DNews

Lời hứa của ông Trump và nỗi lo của Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Tuyên bố của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ khiến Kiev bất an hơn là vui mừng.

Lời hứa của ông Trump và nỗi lo của Ukraine

Khi chiến dịch vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ nóng lên cũng là lúc xung đột Nga - Ukraine bước vào giai đoạn được đánh giá mang ý nghĩa bước ngoặt.

Cuộc bầu cử ở xứ sở cờ hoa được cho là sẽ chi phối tương lai chính sách hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine, từ đó tác động đến các bước đi của chính quyền Kiev. Ngoài ra, với các quan chức an ninh quốc gia, tình báo và ngoại giao hàng đầu của phương Tây, bầu cử tổng thống Mỹ 2024 cũng sẽ là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến các quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc chiến ở Ukraine.

Nhiều quan chức hàng đầu của Mỹ và châu Âu đang lo ngại rằng Nga có thể sẽ kéo dài cuộc chiến ở Ukraine qua kỳ bầu cử năm 2024 với hy vọng cựu Tổng thống Donald Trump hoặc một ứng viên khác của đảng Cộng hòa giành chiến thắng.

Kịch bản này đồng nghĩa với việc chính quyền mới của Mỹ sẽ ít ủng hộ Ukraine hơn và nhờ đó vị thế của Nga trên bàn đàm phán được cải thiện.

Theo một nguồn tin tình báo, những tính toán của Nga quan tới bầu cử Mỹ đang là tâm điểm trong quan sát của các nước như Mỹ, Ukraine, và châu Âu. Thậm chí, một nhà ngoại giao phương Tây nói, châu Âu tin rằng việc Nga tìm cách kéo dài xung đột Ukraine tới bầu cử Mỹ "chính xác là kế hoạch của ông Putin".

"Cuộc bầu cử sẽ làm mọi thứ phức tạp hơn, vì người Nga nghĩ rằng họ thấy ánh sáng cuối đường hầm... do sự ủng hộ chính trị dành cho Ukraine sẽ bị tổn hại nếu ông Trump đắc cử", cựu Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Daniel Fried bình luận.

SỨC NÓNG BẦU CỬ MỸ VÀ LỜI HỨA CỦA ÔNG TRUMP

Lời hứa của ông Trump và nỗi lo của Ukraine - 1

Kịch bản tái đấu giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và cựu Tổng thống Donald Trump có thể diễn ra trong cuộc bầu cử 2024 (Ảnh: Reuters).

Người Mỹ dường như đã sẵn sàng cho viễn cảnh tái đấu giữa Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2024. Nói cách khác, đó có thể sẽ là cuộc đối đầu giữa một người đang dẫn dắt liên minh phương Tây ủng hộ Ukraine với một người hoài nghi về NATO.

Theo kết quả một cuộc thăm dò của New York Times, cả ông Biden và ông Trump đều nhận được tỷ lệ ủng hộ ở mức 43% trong trường hợp tái đấu tại bầu cử tổng thống 2024.

Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ trong nội bộ đảng dành cho ông Trump đang cao hơn so với của ông Biden. Ông Trump hiện là ứng viên sáng giá nhất của đảng Cộng hòa bất chấp việc ông 4 lần bị truy tố hình sự chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây.

Triển vọng tái đắc cử của cựu Tổng thống đảng Cộng hòa khiến những người ủng hộ Ukraine lo ngại. Daniel Vajdich, người đứng đầu tổ chức Yorktown Solutions, cho rằng sự khó đoán của ông Trump khiến các nhà hoạch định chính sách Ukraine lo ngại.

Khi còn đương chức và hiện giờ khi tái tranh cử, ông Trump luôn thể hiện rõ quan điểm không ủng hộ lãng phí tiền thuế của người dân Mỹ vào các cuộc chiến ở nước ngoài, những cuộc chiến không có hồi kết. Ông cho rằng, Mỹ đang lãng phí hàng chục tỷ USD viện trợ cho Ukraine thay vì buộc các đồng minh châu Âu làm điều này.

Với xung đột Nga - Ukraine, ông Trump nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt cuộc chiến này trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử.

"Trước khi đến Phòng Bầu dục, tôi sẽ kết thúc cuộc chiến thảm khốc giữa Nga và Ukraine. Tôi sẽ giải quyết vấn đề và tôi sẽ giải quyết nó một cách nhanh chóng và tôi sẽ không mất quá một ngày", ông Trump nói hồi tháng 3/2023.

Hồi tháng 7/2023, ông hé lộ thêm cách thức có thể giải quyết xung đột ở Ukraine.  "Tôi sẽ nói với (Tổng thống Ukraine) Zelensky rằng hãy dừng lại, ông phải chấp nhận một thỏa thuận. Tôi sẽ nói với ông Putin rằng nếu ông không đàm phán, chúng tôi sẽ cấp cho Ukraine nhiều hơn. Tôi sẽ chốt thỏa thuận trong một ngày, chỉ một ngày", ông Trump cho hay.

Tuy nhiên, khi được hỏi về viện trợ cho Ukraine, ông Trump không cam kết tiếp tục chính sách này nếu tái đắc cử. Ông nói: "Chúng ta đang cho đi rất nhiều vũ khí, để rồi ngay lúc này, Mỹ không có đủ đạn cho chính mình. Chúng ta đã cho đi quá nhiều". Ông cho rằng các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cần "chi thêm tiền".

Theo các nhà quan sát, ông Trump cho thấy ông coi cuộc chiến Ukraine hiện nay là phương tiện để thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc dân túy với cáo buộc "cả thế giới đang đẩy trách nhiệm cho Mỹ" và chính quyền của Tổng thống Joe Biden quan tâm đến bảo vệ an ninh của nước ngoài hơn nhu cầu kinh tế của người Mỹ.

Một thông điệp như vậy sẽ có tác động rất lớn nếu kinh tế Mỹ suy thoái vào năm 2024  và ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tái tranh cử của ông Biden, trong khi củng cố cơ hội trở lại Nhà Trắng của ông Trump.

Theo các nhà phân tích, ngay cả khi ông Trump không được đề cử, bất cứ ứng viên nào của đảng này trở thành chủ nhân Nhà Trắng, nguy cơ Mỹ cắt giảm viện trợ cho Ukraine đều rất lớn dù vẫn có những ứng viên ủng hộ Kiev.

Thống đốc Florida Ron DeSantis, ứng viên Cộng hòa được yêu thích thứ hai sau ông Trump, từng gọi xung đột Nga - Ukraine là vấn đề "tranh chấp lãnh thổ" và không liên quan đến "lợi ích quốc gia sống còn" của Mỹ. Ông cho rằng Washington "không cần thêm rắc rối" và vẫn còn những ưu tiên khác như vấn đề buôn lậu ma túy qua biên giới Mexico.

Lo ngại về nguy cơ Mỹ thay đổi chính sách với Ukraine không ngừng tăng lên kể từ cuộc bầu cử giữa kỳ, khi nghị sĩ Cộng hòa Kevin McCarthy tuyên bố quốc hội sẽ không còn duyệt những "tấm séc trống" cho Kiev nữa. Sau khi trở thành Chủ tịch Hạ viện, ông cho biết sẽ lên kế hoạch ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào nhằm phê duyệt tài trợ bổ sung cho Ukraine.

Cuối năm ngoái, quốc hội Mỹ đã không thể thông qua đề xuất ngân sách 106 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden. Theo đề xuất này, Washington sẽ dành hơn 60 tỷ USD để viện trợ bổ sung cho Kiev.

Một cuộc thăm dò của CNN/SSRS cho thấy 55% cử tri Mỹ cho rằng quốc hội không nên phê chuẩn tài trợ thêm cho Ukraine. Khoảng 51% cho rằng Mỹ đã giúp đủ, trong khi 48% ủng hộ làm nhiều hơn nữa.

Bất chấp chính quyền Tổng thống Biden nhiều lần cam kết ủng hộ Ukraine đến cùng, không ai biết chắc chắn điều gì có thể xảy ra xung quanh kỳ bầu cử 2024.

Vì lý do này, Ukraine đang chịu áp lực rất lớn phải đạt được đột phá lớn để chứng minh rằng những viện trợ của Mỹ không vô ích, lãng phí.

UKRAINE ĐỐI MẶT VIỄN CẢNH ĐẦY KHÓ KHĂN

Lời hứa của ông Trump và nỗi lo của Ukraine - 2

Ukraine không giành được kết quả lớn trong cuộc phản công (Ảnh minh họa: Reuters).

Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đến gần, Tổng thống Biden cần Ukraine giành được chiến thắng lớn trên chiến trường để chứng tỏ sự ủng hộ của ông dành cho Kiev là đúng đắn.

Tại Washington, có nhiều ý kiến cho rằng, việc Mỹ cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine là quá nhiều trong tình hình kinh tế hiện nay. Những chỉ trích chắc chắn sẽ ngày càng gay gắt hơn khi chiến dịch phản công của Ukraine không đạt kết quả.

Tổng thống Ukraine Zelensky từng tìm cách trấn an giữa những lo ngại rằng đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ đang ngày càng chia rẽ về cuộc xung đột.

"Ai biết được chúng ta sẽ ở đâu vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tôi tin rằng khi đó Ukraine sẽ giành chiến thắng", ông nói.

Đầu tháng này, khi được hỏi liệu Ukraine có lựa chọn nào khác trong trường hợp Mỹ cắt viện trợ, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba khẳng định: "Chúng tôi không có kế hoạch B. Chúng tôi tin tưởng vào kế hoạch A. Ukraine sẽ luôn chiến đấu bằng các nguồn lực được cung cấp. Những gì được trao cho Ukraine không phải là từ thiện. Đó là một khoản đầu tư để bảo vệ NATO và bảo vệ sự thịnh vượng của người dân Mỹ".

Ông cũng trấn an: "Theo tôi, về nguyên tắc, không cần phải lo lắng (về ông Trump). Ông ấy là người mà chúng ta có thể hợp tác, chỉ cần chúng ta biết cách làm việc với ông ấy". Ông lập luận, chính cựu Tổng thống Trump đã duyệt bán lô vũ khí đầu tiên của Mỹ cho Ukraine.

"Nếu ông Trump tái đắc cử, ông ấy sẽ hoàn toàn khác với Tổng thống Joe Biden, người mà chúng tôi vô cùng biết ơn về mọi thứ. Có rất nhiều chữ nếu, nhưng Ukraine không nên lo sợ bất cứ điều gì", nhà ngoại giao Ukraine nhấn mạnh.

Yuriy Sak, một cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, cũng chia sẻ với CBS: "Hỗ trợ Ukraine phục vụ cho lợi ích quốc gia của Mỹ. Đây không phải một cuộc chiến ủy nhiệm xa xôi nào đó không ảnh hưởng đến tương lai của nước Mỹ. Đó là một cuộc chiến rất đơn giản, có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia của họ".

Ông bình luận thêm: "Chúng tôi hiểu ông Trump là một kiểu chính trị gia có lập trường riêng, một số lập trường đó không quá đáng lo ngại. Hành động vẫn quan trọng hơn lời nói, điều chúng tôi thấy hiện nay là sự ủng hộ lưỡng đảng vững chắc dành cho Ukraine".

Thực tế đằng sau sự lạc quan đó, Ukraine phải đối mặt với sức ép giành đột phá trên chiến trường để duy trì niềm tin của các đồng minh, đối tác phương Tây. Tuy nhiên, theo giới quan sát, thời gian không đứng về phía Ukraine.

