DNews

Nga dùng chiến thuật "nghìn vết cắt" gây bất ngờ cho Ukraine và phương Tây

Ngọc Huy

(Dân trí) - Sau 2 năm rưỡi xung đột với các trận đánh ác liệt và nhiều chiến thuật được áp dụng, Nga đang giành thế chủ động, buộc Ukraine và đồng minh Mỹ - NATO phải "chơi theo luật" của mình.

Nga dùng chiến thuật "nghìn vết cắt" gây bất ngờ cho Ukraine và phương Tây

Có thể thấy, từ đầu năm tới nay, một xu hướng chung hiện lên rất rõ nét là Ukraine đang dần suy yếu, kiệt quệ dù vẫn được đồng minh phương Tây cố sức viện trợ nhằm níu kéo mục tiêu "hạ gục Nga".

Những bộ não chiến lược tại Moscow của quốc gia từng kinh qua các cuộc chiến quy mô lớn nhất lịch sử nhân loại chắc chắn hiểu rõ điều này và đang áp dụng hiệu quả phương thức chiến tranh tiêu hao.

Từ góc độ chiến thuật, trước đây, quân đội Nga đã phát động một cuộc tấn công liên tục vào phòng tuyến của đối phương ở khu vực Donbass. Tuy nhiên, kể từ vài tháng trở lại đây, họ không chỉ tấn công đồng thời vào Donbass, Zaporizhia và Kherson, mà còn tấn công tổng lực vào khu vực Kharkov, trên một mặt trận có chính diện rộng tới 60km và chiều sâu từ 10-20km.

Việc Moscow mở chiến trường mới, buộc Kiev phải căng mỏng lực lượng để phòng thủ, nhưng do khả năng có hạn nên họ "vá được chỗ nọ thì lại thủng chỗ kia". Quân đội Nga đã đặt một cái tên rất sinh động cho phương thức tấn công này là "nghìn vết cắt", tức là tiến hành một cuộc tấn công toàn diện trên khắp mặt trận.

Mục đích của chiến thuật trên là để phát hiện các điểm mạnh yếu của Ukraine, sau đó khoét sâu vào điểm yếu, tiến hành các cuộc tấn công tổng lực để xé nát tuyến phòng thủ, đánh bại đối phương một cách nhanh chóng, không cho họ hồi phục và phản kích.

Buộc đối phương phải "chơi theo luật" của Moscow

Diễn biến trên chiến trường Ukraine trong nhiều tháng qua cho thấy, quân đội Nga, mà cụ thể là các nhóm tác chiến tham gia Chiến dịch quân sự đặc biệt (SVO) đang thực hiện khá tốt việc duy trì thế chủ động chiến tuyến dài hơn 1.000km, không cho Lực lượng vũ trang Ukraine có cơ hội đột phá hay tập trung lực lượng để thực hiện các đòn phản công lớn như đã từng xảy ra trong năm 2023.

Tuy nhiên, với việc Kiev có nhiều năm chuẩn bị và được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ đồng minh phương Tây, để giải quyết chiến trường ở quy mô hiện tại là 4 tỉnh miền Đông Ukraine thực tế là công việc khó khăn và tiêu tốn nhiều xương máu binh sĩ Nga.

Nhưng, học thuyết "chiến tranh lai" do Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Liên bang Nga, Đại tướng Valery Gerasimov và khả năng vận dụng ngày càng nhuần nhuyễn các chiến thuật quân sự kết hợp với sự chủ động trên chiến trường đã giúp quân đội Nga không cho đối thủ có cơ hội phản đòn.

Với bất kỳ ai theo dõi tình hình chiến sự Ukraine thường xuyên, đều có thể thấy hình bóng của truyền thống quân sự của người Nga. Họ thường bắt đầu cuộc chiến chậm rãi và mắc nhiều sai lầm, nhưng qua từng trận chiến, sự thay đổi về lượng và chất từ mỗi người lính đã tạo tiền đề để đưa lực lượng Kiev vào một cái "nồi hầm" lớn.

Trong hồi ký của mình, Nguyên soái Aleksandr Vasilevsky đã đánh giá về sĩ quan, chiến sĩ Hồng quân trong Thế chiến 2: "Trong chiến đấu, cán bộ, sĩ quan chỉ huy của Hồng quân đã có sự tiến bộ đáng kể về khả năng chỉ huy, nhận định tình huống chiến trường và đưa ra quyết định chính xác. Họ đã thu được nhiều kinh nghiệm quý báu về chiến thuật và nghệ thuật tác chiến để chiến đấu hiệu quả nhất với tổn thất thấp nhất".

Và hiện tại, sau 2 năm rưỡi xung đột, lời nhận định của Nguyên soái Aleksandr Vasilevsky dường như đang lập lại. Nhờ sự chủ động trên chiến trường, quân đội Nga thay vì tấn công vào phòng tuyến kiên cố đã được đối phương chuẩn bị trước nhiều năm, thì Moscow đã chọn mở một mặt trận mới tại Kharkov.

Phải chăng đây là đòn "Giương Đông, kích Tây". Bóng dáng thời Chiến quốc của chiến lược gia Tôn Tẫn lôi kéo khối chủ lực tinh nhuệ của Bàng Quyên phải cơ động hết vị trí này tới vị trí khác để phòng thủ có thể được thấy rõ.

Do thiếu quân bởi chiến trường trải quá dài, lực lượng Kiev buộc phải rút nhiều đơn vị dự bị vốn là các lữ đoàn chiến đấu cơ động tại các mặt trận ở miền Đông để tăng viện cho Kharkov nhằm ngăn chặn đà tiến của Nga. Mặt trận phía Bắc hóa ra được Ukraine chuẩn bị rất sơ sài và không thể chống chịu được đòn tấn công có phần bất ngờ và mạnh mẽ của đối phương.

Nga dùng chiến thuật nghìn vết cắt gây bất ngờ cho Ukraine và phương Tây - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin có những tính toán khó đoán ở Ukraine (Ảnh BW).

Nga chủ động lựa chọn thời điểm giao chiến

Tại mặt trận Kharkov cũng thể hiện việc giới tướng lĩnh Nga đã rút ra được bài học kinh nghiệm xương máu là tránh điểm mạnh của đối phương gồm hệ thống hầm hào kiên cố giống như ở miền Đông để buộc Ukraine phải đưa quân ra giao chiến tại nơi không chuẩn bị công sự. Trong khi lực lượng Moscow có lợi thế gần như áp đảo về hỏa lực mặt đất và không quân chiến thuật.

Đây có thể coi là cách đánh phù hợp của Nga khi họ có lợi thế về hỏa lực, trang bị kỹ thuật, nhưng lại ít hơn về quân số. Trong quá khứ, Hoàng đế nước Pháp Napoleon từng rất thành công trong các trận chiến khi sở hữu binh lực ít hơn mà vẫn giành thắng lợi, đó là ông luôn tập trung được lực lượng áp đảo đối phương ở một vị trí và thời điểm cụ thể. Điều này có lẽ cũng đúng với quân đội Nga ở mặt trận Kharkov.

Vùng Kharkov giáp lãnh thổ Nga, như vậy khi mở mặt trận mới tại đây, lực lượng Moscow chiếm ưu thế rõ ràng về khả năng tập hợp lực lượng cũng như thế chủ động và đặc biệt là hậu phương lớn ở ngay phía sau có thể cung cấp nguồn vật chất nhanh chóng với số lượng lớn.

Trước đây, do lo ngại phản ứng của Moscow, hầu hết các nước phương Tây yêu cầu Ukraine không được sử dụng vũ khí viện trợ tấn công lãnh thổ Nga. Mãi tới khi Moscow mở mặt trận mới, Mỹ và phương Tây mới "cuống cuồng" nới lỏng việc giới hạn sử dụng vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga, trong đó có vùng Kharkov.

Vị tướng lừng danh của Quân đội Mỹ trong Thế chiến 2, John J. Pershing từng nói: "Binh lính quyết định chiến thắng trong từng trận đánh, còn hậu cần quyết định thắng lợi trong cả cuộc chiến tranh". Vậy phải chăng người Nga cũng thừa hiểu vấn đề này.

Ngoài ra, thời điểm Nga mở mặt trận mới tại Kharkov cũng đã được tính toán kỹ. Mặt trận mới diễn ra cách thời điểm Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra khoảng 1 tháng. Đây là thời điểm rất nhạy cảm khi Ukraine cần những chiến thắng để thuyết phục các đồng minh NATO ủng hộ và tăng viện trợ.

Phía Nga cũng rất biết tận dụng cơ hội này. Một đòn đánh mạnh cả trên chiến trường và truyền thông đã khiến Kiev "khó ăn, khó nói" với đồng minh và làm phân rã hơn nữa sự đoàn kết của NATO trong việc ủng hộ Ukraine.

Nga dùng chiến thuật nghìn vết cắt gây bất ngờ cho Ukraine và phương Tây - 2

Nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng năm tháng 12/2023 (Ảnh: Washington Post).

Ukraine và phương Tây bị Nga chiếu tướng!

Khi nói về mặt trận Kharkov nếu nhìn từ mỗi phía Nga sẽ có phần phiến diện. Vậy Ukraine liệu có hiểu ý đồ chiến thuật của đối phương và tại sao Kiev dù có biết đổ quân vào Kharkov thì cũng chỉ là đưa người vào "cối xay thịt" nhưng vẫn buộc phải làm?

Rõ ràng là có nhiều cơ sở để Ukraine hiểu rõ mong muốn của phía Nga khi mở mặt trận mới tại Kharkov.

Tướng Charles Quinton Brown Jr, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cuối tháng 5/2024 từng đưa nhận định, cuộc tấn công mới của Nga có mục tiêu thiết lập một vùng đệm nông dọc biên giới Ukraine.

"Nga dự đoán điều này sẽ chuyển hướng sự tập trung và các lực lượng của Ukraine từ những khu vực quan trọng khác", ông Brown đánh giá.

Với nhận định xác đáng như vậy từ giới chức quân sự Mỹ, đồng minh và nhà tài trợ quan trọng cho Kiev trong cuộc xung đột, thì chắc chắn Ukraine đã hiểu được phần nào mục đích của đối phương. Tuy nhiên, họ buộc phải điều động lực lượng nhằm cố gắng giành những chiến thắng để đánh bóng truyền thông, chứ không phải hoàn toàn là vì mục đích quân sự.

Trong khi Tổng thống Volodymir Zelensky luôn tuyên bố sẽ giành chiến thắng trước Nga và đưa biên giới trở về thời điểm năm 1991, thì việc lực lượng Moscow liên tục giành chiến thắng và thậm chí là mở thêm mặt trận mới, tiến sâu vào vùng Kharkov thật khó chấp nhận.

Cũng chính vì vấn đề này, giới lãnh đạo Kiev từng mâu thuẫn với tướng lĩnh quân đội Ukraine, vì mọi quyết định từ chính quyền Ukraine không dựa trên tình huống chiến trường thực tế, mà dựa trên mong muốn của các nhà lãnh đạo, các nhà tài trợ và truyền thông.

Ở phía đối diện, Nga đang tiếp tục xoáy sâu vào điểm mâu thuẫn đó. Cuộc chiến diễn ra với nhịp độ chậm, nhưng được đẩy mạnh khắp các chiến trường. Điều này giống như "nghìn vết cắt khiến đối thủ chảy máu và kiệt sức".

Rõ ràng, Moscow không phải không muốn giải quyết chiến trường bằng đòn đánh tổng lực nhưng để làm được điều đó, chắc chắn họ sẽ phải chịu thiệt hại đáng kể, thế nên lựa chọn chiến thuật tối ưu nhất là vừa đánh, vừa mở ra cơ hội đàm phán để nội bộ Ukraine tự phân hóa và tiến tới giải quyết xung đột theo hướng có lợi nhất cho Nga.

Cùng với đó, Moscow cũng hiểu mục đích của phương Tây trong cuộc xung đột Ukraine là nhằm làm Nga suy yếu. Vậy tại sao Moscow lại phải "bung sức" khi vẫn đang kiểm soát chiến trường và liên tục chiến thắng. Mong muốn của họ chính là khiến những đối thủ "giấu mặt" phía sau Ukraine phải nản chí và hiểu rằng Moscow đã quay trở lại vị thế siêu cường với năng lực và sức mạnh thật sự…

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine