DNews

Kinh tế Nga tăng trưởng bất chấp xung đột: Nga càng đánh, càng mạnh?

Minh Phương

(Dân trí) - Bất chấp xung đột Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây, kinh tế Nga tiếp tục tăng trưởng trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới tính theo PPP. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này liệu có thực sự bền vững?

Kinh tế Nga tăng trưởng bất chấp xung đột: Nga càng đánh, càng mạnh?

World Bank ngày 30/5 đã công bố dữ liệu cập nhật cho thấy Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới tính theo ngang bằng sức mua (PPP) kể từ năm 2021.

Cụ thể, năm 2021, GDP của Nga tính theo PPP là 5,7 nghìn tỷ USD, chiếm 3,8% GDP toàn cầu. Trong khi đó, GDP tính theo PPP của Nhật Bản là 5,6 nghìn tỷ USD (chiếm 3,7%), Đức là 5,2 nghìn tỷ USD (chiếm 3,4%).

Trong các năm 2022-2023, theo tính toán của RIA Novosti, GDP tính theo PPP của Nga lần lượt đạt 6 nghìn tỷ USD và 6,45 nghìn tỷ USD, tiếp tục giữ vị trí thứ 4 chỉ sau Trung Quốc (35 nghìn tỷ USD), Mỹ (27,4 nghìn tỷ USD) và Ấn Độ (14,6 nghìn tỷ USD).

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã trở thành cuộc chiến tiêu hao. Giới chức phương Tây hy vọng rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ gây sức ép, buộc Nga phải ngừng bắn. Một số ý kiến thậm chí cho rằng, kinh tế Nga sẽ sụp đổ vì các nguồn lực đổ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Một năm trước, các nhà phân tích phương Tây từng dự đoán kinh tế Nga sẽ suy giảm trong suốt năm 2023. Tuy nhiên, đến nay, có thể kết luận rằng, những dự báo tồi tệ nhất về nền kinh tế Nga đã không xảy ra.

Kinh tế Nga tăng trưởng bất chấp xung đột: Nga càng đánh, càng mạnh? - 1

Quảng trường đỏ ở Moscow, Nga (Ảnh: Sputnik).

Thay vào đó, Nga tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với các quốc gia phương Tây (bao gồm cả Anh), với GDP tăng hơn 3%.

Cho đến nay, kinh tế Nga vẫn hưởng lợi từ các doanh nghiệp hiện do nhà nước kiểm soát và nền kinh tế được bảo đảm bằng ngân sách chính phủ dù đó không phải là một chiến lược kinh tế khả thi về dài hạn.

Không lâu sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, chính phủ Nga đã triển khai các biện pháp để ổn định thị trường và nền kinh tế như áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn và quản lý chính sách tiền tệ, cấp các khoản vay trợ cấp khác nhau cho các doanh nghiệp để kích thích nhu cầu trong nước.

Sự rút lui của doanh nghiệp phương Tây đã mở ra những thị trường ngách mới cho các công ty Nga, đồng thời, các biện pháp kiểm soát vốn khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đầu tư vào Nga.

Ngoài ra, giá dầu cao hơn và xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ cũng giúp Nga tránh khỏi thảm họa kinh tế mà nhiều người dự đoán.

Các nhà nghiên cứu từ Carnegie Endowment cho biết, Nga đã tìm ra cách lách các biện pháp trừng phạt, như bán dầu cho các đồng minh trong khi nhập khẩu hàng hóa phương Tây thông qua các nước bên thứ ba.

Ngoài ra, điều này một phần nhờ vào vị thế vững chắc của Nga trong vai trò nhà sản xuất các mặt hàng như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, lúa mì và kim loại.

Là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, Nga cũng có thể tự cung cấp cho quân đội hầu hết các nhu cầu, kể cả đối với các loại vũ khí phức tạp. Việc tăng chi tiêu quốc phòng cũng như sản xuất vũ khí, đã thúc đẩy sự phát triển ở những khu vực vốn có năng lực kinh tế hạn chế hơn của Nga.

Ông Hassan Malik, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu và chuyên gia về Nga tại công ty quản lý đầu tư Loomis Sayles có trụ sở tại Boston, cho rằng những yếu tố này cùng với các biện pháp mà Nga áp dụng để thúc đẩy nền kinh tế bao gồm nhập khẩu song song, chuyển hướng sang những thị trường xuất khẩu thay thế như Trung Quốc và Ấn Độ, tìm kiếm các chuỗi cung ứng mới càng giảm tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây.

"Từ quan điểm kinh tế thuần túy, Nga có dư địa để tiếp tục tiến hành cuộc xung đột ở Ukraine", ông nói.

Những vấn đề tiềm ẩn

Kinh tế Nga tăng trưởng bất chấp xung đột: Nga càng đánh, càng mạnh? - 2

Lạm phát ở Nga có xu hướng tăng (Ảnh minh họa: WSJ)

Mặc dù Nga đã tránh được thảm họa kinh tế sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022 và hứng hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng điều đó không có nghĩa mọi chuyện đã suôn sẻ. Một câu hỏi đặt ra là liệu sự tăng trưởng này của nền kinh tế Nga có thực sự bền vững.

Số liệu từ Bộ Tài chính Nga cho thấy gói kích thích tài chính tổng thể của chính phủ ở mức khoảng 5% GDP, nhiều hơn những gì được tung ra trong đại dịch Covid-19. Đến một lúc nào đó, tất cả những thứ đó sẽ tạo ra hệ lụy. Ở hiện tại, Nga đang bận rộn xây dựng nền kinh tế thời chiến.

Trong ngân sách năm 2024, chi tiêu quân sự sẽ lần đầu tiên đạt 6% GDP kể từ thời Liên Xô, chiếm 39% ngân sách của Điện Kremlin. The Economist cho biết hiện tại, thay vì sụp đổ hay trì trệ, vấn đề lớn nhất là nền kinh tế đang "nóng đến mức nguy hiểm".

Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục (dưới 3%), lương danh nghĩa đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái và lạm phát lên tới khoảng 8%, buộc ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất lên 16%.

Trong nghiên cứu của mình, 2 học giả Jeffrey Sonnenfeld và Steven Tian đã đưa ra 7 lập luận mà theo họ, xung đột và sự di cư của các công ty phương Tây thực sự đang gây tổn hại cho nền kinh tế Nga.

Thứ nhất là sự chảy máu chất xám. Kể từ khi khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, theo một số ước tính, ít nhất một triệu lao động có tay nghề cao đã rời khỏi Nga, chiếm 10% toàn bộ lực lượng lao động công nghệ và 33% số triệu phú của nước này.

Thứ hai là dòng vốn tháo chạy. Theo đánh giá riêng của Ngân hàng Trung ương Nga, lượng vốn tư nhân kỷ lục 253 tỷ USD đã được chuyển ra khỏi Nga trong 16 tháng sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu, gấp 4 lần mức vốn chảy ra trước đó.

Thứ ba, việc mất đi công nghệ và bí quyết từ phương Tây đã gây thiệt hại cho các lĩnh vực quan trọng như công nghệ và thăm dò năng lượng của Nga. Ví dụ, Rosneft đã buộc phải chi thêm gần 10 tỷ USD cho chi phí vốn, cộng thêm khoảng 10 USD chi phí cho mỗi thùng dầu mà công ty xuất khẩu.

Thứ tư, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài bị rút ra khoảng 250 tỷ USD, đồng thời dòng vốn mới vào Nga gần như ngừng hoàn toàn, trái ngược với dòng vốn vào khoảng 100 tỷ USD hàng năm trước chiến tranh.

Thứ năm, đồng rúp mất đi vai trò là đồng tiền có thể chuyển đổi và trao đổi được.

Thứ sáu, Nga mất khả năng tiếp cận thị trường vốn toàn cầu.

Cuối cùng là tài sản của Nga "bốc hơi" trên diện rộng và giá trị tài sản sụt giảm. Giá trị của một số doanh nghiệp nhà nước đã giảm 75% kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt, và nhiều tài sản của khu vực tư nhân đã giảm một nửa giá trị.

Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định, đà tăng trưởng kinh tế của Nga hiện nay có thể kéo dài thêm một năm rưỡi nữa trước khi bắt đầu mất đà.

