, NATO chật vật chạy đuổi - 1
Nhà máy vũ khí Nga chạy ngày đêm, NATO chật vật chạy đuổi - 2

Tòa nhà từng là Trung tâm mua sắm Itlamas ở thành phố Izhevsk, thuộc miền tây nước Nga, nay trở thành Trung tâm nghiên cứu khoa học Italmas, chuyên sản xuất UAV tấn công Lancet (Ảnh: Telegraph; Russia-1).

Cỗ máy Nga nhanh chóng vào guồng

Để phục vụ cho "chiến dịch quân sự đặc biệt", nền kinh tế Nga đã có bước chuyển đổi, đặt quốc phòng vào trung tâm.

Theo dự thảo ngân sách 2024-2026 mà Bộ Tài chính Nga công bố hồi tháng 10/2023, con số này sẽ là 10,78 nghìn tỷ rúp (109 tỷ USD) vào 2024, tương đương 29,4% tổng chi tiêu ước tính là 36,66 nghìn tỷ rúp. Trong khi đó vào năm 2021, một năm trước khi xung đột bùng nổ, chi tiêu quốc phòng của Nga chỉ chiếm 14,4% tổng chi tiêu.

Trong báo cáo trước Quốc hội vào tháng 12/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Nga đã sản xuất 1.530 xe tăng và 2.518 xe chiến đấu bọc thép.

Những con số này phản ánh mức tăng sản lượng xe tăng 560% kể từ tháng 2/2022, theo ông Shoigu. Sản lượng xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân lần lượt tăng 360% và 350%.

Dù vậy, mức sản xuất này mới chỉ đủ để bù vào những gì Nga tổn thất trên chiến trường, thay vì mở rộng quân đội, theo Telegraph.

Nhà máy vũ khí Nga chạy ngày đêm, NATO chật vật chạy đuổi - 3

So sánh múc chi tiêu quốc phòng của Nga so với một số nước (Đồ họa: Telegraph, Việt hóa: Quốc Đạt).

Về đạn pháo - vốn đóng vai trò thiết yếu trong cuộc xung đột Ukraine, các quan chức phương Tây hồi tháng 1 nói với tờ New York Times rằng Nga đang trên đà sản xuất 2 triệu quả /năm - gấp đôi ước tính ban đầu của phương Tây.

Tác động tới chiến trường là rất rõ ràng. Lúc này Nga đã giành lại ưu thế về hỏa lực mà họ có vào đầu chiến sự.

Theo Tổng thống Volodymyr Zelensky, trong cuộc tấn công kéo dài 5 ngày vào cuối tháng 12/2023, Nga đã bắn 500 tên lửa và UAV vào Ukraine.

Nghiên cứu do Viện Các quân chủng thống nhất hoàng gia (RUSI) của Anh công bố trong tháng 1 cho thấy Ukraine đã bắn 7.000 quả đạn pháo/ngày trong cuộc phản công mùa hè, nhiều hơn so với mức 5.000 quả của Nga. Nhưng vào đầu năm nay, lực lượng Nga đã bắn 10.000 quân, gấp 5 lần so với Ukraine.

Điều đó khiến Ukraine rơi vào thế bất lợi đáng kể. Thiếu đạn dược là một trong những lý do khiến thành trì Avdiivka của Ukraine thất thủ vào tháng 2, sau thời gian dài trụ vững.

"Chúng tôi vẫn chưa thấy ngưỡng giới hạn của Nga ở đâu", Mark Riisik, Phó giám đốc bộ phận hoạch định chính sách của Bộ Quốc phòng Estonia, nói với Guardian.

"Về cơ bản, 1/3 ngân sách quốc gia của họ được dành cho sản xuất quân sự và cho chiến sự ở Ukraine… Nhưng chúng ta không biết khi nào nó sẽ thực sự tác động đến xã hội. Vì thế mà khá là khó nói khi nào họ sẽ dừng lại", ông Riisik nói.

Nhà máy vũ khí Nga chạy ngày đêm, NATO chật vật chạy đuổi - 4

Nhà máy của Tập đoàn nghiên cứu và sản xuất Uralvagonzavod (Ảnh: RIA Novosti).

Những nhà máy chạy suốt ngày đêm

Các nhà máy sản xuất đạn dược, phương tiện và trang thiết bị quân sự ở Nga đang hoạt động suốt ngày đêm, thường theo ca 12 tiếng bắt buộc, theo Guardian. Nhu cầu về nhân lực vì thế cũng tăng mạnh, qua đó cải thiện thu nhập của công nhân.

Trong tháng 2, ông Putin tuyên bố 520.000 việc làm mới đã được tạo ra trong khu liên hợp công nghiệp - quân sự; và lĩnh vực này về tổng thể đang sử dụng khoảng 3,5 triệu người Nga, tương đương 2,5% dân số.

Nhà máy thuốc súng Kazan, một trong những nhà máy lớn nhất đất nước, đã tuyển dụng hơn 500 công nhân trong đợt tuyển dụng tháng 12/2023, khiến mức lương trung bình hàng tháng tại đây tăng hơn gấp 3 lần, từ 25.000 rúp (264 USD) lên 90.000 rúp (950 USD), theo giám đốc nhà máy Alexander Livshits.

Quảng cáo tuyển dụng của nhà máy này cho biết, công nhân sẽ làm ca đêm từ nửa đêm đến 8h hôm sau và sẽ không bị gọi nhập ngũ. Nhà máy cũng phải tuyển dụng nhiều người từ các tỉnh lân cận, qua đó cho thấy tình trạng thiếu nhân lực ở nước Nga.

Tình trạng ấy càng được nêu bật qua thực tế là chủ lao động cạnh tranh nguồn nhân lực với các nhà máy lại có thể chính là quân đội Nga với mức thu nhập hứa hẹn hơn 200.000 rúp/tháng (hơn 2.000 USD) cho những người đăng ký chiến đấu, theo Guardian.

Đó có thể là mức thu nhập đổi đời ở nhiều tỉnh của nước Nga.

"Chiến tranh đã dẫn đến sự tái phân bổ của cải chưa từng có, trong đó tầng lớp nghèo hơn được hưởng lợi từ chi tiêu của chính phủ cho khu liên hợp công nghiệp - quân sự", Guardian dẫn lời Denis Volkov, Giám đốc Trung tâm Levada, một công ty nghiên cứu xã hội học và thăm dò dư luận ở Moscow.

"Công nhân tại các nhà máy quân sự và gia đình binh sĩ chiến đấu ở Ukraine đột nhiên có nhiều tiền hơn để chi tiêu. Thu nhập của họ đã tăng lên đáng kể", ông Volkov nói.

Kết quả một cuộc thăm dò của Levada cho thấy, 5-6% những người "trước đây không có đủ tiền để mua hàng tiêu dùng như tủ lạnh thì nay đã chuyển lên tầng lớp trung lưu".

Theo phân tích của Moscow Times về dữ liệu lao động Nga vào tháng 11/2023, thợ máy và thợ hàn trong các nhà máy sản xuất trang bị quân sự của Nga đang kiếm được nhiều tiền hơn nhiều vị trí văn phòng như nhà quản lý và luật sư.

Nhà máy vũ khí Nga chạy ngày đêm, NATO chật vật chạy đuổi - 5

Một nhà máy làm bánh Nga hiện vừa sản xuất bánh mì, vừa sản xuất máy bay không người lái cho tiền tuyến (Ảnh: Telegraph).

Phương Tây nhất thời khó theo kịp

Tình hình gần như hoàn toàn tương phản ở phương Tây, ít nhất là ở những khía cạnh quan trọng nhất với Ukraine, như sản xuất đạn pháo.

Đến tháng 2/2023, một năm sau khi chiến sự xảy ra, sản lượng của châu Âu ước tính chỉ đạt 300.000 viên đạn pháo/năm. Vào tháng 11/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thừa nhận EU sẽ không thể đáp ứng cam kết của EU cung cấp cho Ukraine một triệu quả đạn pháo vào tháng 3 năm nay.

"Liệu Nga có thể vượt trội hơn phương Tây về mặt chế tạo tàu ngầm hoặc tàu khu trục hay không? Không, nhưng liệu họ có thể vượt phương Tây về sản xuất đạn pháo hay không? Có", Dmitri Alperovitch thuộc tổ chức tư vấn Silverado Policy Accelerator, cho biết.

"Nga đã rất nhanh chóng chuyển vào trạng thái sản xuất thời chiến, trong khi phương Tây chưa làm được điều này. Điều này dễ hiểu vì chúng ta không đang ở trong chiến sự và cuộc xung đột này không mang ý nghĩa sống còn với chúng ta như đối với Ukraine", ông Dmitri nói.

Theo Telegraph, sản lượng quốc phòng của Nga hiện nay khó có thể cung cấp đủ trang thiết bị để nước này tiếp tục tổng tấn công trong năm 2024. Nguyên nhân là 2 năm trước đó, Nga đã hứng chịu nhiều tổn thất.

Nhà máy vũ khí Nga chạy ngày đêm, NATO chật vật chạy đuổi - 6

Một số loại vũ khí tầm xa mà Nga sử dụng tại Ukraine (Đồ họa: Telegraph; Việt hóa: Quốc Đạt).

Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy Điện Kremlin đang suy nghĩ xa hơn cuối năm nay.

"Họ đang nói về việc huy động ngành công nghiệp quốc phòng trong 3 năm tới, điều đó có nghĩa là họ đang tính đến việc giao tranh trong ít nhất 3-4 năm nữa", Telegraph dẫn lời một người trong ngành quốc phòng.

Điều này có nghĩa là nếu phương Tây không hành động, Ukraine có thể thua cuộc.

Ngoài lý do chính trị, một yếu tố khiến phương Tây phản ứng chậm là do vấn đề kinh tế, theo ông Alperovitch.

Trong khi Nga vẫn duy trì ngành công nghiệp vũ khí phần lớn do nhà nước kiểm soát, Anh và phần lớn quốc gia phương Tây dựa vào cơ chế hợp tác với các công ty quốc phòng tư nhân - vốn có trách nhiệm thu lợi nhuận cho cổ đông.

"Bạn phải đầu tư chi phí đáng kể để bắt đầu dây chuyền sản xuất mới hoặc mở rộng dây chuyền sản xuất hiện có, bạn muốn đảm bảo rằng khoản đầu tư ban đầu sẽ được thu hồi", ông Alperovitch nói.

"Sẽ mất một vài năm để quá trình ấy hiệu quả về kinh tế và có lãi. Vì vậy mà hoàn toàn dễ hiểu khi các nhà thầu quốc phòng không muốn chịu thiệt thòi, đặc biệt khi liên quan tới các loại đạn dược như đạn pháo", ông nói.

"Họ biết rằng quân đội Mỹ và quân đội NATO không phụ thuộc nhiều vào pháo binh. Vì vậy, nếu chiến sự Ukraine sớm kết thúc và hy vọng là thế, họ lo ngại rằng sẽ không có nhiều khách hàng cho các dây chuyển sản xuất tăng cường", ông Alperovitch chỉ ra.

Theo Telegraph, Guardian, New York Times