Nga phóng tên lửa mới vào Ukraine: "Thẻ đỏ" quyền lực của Tổng thống Putin
(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin dường như muốn gửi thông điệp cứng rắn tới Mỹ và chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sau vụ phóng tên lửa mới vào Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tối 21/11 xác nhận trên truyền hình quốc gia rằng Moscow đã phóng tên lửa thế hệ mới Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine để đáp trả việc Kiev tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa phương Tây. Đây là tên lửa siêu vượt âm tầm trung, không mang đầu đạn hạt nhân.
Ông Putin khẳng định Ukraine không có cách nào để đánh chặn tên lửa thế hệ mới này của Nga khi nó có tốc độ di chuyển nhanh gấp 10 lần âm thanh. Theo Trung tâm Kiểm soát và Chống phổ biến Vũ khí, một tên lửa tầm trung có thể có tầm bắn từ 1.000km đến 3.000km.
Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo chính sách khiêu khích của phương Tây có thể dẫn đến hậu quả lớn trong trường hợp leo thang hơn nữa.
Các chuyên gia cho rằng tuyên bố của Tổng thống Putin về việc sử dụng tên lửa mới để tấn công Ukraine được coi là lời cảnh báo quan trọng đối với phương Tây.
Sẵn sàng cho mọi kịch bản
Dmitry Suslov, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu và Quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp, cho biết tuyên bố của Tổng thống Putin đã chứng minh sự vô ích của các nước phương Tây khi hy vọng Nga sẽ chùn bước.
"Đó là một tuyên bố vô cùng mạnh mẽ, một tín hiệu rõ ràng cho các nước phương Tây rằng họ nên dừng lại, xem xét lại quyết định tấn công tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga và ngăn chặn sự leo thang hơn nữa, điều mà Nga đã sẵn sàng và sẽ đáp trả", ông Suslov nhận định.
Ông Suslov chỉ ra một thông điệp quan trọng trong bài phát biểu của Tổng thống Putin: "Nga tin chắc rằng phương Tây đã chuyển từ chiến tranh ủy nhiệm sang chiến tranh trực tiếp" và các bên đã "ở trong tình trạng xung đột toàn cầu".
Ông Suslov giải thích rằng tầm bắn của tên lửa mới cho phép chúng "tiếp cận" bất kỳ mục tiêu nào ở châu Âu.
"Để tránh điều này, phương Tây tốt nhất nên hạ nhiệt và xem xét lại quyết định tấn công vào lãnh thổ Nga cũng như dừng mọi cuộc tấn công trong tương lai", chuyên gia nhấn mạnh.
Andrey Kartapolov, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, cho rằng phương Tây nên "sợ hãi và run rẩy" sau tuyên bố của Tổng thống Putin về việc Nga sử dụng tên lửa mới nhất.
Fabian Rene Hoffmann, chuyên gia về vũ khí tại Đại học Oslo, cho biết theo quan điểm của Nga, "điều mà họ muốn nói với chúng ta là: "Hãy xem, cuộc tấn công đêm qua không phải là vũ khí hạt nhân, nhưng nếu các ông tiếp tục hành động, cuộc tấn công tiếp theo có thể sẽ là đầu đạn hạt nhân"".
Tín hiệu cho phương Tây
Theo tạp chí Forum của Brazil, việc Nga sử dụng tên lửa Oreshnik trong chiến dịch quân sự ở Ukraine đã gửi một tín hiệu rõ ràng tới các quốc gia NATO rằng, quân đội Nga có thể tấn công bất kỳ mục tiêu quân sự nào của NATO ở bất kỳ khoảng cách nào.
Forum cho rằng động thái này cũng làm "thức tỉnh" Ba Lan, vì sau khi Ba Lan đưa ra ý tưởng về việc thiết lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine, cho phép nước này bắn hạ tên lửa của Nga.
"Ông Putin đã giơ "thẻ đỏ" cho những ai tìm cách leo thang xung đột", chuyên gia Bulgaria Boyan Chukov nhận định.
Giám đốc Khoa học Quân sự của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, Matthew Saville, chỉ ra rằng việc Nga bắn tên lửa Oreshnik mới nhất đã gửi một tín hiệu tới phương Tây rằng Moscow đã sẵn sàng tham gia vào cuộc chạy đua tên lửa tầm trung.
Oleg Karpovich, Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác khoa học của Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cho biết Tổng thống Putin đã nói rõ với các nước phương Tây rằng hành động của họ có thể dẫn đến một cuộc xung đột hạt nhân toàn cầu.
Theo Phó chủ tịch đảng Yêu nước Thổ Nhĩ Kỳ (Vatan Partisi) Hakan Topkurul, tuyên bố của Tổng thống Putin liên quan đến việc sử dụng tên lửa siêu vượt âm phi hạt nhân nhằm vào Ukraine là một lời cảnh báo đanh thép đối với phương Tây và NATO.
Cựu sĩ quan Lục quân Mỹ Stanislav Krapivnik, cho rằng, trước hết, vụ phóng tên lửa của Nga đã gửi một thông điệp rất mạnh mẽ tới Mỹ, vì chính ông Donald Trump đã rút khỏi Mỹ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung, hiệp ước cấm toàn bộ tên lửa có thể phá hủy châu Âu.
Theo ông Krapivnik, Mỹ đã phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung của nước này vào thời điểm đó, đồng thời quyết định rút khỏi hiệp ước với lý do rằng Nga cũng đang phát triển tên lửa của riêng mình.
"Nga đã quay lại và phát triển một tên lửa tương đối nhanh chóng, và lại là tên lửa siêu vượt âm di chuyển với tốc độ Mach 10", ông Krapivnik giải thích.
Tổng thống Putin gọi quyết định đơn phương rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung của Mỹ là một sai lầm nghiêm trọng. Ông cũng nhấn mạnh Nga có quyền sử dụng vũ khí tấn công các cơ sở quân sự của những nước sử dụng vũ khí của họ để tấn công Nga.
Theo Điện Kremlin, Moscow đã cảnh báo Washington về cuộc tấn công sắp xảy ra trước 30 phút thông qua đường dây liên lạc để giảm thiểu rủi ro xung đột hạt nhân. Tuy nhiên, ông Krapivnik cho rằng, mặc dù Mỹ rõ ràng đã chuyển thông báo cho chính quyền Ukraine, nhưng Kiev vẫn không biết điều gì sắp xảy ra hoặc loại vũ khí nào đã tấn công họ.
Theo tạp chí Economist, vụ phóng tên lửa mới là nỗ lực của Nga nhằm thuyết phục các nước phương Tây kiềm chế không gia tăng sự can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Economist nhận định, Tổng thống Putin muốn gửi thông điệp tới chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump, khi họ vẫn đang trong quá trình định hình cách tiếp cận với cuộc xung đột Ukraine.
Economist lưu ý rằng, sau khi phê duyệt học thuyết hạt nhân mới vào ngày 19/11, Nga phát thông điệp cảnh báo rằng họ có thể sẽ tăng cường các biện pháp đáp trả nỗ lực quân sự của Kiev và phương Tây. Theo Economist, việc sử dụng tên lửa Oreshnik đã trở thành "một phần của kỷ nguyên mới về chiến tranh tên lửa".
Chứng minh năng lực
Theo Ralph Bosshard, một trung tá Thụy Sĩ đã nghỉ hưu chuyên nghiên cứu về chiến lược chính trị và quân sự, quốc gia đã cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev nên cân nhắc xem liệu họ có đánh giá thấp năng lực của Nga hay không.
"Đây là lần đầu tiên chứng minh khả năng của tên lửa. 2 năm trước, Mỹ và các đồng minh phương Tây thậm chí còn không tin rằng Nga có bất kỳ tên lửa siêu vượt âm nào. Điều đó cho thấy sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về nền kinh tế và năng lực quân sự của Nga", cựu sĩ quan Lục quân Mỹ Stanislav Krapivnik nhận định.
Karin Kneissl, cựu Ngoại trưởng Áo và là người đứng đầu Trung tâm GORKI tại Đại học St. Petersburg cho biết Tổng thống Putin đã đáp trả nhiều hành động khiêu khích của NATO. Ông cho rằng cả Mỹ và phương Tây đều không thể đánh chặn tên lửa siêu vượt âm mới của Nga.
Theo Ivan Kyrychevskyi, nhà phân tích quân sự tại Defense Express,Ukraine không có radar nào có khả năng phát hiện những tên lửa như Oreshnik khi đang bay qua tầng khí quyển, cũng như không có hệ thống phòng không nào có khả năng bắn hạ chúng.
Chuyên gia cho biết, điều đó khiến việc đánh chặn Oreshnik trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là gần như không thể. Các tên lửa này có thể bay xa, cao và nhanh, đạt tốc độ siêu vượt âm.
"Đây là một lời đe dọa hạt nhân đối với cả Ukraine và châu Âu. Đó là một tín hiệu khá sắc bén", ông Karako cho biết thêm.
Tom Karako, giám đốc dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington cho biết, mặc dù các tên lửa khác của Nga được phóng vào Ukraine cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân nhưng điều khiến tên lửa tầm trung mới trở nên đáng báo động, ngoài tầm bắn, là khả năng bắn nhiều đầu đạn hạt nhân.