DNews

Sự trở lại của Trump 2.0 sẽ vẽ lại bức tranh kinh tế toàn cầu?

Phương Liên

(Dân trí) - Các chuyên gia nhận định rằng việc ông Donald Trump đắc cử có thể giúp kinh tế bùng nổ thông qua loạt chính sách mạnh tay, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP và chuỗi thương mại toàn cầu.

Sự trở lại của Trump 2.0 sẽ vẽ lại bức tranh kinh tế toàn cầu?

Ngày 6/11, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump vượt qua đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris để đắc cử Tổng thống Mỹ.

"Ở đây có ai cảm thấy dưới thời ông Biden và bà Kamala Harris giàu hơn là nhiệm kỳ của tôi không?", ông Donald Trump đặt câu hỏi trong một sự kiện ở North Carolina hồi tháng 8.

Ông khẳng định nếu bà Harris giành chiến thắng, kết quả sẽ là kinh tế lao dốc như suy thoái năm 1929. Còn nếu ông tái đắc cử, Mỹ sẽ bắt đầu một quá trình bùng nổ kinh tế hoàn toàn mới.

Những chính sách mạnh tay hơn

Theo giới phân tích, các đề xuất chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ 2 (Trump 2.0) được đưa ra mạnh tay hơn rất nhiều so với bà Kamala Harris.

Trong khi bà Harris ưu tiên các thay đổi nhỏ, ông Trump gần như sẽ đảo ngược hoàn toàn các chính sách của chính quyền hiện tại. Ông dự kiến sẽ trục xuất lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp, áp thuế nhập khẩu ở mức cao và giảm thuế mạnh cho doanh nghiệp, người dân trong nước.

Ông khẳng định rằng những biện pháp này không chỉ khôi phục việc làm trên đất Mỹ, mà còn giảm lạm phát. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng các chính sách này có thể có tác động ngược lại so với những gì ông mong đợi, ví dụ khiến lạm phát tăng vọt.

Ông Trump cam kết thực hiện chương trình trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Ông cho rằng siết nhập cư sẽ giúp giảm nhiều chi phí, đặc biệt giải quyết tình trạng thiếu nhà ở.

Ngoài ra, các chính sách cắt giảm thuế do ông Trump ký năm 2017 sẽ hết hiệu lực đầu năm 2025. Ông muốn gia hạn toàn bộ chính sách này, đồng thời giảm thêm thuế cho doanh nghiệp và cá nhân.

Cụ thể, ông Trump sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% xuống 15% với một số công ty, việc này được cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Ông cũng có kế hoạch miễn hàng loạt thuế với tiền trợ cấp xã hội, làm thêm giờ...

Sự trở lại của Trump 2.0 sẽ vẽ lại bức tranh kinh tế toàn cầu? - 1

Ông Trump phát biểu trước đám đông ủng hộ (Ảnh: Reuters).

Những người ủng hộ nói rằng việc giảm thuế sẽ xoa dịu gánh nặng cho nhiều người. Trong khi đó, phía phản đối cho rằng kế hoạch này chủ yếu mang lại lợi ích cho người nộp thuế thu nhập cao. Theo nghiên cứu đầu tháng 10 của Ủy ban Ngân sách liên bang Mỹ (CRFB), kế hoạch thuế và chi tiêu của ông Trump có thể khiến thâm hụt ngân sách Mỹ tăng 7.500 tỷ USD trong 10 năm tới.

Phần quan trọng trong kế hoạch giảm lạm phát là ông Trump cam kết cắt giảm chi phí năng lượng của người Mỹ xuống một nửa trong vòng một năm sau khi nhậm chức. "Năng lượng là gốc rễ gây ra các vấn đề của chúng ta", ông nhận định tại sự kiện Economic Club of New York hồi tháng 9.

"Tôi sẽ ngay lập tức ban bố Tình trạng khẩn cấp Quốc gia để tăng nguồn cung năng lượng nội địa. Việc này sẽ đẩy nhanh tốc độ cấp phép các hoạt động khoan dầu, xây đường ống, nhà máy lọc dầu, các nhà máy và lò phản ứng mới", ông phát biểu.

Cùng quan điểm, ông Carl Schramm, Giáo sư kinh tế tại Đại học Syracuse, cho rằng chi phí năng lượng là một yếu tố quan trọng trong lạm phát giá thực phẩm vì nhiên liệu là chi phí đầu vào chính cho ngành nông nghiệp. "Nếu có thể giảm chi phí năng lượng, bạn sẽ giảm được lạm phát", ông Carl Schramm nhận định trong báo cáo.

"Vẽ" lại bức tranh kinh tế

Đáng chú ý, các đề xuất bảo hộ thương mại của ông Trump sẽ đánh dấu sự chuyển hướng chính sách kinh tế của Mỹ sau nhiều thập kỷ. Ông muốn áp thuế 10-20% với tất cả hàng hóa nhập vào Mỹ. Riêng với Trung Quốc, thuế có thể lên tới 60%.

Ông Trump cho rằng thuế nhập khẩu sẽ bảo vệ việc làm cũng như ngành công nghiệp Mỹ. Ông khẳng định rằng thuế nhập khẩu sẽ khuyến khích sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài.

Ông Donald Trump cho hay chính sách thuế cùng cam kết đưa việc làm quay về Mỹ của ông sẽ giảm lạm phát và chi phí sinh hoạt cho các gia đình. Ông tin tưởng mức thuế mới sẽ do các nhà sản xuất nước ngoài chịu và không ảnh hưởng đến người Mỹ.

Sự trở lại của Trump 2.0 sẽ vẽ lại bức tranh kinh tế toàn cầu? - 2

Chiến thắng của ông Trump có thể "vẽ" lại bức tranh kinh tế toàn cầu (Ảnh: Bloomberg).

Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, giới chức và chuyên gia kinh tế nước ngoài lo ngại rằng một chiến thắng của ông Trump có thể dựng lên một loạt rào cản thương mại mới trên toàn thế giới và dẫn tới tình trạng lãi suất cao hơn lâu hơn. Sự kết hợp có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với các nền kinh tế với triển vọng tăng trưởng yếu của thế giới.

Việc ông Trump cứng rắn với các đồng minh, như Nhật Bản, Pháp và Hàn Quốc, làm dấy lên lo ngại thương mại toàn cầu sẽ suy yếu. Yếu tố cạnh tranh thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu nhiều thập kỷ qua có nguy cơ bị kéo tụt.

Cách tiếp cận của ông Trump có thể khiến hoạt động và lợi ích từ thương mại sẽ giảm sút, quan hệ giao thương giữa các quốc gia cũng căng thẳng hơn trước đây, cựu kinh tế trưởng của IMF Maurice Obstfeld cảnh báo.

"Nếu nhìn vào lịch sử thế giới, bạn thấy hòa bình khó đạt được khi thương mại phân mảnh. Thế giới phải được kết nối về kinh tế và phi kinh tế", ông Petros Mavroidis, cố vấn pháp lý của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhận định trong báo cáo.

Ông giải thích rằng các nước nhiều khả năng áp dụng thuế trả đũa với hàng nhập khẩu từ Mỹ và các quốc gia khác. Mục đích là bảo vệ thị trường của họ khỏi số hàng mà lẽ ra sẽ xuất sang Mỹ. Mối bất an trên phản ánh một thực tế rằng chính sách thương mại của Mỹ có thể ảnh hưởng tới các nền kinh tế khác nhiều hơn so với ảnh hưởng đến chính nền kinh tế Mỹ.

Tại Mỹ hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp đang giữ ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định và thị trường chứng khoán trên đà tăng mạnh, tất cả đều phản ánh một nền kinh tế có thể trụ vững mà không phải chịu tổn thất nặng nề trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến thương mại hoặc lãi suất tăng cao.

GDP toàn cầu liệu có bị ảnh hưởng?

"Đối với tôi, từ đẹp nhất trong từ điển là thuế nhập khẩu. Đó là từ yêu thích của tôi", ông Trump cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago.

Hầu hết nhà kinh tế không đồng tình với ông Trump vì thuế nhập khẩu sẽ khiến lạm phát tăng tốc, ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ, cũng như các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian.

Trên phạm vi toàn cầu, mức thuế này có thể làm tổn thương tăng trưởng kinh tế nói chung, châm ngòi cho động thái trả đũa từ các đối tác thương mại.

Ngân hàng UBS ước tính mức thuế 60% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% với hàng từ phần còn lại của thế giới, sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 1% năm 2026. Dựa trên xu hướng hiện tại, mức giảm này tương đương 30% tốc độ tăng GDP của thế giới.

Sự trở lại của Trump 2.0 sẽ vẽ lại bức tranh kinh tế toàn cầu? - 3

Thuế nhập khẩu sẽ khiến lạm phát tăng tốc (Ảnh: Reuters).

Lợi nhuận của các doanh nghiệp dự kiến giảm trung bình 6%. Các chỉ số chứng khoán toàn cầu cũng chịu tác động, mạnh nhất là nhóm cổ phiếu châu Âu, Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác. Việc này có thể ăn mòn đến các quỹ hưu trí và các khoản tiết kiệm đầu tư của người dân, UBS cảnh báo.

Theo ngân hàng ABN AMRO, kinh tế châu Âu có thể chịu cú sốc lớn. Nếu Mỹ tăng thuế lên 10% với tất cả hàng hóa, thiệt hại GDP khu vực đồng euro sẽ tương tự cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra năm 2022.

Các ngành như máy móc, xe hơi và hóa chất cũng chịu thiệt hại nếu bị tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ do số sản phẩm này chiếm 68% hàng xuất của EU sang nước này năm ngoái.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhận thấy nguy cơ GDP toàn cầu sụt giảm nếu thuế nhập khẩu tăng cao trên thế giới. Theo báo cáo giữa tháng 10 của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch, nhiệm kỳ 2 của ông Trump có thể kéo tụt GDP một số quốc gia châu Á xuất khẩu nhiều sang Mỹ.

"Giả sử ông Trump tiến hành theo những gì ông ấy đề xuất, không ai sẽ thoát khỏi thiệt hại", ông Maurice Obstfeld, cựu kinh tế trưởng của IMF, nhận định với CNN.

Gia tăng sức mạnh của USD

Giới phân tích cũng quan tâm đến mong muốn tác động vào khả năng hoạt động độc lập của Fed. Các chuyên gia đặc biệt chú ý đến việc ông Trump hành xử thế nào với Fed khi đắc cử nhiệm kỳ 2.

Theo luật nước này, Chủ tịch và 6 thành viên khác trong Hội đồng Thống đốc Fed được đề cử bởi tổng thống, sau đó Thượng viện thông qua. Tuy nhiên, cơ quan này hoạt động độc lập với các chính trị gia, đưa ra quyết định có ảnh hưởng lớn đến hướng đi của kinh tế Mỹ và thị trường toàn cầu.

Sự độc lập của Fed giúp USD giữ vị trí là tiền tệ dự trữ của thế giới và chính phủ Mỹ có khả năng đi vay mạnh tay bằng cách phát hành trái phiếu lãi suất thấp. Vì thế, bất kỳ nỗ lực nào nhằm suy yếu sự độc lập của Fed đều có khả năng làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu và gây bất ổn cho USD.

Một số chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư cũng cho rằng khả năng lãi suất Mỹ giữ ở mức cao lâu hơn cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Họ lo ngại rằng thâm hụt ngân sách gia tăng của Mỹ có thể đẩy áp lực lạm phát ở Mỹ lên cao hơn, từ đó khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt lâu hơn.

Ông Jan Hatzius, kinh tế trưởng tại Goldman Sachs, ước tính euro có thể mất giá 3% so với USD nếu hàng hóa châu Âu bị áp thuế nhập khẩu 10%. Trong khi đó, nghiên cứu của ING chỉ ra tiền tệ của Australia, New Zealand, Mexico và nhiều nước châu Á khác cũng biến động lớn do chịu ảnh hưởng từ sự thay đổi chính sách thương mại.

Cùng quan điểm, ông Brad Bechtel, giám đốc ngoại hối tại ngân hàng đầu tư Jefferies, cho rằng đồng nhân dân tệ có thể mất 12% trong vài tháng đầu nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng.

Sự trở lại của Trump 2.0 sẽ vẽ lại bức tranh kinh tế toàn cầu? - 4

Ông Donald Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Nhà Trắng (Ảnh: Reuters).

Đối với giới chức kinh tế ở châu Âu, kế hoạch áp thuế quan mới của ông Trump, đặc biệt là mức thuế nặng tay đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, là mối quan tâm chính. 

Tại chuỗi sự kiện thường niên của IMF ở Washington, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nói rằng các rào cản thương mại mới có thể làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn thế giới và có thể làm giảm GDP toàn cầu tới 9% trong một kịch bản xấu nhất.

Theo giới chuyên gia kinh tế, một sự đổ vỡ trong thương mại Mỹ - Trung thậm chí có thể gây thiệt hại cho các quốc gia khác nhiều hơn mức thuế quan mà ông Trump dự tính áp dụng với tất cả hàng hóa nhập khẩu.

Các chuyên gia lo ngại rằng các công ty Trung Quốc sẽ chuyển hướng một phần lượng hàng hóa trị giá 420 tỷ USD mà họ xuất khẩu sang Mỹ hàng năm sang châu Âu và các thị trường khác, dẫn tới một cuộc xung đột thương mại toàn cầu rộng lớn hơn.

"Khi Mỹ áp đặt các chính sách thương mại chống bán phá giá hoặc thuế quan này đối với Trung Quốc, các công ty Trung Quốc sẽ tìm nơi khác để bán rẻ hàng hóa của họ, và châu Âu là một thị trường họ sẽ tìm đến", nhà kinh tế Satyam Panday của S&P Global Ratings nhận định.