Kiev bắt đầu chiến dịch phản công từ tháng 6 năm ngoái nhưng không đạt được kết quả đột phá. Hệ thống phòng thủ nhiều lớp kiên cố của Nga khiến Ukraine phản công chậm hơn mong đợi, trong khi phải hứng chịu tổn thất lớn. Theo giới chức phương Tây, khoảng 20% phương tiện mà họ cung cấp cho Ukraine đã bị phá hủy hoặc hư hại trên chiến trường trong những tuần đầu xung đột.

Mặc dù được phương Tây viện trợ thêm nhiều vũ khí hiện đại và hỗ trợ huấn luyện, nhưng Ukraine dường như vẫn gặp khó khăn khi tiến hành các chiến dịch phối hợp lực lượng trên quy mô lớn. Điều này một phần là do các đơn vị mới của Ukraine thiếu kinh nghiệm chiến đấu khi cuộc phản công bắt đầu.

Sau những tổn thất, Ukraine được cho là đang theo đuổi chiến thuật tấn công từ từ, tìm cách làm suy yếu và hao hụt các lực lượng của Nga. Họ cũng nhắm vào các mục tiêu quan trọng của Nga như pháo, mạng lưới hậu cần và cơ sở hạ tầng tiếp vận.

Chiến thuật đó giúp Kiev bảo vệ lực lượng và trang thiết bị nhưng phải tiêu hao lượng lớn đạn dược trong khi không tạo ra bước tiến đáng kể nào trong việc giành lại lãnh thổ.

Chiến lược tiêu hao này có thể sẽ phát huy hiệu quả, nhưng vấn đề là thời gian không đứng về phía Ukraine, họ không còn nhiều thời gian để làm hao hụt lực lượng của Nga. Suốt vài tháng qua, Kiev khá chật vật khi tìm cách chọc thủng hệ thống phòng thủ kiên cố gồm nhiều lớp của Nga.

Markus Reisner, một đại tá quân đội Áo, nói trong lịch sử, hầu hết các chiến dịch kéo dài không dẫn đến kết quả đáng kể đều bị dừng lại. Theo ông, Ukraine quá vội vã tung lực lượng dự bị vào trận chiến trong khi đáng lẽ họ nên sử dụng hợp lý và tiết kiệm hơn.

Sự kiên nhẫn và nguồn viện trợ đều không phải là vô tận, cuộc chiến càng kéo dài, Ukraine càng bất lợi. Mức độ sẵn sàng ủng hộ Ukraine có thể giảm dần khi có sự thay đổi lãnh đạo ở các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Thay vào đó, các đối tác nhiều khả năng sẽ hối thúc Kiev ngồi vào bàn đàm phán với Nga với những thỏa hiệp nhất định và không loại trừ kịch bản nhượng bộ về lãnh thổ.

Giới phân tích cho rằng, nếu ông Trump tái đắc cử, chính quyền của ông nhiều khả năng  sẽ ép Kiev ký kết thỏa thuận hòa bình với Moscow, chấp nhận nguyên trạng, nghĩa là đồng ý để Nga kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ như hiện nay.

Ngừng viện trợ, thúc đẩy đàm phán được tin sẽ là chính sách của ông Trump với Ukraine nếu tái đắc cử. Bình luận về điều này, Donald Trump Jr., con trai cả của ông Trump, cuối tuần qua nói: "Ngừng viện trợ. Đó là cách duy nhất để thúc đẩy họ (Ukraine) ngồi vào bàn đàm phán".

Donald Trump Jr. cho biết, nếu cha mình trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, ông ấy sẽ nói với chính phủ Ukraine rằng: "Các vị chỉ còn một tháng nữa, nếu không ngồi vào bàn đàm phán, mọi chuyện sẽ kết thúc".

Đó có lẽ là lý do Ukraine và phương Tây cần tính đến mọi phương án có thể xảy ra xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Theo New York Times, Sputnik, ABC News

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine