1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

44 ngày nắm quyền đầy sóng gió của Thủ tướng Anh Liz Truss

Thanh Thành

(Dân trí) - Bà Liz Truss quyết định từ chức sau khi thừa nhận không thể thực hiện những lời hứa khi tranh cử, trở thành thủ tướng có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử chính trị hiện đại của nước Anh.

44 ngày nắm quyền đầy sóng gió của Thủ tướng Anh Liz Truss - 1

Thủ tướng Liz Truss tuyên thệ trung thành với Vua Charles III trước quốc hội hôm 10/9 (Ảnh: Reuters)

Chỉ 44 ngày sau tuyên bố nhậm chức đầy kỳ vọng ở Nhà số 10 phố Downing tại thủ đô London, Thủ tướng Liz Truss tiếp tục lên bục diễn thuyết bên ngoài cánh cửa đen nổi tiếng của tòa nhà này, nhưng lại là để tuyên bố từ chức.

Tuyên bố của bà Truss là hệ quả của một ngày làm việc và đối đầu căng thẳng với sức ép từ mọi hướng về việc "bà cần ra đi" để bảo vệ vị thế và hình ảnh cho đảng Bảo thủ cầm quyền.

Những ngày căng thẳng và áp lực bủa vây

Thủ tướng Truss khởi đầu ngày 19/10 đầy khó khăn và áp lực khi thống kê mới cho thấy lạm phát của Anh chạm ngưỡng 10,1%, mức cao nhất trong 40 năm.

Khủng hoảng chính trị càng bộc lộ rõ khi bà Truss xuất hiện tại Quốc hội để xin lỗi về kế hoạch ngân sách sau khi kế hoạch này gây ra nhiều tuần hỗn loạn trên thị trường tài chính. Bà phải đối mặt với mức độ tín nhiệm thấp nhất dành cho một nhà lãnh đạo Anh trong nhiều thập niên.

Lúc đó, bất chấp sức ép bủa vây và phải đối mặt với sự giận dữ từ chính đảng Bảo thủ về kế hoạch kinh tế của mình, Thủ tướng Truss vẫn tự mô tả mình là "một chiến binh, chứ không phải là một kẻ bỏ cuộc".

"Tôi là một chiến binh, không phải là một kẻ bỏ cuộc. Tôi đã hành động vì lợi ích quốc gia để đảm bảo chúng ta có sự ổn định kinh tế", bà Truss nói với các nghị sĩ đảng Bảo thủ, giải thích quyết định sửa đổi mạnh mẽ các chính sách cắt giảm thuế và trợ cấp năng lượng.

44 ngày nắm quyền đầy sóng gió của Thủ tướng Anh Liz Truss - 2

Bà Truss hứng chịu những áp lực lớn ngay khi vừa nhậm chức hồi đầu tháng 9 (Ảnh: Reuters).

Nhưng chỉ vài giờ sau đó, chính phủ của bà lại đứng trên bờ vực sụp đổ khi các cuộc trao đổi của bà với lãnh đạo Công đảng Keir Starmer trước Quốc hội diễn ra đầy căng thẳng.

Bà bị ông Starmer chỉ trích là người không giữ nổi lời hứa trong chưa đầy một tuần và gạt bỏ các chính sách đã cam kết. "Sao bà ấy vẫn còn ở đây?", ông đặt câu hỏi.

Đòn giáng mạnh nhằm vào bà Truss trong ngày 19/10 chưa dừng lại. Bà Jason Stein, một trong những cố vấn cấp cao lâu năm nhất của Thủ tướng Truss, bị đình chỉ công việc. Không có lý do nào được đưa ra, nhưng sự việc xảy ra sau khi các nghị sĩ đảng Bảo thủ phẫn nộ về các cuộc trao đổi ẩn danh với báo chí từ một trong những đồng minh của Thủ tướng. Bà Stein đang bị điều tra.

Và trong đòn giáng được xem là gây sốc, Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman tuyên bố từ chức kèm lời cáo buộc "sự yếu kém" của chính phủ Thủ tướng Truss và khủng hoảng nội bộ. Giới chuyên gia cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy nữ Thủ tướng mất khả năng kiểm soát nội các.

Vị thế của bà Truss cuối cùng đã rơi vào thế khó trụ vững vào cuối ngày 19/10, sau khi chính phủ yêu cầu các nghị sĩ Bảo thủ bỏ phiếu ủng hộ đề xuất cho phép khai thác khí đá phiến. Nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ đã phản đối điều đó.

Ngay trước cuộc bỏ phiếu, chính phủ dường như đã lùi bước, với một bộ trưởng nói rằng các thành viên có thể bỏ phiếu theo cách họ chọn. Các nghị sĩ thực sự sốc vì cách chính phủ xử lý vấn đề này vào thời điểm mà quyền lực của họ đã bị lung lay nghiêm trọng. "Đó là một sự xáo trộn và đáng hổ thẹn", Charles Walker, nghị sĩ kỳ cựu của đảng Bảo thủ, giận dữ tuyên bố.

