1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thông điệp của Nga sau vụ tấn công Ukraine bằng tên lửa thế hệ mới

Minh Phương

(Dân trí) - Tên lửa siêu vượt âm của Nga mang theo một thông điệp đơn giản tới phương Tây về Ukraine: hãy rút lui, nếu không, Moscow có quyền tấn công các cơ sở quân sự của Mỹ và Anh.

Thông điệp của Nga sau vụ tấn công Ukraine bằng tên lửa thế hệ mới - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Nga đã bắn một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung mới được gọi là Oreshnik vào Ukraine hôm 21/11. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết động thái này nhằm đáp trả trực tiếp cuộc tấn công của Ukraine bằng tên lửa Mỹ và Anh vào lãnh thổ Nga.

Ông cũng cho rằng xung đột ở Ukraine đang trở thành cuộc chiến toàn cầu. Ông tuyên bố, Nga đã kích hoạt quyền tấn công vào các cơ sở quân sự của những quốc gia cho phép Ukraine sử dụng tên lửa của họ để tấn công Nga, mà cho đến nay chỉ gồm Mỹ và Anh.

"Hãy dừng lại và rút lui"

Ông Sergei Markov, cựu cố vấn Điện Kremlin, bình luận với Reuters: "Ông Putin đang nói với phương Tây rằng hãy dừng lại và rút lui. Tín hiệu mà ông Putin đang gửi đến thế giới đó là: Nga coi những cuộc tấn công này là Mỹ và Anh đang trực tiếp tham gia vào một cuộc chiến chống lại Nga. Nhưng chúng tôi không dốc toàn bộ sức lực để đáp trả ngay bây giờ vì những cuộc tấn công này vào Nga sẽ không thể thay đổi kết quả của cuộc chiến".

Một nguồn tin giấu tên của Nga cho biết ông Putin đã ám chỉ rằng ông muốn tránh các động thái leo thang, mặc dù khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn khá cao.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine bắn tên lửa do nước này cung cấp vào các mục tiêu sâu bên trong nước Nga, một động thái nhằm đáp trả việc Triều Tiên đưa lực lượng quân sự đến Nga. Quyết định được đưa ra ngay sau chiến thắng của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 5/11.

Một trong các nguồn thạo tin cho biết hành động này là một phần trong chương trình nghị sự của ông Biden về Ukraine trong trường hợp Kiev mất đi sự ủng hộ của Mỹ sau khi ông Trump nhậm chức vào đầu năm tới.

Trong khi đó, các quan chức Nga coi động thái của ông Biden là sự liều lĩnh của một chính quyền sắp mãn nhiệm, nhằm tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng buộc ông Trump phải giải quyết khi nhậm chức.

Tuy nhiên, việc này khiến ông Putin rơi vào thế khó: nếu khiến căng thẳng leo thang ngay bây giờ, Nga có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng. Ngược lại, nếu không làm vậy, phương Tây có thể coi đó là sự yếu đuối và tiếp tục vượt qua các ranh giới đỏ của Nga.

Ông Putin từng cảnh báo vào tháng 9 rằng Moscow sẽ cập nhật học thuyết hạt nhân của mình để có thể sử dụng vũ khí hạt nhân đáp trả hành động sử dụng tên lửa thông thường của phương Tây tấn công Nga. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết đây không phải là lần đầu tiên Nga "vung thanh kiếm hạt nhân".

Vào ngày 19/11 sau khi Ukraine bắn tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất sâu vào lãnh thổ Nga, ông Putin đã chấp thuận hạ ranh giới hạt nhân vốn được đưa ra hai tháng trước đó. Trước động thái này, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ không thay đổi thế trận hạt nhân của mình, cũng như không nhận thấy sự thay đổi trong thế trận hạt nhân của Nga.

Khi được hỏi về thông điệp chính trong tuyên bố của ông Putin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, điều quan trọng là Nga sẽ đáp trả "hành động liều lĩnh" từ những nước phương Tây tham gia vào các cuộc tấn công Nga.

Bên cạnh lời cảnh báo các cơ sở quân sự của Mỹ và Anh có thể bị nhắm mục tiêu, ông Putin cho biết kế hoạch triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Washington ở châu Âu và châu Á có thể buộc Moscow làm điều tương tự, tức là đưa hỏa lực của Nga vào vị trí tấn công.

Jon Wolfsthal, cựu trợ lý đặc biệt của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và hiện là giám đốc rủi ro toàn cầu tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho biết: "Ông Putin được cho là ngày càng phụ thuộc vào vũ khí chiến lược, bao gồm tên lửa hạt nhân và tầm xa, để thúc đẩy Mỹ và NATO ngừng hỗ trợ cho Ukraine. Tôi nghĩ ông ấy không có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc chiến mà ông ấy đang thắng, nhưng muốn chúng ta lo lắng nhiều hơn, khiến ông Trump dễ dàng cắt viện trợ và rút lui hơn".

Ông Markov cho biết tuyên bố của ông Putin cũng hướng đến dư luận tại Nga, những người kêu gọi ông Putin tấn công trực tiếp vào phương Tây, thậm chí "tấn công mạnh tay".

Theo Tổng thống Nga, cuộc tấn công của Ukraine bằng ATACMS vào ngày 19/11 đã không gây ra bất kỳ thiệt hại nghiêm trọng nào. Nhưng cuộc tấn công một ngày sau đó bằng tên lửa Storm Shadow của Anh vào khu vực Kursk đã nhắm vào một điểm chỉ huy và dẫn đến thương vong.

Theo giới phân tích, việc Nga sử dụng tên lửa thế hệ mới để đáp trả là một cảnh báo rõ ràng đối với phương Tây, nhưng là một cảnh báo được hiệu chỉnh cẩn thận.

Ông Peskov cho biết Nga đáng lẽ không có nghĩa vụ phải báo trước cho Washington về cuộc tấn công, vì tên lửa này là tên lửa tầm trung chứ không phải liên lục địa, nhưng Moscow vẫn thông báo cho Mỹ trước 30 phút.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm