DNews

Israel tấn công trả đũa Iran: Kịch bản xấu nhất không ai mong muốn

Minh Phượng

(Dân trí) - Israel có thể nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Iran để đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa của Tehran ngày 1/10. Tuy nhiên, động thái này có thể dẫn tới kịch bản xấu nhất mà không ai mong muốn.

Israel tấn công trả đũa Iran: Kịch bản xấu nhất không ai mong muốn

Đòn tấn công cảnh cáo của Israel

Vào ngày 19/4, Israel đã thực hiện một đòn tập kích sâu vào lãnh thổ Iran, gần thành phố Isfahan. Động thái này rõ ràng là để trả đũa cho cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa lớn của Iran vào Israel vài ngày trước đó.

Những đợt tấn công qua lại giữa hai quốc gia, vốn trước nay vẫn tránh nhắm trực tiếp vào lãnh thổ của nhau, đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc leo thang quân sự nghiêm trọng tiềm tàng trong khu vực.

Cuộc tấn công của Israel được thực hiện, nhằm vào một địa điểm quân sự của Iran, nằm gần Trung tâm Công nghệ Hạt nhân Isfahan, nơi có các lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân, một nhà máy chuyển đổi uranium và một nhà máy sản xuất nhiên liệu, cùng nhiều cơ sở khác.

Mặc dù đòn đánh này không nhắm trực tiếp vào các cơ sở hạt nhân của Iran, nhưng các thông tin trước đó cho rằng, Israel đang cân nhắc các cuộc tấn công như vậy. Đổi lại, giới lãnh đạo Iran đã đe dọa sẽ xem xét lại chính sách của mình và thúc đẩy chương trình hạt nhân ở cấp độ vũ khí, nếu các địa điểm chiến lược bị tấn công.

Những sự kiện này làm nổi bật mối đe dọa leo thang trong khu vực, do khả năng chương trình hạt nhân của Iran đã đạt gần tới cấp độ sản xuất vũ khí gây ra. Điều này mang lại cho Tehran về khả năng răn đe nhất định, ít nhất là chống lại sự trả đũa trực tiếp của Mỹ. Nhưng ngược lại, nó cũng đóng vai trò là mục tiêu hấp dẫn, cho các cuộc tấn công của Israel vào Iran.

Khi mâu thuẫn giữa Israel và Iran đã thoát khỏi bản chất của những cuộc chiến ủy nhiệm truyền thống của họ và biến thành các cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của nhau, tính cấp thiết của việc tìm ra một giải pháp kịp thời và phi quân sự cho vấn đề hạt nhân của Iran đã tăng lên.

Israel tấn công trả đũa Iran: Kịch bản xấu nhất không ai mong muốn - 1

Tiêm kích F-15 Israel chuẩn bị xuất kích (Ảnh: Reuters).

Tel Aviv đã nhìn thấy mục tiêu hàng đầu

Trong khi luôn tự nhận là không sở hữu vũ khí hạt nhân, Iran vẫn duy trì một chương trình hạt nhân đầy tranh cãi, cho phép nước này phát triển khả năng vũ khí hạt nhân tương đối nhanh chóng, nếu Tehran quyết định làm như vậy.

Khả năng làm giàu uranium "gần ngưỡng" cấp độ vũ khí trong chương trình hạt nhân của Iran, chẳng những đã không giúp họ ngăn cản Tel Aviv thực hiện cuộc tấn công gần đây vào lãnh thổ của mình, mà bản thân nó còn thực sự trở thành "mục tiêu hấp dẫn" cho một cuộc tấn công của Israel.

Chương trình này của Iran được cho là đã hội tụ đủ điều kiện để có thể phát triển thành vũ khí nhanh chóng; mặc dù phải trả giá cực kỳ cao.

Iran coi chương trình hạt nhân của mình là biện pháp răn đe các cuộc tấn công trực tiếp của Mỹ vào lãnh thổ, đóng vai trò như một loại "bảo hiểm", để chống lại cuộc xâm lược của đối thủ, sau những cáo buộc sai lầm của phương Tây về chương trình hạt nhân của Iran, giống như Iraq năm 2003.