Trên thực tế, bà Truss đã phải cố gắng giữ ghế thủ tướng kể từ ngày 23/9, khi khởi động kế hoạch ngân sách ngắn hạn. Đây là một chương trình đề xuất cắt giảm thuế và các khoản vay lớn của chính phủ, đồng thời miễn thuế cho các công ty năng lượng. 

Kế hoạch này dẫn tới sự trượt giá của đồng bảng Anh, xáo trộn thị trường tài chính, đồng thời khiến bà phải sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng, một đồng minh chính trị thân cận nhất.

Bà Truss sau đó đã bổ nhiệm ông Jeremy Hunt làm Bộ trưởng Tài chính thay thế nhưng đây lại là một sai lầm tiếp theo của vị nữ lãnh đạo này. Bởi chỉ trong 4 ngày, tân bộ trưởng đã lật ngược nhiều cam kết trong chiến dịch tranh cử của bà Truss.

Ông Hunt cho biết sẽ đảo ngược "gần như toàn bộ" các biện pháp thuế mà người tiền nhiệm công bố 3 tuần trước, kỳ vọng mang lại 32 tỷ bảng Anh cho ngân sách. Đề xuất cắt giảm mức thuế thu nhập cơ bản từ tháng 4/2023 đã bị hoãn lại "vô thời hạn".

Mặc dù chính phủ Anh vẫn đảm bảo giá năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong suốt mùa đông này, nhưng chính phủ sẽ không cam kết trợ giá sau mùa xuân 2023.

Trong những ngày sau đó, thị trường đã phần nào ổn định sau sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương Anh. Một số tin đồn cho rằng kế hoạch ngân sách ngắn hạn sẽ bị loại bỏ. Nhưng tất cả vẫn không khiến các nghị sĩ đảng Bảo thủ để yên cho bà Truss.

Thậm chí, chỉ vài giờ trước khi tuyên bố từ chức, trong dấu hiệu cho thấy khủng hoảng càng chìm sâu, Tòa nhà số 10 Phố Downing đưa ra một tuyên bố vào lúc 1h33 sáng ngày 20/10 cảnh báo rằng: Thủ tướng Truss vẫn được nội các tín nhiệm và đe dọa kỷ luật các nghị sĩ "nổi loạn" trong đảng Bảo thủ.

Nhưng xem ra, mọi nỗ lực cứu vãn đều đã quá muộn.

Vị thủ tướng tại vị ngắn nhất

Vào cuối ngày 20/10, bà Truss đã quyết định tuyên bố từ chức. "Tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ mà đảng Bảo thủ đã giao phó", bà nói.

44 ngày nắm quyền đầy sóng gió của Thủ tướng Anh Liz Truss - 3

Bà Truss trở thành thủ tướng có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử chính trị hiện đại (Ảnh: AP).

Cho đến nay, vị thủ tướng tại vị ngắn nhất của Anh là ông Tory George Canning, người giữ chức vụ này chỉ 119 ngày trước khi qua đời vì bệnh viêm phổi vào năm 1827.

Trong phát biểu từ chức, bà Truss nói rằng bà đã gặp Chủ tịch Ủy ban 1922 (Cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ) Graham Brady và nhất trí sẽ tổ chức một cuộc bầu cử lãnh đạo mới trong tuần tới. Ông Graham cho biết cuộc chạy đua để thay thế bà Truss làm thủ tướng và lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ kết thúc vào ngày 28/10.

Cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak - đối thủ từng bị bà Truss đánh bại, lãnh đạo Hạ viện Penny Mordaunt và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace là những cái tên sáng giá sẽ trở thành lãnh đạo tiếp theo của đảng Bảo thủ, tức sẽ nắm giữ chức vụ thủ tướng Anh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cho dù ai lên nắm quyền cũng sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức ở phía trước. 

Hiện nay, nền kinh tế Anh đang phải đối mặt với bất ổn chính trị, cùng với những quan ngại về kinh tế khi lạm phát tăng cao. Theo Văn phòng Số liệu Quốc gia Anh, so với cùng kỳ năm 2021, giá thực phẩm trong tháng 9 tại Anh đã tăng 14,6%, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1980.

Giá thực phẩm tăng mạnh được coi là nguyên nhân chính khiến tình trạng lạm phát của Anh quay lại mức cao nhất trong vòng 40 năm. Con số này đã củng cố niềm tin về việc Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tăng lãi suất vào đầu tháng tới, bất chấp nền kinh tế đang chậm lại.

YouGov, một công ty nghiên cứu thị trường, hôm 18/10 cho biết, dưới thời Thủ tướng Truss, chỉ có một trong 10 người ở Anh có góc nhìn tích cực về nhà lãnh đạo của mình. Đáng chú ý hơn, chỉ có 20% cử tri đảng Bảo thủ có quan điểm tích cực về thủ tướng Anh. 

Theo Guardian, AP, Reuters