(Dân trí) - Tân Thủ tướng Anh Liz Truss đối mặt với những thách thức về kinh tế-chính trị chưa từng có ở trong nước, cũng như mối quan hệ đang căng thẳng với Nga, Trung Quốc và EU.
HAI THÁCH THỨC NẶNG NỀ CHỜ ĐỢI TÂN THỦ TƯỚNG ANH LIZ TRUSS
Tân Thủ tướng Anh Liz Truss đối mặt với những thách thức về kinh tế-chính trị chưa từng có ở trong nước, cũng như mối quan hệ đang căng thẳng với Nga, Trung Quốc và EU.
Sau vài tháng chờ đợi và những căng thẳng xung quanh các bê bối liên quan đến ông Boris Johnson, nước Anh đã chính thức có Thủ tướng thứ 56 và là nữ Thủ tướng thứ 3 trong lịch sử - bà Liz Truss.
Lên nắm quyền trong thời điểm đầy thử thách của nước Anh, giữa những rạn nứt trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền, bà Truss được cử tri đặt rất nhiều kỳ vọng.
Con đường sự nghiệp phía trước của tân Thủ tướng được dự đoán "không trải đầy hoa hồng", khi nước Anh đang đối mặt với một trong những giai đoạn được cho là biến động nhất thời kỳ hiện đại.
Hàng loạt bài toán khó hiện ra ngay trước mắt vị nữ lãnh đạo này, trong đó nổi bật là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt với hóa đơn năng lượng tăng cao, dự kiến sẽ tăng 80% vào tháng 10, và lạm phát tăng 2 con số, vốn là mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm, cùng với nguy cơ về nền tài chính công không bền vững.
"Trong số các Thủ tướng thời hậu chiến, mức độ khó khăn của những thách thức mà bà Truss đảm nhận có lẽ chỉ đứng sau thời bà Margaret Thatcher", nghị sĩ kỳ cựu của đảng Bảo thủ David Davis nhận định.
Hai bài toán cấp bách
Bài toán cấp bách nhất, cần lời giải nhất đối với tân Thủ tướng Truss là triển vọng kinh tế của nước Anh.
Theo các chuyên gia, thực tế hiện nay cho thấy, bức tranh kinh tế được xem là thách thức lớn nhất đối với một nhà lãnh đạo của Anh kể từ khi "người hùng chính trị" của bà Truss, "bà đầm thép" Margaret Thatcher trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Anh vào năm 1979.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng phải đối mặt với những khó khăn kinh tế tương tự. Tuy nhiên, thách thức với nước này còn lớn hơn khi Anh vừa rời Liên minh châu Âu (EU).
Nền kinh tế Anh đối mặt thực tế sụt giảm thu nhập lớn nhất kể từ những năm 1950, với dự báo lạm phát lên tới 11% cuối năm nay và các hộ gia đình đang phải đối mặt với hóa đơn năng lượng khủng do xung đột ở Ukraine.
Tăng trưởng năng suất lao động đã giảm xuống còn nửa so với thời kỳ đầu những năm 2000, mức lương thực tế giảm, đồng bảng giao dịch ở sát mức kỷ lục, dân số già gây áp lực lên dịch vụ công dù rằng chính phủ Anh cố gắng hạn chế chi tiêu công sau khoảng thời gian đã phải chi quá nhiều tiền trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Làn sóng đình công trên diện rộng ở cả khu vực công và tư nhân nhằm phản đối chính sách tăng lương dưới mức lạm phát và tình trạng quá tải trầm trọng của Hệ thống dịch vụ y tế quốc gia (NHS) với khoảng 6,7 triệu người đang chờ được điều trị tại các bệnh viện, mức cao nhất trong lịch sử 74 năm của NHS, là những thách thức cần phải giải quyết sớm.
Việc Anh rời EU (Brexit) đã cản trở các hoạt động của London với đối tác thương mại lớn nhất của nước này và các hạn chế nhập cư đã cản trở việc tiếp cận nguồn lao động giá rẻ của châu Âu. Tình trạng thiếu lao động tại Anh vì vậy mà trở nên tồi tệ đến mức độ chưa từng thấy, số lượng người lao động rời khỏi lực lượng lao động sau đại dịch.
Khủng hoảng năng lượng kết hợp với khủng hoảng lao động là hai yếu tố sẽ càng đẩy cao lạm phát cao hơn nữa.
Ông Mark Flanagan, người gần đây dẫn đầu nhóm làm việc của Anh tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khẳng định: "Họ đang đương đầu với những vấn đề tồi tệ nhất".
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Anh đang trên đà ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất và lạm phát cao nhất trong Nhóm 7 nước giàu (G7) vào năm tới.
OECD dự báo kinh tế Anh không tăng trưởng trong năm 2023 còn lạm phát sẽ duy trì ở mức 7,4%. Kinh tế Mỹ, trong khi đó, được dự báo tăng trưởng 1,2% và lạm phát ở mức 1,3%, thấp hơn nhiều so với Anh.
Nếu không có biện pháp can thiệp từ chính phủ, sự kết hợp giữa yếu tố giá năng lượng cao và mức lương thấp sẽ khiến cho thu nhập khả dụng của hộ gia đình trong nước giảm ước tính 3.000 bảng Anh/năm trước thời điểm năm 2024. Đây là mức suy giảm tồi tệ nhất về mức sống trong hơn 100 năm qua tại Anh, theo tổ chức nghiên cứu Resolution Foundation thuộc chính phủ Anh.
IMF dự đoán, trong nhóm các nền kinh tế lớn của thế giới, chỉ duy nhất Nga có tăng trưởng kinh tế thấp hơn Anh. Quá trình suy giảm kinh tế kéo dài, đó là khi lạm phát kết hợp với tiêu dùng giảm mạnh và thất nghiệp cao. Đây chưa phải kịch bản mà các nhà lãnh đạo Anh nghĩ tới, tuy nhiên đó thực sự là rủi ro cần phải cân nhắc, ông Flanagan nhận định.
Tuy nhiên, chính phủ Anh nói rằng những rủi ro đó đã bị thổi phồng quá mức. Bộ trưởng Tài chính Nadhim Zahawi khẳng định, tỷ lệ việc làm vẫn ở mức cao và nhiều hộ gia đình đã có tỷ lệ tiết kiệm rất cao trong thời kỳ đại dịch Covid-19, vì vậy hoàn toàn có lý do để tin tưởng vào sự vững vàng của kinh tế Anh.
"Tôi nghĩ rằng nền kinh tế đang phục hồi khá tốt", ông nói trong một cuộc phỏng vấn.
Chưa hết, rạn nứt trong nội bộ đảng Bảo thủ dẫn đến việc 2 người tiền nhiệm của bà Truss phải ra đi đã đặt ra nhiệm vụ quá nặng nề trên vai nhà lãnh đạo này: hàn gắn và phát triển đất nước.
Và quan trọng hơn cả, lòng tin vào thể chế đất nước cũng đang suy yếu đáng kể. Theo cuộc thăm dò mới đây của Ipsos cho báo Economist, 69% số người Anh được hỏi, gồm 60% cử tri đảng Bảo thủ, cho rằng đất nước đang suy thoái.
Những định hướng nào cho chính phủ mới?
Ngay sau khi chiến thắng trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, qua đó trở thành thủ tướng, bà Truss đã có phát biểu ngắn gọn, đưa ra thông điệp về những định hướng chính cho chính phủ tương lai, trong đó xác định được 3 lĩnh vực chính sách mà bà sẽ ưu tiên thay đổi.
Tuy nhiên, tân Thủ tướng Truss chưa nói cụ thể đến việc bà sẽ làm gì để giảm thiểu điều mà người dân và giới truyền thông gọi là "cuộc khủng hoảng chi phí cuộc sống". Bà từng vận động giảm thuế nhằm hồi sinh nền kinh tế chứ không ủng hộ chi tiêu mạnh tay hơn.
Chia sẻ với báo giới mới đây, bà Truss cho biết bà hiểu "cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt thách thức như thế nào đối với tất cả mọi người" và khẳng định sẽ hành động quyết liệt để đảm bảo các gia đình và doanh nghiệp có thể vượt qua mùa Đông này và thời gian tiếp theo.
Nhưng dự kiến trong những ngày tới, bà Truss sẽ thông báo về việc can thiệp quy mô lớn cấp nhà nước nhằm hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp đương đầu với tình trạng giá khí đốt leo thang. Sau đó vài tuần, bà dự kiến công bố kế hoạch giảm thuế chính thức cũng như kế hoạch giải quyết các tồn đọng trong khám chữa bệnh.
"Tôi sẽ triển khai kế hoạch táo bạo nhằm cắt giảm thuế và phát triển nền kinh tế, cũng như đối phó khủng hoảng năng lượng, đảm bảo rằng mọi người không phải chi nhiều tiền hơn nữa", bà Truss nói.
Bà cũng nhấn mạnh có thể xem xét lại cơ cấu nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương Anh và trao cho chính phủ nhiều quyền lực hơn để cắt giảm các quy định tài chính.
Các chính trị gia thân cận với bà Truss cũng đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch về năng lượng bằng cách khai thác hoặc tiến hành khoan dầu nhiều hơn ở Biển Bắc. Vì vậy, theo các chuyên gia, kế hoạch của bà Truss nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí năng lượng có thể gồm việc hoãn tăng mức trần hóa đơn năng lượng cho đến năm 2024 cũng như kế hoạch mở rộng dự án khai thác khí đốt ở Biển Bắc.
Theo các chuyên gia, bà Truss sẽ sớm chỉ định một Hội đồng Cố vấn kinh tế để có những ý tưởng tốt nhất về cách thúc đẩy nền kinh tế. Bởi nếu không hành động sớm, mọi thứ dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những tháng mùa đông, khi thời tiết lạnh giá sẽ khiến hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp tăng cao.
Không giống Đức, quốc gia có các kho dự trữ khí đốt tự nhiên lớn trong nước, Anh đã đóng cửa cơ sở lưu trữ khí đốt cuối cùng vào năm 2017, khiến nước này không có cơ hội chống lại các cú sốc về giá cả năng lượng. London hiện đang gấp rút mở cửa trở lại cơ sở này.
Chính phủ Anh đã cam kết trợ giá năng lượng cho các hộ gia đình nhưng không có chương trình nào dành cho các doanh nghiệp nhỏ như quán rượu và nhà hàng. Theo thống kê của chính phủ, từ tháng 4-6, các vụ phá sản ở Anh đã tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái và các nhà kinh tế cảnh báo về một làn sóng phá sản trong mùa đông tới.
Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chính phủ của bà Truss sẽ phải công bố một gói cứu trợ lớn hơn cho các cá nhân và doanh nghiệp để giúp trang trải các hóa đơn năng lượng nếu muốn tránh suy thoái sâu và làn sóng phá sản trong mùa đông này.
Ngoài ra, giải pháp khắc phục các vấn đề kinh tế của Anh mà tân thủ tướng đưa ra là sự kết hợp giữa cắt giảm thuế do thâm hụt tài chính và cải cách quy định. Bà đề xuất các khu vực thuế thấp với luật quy hoạch nới lỏng, đồng thời giữ thuế doanh nghiệp ở mức 19% để thu hút đầu tư nước ngoài.
Bà cũng dự định đảo ngược việc tăng thuế thu nhập và cân nhắc việc giảm thuế cho những người chăm sóc, đồng thời nâng chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP vào năm 2030.
Trong chính sách y tế và chăm sóc xã hội, bà Truss cam kết tiếp tục với các kế hoạch hiện tại để hỗ trợ NHS, đồng thời đảo ngược việc tăng phí bảo hiểm quốc gia nhằm cung cấp kinh phí, trước hết để giải quyết các trường hợp khám chữa bệnh còn tồn đọng do dịch Covid-19 và để chi trả cho các hoạt động chăm sóc xã hội tốt hơn.
Trong vấn đề biến đổi khí hậu và năng lượng xanh, bà nhấn mạnh cam kết đối với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và khẳng định sẽ tập trung vào năng lượng tái tạo.
Về nhập cư và an ninh, một vấn đề đặt ra cho những người muốn vào Anh là khả năng bà Truss sẽ thúc đẩy dự luật về quyền của Anh, theo đó những người xin tị nạn và những người di cư khác sẽ ít được bảo vệ hơn.
Bài toán đối ngoại: Sẽ cứng rắn với Trung Quốc, Nga và cả EU?
Không chỉ đối mặt những khó khăn lớn ở trong nước, trên mặt trận đối ngoại, tân Thủ tướng Truss cũng sẽ gặp nhiều thách thức hơn, nhất là trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn leo thang.
Thời nắm quyền Ngoại trưởng Anh, bà Truss là một đồng minh đáng tin cậy của NATO và là người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine cũng như có quan điểm cứng rắn với Nga và Tổng thống Vladimir Putin.
Trong tuyên bố sau khi chiến thắng, tân Thủ tướng Anh cho biết, bà sẽ cập nhật lại các chính sách quốc phòng, an ninh, thương mại và đối ngoại của nước này. Điều này được cho là sẽ giúp Anh tăng cường tham gia và hợp tác với các đồng minh ở châu Á và có lập trường mạnh mẽ hơn chống lại Nga và cả Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, nữ lãnh đạo mới của Anh sẽ có quan điểm cứng rắn hơn nữa với Nga trong cuộc xung đột này và cả những chính sách với Trung Quốc, đồng thời nỗ lực để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào hai nước này.
Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, bà Truss đã đưa ra tuyên bố rằng sẽ công khai công nhận vấn đề diệt chủng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Điều này sẽ đồng quan điểm với Mỹ nhưng đi xa hơn so với báo cáo của Liên Hợp Quốc được công bố gần đây về vấn đề nhân quyền.
Bà Truss từng gọi Trung Quốc là một "mối đe dọa", đặt Bắc Kinh lên ngang hàng với Nga, cùng dùng một ngôn ngữ để mô tả Nga. Hiện Trung Quốc được coi là "đối thủ cạnh tranh có hệ thống" với Anh.
Vì vậy, bà Truss được cho là sẽ có thể xem xét ưu tiên an ninh quốc gia hơn hợp tác kinh tế với Trung Quốc, nhằm lên tiếng về các vấn đề Hong Kong và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
"Bà ấy đã củng cố lập trường của London với Bắc Kinh kể từ khi thành ngoại trưởng và sẽ tiếp tục giữ lập trường cứng rắn hơn khi đã trở thành thủ tướng", một chuyên gia nhận định.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng đó có thể sẽ vẫn chỉ là những lời tuyên bố.
Chuyên gia Frances Burwell thuộc tổ chức nghiên cứu Atlantic có trụ sở tại Mỹ nhận định: "Việc nâng lên thành mối đe dọa không đòi hỏi phải thay đổi những gì bạn có thể xuất khẩu sang quốc gia đó hoặc vai trò của quốc gia đó trong nền kinh tế của bạn".
Ngoài ra, theo ông Bronwen Maddox, Giám đốc Chatham House, trong thời gian tới Thủ tướng mới của Anh cũng sẽ phải giải quyết các bất đồng ngày càng lớn với EU xung quanh vấn đề Bắc Ireland theo thỏa thuận Brexit.
Quan hệ với EU có thể vẫn trong tình trạng đóng băng nếu bà Truss đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với việc thực hiện Nghị định thư Bắc Ireland và có thể kích hoạt điều 16, điều khoản cho phép hủy bỏ các phần của thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đối mặt hàng loạt vấn đề khủng hoảng trong nước và cả ngoài nước, bà Truss có lẽ không muốn làm leo thang căng thẳng thương mại với EU.
Thanh Thành
Theo WSJ, AP