Giải mã lý do các lệnh trừng phạt lớn nhất lịch sử nhằm vào Nga thất bại
(Dân trí) - Các quan chức phương Tây cho rằng các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất đang gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và sản lượng quân sự của Nga nhưng thừa nhận tác động chậm hơn so với dự kiến.
Trò chơi mèo vờn chuột phức tạp
Hai năm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất của Mỹ và phương Tây vẫn không thành công trong nhiệm vụ chính: ngăn chặn các hoạt động quân sự của Moscow.
Các quan chức và chuyên gia phương Tây cho rằng, những lệnh trừng phạt tài chính, kinh tế, quân sự và năng lượng áp đặt lên Moscow kể từ tháng 2/2022 đã gây tổn hại cho nền kinh tế và năng lực sản xuất vũ khí của Nga, đồng thời sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho Điện Kremlin trong những năm tới. Nhưng họ thừa nhận các hạn chế đã tác động chậm hơn mong đợi.
Tuần này, các nước phương Tây đang áp dụng loạt biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga. Các quan chức cho biết, lần đầu tiên, Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhắm mục tiêu vào những công ty từ Trung Quốc, chuyển từ nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh không cắt bớt các biện pháp trừng phạt sang cách tiếp cận mạnh mẽ hơn.
Anh hôm 21/2 đã trừng phạt 6 người Nga mà nước này cho là có liên quan đến cái chết của nhân vật chính trị Alexei Navalny trong khi Mỹ cũng nhấn mạnh sẽ công bố các biện pháp trừng phạt mạnh nhất liên quan vụ việc này.
Nhưng với Nga, họ đã nỗ lực tránh các lệnh trừng phạt và xem đây là ưu tiên hàng đầu. Moscow đã tăng cường thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác nhằm thúc đẩy thương mại năng lượng và đảm bảo nguồn cung cấp hàng nhập khẩu quan trọng cho chiến sự.
Việc Moscow né được các lệnh trừng phạt đã tạo ra một trò chơi mèo vờn chuột phức tạp.
Các quan chức phương Tây đưa ra những biện pháp trừng phạt nhằm gây tổn hại cho Nga, nhưng Moscow cuối cùng cũng thích nghi, buộc các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và châu Âu phải quay lại bàn tính thêm biện pháp khác. Đó là một "cuộc chiến" mà Nga nhấn mạnh không thể để thua.
Các quan chức phương Tây tin rằng, Nga không thể tự sản xuất đủ đạn dược để đạt được mục tiêu quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, với việc Ukraine đang ở thế phòng thủ và sự hỗ trợ của Mỹ đang vấp phải rào cản quá lớn từ Quốc hội, các biện pháp trừng phạt đã không đủ để ngăn cản Nga tăng mạnh chi tiêu quân sự trong năm nay.
Theo cáo buộc của Mỹ và phương Tây, chính Iran và Triều Tiên đã chuyển máy bay không người lái (UAV) và tên lửa cho Nga, trong khi Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho Moscow nguồn cung thường xuyên các hàng hóa lưỡng dụng do phương Tây sản xuất để phục vụ cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Nga và các nước liên quan bác bỏ cáo buộc này.
Không giống như các lệnh trừng phạt trước đây của Mỹ và phương Tây nhằm vào Iran hay Triều Tiên, sức nặng kinh tế của Nga khiến nước này khó bị cô lập. Thực tế là Nga không chỉ xuất khẩu dầu khí, họ còn xuất khẩu các tài nguyên bao gồm uranium và titan, những mặt hàng mà các nền kinh tế phương Tây rất cần.
Các quan chức Mỹ, Anh và EU đã có chuyến công du đến nhiều quốc gia trên khắp thế giới để thuyết phục các nước trung lập không cắt giảm các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa quân sự quan trọng và hàng hóa lưỡng dụng. Họ đã thành công ở nhiều nơi trong đó có một số quốc gia Trung Á nhưng không hiệu quả đối với các nền kinh tế khổng lồ như Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc.
Sau khi chiến sự bùng nổ, Mỹ và các đối tác coi các biện pháp trừng phạt là trụ cột thứ ba trong việc hỗ trợ Ukraine, bên cạnh viện trợ kinh tế và quân sự cho Kiev. Họ hy vọng các biện pháp có quy mô chưa từng có này sẽ tước đi vũ khí hiện đại, công nghệ cao của Nga, hạn chế doanh thu của nước này và đủ để gây tổn thất kinh tế nhằm thuyết phục Moscow tìm kiếm hòa bình. Nhưng kết quả không như kỳ vọng.
Tình hình sẽ đáng lo ngại hơn với Nga?
Các quan chức Mỹ và châu Âu nói rằng các lệnh trừng phạt của họ đã tước đi doanh thu khoảng 400 tỷ euro của Nga kể từ tháng 2/2022.
Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu an ninh Anh, Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia, cho biết các lệnh trừng phạt đã buộc Nga phải dựa vào những chiếc xe tăng kém chất lượng hơn những phương tiện mà họ sản xuất trước xung đột. Các biện pháp trừng phạt cũng đang cản trở khả năng chiến đấu vào ban đêm của quân đội Nga, vốn phụ thuộc vào công nghệ phương Tây.
Nga chỉ có thể tiếp cận các vi mạch của phương Tây dành cho tên lửa với giá cao hơn trước chiến tranh, hoặc phải phụ thuộc vào hàng hóa chất lượng thấp hơn của Trung Quốc. Có một dấu hỏi lớn về kho dự trữ phụ tùng thay thế của Nga dành cho các loại máy bay.
Các quan chức phương Tây hôm 21/2 nói rằng, chuỗi lệnh trừng phạt đang gây tổn hại cho ngành công nghiệp quân sự của Nga và sẽ ngăn Moscow sản xuất đủ đạn dược cho nhu cầu chiến trường.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của trường Kinh tế Kiev công bố vào tháng trước cho thấy, khoảng 95% trong số 2.800 thành phần nước ngoài được tìm thấy trong vũ khí Nga trên chiến trường kể từ khi chiến tranh bắt đầu là của phương Tây. Hơn 70% đến từ các công ty Mỹ.
Tuy nhiên, việc thực thi lệnh trừng phạt ở EU, nơi bị chia rẽ giữa một số nước, đã giúp Moscow duy trì nguồn cung cấp quan trọng.
Điện Kremlin đang thiết lập một nền kinh tế chiến tranh toàn diện. Nga đã tăng ngân sách quân sự lên gần 70% trong năm nay, ở mức kỷ lục hơn 100 tỷ USD thời hậu Liên Xô.
Trong nửa đầu năm 2023, doanh thu từ dầu khí của ngân sách Nga đã giảm 47% so với cùng kỳ năm 2022 do giới hạn giá dầu và việc Moscow mất nguồn xuất khẩu dầu khí sang châu Âu.
Tuy nhiên, Nga đã có thể phá bỏ giới hạn giá bằng nhiều cách khác nhau. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga đã kiếm được 15,6 tỷ USD từ xuất khẩu dầu trong tháng 1, tăng từ mức thấp 11,8 tỷ USD vào mùa hè năm ngoái. Theo IEA, các quan chức Mỹ gần đây đã có những biện pháp nhằm chống lại các hoạt động mua bán dầu của Nga nhưng chưa có hiệu quả rõ rệt.
Mỹ vẫn lo lắng về tác động đến nguồn cung dầu toàn cầu khi thực thi giới hạn giá quá mạnh mẽ. "Chúng tôi chỉ muốn dầu được lưu thông ở mức giá thấp nhất có thể", một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Edward Fishman tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, một cựu quan chức cấp cao về lệnh trừng phạt của Mỹ, cho biết: "Phương Tây đã quá thận trọng ở một số khía cạnh nhất định, đặc biệt là xung quanh việc nhắm mục tiêu vào nguồn thu từ dầu mỏ của Nga và sử dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp của Mỹ" đối với các công ty nước ngoài. "Những sai lầm đó giờ đây đang quay lại cắn xé chúng tôi", ông nhấn mạnh.
Nhiều quan chức và nhà kinh tế phương Tây dự đoán nền kinh tế Nga sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng hơn vào đầu năm tới, khiến Ukraine kỳ vọng có thể duy trì được sự phản kháng, nhất là khi một chính quyền mới ở Mỹ lên nắm quyền sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới không cắt giảm viện trợ.
Sau khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga tăng 3,6% vào năm ngoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra mức tăng trưởng 2,6% vào năm 2024 cho Moscow trước khi giảm mạnh vào năm tới.
"Đối với Nga trong ngắn hạn, giá dầu tăng đã giúp chống lại tác động của các biện pháp trừng phạt", Richard Portes, giáo sư tại Trường Kinh doanh London, cho biết. Nhưng trong những năm tới, tình hình sẽ đáng lo ngại hơn, ông nhấn mạnh.