Nói cách khác, nếu phải đối phó với nguy cơ xâm lược, Iran có thể nhanh chóng sản xuất vũ khí hạt nhân. Đồng thời khả năng này của Iran cũng cho phép giới lãnh đạo của họ có thể tham gia vào các hoạt động gây bất ổn trong khu vực, với khả năng trả đũa bằng các loại tên lửa tầm xa, mang đầu đạn hạt nhân.

Mối lo ngại về sự leo thang và động thái tiềm tàng của Iran, hướng tới việc vũ khí hóa chương trình hạt nhân của mình, có thể là một trong những lý do, góp phần khiến Mỹ từ chối tham gia vào hành động trả đũa của Israel, sau các cuộc tấn công ngày 13/4 và ngày 1/10 của Iran vào Israel.

Israel coi chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa hiện hữu và từ lâu đã tìm cách xóa bỏ nó. Vì lý do này, các báo cáo cho rằng, Israel có thể đã chuẩn bị nhắm mục tiêu vào các địa điểm hạt nhân của Iran, để trả đũa cho các cuộc tấn công của Iran vào lãnh thổ của mình. Điều đó là không có gì đáng ngạc nhiên.

Nếu cuộc tấn công của Israel vào các mục tiêu quân sự gần các cơ sở hạt nhân của Iran, trong đó có các hệ thống phòng không mà Iran đã triển khai, để bảo vệ các địa điểm hạt nhân của họ, dường như đã là tín hiệu chính xác để có thể khẳng định rằng, Israel có khả năng tấn công trực tiếp các địa điểm hạt nhân, được bảo vệ nghiêm ngặt, nằm sâu bên trong lãnh thổ Iran.

Thậm chí một số nhà bình luận đã suy đoán rằng, các cuộc tấn công tiếp theo vào các địa điểm hạt nhân của Iran, có thể đã được Israel lên kế hoạch hoàn chỉnh.

Trong bối cảnh này, các địa điểm hạt nhân của Iran sẽ tiếp tục là "mục tiêu hấp dẫn" đối với Israel trong bất kỳ sự leo thang nào, của cuộc xung đột giữa hai bên. Hơn nữa, Israel cũng có thể kết luận rằng, năng lực hạt nhân, không được công bố của chính họ, đã không có tác dụng răn đe đối với các cuộc tấn công lớn vào lãnh thổ của họ.

Các cuộc tấn công của Hamas, Hezbollah và Iran vào lãnh thổ Israel, có thể đã làm tăng thêm cảm giác dễ bị tổn thương về mặt chiến lược của Israel. Mặc dù nhận thức đó có thể đã được giảm bớt một phần, nhờ khả năng phòng thủ thành công, trước các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa của Iran.

Israel tấn công trả đũa Iran: Kịch bản xấu nhất không ai mong muốn - 2

Một phụ nữ Iran đi ngang qua một biển quảng cáo lớn in hình tên lửa ở Tehran ngày 19/4 (Ảnh: Reuters).

Israel - bên ngáng đường lịch sử với chương trình hạt nhân Iran

Israel trong lịch sử, đã liên tục ngăn cản chương trình hạt nhân Iran, thông qua hoạt động phá hoại "tương đối hạn chế", dưới hình thức tấn công mạng, ám sát các nhà khoa học và đặt bom tại các cơ sở hạt nhân của đối thủ.

Chiến lược này đã cho phép Israel liên tục làm chậm thời gian về đích của chương trình hạt nhân của Iran, trong khi tránh được leo thang quân sự không cần thiết; do các hoạt động phá hoại này, phần lớn vẫn nằm trong "các quy tắc" do Israel và Iran thiết lập.

Bây giờ, với việc cả hai nước công khai tấn công lãnh thổ của nhau, Israel có thể coi đây là một cơ hội - hoặc cảm thấy bắt buộc - phải tấn công trực tiếp vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Nếu Iran dự đoán được Israel đang chuẩn bị tấn công các địa điểm hạt nhân của mình, họ có thể quyết định nhanh chóng sản xuất vũ khí hạt nhân, trước khi Israel kịp gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân của mình.

Đổi lại, dự đoán một động thái thúc đẩy sản xuất vũ khí hạt nhân trước của Tehran, thì Israel có thể có thêm động lực, thực hiện các cuộc tấn công để ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân.

Sự chênh lệch về mốc thời gian ở đây có lợi cho Israel và tạo ra rủi ro cho Iran: Israel có thể cố gắng tấn công trong thời gian ngắn - có thể là vài ngày hoặc vài tuần - trong khi Iran có thể mất vài tháng đến một năm kể từ thời điểm quyết định có vũ khí khả thi; mặc dù ước tính vẫn chưa chắc chắn.

Tuy nhiên, chương trình hạt nhân của Iran, có thể đã đạt được những tiến bộ đáng kể, hướng tới cấp độ vũ khí, trước khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - hoặc thậm chí là tình báo Israel - nắm bắt được những diễn biến. Điều này sẽ hạn chế thời gian các nhà hoạch định của Israel, phải đưa ra phản ứng tấn công phủ đầu.

Tehran ngay lúc này, có thể đưa ra quyết định chế tạo vũ khí hạt nhân, để đáp trả một cuộc tấn công hạn chế của Israel, vào các cơ sở hạt nhân của nước này. Hiện các tổ hợp hạt nhân của Iran quá phân tán, các cơ sở chính quá kiên cố, có thể bảo đảm an toàn trước các cuộc tấn công quân sự hạn chế của Israel. Các cơ sở làm giàu uranium của Iran phần lớn được bố trí dưới lòng đất và được bảo vệ nghiêm ngặt.

Theo các phân tích, bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel, khó có thể gây thiệt hại cho các địa điểm hạt nhân khác của Iran, cùng lắm cũng chỉ làm chậm chương trình, nhưng cuối cùng sẽ giúp Iran có động lực tiếp tục tăng cường làm giàu uranium cấp độ vũ khí (làm giàu tới 90% uranium 235).

Và các hoạt động làm giàu uranium cấp độ vũ khí, sẽ được thực hiện ở những địa điểm phân tán và không được tiết lộ, khiến việc "tìm diệt" của Israel trở nên rất khó khăn.

Sự chuyển đổi từ xung đột ủy nhiệm giữa Iran và Israel sang giao tranh trực tiếp, sẽ càng thúc đẩy Iran, nhanh chóng hoàn thành chương trình hạt nhân như một biện pháp răn đe, nhằm chống lại các cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của mình từ Israel và sự can thiệp của quân đội Mỹ.

Nếu Iran đánh giá rằng, các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực như Hezbollah, Syria, Hamas, Houthi cùng với sức mạnh tên lửa và UAV trong nước, là không đủ để ngăn chặn Israel tiến hành các cuộc tấn công trực tiếp vào chương trình hạt nhân có ý nghĩa chiến lược, thì Tehran có thể coi việc vũ khí hóa chương trình hạt nhân là lựa chọn duy nhất còn lại có thể đảm bảo an ninh cho Iran.

Nếu không phát triển được năng lực vũ khí hạt nhân đầy đủ, Iran có thể phản ứng trước bằng cách làm giàu uranium lên cấp độ thấp của vũ khí. Mặc dù chỉ riêng uranium cấp độ thấp của vũ khí là không đủ để sản xuất vũ khí hạt nhân, nhưng đây sẽ là một bước đi quyết định theo hướng đó.

Iran cũng có thể trả đũa các cuộc tấn công tiếp theo của Israel bằng cách rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và hành động như vậy sẽ khiến cộng đồng quốc tế không thể nhìn thấy những diễn biến trong chương trình hạt nhân của Tehran, ngoài việc thu thập thông tin qua tình báo quốc gia hoặc hình ảnh vệ tinh.

Nguy hiểm hơn là nếu Iran chính thức từ bỏ cam kết theo NPT để sở hữu vũ khí hạt nhân, có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn trong khu vực. Việc Iran rút khỏi NPT cũng có thể khuyến khích phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực, chẳng hạn như Ả Rập Xê Út trước đây đã đe dọa sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân nếu Tehran làm vậy.

Nếu Iran quyết tâm thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân của họ, có thể khiến Israel tiến hành một hoạt động quân sự quy mô lớn, để đẩy lùi, thậm chí là xóa bỏ chương trình này một cách quyết liệt nhất có thể.

Tuy nhiên, lựa chọn này gần như chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện, có tính hủy diệt cao giữa Iran và Israel, có thể kéo theo các phe phái khác trong khu vực, Mỹ và có thể là những bên khác vào cuộc xung đột.