(Dân trí) - Trong suốt hàng chục năm qua, "Tam giác quỷ" Alaska đã ghi nhận hàng chục nghìn vụ mất tích không dấu vết, khiến nó trở thành khu vực có nhiều vụ biến mất bí ẩn nhất nước Mỹ.
"TAM GIÁC QUỶ ALASKA" - KHU VỰC BÍ ẨN CÓ HÀNG CHỤC NGHÌN NGƯỜI MẤT TÍCH KHÔNG DẤU VẾT, ĐÁNG SỢ HƠN CẢ BERMUDA
Trong suốt hàng chục năm qua, "Tam giác quỷ" Alaska đã ghi nhận hàng chục nghìn vụ mất tích không dấu vết, khiến nó trở thành khu vực có nhiều vụ biến mất bí ẩn nhất nước Mỹ.
Khi nhắc tới khái niệm "tam giác quỷ", người ta thường liên tưởng tới "Tam giác Bermuda" - khoảng đại dương nằm giữa Florida (Mỹ), Puerto Rico và Bermuda.
Một thống kê của Business Insider cho biết, "Tam giác Bermuda" được cho có liên quan tới cái chết và mất tích của hơn 8.000 người kể từ giữa thế kỷ 19, tạo nên bí ẩn xoay quanh khu vực này. Tuy nhiên, theo Discovery, Mỹ cũng có một khu vực bí hiểm khác nằm ở bang Alaska với số người mất tích nhiều hơn hẳn vùng biển bí ẩn ở Bermuda.
"TAM GIÁC QUỶ" ALASKA Ở ĐÂU?
Alaska, bang thứ 49 của Mỹ, có diện tích gấp đôi Texas. Đây được xem là một trong những khu vực còn hoang sơ và ẩn chứa nhiều bí ẩn nhất nước Mỹ, là nơi tọa lạc của 17/20 ngọn núi cao nhất của Mỹ, khoảng 100.000 hồ băng, cùng rất nhiều khu bảo tồn tự nhiên. Nơi đây cũng ghi nhận 16.000 trường hợp mất tích không có dấu vết trong nhiều năm qua, bao gồm hành khách trên máy bay, người dân địa phương, khách du lịch…
Các cạnh của Tam giác Alaska được tạo nên từ các khu vực Anchorage và Juneau ở phía nam với Barrow ở phía bắc của bang.
Giống phần lớn tiểu bang, khu vực bên trong vùng Tam giác Alaska gồm nhiều địa hình hoang dã hiểm trở như những khu rừng sâu, những đỉnh núi cheo leo, những hồ nước trên núi cao, và những vùng đất hoang vu rộng lớn. Vì vậy, việc có người mất tích ở khu vực này không phải là điều quá lạ, nhưng thực tế có quá nhiều người mất tích và hầu hết không thấy dấu vết đã khiến khu vực này trở nên bí hiểm hơn bao giờ hết.
Tạp chí Atlantic cho biết, trung bình mỗi năm Alaska có 3.000 người mất tích, và hầu hết các vụ việc đều xảy ra trong "Tam giác Alaska".
Theo Travel Channel, trong 40 năm qua, tỷ lệ người bị mất tích ở "Tam giác Alaska" là 4/1.000, tức là cứ 1.000 người thì trung bình 4 người biến mất không dấu vết. Tỷ lệ này nhiều gấp đôi mức trung bình của Mỹ. Trong khi đó, theo The Manual, đây là khu vực có nhiều vụ mất tích nhất ở Mỹ. Hàng loạt nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn được thực hiện ở đây mỗi năm, nhưng hầu hết thường có một kết quả chung là: Không có dấu vết được phát hiện ra.
Sự quan tâm đổ dồn về Tam giác Alaska bắt đầu từ năm 1972 khi một chiếc máy bay hạng nhẹ chở theo lãnh đạo phe đa số Hạ viện Mỹ Hale Boggs đột ngột biến mất trên không trung ở khu vực giữa Juneau và Anchorage. Một cuộc tìm kiếm quy mô lớn chưa từng có vào thời điểm đó đã được tiến hành. Trong hơn một tháng, 50 máy bay dân dụng và 40 phi cơ quân sự đã truy tìm khắp khu vực rộng gần 83.000km2. Chiến dịch tìm kiếm kéo dài suốt 39 ngày sau đó đã phải dừng mà tung tích của máy bay và tung tích của nhà làm luật xấu số vẫn không thể được giải mã. Không mảnh vỡ máy bay, không thi thể, không dấu vết nào được phát hiện.
Đó không phải là chiếc máy bay duy nhất bị mất tích ở khu vực này. Vào năm 1950, một máy bay quân sự chở 44 người cũng biến mất không dấu vết. Vào thời điểm đó, chiếc C-54 Skymaster rời Anchorage và dự kiến tới Minnesota. Tuy nhiên, toàn bộ mạng lưới thông tin liên lạc của máy bay bị cắt đứt một lúc sau khi nó cất cánh. Chiếc C-54 không bao giờ tới Minnesota. Trong khi đó, 75 máy bay Mỹ và Canada cũng đã tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, nhưng không phát hiện được bất cứ điều gì. Tới năm 1990, phi cơ Cessna 340 chở theo 5 người cũng mất tích.
Các vụ máy bay mất tích trong những năm 1950, 1970 hay 1990 có thể được xem là do thiết bị bay thời đó chưa đủ hiện đại. Tuy nhiên, một thực tế là với các thiết bị thiết bị điều hướng, thiết bị phản ứng khẩn cấp và bộ phát đáp tín hiệu tốt hơn, các máy bay hiện đại vẫn biến mất ở Tam giác Alaska. Ngày 9/9/2013, Alan Foster, một phi công với hơn 9.000 giờ bay, đã mất tích khi đang điều khiển chiếc PA-32-360 từ Atlanta đến Anchorage. Trong chuyến đi, Foster đã hạ cánh xuống Yakutat, Alaska để tiếp liệu. Sau khi máy bay khởi hành trở lại, các radar phát hiện phi cơ này ở độ cao hơn 300m trước khi nó hoàn toàn biến mất. Một cuộc tìm kiếm đã được tiến hành nhưng vẫn không có bất cứ dấu vết nào được tìm thấy.
GIẢ THUYẾT VỀ CÁC VỤ "BỐC HƠI" BÍ ẨN
Số lượng người, máy bay mất tích quá nhiều và hầu hết đều không thể tìm ra đã dẫn tới hàng loạt các đồn đoán về khu vực bí ẩn này.
Một bản báo cáo năm 1986 của một máy bay vận tải Nhật Bản gửi tới Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã làm dấy lên giả thuyết khu vực này có các vật thể không xác định nghi có nguồn gốc từ ngoài hành tinh.
Theo bản báo cáo, chuyến bay số hiệu 1628 của Japan Air Lines đã gặp phải 3 vật thể chưa xác định trên khu vực Tam giác Alaska. Phi công chuyến bay ban đầu nghĩ rằng đó là máy bay quân sự và không để ý tới chúng. Tuy nhiên, ngay sau đó, phi công này đã nhận ra các vật thể đang duy trì tốc độ và bám theo máy bay.
Trong 50 phút tiếp theo, vật thể lạ liên tục sao chép theo mọi chuyển động của phi cơ, đồng thời phát ra những chùm ánh sáng chói mắt. Radar quân sự và dân sự đã xác nhận mà phi công chuyến bay kể lại và báo cáo của FAA đã thu hút sự quan tâm của dư luận vào thời điểm đó.
Gần 2 tháng sau vụ việc này, vào ngày 29/1/1987, phi hành đoàn của chuyến bay số 53 của Alaska Airlines tiếp tục phát hiện một vật thể bay không xác định di chuyển nhanh trên radar thời tiết của phi cơ. Phi hành đoàn ước tính vật thể này di chuyển ở tốc độ tới 29.000 km/h và nhanh chóng vượt qua chiếc máy bay.
Chỉ một ngày sau, máy bay KC-135 của không quân Mỹ di chuyển từ Anchorage tới Fairbanks phát hiện một vật thể bay kích thước lớn. Trong nhiều năm qua, tại Alaska đã xảy ra một số vụ quan sát thấy vật thể bay không xác định. Tuy nhiên, tới nay bí ẩn về những vật thể lạ trên vẫn chưa thể giải thích, bỏ ngỏ một cách giải thích về các vụ mất tích ở Tam giác Alaska.
Theo Discovery, một giả thuyết khác được đặt ra là khu vực Tam giác Alaska có các xoáy năng lượng kích thước lớn và chúng có thể ảnh hưởng tới cảm xúc và hành vi của con người. Các thiết bị điện tử dùng để đo đạc khu vực này đã phát hiện cường độ từ trường cao bất thường ở Alaska. Trong một số trường hợp, các đội ngũ tìm kiếm đã phát hiện la bàn lệch tới 30 độ. Một số tình nguyện viên di chuyển trong khu vực này thường ghi nhận các triệu chứng bí ẩn như mất phương hướng và ảo giác âm thanh. Đây có thể là lý do khiến phần lớn các vụ mất tích ở Tam giác Alaska là những người đi leo núi và thám hiểm trong khu vực.
Trong khi đó, người Tlingit và người Tsimshian bản địa ở khu vực này lại có giả thuyết riêng về những vụ mất tích. Họ cho rằng, khu vực hoang dã của Tam giác Alaska có một loài sinh vật mang tên "Kushtaka" có thể thay đổi hình dạng và chuyên đi săn lùng con người. Truyền thuyết nói rằng, các con Kushtaka này thường dẫn dắt con người đi vào sâu các khu vực hiểm trở, rồi giết chết hoặc biến họ thành một con Kushtaka khác. Tuy nhiên, đây chỉ là một truyền thuyết ở khu vực Đông Nam Alaska và hoàn toàn không có cơ sở khoa học để chứng minh.
Với các máy bay mất tích, các chuyên gia đã đưa ra một lời giải thích dường như hợp lý hơn đó chính là do địa hình của Tam giác Alaska đã khiến các phương tiện này biến mất không dấu vết. Ví dụ, vào năm 1947, chiếc Lancastrian 3 của hãng hàng không Anh BSAA đã biến mất khi trên đường di chuyển từ Buenos Aires, Argentina tới Santiago, Chile, và số phận của nó đã trở thành một câu hỏi lớn trong 50 năm. Tới năm 1998, hai người leo núi Argentina đã phát hiện ra xác máy bay ở núi Tupungato. Các nhà điều tra kết luận, chiếc máy bay đã đâm xuống một sông băng ở khu vực này với một góc gần như thẳng đứng, gây ra một vụ lở băng và chôn vùi chiếc máy bay trong vài phút.
Kịch bản tương tự được xem có thể xảy ra với khu vực Tam giác Alaska. Địa hình của bang lạnh giá này gồm các sông băng khổng lồ với những hố lớn, hang động ẩn và những khe nứt có kích thước bằng tòa nhà. Tất cả những yếu tố này có thể khiến các máy bay bị rơi xuống sẽ nhanh chóng biến mất không dấu vết. Mặt khác, Tam giác Alaska còn nổi tiếng với những khu vực lạnh giá có tuyết rơi nhanh. Bất cứ người hay máy bay bị tuyết hoặc băng vùi lấp có thể dẫn tới việc tìm kiếm trở nên khó khăn hơn rất nhiều và khả năng tìm thấy được xem là rất thấp.
Chính vì vậy, theo Discovery, những vụ "biến mất bí ẩn" ở Tam giác Alaska có nhiều khả năng là các vụ việc "bị chôn vùi bởi chính thiên nhiên".
Mặt khác, Tam giác Alaska rất rộng lớn với địa hình hiểm trở, không có người ở với những ngọn núi cheo leo, sông băng, rừng rậm. Điều này cũng có thể khiến cho việc tìm kiếm người hoặc máy bay mất tích như "mò kim đáy bể" và làm giảm tỷ lệ tìm thấy nạn nhân ở bang này.
Tháng 3 năm nay, một cuộc điều tra mới đã được mở ra nhằm giải mã vụ mất tích của chiếc máy bay Cessna 310C chở theo Hạ nghị sĩ Hale Boggs vào 50 năm trước. Cuộc điều tra tới nay vẫn chưa thể tìm được lý do chính xác của vụ rơi, và tung tích của chiếc máy bay vẫn là dấu hỏi lớn.
Đức Hoàng
Theo Discovery, Travel Channel, The Manual