(Dân trí) - Cả Nga và phương Tây gần đây đều "tung đòn" nhằm gây sức ép lẫn nhau trong cuộc đối đầu năng lượng giữa lúc cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
NẤC THANG MỚI TRONG CUỘC CHIẾN NĂNG LƯỢNG NGA - PHƯƠNG TÂY
Cả Nga và phương Tây gần đây đều "tung đòn" nhằm gây sức ép lẫn nhau trong cuộc đối đầu năng lượng giữa lúc cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom ngày 2/9 thông báo đóng vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream) đưa khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Theo thông cáo của Gazprom, quyết định được đưa ra sau một cuộc kiểm tra tổng quát tại trạm nén khí Portovaya gần thành phố St.Petersburg của đại diện Gazprom và đơn vị bảo dưỡng tua-bin Siemens Energy (Đức).
Thông cáo cho biết thêm, báo cáo về sự cố rò dầu tua-bin cũng đã được đại diện của Siemens ký xác nhận. Gazprom nhấn mạnh, tua-bin không thể hoạt động an toàn cho đến khi sự cố rò rỉ được sửa chữa. Gazprom không công bố thời gian cụ thể khôi phục nguồn cung khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1.
Quyết định khóa vô thời hạn Dòng chảy phương Bắc 1 được đưa ra ngay trước khi đường ống này dự kiến khôi phục hoạt động vào rạng sáng 3/9 sau đợt bảo dưỡng định kỳ kéo dài 3 ngày. Trước đó, Gazprom thông báo dòng khí đốt chảy qua Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ bị ngắt từ ngày 31/8 tới ngày 3/9 để Moscow thực hiện hoạt động bảo trì.
Mỗi năm, Dòng chảy Phương Bắc 1 chuyển 55 tỷ m3 khí đốt từ Nga đến Đức theo đường ống dưới Biển Baltic. Tuy nhiên, kể từ tháng 7, Nga đã giảm cấp khí đốt cho Đức qua Dòng chảy phương Bắc 1 vì một số tua-bin dừng hoạt động. Do vậy, đường ống khí đốt lớn nhất chảy sang Đức liên tục ghi nhận tình trạng lưu lượng bị giảm. Lưu lượng khí đốt qua Dòng chảy Phương Bắc 1 giảm còn 60% công suất trong tháng 6 và 20% công suất trong tháng 7.
Nga cũng cắt nguồn cung khí đốt cho một số quốc gia châu Âu như Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan và Ba Lan, đồng thời giảm dòng chảy qua các đường ống khác. Trước khi xung đột nổ ra tại Ukraine, Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu, chủ yếu thông qua các đường ống. Lưu lượng khí đốt vào năm ngoái ước tính khoảng 155 tỷ m3.
Nga vận chuyển một phần khí đốt qua Ukraine, chủ yếu đến Áo, Italy, Slovakia và các quốc gia Đông Âu khác. Tuy nhiên, Ukraine đã đóng đường ống Sokhranovka chạy qua khu vực do lực lượng Nga kiểm soát ở miền Đông nước này.
Trong số các đường ống từ Nga sang châu Âu không đi qua Ukraine có đường ống Yamal, đi qua Belarus và Ba Lan đến Đức. Đường ống Yamal có công suất 33 tỷ m3, tương đương 1/6 lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu.
Nga đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với đơn vị sở hữu đường ống Yamal ở Ba Lan. Tuy nhiên, Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan tuyên bố nước này có thể xoay sở mà không cần dòng khí đốt qua đường ống Yamal.
Trong khi giá khí đốt tăng cao, các hình ảnh chụp vệ tinh cho thấy những cột lửa lớn bất thường ở một nhà máy khí hóa lỏng của Nga tại Portovaya, nằm gần biên giới Phần Lan. Nhà máy này cách không xa một trạm nén khí cho đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 cung cấp khí đốt từ Nga cho châu Âu.
Các chuyên gia phân tích của Rystad, một công ty tư vấn năng lượng có trụ sở tại Na Uy, ước tính có khoảng 4,34 triệu m3 khí đốt (trị giá 10 triệu USD) đang bị đốt mỗi ngày ở Portovaya. Nhà máy có thể đốt bỏ khí đốt vì lý do kỹ thuật hoặc an toàn, nhưng quy mô vụ đốt cháy ở Portovaya khiến giới chuyên gia đặt ra nghi vấn Nga đang cố ý làm điều này. Các chuyên gia cho rằng Moscow sẵn sàng đốt bỏ khí đốt, chứ quyết không bán cho châu Âu.
Lượng khí bị đốt tại đây ước tính chiếm khoảng 0,5% nhu cầu hàng ngày của châu Âu. Con số này nghe có vẻ không nhiều, nhưng trong bối cảnh thế giới đang thiếu hụt khí đốt trầm trọng, việc ngừng cung cấp cho châu Âu dù chỉ một lượng như vậy cũng góp phần khiến cuộc khủng hoảng năng lượng thêm trầm trọng.
"Vũ khí hóa" năng lượng?
Phương Tây cáo buộc Nga "vũ khí hóa" năng lượng để đáp trả việc Moscow bị áp lệnh trừng phạt do mở chiến dịch quân sự ở Ukraine 7 tháng trước. Tuy nhiên, Moscow bác bỏ những điều này, cho rằng chính các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đang phản tác dụng. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ cáo buộc rằng Nga đang sử dụng dầu và khí đốt để gây áp lực chính trị, đồng thời khẳng định việc bảo dưỡng là một sự kiện thường niên, theo lịch trình và không ai "phát minh" việc sửa chữa kỹ thuật.
Theo giới phân tích, Nga đang tận dụng "sự thống trị" của nước này đối với thị trường dầu khí châu Âu để làm giảm sự ủng hộ của EU cho Ukraine. Mặc dù Nga thông báo khóa van đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 với lý do bảo dưỡng, nhưng Moscow thực chất có thể hướng tới mục tiêu tìm kiếm sự nhượng bộ từ EU trong các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Các chuyên gia nhận định, sự thống trị của Nga đối với nguồn cung khí đốt cho EU là vũ khí kinh tế lớn nhất của nước này. Thậm chí, có những lo ngại rằng Nga sẽ khóa van khí đốt hoàn toàn cho châu Âu.
Nếu Nga dừng cấp khí đốt cho châu Âu, thiệt hại về kinh tế mà châu lục này gánh chịu sẽ là con số khổng lồ. Reuters dẫn một ước tính sơ bộ cho thấy, nếu Nga khóa van khí đốt sang Đức, nước này sẽ thiệt hại 195 tỷ USD trong nửa cuối năm nay và 5,6 triệu công việc sẽ bị ảnh hưởng. Giá khí đốt trên toàn bộ châu lục sẽ tăng phi mã và tình hình lạm phát sẽ tiếp tục nghiêm trọng hơn nữa tại châu Âu.
Nga đã yêu cầu tất cả các khoản thanh toán khí đốt phải được thực hiện bằng đồng rúp và sử dụng yêu cầu này để lý giải cho việc ngừng cung cấp khí đốt. Trong khi đó, các quốc gia EU và Anh đang chạy đua để tìm nguồn cung năng lượng thay thế cho mùa đông tới, đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc vào Nga.
Các quốc gia châu Âu dường như không có nhiều hy vọng trong việc cố gắng lấp đầy các kho dự trữ của họ cho mùa đông tới. Đức có vẻ đã đạt được mục tiêu lấp đầy 80% kho dự trữ, nhưng hiện vẫn chưa rõ các nước châu Âu khác có làm được như vậy không. Một số nước đang tìm kiếm các giải pháp khác. Bulgaria cho biết họ sẽ đàm phán lại thỏa thuận khí đốt với Nga, trong khi Hungary đã bắt đầu đàm phán với Nga, còn Anh để ngỏ khả năng khoan thêm dầu ở Biển Bắc.
Trong bối cảnh mùa đông lạnh giá sắp tới gần, tình trạng chia rẽ ở châu Âu sẽ quay trở lại và các cuộc chiến giữa các quốc gia để tranh giành nguồn cung năng lượng có thể làm rạn nứt các liên minh và nội bộ EU.
"Nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt vào mùa đông năm nay, sẽ không có đủ khí đốt cho châu Âu. Không có nguồn cung thay thế ngay lập tức để bù đắp", Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne cho biết.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đã đặt ra một thách thức mới đối với sự đoàn kết của châu Âu. Bộ trưởng Thương mại Cộng hòa Séc cho rằng EU đang trong "cuộc chiến năng lượng với Nga" và khối này cần phải có hành động phối hợp để ngăn chặn thiệt hại nhiều hơn.
Theo Pierre-Louis Brenac, nhà tư vấn năng lượng của SIA Partners - bên tư vấn cho các công ty năng lượng Liên minh châu Âu, Anh và Trung Đông, chia rẽ châu Âu là một trong những mục tiêu của Nga trong cuộc chiến năng lượng. "Rõ ràng chúng ta có thể thấy Nga đã sử dụng năng lượng như một quân bài, khiến các nước châu Âu bất đồng và phá vỡ sự đoàn kết của họ", nhà phân tích Brenac nhận định.
Châu Âu tìm lối thoát
Một số quốc gia đã tìm được nguồn cung năng lượng thay thế Nga và có thể chia sẻ thông qua mạng lưới đường ống ở châu Âu. Mặc dù vậy, thị trường khí đốt toàn cầu vốn đã cạnh tranh khốc liệt từ trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra.
Đức, nước tiêu thụ khí đốt Nga lớn nhất ở châu Âu, có thể nhập khẩu từ Anh, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan thông qua các đường ống. Na Uy, nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của châu Âu sau Nga, đã tăng sản lượng để giúp EU hướng tới mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch Nga vào năm 2027.
Công ty năng lượng Anh Centrica đã ký một thỏa thuận với đối tác Na Uy Equinor để cung cấp thêm khí đốt cho 3 mùa đông tới. Anh không phụ thuộc vào khí đốt của Nga, do vậy nước này có thể xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thông qua các đường ống.
Khu vực Nam Âu có thể nhận khí đốt từ Azerbaijan thông qua Đường ống xuyên Adriatic đến Italy và Đường ống dẫn khí tự nhiên xuyên Anatolian qua Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ cho biết họ có thể cung cấp 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho EU trong năm nay.
Ba Lan cho biết có thể tiếp nhận khí đốt thông qua 2 đường ống với Đức. Một đường ống mới cho phép vận chuyển 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm giữa Ba Lan và Na Uy sẽ đi vào hoạt động từ tháng 10. Một đường ống khí đốt mới giữa Ba Lan và Slovakia gần đây cũng được đưa vào hoạt động.
Một số quốc gia có thể tìm cách lấp đầy sự thiếu hụt về nguồn cung năng lượng bằng cách chuyển sang nhập khẩu điện từ các nước láng giềng hoặc thúc đẩy sản xuất điện hạt nhân, năng lượng tái tạo, thủy điện hoặc nhiệt điện.
Các bộ trưởng năng lượng EU nhất trí rằng, tất cả các nước thành viên nên tự nguyện cắt giảm 15% tiêu thụ khí đốt từ tháng 8 năm nay đến tháng 3 năm sau, so với mức tiêu thụ trung bình hàng năm trong giai đoạn 2017-2021, đồng thời đưa ra các mục tiêu lấp đầy các kho dự trữ khí đốt ở châu Âu.
Đức đã khởi động giai đoạn hai của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm 3 giai đoạn, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp và người dân sử dụng tiết kiệm khí đốt. Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan cho biết mỏ khí đốt Groningen của nước này có thể hỗ trợ các nước láng giềng trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị cắt hoàn toàn.
Giữa lúc cuộc chiến năng lượng đang "nóng" dần lên, các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm G7 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Italy, Nhật Bản) ngày 2/9 nhất trí áp mức giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có xuất xứ từ Nga. G7 hối thúc các nước có ý định nhập khẩu dầu hoặc sản phẩm dầu mỏ của Nga cam kết áp dụng mức giá trần này hoặc thấp hơn. Các bộ trưởng cho biết mức trần ban đầu sẽ dựa trên các yếu tố kỹ thuật và mức giá này sẽ được điều chỉnh lại khi cần thiết.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố, mục đích của việc áp giá trần là để ngăn chặn một nguồn tài chính quan trọng cho chiến dịch của Nga tại Ukraine, đồng thời ngăn chặn sự gia tăng giá năng lượng toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nói rằng việc áp giá trần sẽ giúp hạ nhiệt giá năng lượng và lạm phát.
"Nối gót" G7, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen ngày 7/9 cũng thông báo, EU sẽ đề xuất với các nước thành viên về việc áp giá trần với mặt hàng khí đốt của Nga. "Chúng ta phải cắt đi nguồn doanh thu mà chính quyền (Tổng thống Nga Vladimir) Putin sử dụng để cấp cho cuộc chiến ở Ukraine", bà von der Leyen tuyên bố.
Đáp trả động thái của G7 và EU, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố, Moscow sẽ cấm vận các quốc gia ủng hộ kế hoạch áp giá trần dầu Nga do Washington đề xuất. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo việc G7 áp giá trần đối với dầu của Nga sẽ gây bất ổn "đáng kể" cho thị trường năng lượng, đồng thời buộc người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu phải chi trả.
Phát biểu tại diễn đàn kinh tế ở Vladivostok hôm 7/9, Tổng thống Putin cho rằng việc châu Âu kêu gọi áp giá trần với dầu của Nga là hành động "ngớ ngẩn", đồng thời tuyên bố Nga sẽ từ bỏ các hợp đồng cung cấp dầu nếu phương Tây áp đặt giá trần đối với hàng hóa xuất khẩu của Nga. Ông Putin kêu gọi Đức sớm bàn giao một tuabin dùng cho trạm nén khí Portovaya gần St. Petersburg để Nga vận hành lại đường ống.
Nhà phân tích kinh tế Martin Hutchinson cho rằng việc G7 và EU lên kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ Nga sẽ gây phản tác dụng tương tự các biện pháp trừng phạt trước đó từng áp đặt lên Nga, đồng thời làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng.
"Cho đến nay, các lệnh trừng phạt Nga gây khó khăn cho các nhà đầu tư phương Tây vô tội, những người có tài sản ở Nga bị đóng băng, nhưng không có tác dụng đối với Nga", ông Hutchinson cho biết.
Ông Hutchinson cũng cho rằng các nước phương Tây không thể kiểm soát được chính sách của các nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như các nhà sản xuất năng lượng lớn ở Trung Đông. Các nước này sẽ được hưởng lợi nhờ nhập khẩu dầu Nga với giá rẻ hơn, trong khi Moscow cũng thu về lợi nhuận tổng thể cao hơn. Ông nhận định giá cả tăng sau khi áp giá trần sẽ bù đắp cho sản lượng sụt giảm.
Việc áp giá trần có thể khiến giá dầu thô của Nga trở nên rẻ đến mức các bên sẽ tìm đến Moscow để ký kết các giao dịch. Kết quả là Nga kiếm được nhiều hợp đồng hơn, lôi kéo nhiều khách hàng hơn và có khả năng kiếm được nhiều tiền hơn, đi ngược lại với mục tiêu ban đầu của phương Tây.
Theo Brenda Shaffer, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, nếu giá dầu Nga thấp hơn so với các nơi khác, dầu Nga sẽ trở thành mặt hàng hấp dẫn nhất trên thị trường và đột nhiên Nga được các bên săn đón.
Thành Đạt
Theo Reuters, New York Times, Politico