1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Quan chức EU nói không sợ Nga cắt khí đốt

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức EU tuyên bố khối này đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho kịch bản Nga cắt hoàn toàn khí đốt sau những động thái gây lo ngại của Moscow gần đây.

Quan chức EU nói không sợ Nga cắt khí đốt - 1

Đường ống khí đốt Nord Stream tại Đức (Ảnh: EPA).

"Chúng tôi kỳ vọng Nga sẽ tôn trọng các hợp đồng mà họ đã ký, nhưng ngay cả khi việc vũ khí hóa năng lượng vẫn tiếp tục hoặc gia tăng để đáp trả các quyết định của chúng tôi, tôi nghĩ rằng Liên minh châu Âu (EU) đã sẵn sàng ứng phó", ông Paolo Gentiloni, ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU, cho biết hôm 3/9.

Tuyên bố của quan chức EU được đưa ra sau khi Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom ngày 2/9 thông báo đóng vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đưa khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Theo thông cáo của Gazprom, quyết định được đưa ra sau một cuộc kiểm tra tổng quát tại trạm nén khí Portovaya gần thành phố St.Petersburg của đại diện Gazprom và đơn vị bảo dưỡng tua-bin Siemens Energy (Đức).

Gazprom nhấn mạnh, tua-bin không thể hoạt động an toàn cho đến khi rò rỉ được sửa chữa. Gazprom không công bố thời gian cụ thể khôi phục nguồn cung khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1).

Quyết định khóa vô thời hạn Dòng chảy phương Bắc 1 đưa ra ngay trước khi đường ống này dự kiến khôi phục hoạt động vào rạng sáng 3/9 sau đợt bảo dưỡng định kỳ kéo dài 3 ngày.

Kể từ tháng 7, Nga liên tục giảm bớt dòng khí đốt chảy qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn 20% lưu lượng tối đa, viện dẫn lý do kỹ thuật liên quan tới tua-bin. Nga cho rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine là lý do dẫn tới vấn đề này. Giám đốc điều hành Gazprom Alexey Miller cũng cảnh báo các lệnh trừng phạt có thể cản trở việc bảo trì thường xuyên các thiết bị của đường ống.

Quan chức EU tuyên bố khối này "không sợ" quyết định của Nga liên quan tới dầu khí.

"Tất nhiên, chúng tôi phải tiết kiệm năng lượng, chúng tôi phải chia sẻ năng lượng, chúng tôi phải duy trì mức dự trữ cao và chúng tôi không sợ các quyết định của Nga. Chúng tôi đã yêu cầu Nga tôn trọng các hợp đồng của họ, nhưng nếu họ không tôn trọng các hợp đồng này thì chúng tôi sẵn sàng hành động", ông Gentiloni nói, song không nêu cụ thể hành động nào mà EU định triển khai.

Ông Gentiloni cho biết, "trữ lượng khí đốt hiện tại của Liên minh châu Âu ở mức khoảng 80%, nhờ sự đa dạng hóa nguồn cung cấp". Ông cho biết EU đã "làm rất nhiều trong những tháng gần đây", nhưng "hiện tại có thể làm được nhiều hơn thế".

Theo ông Gentiloni, mục đích của EU là "theo đuổi chiến lược về một châu Âu thống nhất nhằm chống lại việc sử dụng vũ khí kinh tế để tấn công Ukraine".

"Chúng tôi không tham gia vào chiến tranh, chúng tôi không tham gia vào việc leo thang quân sự. Chúng tôi đang hỗ trợ Ukraine. Chúng tôi phải làm điều đó ngay bây giờ một cách hiệu quả hơn", ông Gentiloni nhấn mạnh.

Các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm G7 ngày 2/9 nhất trí áp mức giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ có xuất xứ từ Nga. Các Bộ trưởng Tài chính G7 cho biết, họ đang nỗ lực hướng tới việc thiết lập một "liên minh rộng rãi" nhằm ủng hộ việc áp giá trần. 

"Chúng tôi đã thảo luận về cách xây dựng một liên minh rộng lớn hơn. Tôi chắc chắn rằng các quốc gia như Australia và Hàn Quốc có thể quan tâm đến việc tham gia liên minh này", ông Gentiloni nói, đồng thời cho biết giá dầu giảm sẽ có lợi cho các quốc gia.

Theo CNBC