Một cựu quan chức ngân hàng trung ương Nga cho rằng, Nga đang phải đối mặt với một chính sách "bộ 3 bất khả thi" hay 3 vấn đề lớn mà quốc gia này phải đối mặt khi xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ ba. Những vấn đề này gồm: tài trợ cho quân đội Nga, duy trì mức sống cho người dân Nga và giữ cho nền kinh tế ổn định - 3 mục tiêu mà Nga ngày càng khó đạt được hơn.

"Việc đạt được mục tiêu thứ nhất và thứ hai sẽ đòi hỏi chi tiêu cao hơn, điều này sẽ thúc đẩy lạm phát và do đó cản trở việc đạt được mục tiêu thứ ba", Alexandra Prokopenko, học giả tại Trung tâm nghiên cứu Á-Âu, phân tích.

Sergei Guriev, cựu kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu, cũng nhấn mạnh, xét cho cùng, chỉ riêng số liệu GDP màu hồng không phải là thước đo tốt về hiệu quả kinh tế trong thời chiến.

"Họ lấy tiền từ ngân sách để sản xuất vũ khí và đạn dược, nhưng những vũ khí và đạn dược này không góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, không góp phần vào tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Chúng được chuyển đến Ukraine và bị phá hủy ở đó", ông Guriev nói.

Kinh tế Nga tăng trưởng bất chấp xung đột: Nga càng đánh, càng mạnh? - 3

Nga tăng chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh xung đột Ukraine kéo dài (Ảnh minh họa: Reuters).

Báo cáo công bố tháng 1/2024  của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna nhận định: "Xung đột càng kéo dài, nền kinh tế Nga sẽ càng nghiện chi tiêu quân sự".

Xu hướng này sẽ dẫn tới tình trạng mất cân bằng và ảnh hưởng có thể trở nên rõ rệt hơn theo thời gian, dấy lên mối lo ngại về nguy cơ trì trệ thậm chí khủng hoảng sau khi xung đột kết thúc.

Theo chuyên gia Prokopenko, dấu hiệu suy yếu đã bắt đầu xuất hiện. Điện Kremlin có kế hoạch chi số tiền kỷ lục cho quân đội trong năm nay. Điều đó có thể gây cản trở cho nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là khi không rõ liệu xung đột có sớm kết thúc hay không.

Trong khi các nhà kinh tế cho biết, hiện nay người Nga hầu như đang có cuộc sống bình thường, song lạm phát lại tăng vọt. Nếu ngân hàng trung ương thành công trong việc kiềm chế lạm phát, điều đó sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động khi nền kinh tế bắt đầu suy thoái. Thu nhập giảm cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người Nga, làm tăng nguy cơ khủng hoảng nợ.

Tình trạng thiếu hụt các loại hàng hóa như lốp xe, giấy in, phụ tùng máy bay và thuốc men có thể ngày càng gia tăng. Theo phân tích của Bộ Tài chính Mỹ, quy mô nền kinh tế Nga hiện đã nhỏ hơn 5% so với quy mô đáng lẽ nó sẽ đạt được nếu Nga không phát động chiến dịch.

Rachel Lyngaas, chuyên gia về các lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết xung đột, các lệnh trừng phạt và phản ứng chính sách của Moscow đang "đặt Nga dưới áp lực kinh tế rất lớn" khi chi tiêu tăng nhanh, đồng rúp mất giá, lạm phát gia tăng và thị trường lao động bị thắt chặt.

Các yếu tố chính gây tổn hại cho Nga bao gồm tình trạng di cư, khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng hàng nhập khẩu công nghệ cao, buộc phải định hướng lại chuỗi cung ứng và thiếu khả năng tiếp cận thị trường phương Tây.

Mặc dù, Nga có các công cụ để giữ nền kinh tế ổn định và tránh suy thoái kinh tế ở thời điểm hiện tại, nhưng các nhà kinh tế cảnh báo về một tương lai bấp bênh hơn với Moscow do loạt vấn đề như thiếu hụt lao động, năng suất giảm.

Theo Business Insider, Money Week, Sputnik

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine