DNews

Đông Nam Á có thể tìm thấy cơ hội nào từ chính quyền Trump 2.0?

Minh Phương

(Dân trí) - Dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thuế quan có thể gây tổn hại, song vẫn có thể giúp Đông Nam Á đạt được một số thỏa thuận thương mại có lợi.

Đông Nam Á có thể tìm thấy cơ hội nào từ chính quyền Trump 2.0?

"Đối với tôi, từ đẹp nhất trên thế giới này là thuế quan", Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 10 năm ngoái.

Ông Trump khẳng định các chính sách thương mại của ông, trong đó có việc áp thuế quan đắt đỏ với hàng hóa không chỉ từ Trung Quốc mà còn từ đồng minh như Liên minh châu Âu (EU), sẽ phục hồi ngành sản xuất của Mỹ và tạo ra đủ doanh thu để giảm bớt lo ngại về việc gia tăng thâm hụt.

Sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump được dự báo sẽ tác động đáng kể đến kinh tế và tình hình địa chính trị thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Triển vọng kinh tế chung của khu vực Đông Nam Á được dự báo đầy thách thức trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, người vốn có chủ trương bảo hộ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, mọi thứ có vẻ vẫn sáng lạn đối với hoạt động thương mại trong lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng và thiết bị quốc phòng. Nếu may mắn, khu vực này thậm chí có thể đón một hiệp định thương mại tự do (FTA).

Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của Hội đồng Doanh nghiệp Indonesia, ông Noto Suoneto, nhận định quan trọng là phải nhận ra rằng Đông Nam Á, với sự xuất hiện của một thế hệ lãnh đạo mới, đã phát triển nhanh chóng kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Cách các nhà lãnh đạo này tương tác với ông Trump trong 4 năm tới có thể sẽ tạo ra động lực mới.

Cơ hội từ tham vọng năng lượng của ông Trump

Đông Nam Á có thể tìm thấy cơ hội nào từ chính quyền Trump 2.0? - 1

(Ảnh: Getty).

Theo các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về thương mại, kinh doanh và ngoại giao tại Mỹ cũng như trong khu vực, mối quan tâm hàng đầu hiện nay là lập trường của ông Trump về mức thuế quan lên tới 20% đối với tất cả đối tác thương mại và ít nhất 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.

Những hành động này có thể kéo theo vòng xoáy trả đũa và ảnh hưởng đến khối lượng thương mại toàn cầu, một viễn cảnh đáng lo ngại đối với một khu vực vốn phụ thuộc vào thương mại như ASEAN.

Tuy nhiên, khu vực này vẫn có thể hưởng lợi bởi phong cách ngoại giao thương mại, các tham vọng về năng lượng hay mở rộng hoạt động khoan dầu và xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Tổng thống Trump.

Ông Daniel Russel, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh và Ngoại giao Quốc tế tại Viện Chính sách Xã hội châu Á có trụ sở tại Washington, cho biết: "Vị thế của Singapore như một trung tâm giao dịch năng lượng trong khu vực có thể phù hợp với động lực xuất khẩu năng lượng của ông Trump".

Ông nói thêm, điều này cũng có thể có lợi cho những quốc gia như Việt Nam và Philippines, nơi chính phủ đang tìm cách đa dạng hóa nguồn năng lượng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của mình.

FTA tiềm năng về nền kinh tế số

Báo Straits Times dẫn lời ông Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - ASEAN, đại diện cho 180 doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ tại Đông Nam Á, rằng mặc dù không có chỗ cho chương trình nghị sự thương mại chủ động dưới thời ông Trump, nhưng vẫn có thể có một cách tiếp cận chiến lược theo từng lĩnh vực.

Ông nói: "Các công ty của chúng tôi rất quan tâm đến quá trình chuyển đổi năng lượng và nền kinh tế số". Ông cho hay, một lĩnh vực khác là giao thương các loại khoáng sản quan trọng, như lithium, coban, than chì và gali, bởi chúng đóng vai trò cốt lõi trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và số hóa nền kinh tế.

Còn theo dự đoán của ông Russel, đầu tư của khu vực tư nhân Mỹ vào cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo sẽ thu hút được sự chú ý khi chính quyền ông Trump cố gắng thúc đẩy một giải pháp thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Một lĩnh vực khác thu hút được sự quan tâm lớn hiện nay là nền kinh tế số.

ASEAN dự kiến đạt được thỏa thuận kinh tế số khu vực đầu tiên trên thế giới vào cuối năm 2025. Thỏa thuận Khung Kinh tế Số (Defa) sẽ bao gồm các điều khoản về luồng dữ liệu, truyền tải điện tử và tiêu chuẩn trí tuệ nhân tạo khi khu vực này tham vọng xây dựng nền kinh tế số trị giá nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Ông Osius nói: "Defa, một thỏa thuận đang được đàm phán trong ASEAN, có thể là điểm khởi đầu rất tích cực cho các cuộc đàm phán với Mỹ về thương mại kỹ thuật số".

Ông Frank Lavin, cựu đại sứ Mỹ tại Singapore và hiện đóng vai trò chủ chốt trong việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Singapore năm 2004, cũng đồng tình với ý kiến trên.

Ông viện dẫn về FTA số mà chính quyền ông Trump từng ký với Nhật Bản trong nhiệm kỳ đầu tiên. Ông dự đoán: "Nếu ông ấy cũng theo đuổi FTA số với ASEAN, đây sẽ là một bước tiến tốt đẹp cho khu vực này và Mỹ".

Định hướng tăng trưởng của ông Trump

Điểm cộng thứ hai cho ASEAN là định hướng tăng trưởng của ông Trump.

Ông Lavin nhận định: "Thông qua các biện pháp kích thích tài chính và thuế suất thấp, ông Trump có khả năng duy trì quỹ đạo tăng trưởng kinh tế Mỹ theo đúng hướng. Và nhiều chính phủ đã nắm bắt được định hướng đó của ông Trump".

Kế hoạch áp thuế toàn diện 20% đối với tất cả hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu vào Mỹ, và 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, có thể tác động đáng kể đến một số nước Đông Nam Á, đặc biệt với các nền kinh tế định hướng xuất khẩu.

"Tuy nhiên, khía cạnh tích cực của chính sách này đối với các quốc gia, như Indonesia, là mức thuế 60% áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ có lợi cho một số ngành xuất khẩu chính như hàng dệt may hiện chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu của Indonesia", ông Suoneto phân tích.

Chính sách thuế quan của ông Trump cũng có thể tạo thêm động lực cho các nhà đầu tư và nhà sản xuất chuyển hướng khỏi Trung Quốc đến các quốc gia Đông Nam Á. Điều này có nghĩa là các quốc gia Đông Nam Á sẽ cần tiếp tục tăng cường khả năng cạnh tranh trong sản xuất và cải cách các chính sách đầu tư để tăng sức hấp dẫn.

Giáo sư Dewi Fortuna Anwar, học giả tại Ủy ban Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Indonesia, cho rằng Mỹ vẫn là một thị trường rất quan trọng đối với hàng xuất khẩu của Indonesia nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Indonesia là Trung Quốc và Mỹ đứng thứ hai.

"Tôi nghĩ Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto sẽ rất hòa hợp với Tổng thống Trump, vì họ có một số đặc điểm tương đồng. Cả hai đều là những nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy", giáo sư Dewi cho biết.

Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto là một trong những nhà lãnh đạo ASEAN đầu tiên điện đàm với Tổng thống Trump.

Cơ hội không dễ dàng

Đông Nam Á có thể tìm thấy cơ hội nào từ chính quyền Trump 2.0? - 2

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Từ nguy cơ xảy ra cuộc chiến thuế quan, suy giảm kinh tế đến bất ổn chính trị ảnh hưởng đến các đối tác thương mại quan trọng, năm 2025 được coi là một năm đầy thách thức đối với các nước Đông Nam Á đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng.

"Những thách thức sẽ rất khó khăn. Về bên ngoài, các nước Đông Nam Á sẽ phải đương đầu với tình trạng bất ổn toàn cầu cao trong khi phải vật lộn với những thách thức trong nước cũng nặng nề không kém", Piter Abdullah, giám đốc điều hành của Viện Segara có trụ sở tại Jakarta, nói với Channel News Asia.

Với những nước chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong năm qua, thách thức đặt ra là làm thế nào để duy trì đà tăng trưởng, tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh có nhiều thách thức toàn cầu.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra, Đông Nam Á sẽ không dễ dàng để thu hút sự chú ý của ông Trump, đặc biệt khi Mỹ bị phân tâm bởi cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông, cũng như các ưu tiên khác như bãi bỏ quy định doanh nghiệp và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.

Dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã nâng cấp quan hệ đối tác với Indonesia và Việt Nam, thiết lập một cuộc đối thoại mới với Singapore về các công nghệ quan trọng và thành lập một sáng kiến cơ sở hạ tầng tại Philippines.

Năm 2022, mối quan hệ Mỹ - ASEAN đã được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và ông Biden đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt dành cho các nhà lãnh đạo khu vực tại Washington.

Trong khi đó, ông Trump nhiều khả năng sẽ đối xử với Đông Nam Á thông qua lăng kính thuế quan. Ông Lavin cho biết nhà lãnh đạo tương lai của Mỹ có khả năng theo đuổi chính sách thuế quan mạnh mẽ, và điều này sẽ gây ra rủi ro tiềm ẩn cho khu vực.

Ông đánh giá: "Ngay cả khi ông Trump chỉ áp dụng thuế quan đối với Trung Quốc, vẫn có khả năng sẽ có những tác động đối với các quốc gia Đông Nam Á - vốn là một phần của chuỗi cung ứng hướng đến Trung Quốc".

Ông Lavin dẫn ví dụ về một nhà sản xuất Mỹ lấy 10% nguồn cung đầu vào từ Trung Quốc và 10% khác từ Đông Nam Á. Theo ông, nếu ông Trump áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - như ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình - thì nhà sản xuất này sẽ thấy chi phí của mình tăng lên đối với 10% nguồn cung đầu vào từ thị trường này.

Ông nói: "Đông Nam Á sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng nếu giá cả chung tăng do thuế quan áp cho Trung Quốc, nhu cầu có thể giảm. Từ đó, nó sẽ gây tổn hại đến những nền kinh tế Đông Nam Á đang cung cấp cho cùng một nhà sản xuất".

Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của ASEAN vào đầu năm 2024, với 15% hàng hóa của khu vực này hiện diện trên các kệ hàng tại Mỹ.

Ngược lại, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ, với giá trị thương mại giữa hai bên đạt gần 500 tỷ USD vào năm 2023. Cán cân thương mại nghiêng về phía ASEAN, với thặng dư thương mại đạt 200 tỷ USD, chủ yếu từ xuất khẩu hàng điện tử công nghệ cao và hàng sản xuất.

Tuy nhiên, chính những khoản thặng dư này có thể khiến Mỹ không hài lòng. Theo đó, ông Trump có thể áp thuế quan đối với một số nền kinh tế sản xuất lớn nhất trong khu vực, những nền kinh tế xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn nhập khẩu từ Mỹ.

Các chuyên gia cho biết khu vực này sẽ phải chuẩn bị đối phó với các quy định thuế trả đũa từ Washington.

Khi mối đe dọa về một cuộc chiến thuế quan mới xuất hiện, các nhà phân tích cho rằng các nước Đông Nam Á cần đa dạng hóa thị trường của mình.

Theo ông Noto Suoneto, để ngăn chặn sự leo thang của thuế quan và các biện pháp trả đũa, các nước Đông Nam Á nên đánh giá lại các hiệp định thương mại tự do hiện tại và sửa đổi nếu cần để giải quyết sự mất cân bằng trong các mối quan hệ thương mại, bao gồm cả mối quan hệ với Trung Quốc.

Theo Straits Times, Nikkei Asia

Dòng sự kiện: Chính quyền Trump 2.0