1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ có thể cấp cho Ukraine tên lửa xoay chiều xung đột, đe dọa lãnh thổ Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ sắp đạt được thỏa thuận cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình tầm xa JASSM trong bối cảnh xung đột leo thang.

Mỹ có thể cấp cho Ukraine tên lửa xoay chiều xung đột, đe dọa lãnh thổ Nga - 1

Tên lửa hành trình JASSM (Ảnh: Getty).

Theo hãng tin Reuters, Mỹ sắp đạt được thỏa thuận cung cấp tên lửa hành trình tầm xa JASSM cho Ukraine, nhưng Kiev sẽ phải đợi vài tháng để Washington giải quyết các vấn đề kỹ thuật trước khi chuyển giao.

Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, dự kiến việc đưa tên lửa JASSM của Mỹ vào gói vũ khí cho Ukraine sẽ được công bố vào mùa thu năm nay, tức là vào cuối tháng 11. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.

Các quan chức nói rằng, việc cấp tên lửa JASSM cho Ukraine có thể thay đổi đáng kể cục diện xung đột, vì phần lớn lãnh thổ Nga sẽ nằm trong tầm bắn của loại vũ khí chính xác và có khả năng tấn công mạnh mẽ này.

Trong khi đó, các nhà phân tích quân sự cho rằng việc sử dụng tên lửa JASSM, vũ khí có khả năng tàng hình và tầm bắn xa hơn hầu hết các tên lửa mà Ukraine hiện có, có thể buộc Nga phải di dời các kho dự trữ và kho tiếp tế ra xa hàng trăm km. Điều này có thể sẽ khiến Nga gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện các chiến dịch tấn công và có khả năng mang lại cho Ukraine lợi thế chiến lược.

Việc phóng tên lửa từ các điểm gần biên giới phía bắc của Ukraine, nơi giáp với Nga, có thể cho phép lực lượng Kiev tấn công các mục tiêu xa như các thành phố Voronezh và Bryansk của Nga. Trong khi đó, ở hướng nam, việc phóng tên lửa gần tiền tuyến có thể cho phép Ukraine tấn công các sân bay hoặc cơ sở hải quân ở bán đảo Crimea, nơi Nga tuyên bố sáp nhập vào năm 2014.

Theo Reuters, JASSM hiện chỉ được tích hợp trên máy bay do Mỹ phát triển. Trong khi đó, Ukraine sẽ sử dụng hàng chục máy bay chiến đấu F-16, mỗi máy bay có thể mang theo hai tên lửa hành trình.

Một quan chức Mỹ cho biết đã có những nỗ lực để tích hợp tên lửa JASSM trên các máy bay chiến đấu không phải của phương Tây mà Ukraine đang sở hữu. Tuy nhiên, quan chức Mỹ không nêu rõ loại máy bay nào.

Việc cung cấp JASSM cho Ukraine được coi là vấn đề nhạy cảm, vì sẽ gây thêm áp lực buộc Washington phải nới lỏng các hạn chế đối với Kiev trong việc sử dụng vũ khí của Mỹ tấn công lãnh thổ Nga.

Nga từ lâu đã cảnh báo phương Tây không được cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga, điều mà Moscow coi là leo thang căng thẳng. Nga cũng đã dọa sẽ cung cấp thiết bị quân sự tương tự cho các đối thủ của phương Tây để trả đũa, nếu những cảnh báo của Moscow không được lắng nghe.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước xác nhận quân đội nước này đã phóng tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới Oreshnik, phá hủy một cơ sở công nghiệp quân sự lớn của Ukraine tại Dnipro.

Theo lời chủ nhân Điện Kremlin, Oreshnik có tốc độ lên tới 3km/giây, khiến các hệ thống phòng không Ukraine không thể bắn hạ. Ông cho biết thêm, việc sử dụng Oreshnik nhằm đáp trả các vụ tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga gần đây bằng tên lửa do phương Tây viện trợ.

Đây là lần đầu tiên tên lửa này được đưa vào thực chiến. Các chuyên gia cho rằng tên lửa Oreshnik có tầm bắn khoảng 3.000-5.000km, có thể vươn đến hầu hết châu Âu.

Động thái của Nga diễn ra sau khi Mỹ và Anh được cho là đã "bật đèn xanh" để Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS và Storm Shadow tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga bất chấp cảnh báo của Moscow.

Theo RBC Ukraine