DNews

Lằn ranh đỏ để NATO đưa quân vào Ukraine đã lộ diện!

Lê Ngọc Thống

(Dân trí) - Thế giới đang theo dõi các động thái tiếp theo của NATO sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố "không loại trừ khả năng liên minh sẽ đưa quân vào lãnh thổ Ukraine".

Lằn ranh đỏ để NATO đưa quân vào Ukraine đã lộ diện!

Ngay trước tuyên bố của Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã hé lộ rằng, lãnh đạo một số nước thành viên NATO sau cánh cửa đóng kín bắt đầu thảo luận nghiêm túc về khả năng đưa quân vào lãnh thổ Ukraine với mục tiêu là "gửi một tín hiệu rất rõ ràng tới Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông ấy sẽ không thắng".

Ông Fico - người từ lâu đã phản đối viện trợ quân sự cho Kiev - không nêu chi tiết liên quan tới việc một số quốc gia phương Tây có thể gửi quân tới Ukraine.

"Tôi sẽ kìm chế bản thân mình để nói rằng những luận điểm này ám chỉ một số quốc gia thành viên NATO và EU đang xem xét việc họ sẽ gửi quân tới Ukraine trên cơ sở song phương", ông Fico phát biểu trên sóng truyền hình. Ông thừa nhận nguy cơ xung đột leo thang quy mô lớn ở Ukraine, nhưng không tiết lộ thêm thông tin.

Trong khi đó, Điện Kremlin đã cảnh báo rằng nếu NATO gửi quân tham chiến, một cuộc xung đột trực tiếp giữa liên minh này và Nga sẽ là điều khó tránh khỏi. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng động thái như vậy sẽ có nguy cơ gây ra xung đột hạt nhân toàn cầu.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngay lập tức cố gắng xoa dịu căng thẳng chính trị ở châu Âu sau tuyên bố của Tổng thống Pháp và Thủ tướng Slovakia. Ông trấn an dư luận đang sôi sục khi nói: "Hoàn toàn không có những quyết định như vậy".

Cả hai nhà lãnh đạo Pháp và Slovakia đều không nói về các quyết định đã có sẵn của NATO dưới dạng nghị định, mệnh lệnh và chỉ thị chi tiết nhưng rõ ràng là những phương án như thế này dường như đã được các nhà lãnh đạo phương Tây thảo luận. Và nếu vậy, trong tương lai gần, như người ta nói, các lựa chọn đều có thể xảy ra.

Lằn ranh đỏ để NATO đưa quân vào Ukraine đã lộ diện! - 1

Nếu xảy ra chiến tranh giữa Nga và NATO, sẽ là một cuộc chiến tổng lực (Ảnh: Atlantic Council).

"Vạc dầu chính trị" ở Brussels bỗng sôi sục

Sau khi khu vực kiên cố mạnh nhất ở Avdiivka thất thủ, hóa ra, trái với sự đảm bảo của Kiev, lực lượng Ukraine chưa thiết lập bất kỳ công trình phòng thủ nghiêm túc nào ở phía tây thành phố này. Nói chính xác là họ không kịp.

Điều đó thể hiện rõ ràng qua hình ảnh vệ tinh về hoạt động quân sự đã được phương Tây công bố… Các chiến hào được đào vội vã một cách hỗn loạn và thiếu hệ thống ở đây đó trên các cánh đồng. Không có bãi mìn, không có hầm bê tông hay nơi trú ẩn kiên cố cho binh lính.

Do đó, các đơn vị lớn nhỏ của Ukraine - vốn đang mất tinh thần sau khi nhanh chóng rút khỏi Avdiivka - thiếu nơi để bám vào các tuyến phòng thủ trung gian vốn chỉ tồn tại trên bản đồ của Bộ Tổng tham mưu.

Kết quả là, mỗi ngày, ngày càng có nhiều cái tên mới của các thị trấn, làng, ấp nhỏ xuất hiện trong các báo cáo của cả hai bên, nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga.

Thực tế không chỉ phía tây Avdiivka, mà gần như toàn tuyến phòng ngự mà Kiev và Bộ tổng tham mưu Ukraine tuyên bố là họ xây dựng tuyến phòng thủ giống như "trận đồ Surovikin" kiểu Nga để thực hiện chiến lược phòng ngự, tiêu hao quân Nga… cũng chưa thành hình rõ nét.

Yury Lutsenko - người đứng đầu Bộ Nội vụ Ukraine, từng phục vụ ở mặt trận với tư cách chỉ huy một trung đội UAV tấn công - đã trở về Kiev từ hướng Odessa và chia sẻ ấn tượng của mình về diện mạo của các công sự của Ukraine hiện nay trên đường từ Kherson đến Odessa với người xem kênh Pryamoy.

Ông nói: "Đây, tôi đang đi từ Nikolaev đến Kherson. Bên phải là một phép lạ được gọi là tuyến phòng thủ. Chỉ cần một chiếc máy xúc đào hào xuyên suốt cánh đồng đến tận chân trời. Chỉ có một vấn đề, đất đang đổ về phía chúng ta. Và "răng rồng" đang hướng về phía Nga. Tôi hiểu rằng ai đó đã phạm sai lầm.

Nhưng điều này đã xảy ra được vài tuần rồi, như người ta nói... Và, đâu là cứ điểm bê tông của trung đội, đâu là chiến hào bê tông dưới lòng đất, cuối cùng thì kho kiên cố để chứa đạn dược ở đâu?".

Nói nghiêm túc, Avdiivka thất thủ làm vỡ toang hệ thống phòng ngự của Ukraine. Nga bằng nguồn lực dồi dào, lo xa, đã thiết lập "trận đồ Surovikin" trong hơn 8 tháng trời, còn với Kiev, quân đội của họ rút lui đang bị Nga truy kích lại thiếu tiền… thì khó có thể dựng được tuyến phòng ngự vững chắc như đối phương từng làm.

Cuộc rút lui của Ukraine sẽ dừng lại ở đâu? Và liệu nó có dừng lại không? Nhiều người tin rằng chậm nhất là đến mùa thu năm 2024, Kiev có thể sẽ ký hòa bình theo điều kiện của Nga.

Đương nhiên, giới quân sự chính trị phương Tây cũng đang cố gắng dự đoán hướng đi và triển vọng của Nga trong tương lai gần. Do đó, các cuộc thảo luận đã bắt đầu ở NATO về chủ đề: "Trên thực tế, trong hoàn cảnh chiến đấu rất đáng buồn đối với Ukraine và NATO, chúng ta có thể ngăn chặn ông Putin không?".

Có vẻ như đến lúc này, NATO mới tin rằng, đề xuất bảo đảm an ninh của Nga cho Mỹ - NATO tháng 12/2021… bị phớt lờ chẳng phải là chuyện đùa. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: "Ukraine thua là NATO thua, châu Âu cũng vậy".

Thế nhưng, có lẽ trụ sở NATO ở Brussels đang thực sự vẽ ra những ranh giới trên bản đồ và có thể phải đưa quân đội của châu Âu vào vùng xung đột. Nếu không, "dự án Ukraine" chống Nga đứng trước nguy cơ thất bại.

Thế trận địa chính trị - quân sự của NATO tại Ukraine như thế trận quân sự của chính Ukraine là phải rút lui về những vị trí trọng yếu để phòng ngự. Mơ ước đẩy quân Nga về biên giới năm 1991 ngày càng xa tầm tay… Lựa chọn giữa tồi tệ và rất tồi tệ, NATO tất nhiên chọn "tồi tệ". Vì vậy, ranh giới cuối cùng của NATO tại Ukraine chính là thành phố cảng Odessa. Ukraine phải giữ Odessa bằng mọi giá.

Tại sao? Vì Ukraine không có Odessa thì họ gần như mất hết khả năng đấu tranh với Nga, điều mà NATO cần.

Ngược lại có Odessa thì Ukraine còn tồn tại "động mạch chủ" về kinh tế; có Odessa thì còn đe dọa được Hạm đội Biển Đen của Nga, đe dọa cầu Crimea, và do đó đe dọa bán đảo Crimea… những điều này góp phần làm cho Nga suy yếu.

Như vậy, Odessa theo quan điểm địa chính trị của phương Tây là có tầm quan trọng chiến lược như một quốc gia.

Vì vậy, với khả năng cao, chính Odessa là nơi mà những người đứng đầu "nóng" nhất NATO sẽ bảo vệ đến cơ hội cuối cùng có thể. Nếu cần thiết, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống của binh lính và sĩ quan của họ nếu như Nga tấn công thành phố cảng này.

Lằn ranh đỏ để NATO đưa quân vào Ukraine đã lộ diện! - 2

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo chung bên ngoài một nhà thờ, nơi bị hư hại do vụ tấn công của Nga ở Odessa, Ukraine ngày 6/3 (Ảnh: Getty Images).

NATO chuẩn bị cho cơ động lực lượng đến Odessa?

Với mục tiêu và quyết tâm chiến lược được vạch ra như vậy thì điều đầu tiên phải làm gì để cơ động lực lượng nhanh đến khu vực tác chiến: Odessa?

Đó là phát triển những tuyến đường bộ, đường sắt, cầu cống, chuẩn NATO để phục vụ cho sự cơ động lực lượng (bộ binh, xe cơ giới, các điểm hậu cần…) từ các khu vực thuộc các quốc gia thành viên NATO như Romania, Bungaria gần như tập trung vào đầu mối Odessa.

Ngay từ năm 2018, theo Washington Post đã viết: "Các tướng Mỹ lo lắng rằng nếu buộc phải đối đầu với Nga, đội quân hùng mạnh nhất thế giới có thể bị kẹt xe".

Lằn ranh đỏ để NATO đưa quân vào Ukraine đã lộ diện! - 3

Thành phố cảng Odessa ở phía nam Ukraine (Ảnh: WSJ).

Ví dụ, các đơn vị Mỹ trở về Đức sau cuộc tập trận ở Georgia phải đưa xe tăng, pháo tự hành, xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh từ địa điểm diễn tập bằng đường biển và đường sắt về nơi đồn trú của họ trong 4 tháng thay vì 2 tuần như dự kiến.

Hoặc cầu đường có tải trọng yếu so với yêu cầu của xe tăng NATO hay đường ray xe lửa chưa được thiết kế để phục vụ các đoàn xe chở thiết bị quân sự hạng nặng cồng kềnh, không thể băng qua Ukraine từ Ba Lan… mà không thay mâm bánh ở biên giới.

Chiến lược hội nhập EU của hệ thống đường sắt Ukraine và Moldova đã được xuất bản vào tháng 7/2023, do Ủy ban châu Âu và Ngân hàng Đầu tư châu Âu ủy quyền. Theo kế hoạch đề xuất, ở giai đoạn đầu, các tuyến đường sắt của Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania (thông qua Moldova) sẽ được hợp nhất càng sớm càng tốt thành một mạng lưới duy nhất với các ga đường sắt Odessa của Ukraine.

Người ta có quyền đặt câu hỏi: tại sao Odessa và Odessa lại có mặt ở khắp mọi nơi trong các kế hoạch này? Tại sao NATO không thể mở rộng tuyến đường mới tới thẳng Kiev? Hay đến Zhitomir và Poltava?

Rất có thể, "chủ đầu tư" thiếu thời gian và tiền bạc cho việc này. Nhưng với Odessa thì phải ưu tiên bằng được. Sau đó chuyện gì xảy ra? NATO sẽ có những bước đi nào khiến Thủ tướng Slovakia Fico gần đây phải lo lắng?

Nga được cho là đang để mắt tới Odessa. Các đơn vị "bộ lạc hỗn hợp" và các sư đoàn của liên minh phương Tây dường như sẽ tiến tới thành phố cảng này với mệnh lệnh: "Không được lùi bước! Đừng đầu hàng Odessa cho người Nga trong mọi trường hợp!".

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine