Nga - Ukraine ăn miếng trả miếng: "Cuộc chơi bên miệng hố chiến tranh"
(Dân trí) - Các động thái "ăn miếng trả miếng" gần đây của Nga và Ukraine đã làm dấy lên nghi vấn về khả năng xung đột leo thang khi phương Tây dường như can dự sâu hơn vào cuộc chiến.
Ngày 21/11, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã phóng một tên lửa siêu vượt âm Oreshnik vào Dnipro, một thành phố trung tâm của Ukraine với dân số khoảng một triệu người.
Theo Tổng thống Putin, nếu được sử dụng trong một cuộc tấn công lớn vào các mục tiêu của đối phương, sức mạnh hủy diệt của tên lửa Oreshnik có thể so sánh với vũ khí hạt nhân chiến lược, đồng thời nhấn mạnh rằng không có biện pháp đối phó hiệu quả nào đối với hệ thống này.
Cuộc tấn công của Nga gây ra ít thiệt hại, nhưng đã đánh dấu một tuần quay cuồng với những động thái "ăn miếng trả miếng" liên tiếp trong cuộc chiến ở Ukraine, chuyển trọng tâm từ các cuộc giao tranh trên chiến trường sang một cuộc chiến tên lửa theo kiểu Chiến tranh Lạnh, đưa các bên vào tình thế "bên miệng hố chiến tranh".
Cuộc chơi "bên miệng hố chiến tranh" liên quan đến việc cho phép xung đột leo thang lên mức đỉnh điểm trước khi một giải pháp đàm phán được xem xét. Đây giống như một trò "thi gan", để xem bên nào sẽ nhượng bộ trước.
Hai ngày trước khi Nga phóng tên lửa đời mới, Ukraine đã bắn các tên lửa tầm xa do Mỹ và Anh cung cấp vào các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga. Tổng thống Putin nói rằng vụ phóng tên lửa của Nga là để đáp trả các cuộc tấn công của Ukraine và là lời cảnh báo với phương Tây rằng: Hãy xem xét lại viện trợ quân sự cho Kiev.
Trong suốt mùa thu, binh lính Triều Tiên được cho là bắt đầu được triển khai đến Nga. Các quan chức Mỹ và Ukraine cho biết khoảng 11.000 người trong số quân Triều Tiên sẽ tham gia chiến đấu cùng lực lượng Nga ở tỉnh Kursk, nơi Ukraine đã phát động chiến dịch đột kích xuyên biên giới vào tháng 8.
Mục tiêu của Nga là đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi vùng lãnh thổ mà Kiev đã kiểm soát.
Các quốc gia phương Tây cáo buộc việc đưa quân từ một nước thứ ba vào cuộc xung đột cho thấy sự leo thang của Moscow, đồng thời cho rằng đây là lý do chính đáng để Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS để bắn vào lãnh thổ Nga. Anh và Pháp cũng nhanh chóng "nối gót" bằng cách cho phép Ukraine bắn tên lửa hành trình Storm Shadow vào Nga.
Ukraine không mất nhiều thời gian để tung đòn giáng đầu tiên, tấn công một kho đạn của Nga bằng tên lửa đạn đạo của Mỹ và một sở chỉ huy của Nga bằng tên lửa hành trình của Anh.
Các tên lửa của Mỹ mà Ukraine được phép phóng vào lãnh thổ Nga đã buộc Nga phải di chuyển máy bay khỏi các sân bay gần biên giới và giúp ngăn chặn các hoạt động của Moscow ở khu vực Kursk.
Nga đáp trả bằng cách phê duyệt học thuyết hạt nhân mới, hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích rằng học thuyết sửa đổi cho Nga quyền xem xét phản ứng hạt nhân đối với việc Ukraine sử dụng tên lửa phi hạt nhân do phương Tây cung cấp để nhắm vào lãnh thổ Nga.
Sau đó, Nga bắn tên lửa đời mới vào Ukraine. Theo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, tên lửa mới của Nga bay với tốc độ gấp khoảng 11 lần tốc độ âm thanh.
Trước khi va chạm, tên lửa này đã phóng ra 6 đầu đạn và tiếp tục phóng thành 36 đầu đạn nhỏ. Thời gian bay của tên lửa từ vùng Astrakhan của Nga đến vùng Dnipro ở Ukraine chỉ mất khoảng 15 phút.
Tại Ukraine, nỗi lo sợ bao trùm là Nga sẽ tìm cách leo thang xung đột lên mức cao nhất trong những tháng cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Chiến lược của Moscow dường như là đưa ra nhiều mối đe dọa nhất có thể trước khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng và dàn xếp tiến trình đàm phán như ông từng cam kết.
Đòn "thử lửa" trong cuộc xung đột
Các cuộc đấu tên lửa tầm xa giữa Nga và Ukraine đã được tiến hành cùng với các cuộc giao tranh ở tiền tuyến, nhưng có ít ảnh hưởng rõ rệt trên thực địa. Điều này cho thấy các trận chiến tên lửa dường như phục vụ mục đích chính trị hơn là mục đích quân sự, theo báo New York Times.
Ukraine đang kỳ vọng rằng những bước tiến về quân sự sẽ tạo đòn bẩy trong bất kỳ cuộc đàm phán ngừng bắn nào với Nga. Trong khi đó, Moscow đang gia tăng các mối đe dọa về xung đột hạt nhân trước khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025.
Ông Trump đã bày tỏ sự hoài nghi về việc tiếp tục chương trình viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, đồng thời cho biết ông có ý định làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Tại Ukraine, cuộc tấn công vào thành phố Dnipro đã gây ra sự lo ngại. Tuy nhiên, khi cuộc tấn công này kết thúc, các nhà phân tích cho rằng sự kiện này thay đổi rất ít cục diện xung đột. Cả tên lửa do Mỹ cung cấp mà Ukraine vừa được cho phép bắn vào lãnh thổ Nga cũng như tên lửa đời mới mà Nga vừa phóng vào Ukraine đều không có số lượng đủ lớn để có tác động đáng kể về mặt quân sự.
Mặc dù vậy, Ukraine vẫn ở thế bất lợi đáng kể trên chiến trường, nơi lực lượng bị cho là lép vế hơn của Kiev đang dần rút lui trước các cuộc tấn công dữ dội của Nga.
"Ngay cả khi được cho phép để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga, Ukraine đang nhanh chóng tiến đến điểm mà nếu không giải quyết vấn đề nhân lực, họ sẽ phải vật lộn để bảo vệ toàn bộ mặt trận", Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), một nhóm phân tích liên kết với quân đội Anh, nhận định về triển vọng của Ukraine.
Phân tích của RUSI cho biết, nếu không có thêm binh lính, "sự sụp đổ trong các vị trí chiến đấu của Ukraine sẽ diễn ra nhanh hơn".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Nga đã tính toán thời điểm cho cuộc tấn công hôm 21/11, trước lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ sắp tới. Ông Zelensky cho biết mục tiêu của Nga là đẩy lực lượng Ukraine khỏi một phần lãnh thổ của Nga mà Kiev đang kiểm soát trước khi ông Trump nhậm chức.
Nhà lãnh đạo Ukraine nói thêm rằng việc phóng tên lửa siêu vượt âm mới là một phần trong kế hoạch này của Nga.
"Tôi chắc chắn rằng ông ấy muốn đẩy lùi chúng tôi ra trước ngày 20/1. Điều rất quan trọng đối với ông ấy là chứng minh rằng ông ấy đang kiểm soát tình hình", Tổng thống Zelensky đưa ra dự đoán về kế hoạch của Tổng thống Putin.
Theo Valentyn Badrak, nhà phân tích quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Nga, hành động của Nga "không nhắm vào hôm nay hay ngày mai, mà nhắm vào ngày 20/1, khi ông Trump trở thành tổng thống". Chuyên gia cho rằng Nga "muốn gây ảnh hưởng đến ông Trump và thương lượng nhiều hơn".
Các nhà phân tích Ukraine cho biết thiệt hại sau cuộc tấn công bằng tên lửa mới của Nga dường như không đáng kể. Roman Kostenko, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Tình báo tại Quốc hội Ukraine cho biết, chính quyền Ukraine đang điều tra xem liệu tên lửa này có mang đầu đạn giả hay không, vì nếu đầu đạn phát nổ, chúng chỉ phát nổ với lực rất nhỏ.
"Nếu tên lửa thực sự được bắn với đầu đạn rỗng, chúng ta nên hiểu đó hoàn toàn là một cuộc tấn công mang tính phô trương, không có mục đích quân sự thực sự nào", ông Kostenko nói.
Tuy vậy, Ukraine không sở hữu hệ thống phòng không có khả năng đánh chặn các tên lửa như vậy của Nga. Tổng thống Zelensky cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đã yêu cầu các đối tác phương Tây cung cấp thêm hệ thống phòng không để đối phó với các cuộc tấn công trong tương lai.
Một số nhà phân tích quân sự cho biết Ukraine có quá ít tên lửa ATACMS để gây tổn hại đáng kể đến hậu cần quân sự của Nga gần biên giới. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hàng trăm ATACMS, nhưng số lượng còn lại hiện chỉ còn chưa đầy 100 quả.
"Mỹ không thể cung cấp cho Ukraine số lượng cần thiết", Đại tá Serhiy Hrabsky, một nhà bình luận về cuộc xung đột, nói trong một cuộc phỏng vấn. Ông nhận định những tên lửa tầm xa của Mỹ hiện tại không tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến.
Con đường dẫn đến đối thoại?
Trong bối cảnh căng thẳng có xu hướng leo thang, một câu hỏi được đặt ra là Nga sẽ làm gì tiếp theo và liệu Nga có sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột ở Ukraine hay không.
Các nhà lãnh đạo phương Tây dường như xem nhẹ những gì mà họ coi là mối đe dọa hạt nhân từ Nga. Kể từ khi bắt đầu xung đột, các nước phương Tây đã nhiều lần vượt qua các "lằn ranh đỏ" do Nga đặt ra, từ cung cấp cho Ukraine xe tăng hiện đại, cho đến hệ thống tên lửa tiên tiến và sau đó là máy bay chiến đấu F-16.
Những "hậu quả" mà Nga từng dọa sẽ áp đặt nếu phương Tây vượt "lằn ranh đỏ" cho đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực.
Vào tháng 9, Tổng thống Putin tuyên bố ông sẽ hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, một cảnh báo rõ ràng gửi tới châu Âu và Mỹ về việc không được phép mở đường cho Ukraine tấn công bằng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga. Giờ đây, "lằn ranh đỏ" này tiếp tục bị vượt qua. Điều này đã đặt ra nghi vấn rằng, liệu những lời đe dọa của Nga nhằm vào Ukraine và phương Tây có thực sự đáng lo ngại không?
Theo Simon Schlegel, nhà phân tích cấp cao về Ukraine tại Nhóm Khủng hoảng Toàn cầu, sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump sẽ là yếu tố chính quyết định diễn biến của cuộc xung đột Nga - Ukraine, thậm chí có thể thay đổi tiến trình từ nguy cơ xung đột hạt nhân thành các cuộc đàm phán thực sự.
Với những diễn biến mới, Moscow đang định hình cuộc xung đột Ukraine là "cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và Mỹ" và có thể sẽ "sử dụng nhiều hơn nữa lập trường này", chuyên gia Schlegel nói với hãng tin Anadolu.
Ông Schlegel cho rằng, đây có thể là "cách tốt để đặt nền tảng" cho các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin.
"Đây là cơ hội để tuyên bố rằng đây là cuộc xung đột mà Nga đang trực tiếp đối đầu với Mỹ và NATO, sau đó sẽ đặt nền tảng để lập luận rằng trong trường hợp đàm phán, họ sẽ muốn đối thoại trực tiếp với Washington, điều mà ông Putin đã tìm kiếm từ lâu", chuyên gia nhận định.
Theo nhà phân tích Schlegel, Tổng thống Putin "thực sự muốn đối thoại với Washington, đặc biệt là khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ" và không có sự quan tâm đặc biệt nào trong việc đối thoại với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông cho biết Nga chắc chắn coi những động thái gần đây của Mỹ về việc "cởi trói" vũ khí tầm xa cho Ukraine là một sự leo thang, nhưng Moscow đã lường trước được tình huống này.
"Nga có thể cố gắng đáp trả bằng những bước đi mạnh mẽ hơn nữa, nhưng nhiều khả năng sẽ không bao gồm việc sử dụng hoặc đe dọa bằng vũ khí hạt nhân. Việc Kiev sử dụng tên lửa tầm xa có thể khá đau đớn đối với Nga, khi họ phải bảo vệ mạng lưới hậu cần chặt chẽ hơn. Họ sẽ phải chịu một số thiệt hại, nhưng thiệt hại không đến mức làm thay đổi cán cân của cuộc chiến", chuyên gia cho biết thêm.
Trong 2 tháng nữa, Tổng thống Joe Biden sẽ rời nhiệm sở và ông Trump sẽ vào Nhà Trắng. Ông Trump đã nhiều lần bày tỏ sự hoài nghi về viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine và đã chỉ trích dữ dội NATO. Ông Trump gần đây cũng tuyên bố việc đối thoại với ông Putin sẽ là "một điều thông minh".
Theo nhà phân tích Steve Rosenberg của đài BBC, sự xuất hiện của một nhà lãnh đạo như ông Trump trên chính trường Mỹ có thể khiến Nga bớt lo lắng hơn. Điều đó có nghĩa là, bất chấp những lời đe dọa và cảnh báo mới nhất, Điện Kremlin có thể quyết định không leo thang nghiêm trọng vào thời điểm này.
Nếu chính quyền Nga đã tính toán rằng ông Trump sẽ giúp chấm dứt chiến tranh theo các điều khoản có lợi cho Nga, phản ứng của Moscow cũng có thể thay đổi.
Theo New York Times, sự trở lại của ông Trump là một trong những lý do khiến Nga quyết định phóng tên lửa đời mới vào Ukraine và sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn.
Những cảnh báo của Tổng thống Putin về một cuộc chiến tranh "toàn cầu" trùng khớp với cảnh báo của Tổng thống đắc cử Trump về việc ông Biden đã mạo hiểm đẩy Mỹ vào Thế chiến III. Vì vậy, ông Putin - người đã nhanh chóng ca ngợi ông Trump sau khi ông thắng cử - có thể tin rằng việc thực hiện các bước đi quyết liệt hơn ngay bây giờ có thể giúp ông đạt được một thỏa thuận có lợi khi ông Trump nhậm chức.
"Tôi không thấy ông ấy lo lắng về việc hủy hoại cơ hội đạt được thỏa thuận với ông Trump - mà ngược lại. Ông Trump cho rằng các chính sách của ông Biden đang dẫn đến Thế chiến III và những gì ông Putin đang làm đã xác nhận điều này", Tatiana Stanovaya, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Carnegie Russia Eurasia, cho biết.
Kịch bản xung đột leo thang
Một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden tính toán rằng, nguy cơ leo thang xung đột của Nga đã giảm đi sau khi ông Trump đắc cử. Tuy nhiên ở Moscow, một số người đã hoài nghi về quan điểm này.
Một cựu quan chức cấp cao của Nga thân cận với Điện Kremlin tiết lộ, "không ai biết" liệu một thỏa thuận của Tổng thống Putin với Tổng thống đắc cử Trump có thực sự khả thi hay không. Nhưng trước mắt, Nga coi việc chính quyền Tổng thống Biden cởi trói vũ khí tầm xa cho Ukraine là một mối đe dọa, vì vậy, quan chức Nga cho rằng Moscow phải đáp trả.
"Các quan chức Mỹ đang đánh giá quá cao cả bản thân họ và tầm quan trọng của chương trình nghị sự của họ đối với những người khác", Dmitri Trenin, một chuyên gia về chính sách an ninh tại Trường Kinh tế Cao cấp Moscow, cho biết, ngụ ý rằng Tổng thống Putin không quá quan tâm đến việc ai nắm quyền lực ở Washington.
"Tổng thống Putin có lịch trình và chiến lược của mình, và ông ấy sẽ tuân theo chúng", chuyên gia Nga nhận định.
Tổng thống Putin nhiều lần ám chỉ rằng ông quan tâm đến một giải pháp đàm phán, miễn là Nga có thể giữ được vùng lãnh thổ mà Moscow đã giành được quyền kiểm soát ở Ukraine và Kiev đưa ra những nhượng bộ chính trị, như đảm bảo rằng nước này sẽ không gia nhập NATO.
Ông Putin thường đề cập đến một dự thảo hiệp ước mà các nhà đàm phán Ukraine và Nga đã đạt được trong những tháng đầu tiên của cuộc xung đột vào năm 2022, trong đó Ukraine tuyên bố sẽ "trung lập vĩnh viễn" và chấp nhận giới hạn về quy mô quân đội. Dự thảo này sau đó đã đổ vỡ và các cuộc đàm phán cũng rơi vào tình trạng bế tắc kể từ đó.
Samuel Charap, một nhà khoa học chính trị cấp cao tại Tập đoàn RAND cho biết Nga có thể "khá hoài nghi" về triển vọng đạt được thỏa thuận sau khi ông Trump nhậm chức, nhưng Nga "vẫn thừa nhận rằng cuối cùng họ cần một thỏa thuận".
Các quan chức Ukraine và phương Tây cho rằng, Tổng thống Putin chỉ đơn giản là đang tìm kiếm một thỏa thuận theo các điều khoản có lợi cho Nga, mặc dù điều đó không được Ukraine chấp thuận.
Các cuộc đàm phán năm 2022 giữa Nga và Ukraine đã đổ vỡ trong bối cảnh xuất hiện bất đồng về cách phương Tây có thể bảo vệ Ukraine khỏi một chiến dịch quân sự khác của Nga trong tương lai.
Vấn đề "bảo đảm an ninh" cho Ukraine có khả năng sẽ là yếu tố phức tạp nhất trong bất kỳ cuộc đàm phán nào được nối lại, sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng. Vấn đề này thậm chí còn quan trọng hơn việc Nga có thể kiểm soát bao nhiêu phần lãnh thổ ở Ukraine.
Cho đến lúc đó, các điều kiện dường như đã chín muồi để xung đột leo thang hơn nữa, vì cả Nga và Ukraine đều đang tranh giành các vị thế đàm phán tốt hơn trước khi ông Trump nhậm chức, và vì Tổng thống Putin dường như quyết tâm ngăn chặn việc mở rộng thêm viện trợ của phương Tây cho Ukraine, vốn có thể đưa xung đột tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
"Chúng ta đang trong một vòng xoáy leo thang", chuyên gia Charap tuyên bố.
Nga hiện kiểm soát 18% lãnh thổ Ukraine bao gồm toàn bộ Crimea, bán đảo mà Nga sáp nhập vào năm 2014, 80% vùng Donbass - gồm Donetsk và Lugansk - và hơn 70% vùng Zaporizhzhia và Kherson. Nga cũng kiểm soát chưa đầy 3% vùng Kharkov và một phần nhỏ của Mykolaiv. Tổng cộng, Nga kiểm soát hơn 110.000 km2 lãnh thổ Ukraine, trong khi Ukraine chỉ kiểm soát khoảng 650km2 vùng Kursk của Nga.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Nga, một nguồn tin cấp cao nắm rõ về các cuộc thảo luận cấp cao của Điện Kremlin, cho biết phương Tây sẽ phải chấp nhận "sự thật phũ phàng" rằng mọi sự hỗ trợ mà họ dành cho Ukraine không thể ngăn cản Nga giành thế áp đảo trong cuộc chiến.
Sau vụ phóng tên lửa đời mới của Nga, Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, khẳng định các quan chức Mỹ "rất coi trọng tuyên bố từ Nga, nhưng trọng tâm của Mỹ vẫn là Ukraine và hỗ trợ Ukraine".
Theo quan chức Ukraine Roman Kostenko, Kiev không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến đấu, bất chấp mối đe dọa xung đột hạt nhân từ Nga. Ông nói thêm rằng Ukraine sẽ không thay đổi cách nước này đang chiến đấu trong cuộc xung đột, bao gồm cả việc tấn công trả đũa vào các mục tiêu ở Nga để tự vệ.
Theo New York Times, Reuters, BBC, Newsweek