Đằng sau nỗ lực nới "vòng kim cô" của Mỹ để Ukraine tấn công lãnh thổ Nga
(Dân trí) - Sức ép từ các đồng minh và tình hình chiến sự khốc liệt dường như đã góp phần làm thay đổi lập trường của Mỹ về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Washington để tấn công lãnh thổ Nga.
"Hãy để Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga". Thông điệp này từ lâu đã là ưu tiên hàng đầu của Ukraine và những nước ủng hộ Kiev mạnh mẽ nhất.
Ngày càng nhiều lãnh đạo phương Tây đồng tình với thông điệp trên, trong khi Mỹ vẫn chưa chính thức công khai ủng hộ. Sự kiên định của Mỹ dẫn đến nguy cơ rạn nứt mối quan hệ giữa Washington và các đồng minh.
Cuộc tranh luận ngày càng trở nên cấp bách hơn kể từ khi Nga phát động chiến dịch tấn công xuyên biên giới mới nhằm vào khu vực Kharkov ở phía đông bắc Ukraine hồi đầu tháng này. Kiev thậm chí cảnh báo Nga có thể tập trung quân để tiến hành một chiến dịch tấn công khác ở khu vực Sumy lân cận.
Vì sao Ukraine muốn nới lỏng hạn chế vũ khí?
Ukraine nhận thấy họ đang gặp bất lợi, vì những hạn chế trong việc sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp mang lại cho Moscow lợi thế áp đảo, chênh lệch rõ rệt so với Kiev.
"Đối với chúng tôi, việc được phép tấn công Nga bằng vũ khí phương Tây là vấn đề mang tính sống còn và phòng vệ. Chúng tôi yêu cầu được tấn công đáp trả và tấn công vào các mục tiêu quân sự hợp pháp ở Nga", Yehor Cherniev, nghị sĩ Ukraine và trưởng phái đoàn thường trực của Ukraine tại Hội đồng Nghị viện NATO, tuyên bố.
Mykola Bielieskov, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine, cho biết Nga "có thể sử dụng cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ của mình để tiến hành cuộc chiến chống lại Ukraine mà không gặp bất kỳ trở ngại nào".
"Kết quả là có sự bất cân xứng rõ rệt. Thực tế này đã được nói đến từ lâu, nhưng cuộc tấn công của Nga ở khu vực Kharkov đã thể hiện rõ hơn điều này", chuyên gia Bielieskov nhận định.
Nếu không được Mỹ bật đèn xanh, Ukraine sẽ mắc kẹt trong việc sử dụng tên lửa và máy bay không người lái của chính nước này để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Chiến dịch tấn công của Ukraine nhằm vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ trong lãnh thổ Nga đã vấp phải sự chỉ trích từ Mỹ do Washington lo ngại ảnh hưởng đến giá dầu toàn cầu. Trong những tuần gần đây, Kiev cũng đã tấn công hai cơ sở radar nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Động thái này một lần nữa gây lo ngại vì các cơ sở bị tấn công có liên kết với mạng lưới cảnh báo sớm hạt nhân của Nga.
Kiev nói rằng các cuộc tấn công này là chính đáng. "Những radar đó là "con mắt" của Nga. Và ít nhất chúng tôi đã khiến chúng phải đóng lại một phần. Chúng tôi sẽ tiếp tục tấn công các mục tiêu chiến lược ở Nga bằng phương tiện của mình", một sĩ quan tình báo Ukraine nói với Politico.
Ukraine dường như vô cùng thất vọng khi không thể tấn công lực lượng Nga ở phía bắc Kharkov.
Trong chuyến thăm Tây Ban Nha vào cuối tháng 5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận, vào tháng trước đó, máy bay chiến đấu của Nga đã phóng hơn 3.000 quả bom vào Ukraine, chủ yếu từ máy bay chiến đấu trong không phận Nga, nơi Ukraine không thể bắn hạ chúng.
"Chúng tôi có toàn bộ thông tin tình báo cho thấy nơi họ tập trung quân, trang thiết bị, nhưng chúng tôi không có cơ hội đánh phủ đầu để ngăn cản chúng vượt qua biên giới. Chúng tôi chỉ có thể phản ứng sau khi chúng vượt qua biên giới, vì vậy chúng tôi đã chịu tổn thất về người và một số làng mạc", nghị sĩ Cherniev nói.
Nếu Nga tiếp tục nằm ngoài tầm bắn của các vũ khí do phương Tây cung cấp, Ukraine sẽ rất khó giành chiến thắng trong cuộc chiến.
"Hiệu quả phòng thủ của Ukraine nói chung và khu vực Kharkov nói riêng phụ thuộc vào khả năng tấn công vào hệ thống chỉ huy và hỗ trợ quân sự của Nga", chuyên gia Bielieskov nhận định.
Ông Bielieskov tin rằng nếu Ukraine được phép sử dụng tên lửa của phương Tây để tấn công các sân bay của Nga, nơi cách biên giới khoảng 50km, điều đó có thể cản trở đáng kể việc Moscow sử dụng bom đạn trên không.
"Các máy bay ném bom của Nga ít có khả năng bay từ các sân bay xa hơn vì điều này làm tăng nhu cầu nhiên liệu. Vì vậy, việc tấn công (các sân bay) sẽ làm giảm cơ hội để họ ném bom chúng tôi thường xuyên", ông Bielieskov nói.
"Lệnh cấm kéo dài đối với Ukraine trong việc sử dụng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga mang lại cho Moscow quyền tự do thực hiện các cuộc tấn công khốc liệt, có thể biến vùng biên giới của Ukraine thành vùng đất hoang", chuyên gia Ukraine bình luận.
Tín hiệu thay đổi trong lập trường của Mỹ
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy tình hình đang có xu hướng thay đổi và Kiev có thể sẽ sớm được mở đường tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp.
Hai nguồn tin am hiểu vấn đề nói với NBC rằng, cuộc tranh luận trong nội bộ chính quyền Tổng thống Joe Biden về vấn đề này đang diễn ra và một số quan chức hàng đầu của Mỹ ủng hộ dỡ bỏ các hạn chế về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga.
Tình trạng khẩn cấp ở Ukraine, nơi đang chờ viện trợ quân sự quan trọng từ Mỹ, đã khiến ngày càng nhiều quan chức phương Tây ủng hộ ý tưởng dỡ bỏ các hạn chế tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Trong phần lớn thời gian diễn ra cuộc xung đột ở Ukraine, các đồng minh của Kiev đã vạch ra một lằn ranh đỏ rõ ràng trong việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga vì lo ngại sự leo thang từ Moscow có thể biến cuộc xung đột thành Thế chiến 3.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhất quán trong lập trường này. Washington dường như lo lắng rằng Moscow có thể trả đũa bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân, điều mà các quan chức Nga thường xuyên đề cập đến trong suốt cuộc xung đột.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lực lượng Ukraine bị áp đảo cả về quân số cũng như trang thiết bị và đang ở thế yếu, Kiev đã và đang vận động công khai để các đồng minh nới lỏng những hạn chế về việc sử dụng vũ khí tấn công lãnh thổ Nga.
Nỗ lực của Ukraine dường như đang đạt kết quả.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất. Ông đề nghị Kiev nên được phép tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga, nơi tên lửa đang được bắn vào lãnh thổ Ukraine.
Theo sau Tổng thống Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz dường như cũng thay đổi lập trường, mặc dù trước đây ông phản đối việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga.
Trong bài phát biểu cạnh ông Macron, ông Scholz cho biết Ukraine có thể sử dụng vũ khí được phương Tây cung cấp "trong khuôn khổ luật pháp quốc tế". Điều này đã mở ra cơ hội mới cho Kiev.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng liên tục kêu gọi các nước thành viên cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, nói rằng việc không hành động như vậy sẽ cản trở khả năng "tự vệ" của Kiev. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của một số thành viên châu Âu trong liên minh.
Các đồng minh khác cũng đang bật đèn xanh cho Ukraine. Cho đến nay, Anh, Thụy Điển, Phần Lan, các nước vùng Baltic, Hà Lan, Ba Lan, Séc, Canada và các nước khác đều cho biết họ ủng hộ việc Ukraine sử dụng vũ khí do các nước này cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Trong một động thái được cho là có thể mở ra chương mới cho cuộc xung đột, các quan chức Mỹ hôm 30/5 nói với Politico rằng, Tổng thống Joe Biden đã âm thầm dỡ bỏ một phần lệnh hạn chế đối với Ukraine về việc sử dụng vũ khí do Mỹ viện trợ để tập kích vào lãnh thổ Nga.
Các quan chức Mỹ dự đoán các cuộc phản công đầu tiên của Ukraine bằng vũ khí do Mỹ cung cấp sẽ bắt đầu trong vài ngày tới.
Theo New York Times, quyết định của ông Biden dường như đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống Mỹ cho phép phản ứng quân sự hạn chế đối với lực lượng pháo binh, căn cứ tên lửa và trung tâm chỉ huy bên trong lãnh thổ của một quốc gia bị Mỹ coi là đối thủ và sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng nói rằng, chính quyền Tổng thống Biden chỉ cho phép Ukraine nhắm vào các mục tiêu tại các vùng biên giới Nga gần tỉnh Kharkov của Ukraine. Việc Mỹ bật đèn xanh chỉ nhằm giúp Ukraine bảo vệ Kharkov, thành phố lớn thứ hai của nước này, và các khu vực xung quanh khỏi tên lửa, bom lượn và đạn pháo được bắn từ bên kia biên giới.
Mặc dù vậy, việc nới lỏng các hạn chế cũng đánh dấu sự phá vỡ chính sách lâu nay của Mỹ đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Việc Mỹ không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga từng được xem là "vòng kim cô" ràng buộc lực lượng Kiev.
"Đây là một thực tế mới và có lẽ là một kỷ nguyên mới trong cuộc xung đột Ukraine", một quan chức cấp cao của Mỹ nhận định về quyết định mới của chính quyền Tổng thống Biden.
Quyết định có thể thay đổi cục diện xung đột
Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, sự thay đổi trên là một "bước ngoặt" trong lập trường của chính quyền Tổng thống Biden đối với Ukraine nhằm "thích ứng và điều chỉnh" khi cần thiết.
"Khi các điều kiện đã thay đổi, khi chiến trường đã thay đổi, khi những gì Nga làm đã thay đổi về cách nước này theo đuổi hành động gây hấn, leo thang, chúng tôi cũng đã thích nghi và điều chỉnh, và tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy", ông Blinken nói trong một cuộc họp báo ở Moldova.
Các chuyên gia nhận định, bằng việc đưa ra quyết định trên, Tổng thống Biden rõ ràng đã vượt qua lằn ranh đỏ do chính ông vạch ra. Các quan chức chính quyền Mỹ thậm chí tuyên bố nếu Nga tiến hành các cuộc tấn công khác từ bên trong lãnh thổ Nga nhằm vào các mục tiêu ngoài Kharkov, các hạn chế của Mỹ có thể được nới lỏng hơn nữa.
Ukraine kỳ vọng, sự thay đổi lập trường của Mỹ sẽ giúp Kiev lấy lại vị thế trong cuộc chiến mà Nga dường như đang áp đảo. Sau khi được Mỹ bật đèn xanh, Ukraine có thể sử dụng các hệ thống phòng không, tên lửa dẫn đường và pháo binh do Washington cung cấp để tấn công các mục tiêu của Nga dọc biên giới phía đông bắc, gần Kharkov.
Giao tranh đã bùng phát ở khu vực này trong 3 tuần qua sau khi quân đội Nga tràn qua biên giới để mở một mặt trận mới trong cuộc chiến.
Các sĩ quan quân đội Ukraine hoan nghênh quyết định của Mỹ, nói rằng họ sẽ không bị ràng buộc trong việc đối phó với Nga dọc biên giới với nguồn cung vũ khí mạnh mẽ và có độ chính xác cao từ Mỹ trong kho vũ khí của Ukraine.
Ngoài ra, gói viện trợ quân sự được quốc hội Mỹ thông qua vào tháng trước cũng đang trên đường tới Ukraine và được dự đoán sẽ giúp Kiev phản công mạnh sau nhiều tháng bị đình trệ.
Các quan chức Ukraine từng nói rằng việc cho phép Kiev sử dụng vũ khí phương Tây có thể giúp xoay chuyển cục diện xung đột dọc biên giới, đồng thời đáp trả các cuộc tấn công vào thành phố Kharkov bằng cách tấn công các bệ phóng tên lửa và máy bay bên trong lãnh thổ Nga.
Tuy vậy, Mỹ dường như vẫn dè chừng đòn đáp trả của Nga. Mặc dù chính quyền Tổng thống Biden có thể gỡ bỏ hạn chế một phần, song các quan chức Mỹ vẫn lưu ý rằng, chính sách của Washington về việc cấm sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga "không thay đổi".
"Chính sách của chúng tôi về việc cấm sử dụng tên lửa ATACMS hoặc tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào bên trong lãnh thổ Nga vẫn không thay đổi", các nguồn tin cho biết, đề cập đến hệ thống ATACMS được cung cấp cho Ukraine có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Quyết định đảo ngược lập trường của ông Biden ở thời điểm hiện tại đã đặt ra một câu hỏi mới: Moscow sẽ phản ứng thế nào trước các cuộc tấn công sử dụng vũ khí của Mỹ vào lãnh thổ Nga? Không thể biết chính xác Tổng thống Vladimir Putin sẽ vạch ra lằn ranh đỏ đến mức nào.
Trước đó, ông Putin chưa phản ứng trước quyết định của Anh về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Anh tấn công lãnh thổ Nga, nhưng đối với nhà lãnh đạo Nga, Mỹ lại là một kiểu đối thủ khác.
Mỹ và các đồng minh phương Tây cho đến nay vẫn lo ngại về việc vượt qua lằn ranh đỏ của Nga và nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến rộng lớn hơn, thậm chí có thể là một cuộc đối đầu hạt nhân. Bỉ gần đây xác nhận sẽ cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, nhưng chỉ với điều kiện chúng không được bay sang lãnh thổ Nga.
Ukraine phàn nàn rằng phương Tây cũng ngần ngại cung cấp cho Kiev tên lửa chống tăng và phòng không vác vai, hệ thống pháo binh, xe bọc thép chở quân, xe tăng, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu. Mỹ cũng tuyên bố không đưa binh lính tới Ukraine chiến đấu chống lại Nga.
"Học thuyết quân sự của Mỹ nói rằng để phòng thủ hiệu quả ở tiền tuyến, cần phải tấn công sâu vào bên trong phòng tuyến của đối phương để làm suy yếu áp lực ở tiền tuyến. Thật không công bằng khi Ukraine được yêu cầu chiến đấu, còn lực lượng vũ trang Mỹ không bao giờ tham chiến", chuyên gia Bielieskov nói.
Mặc dù các quan chức Mỹ khẳng định không có lệnh cấm chính thức đối với vũ khí của Washington cấp cho Ukraine, nhưng từ lâu họ đã dự đoán rằng việc sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga có thể gây ra phản ứng leo thang từ Moscow, điều mà Tổng thống Putin đã nhiều lần cảnh báo.
Trong những tuần qua, các quan chức Nga đã "nắn gân" các nước NATO về nguy cơ leo thang căng thẳng nếu họ cho phép Ukraine có quyền tự do hơn trong việc tấn công lãnh thổ Nga. Quan chức Nga nhiều lần cảnh báo nguy cơ bùng nổ xung đột toàn cầu nếu phương Tây cho phép Ukraine dùng vũ khí do các nước này cung cấp để tấn công Nga.
Tổng thống Putin cảnh báo "sự leo thang liên tục này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng". Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev khẳng định cuộc xung đột hiện tại của Nga với phương Tây đang phát triển theo "kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra" và đe dọa sẽ đáp trả bằng "lực lượng hủy diệt".
Theo các chuyên gia, phần lớn quyết định của Mỹ phụ thuộc vào cách Nga phản ứng với sự thay đổi trong những ngày và những tuần tới. Nga đã cảnh báo nước này sẽ đáp trả nếu Mỹ thay đổi chính sách. Tuần trước, khi có thông tin về sự thay đổi lập trường của Mỹ, Nga đã tiến hành cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật, động thái dường như là một tín hiệu gửi tới Washington.
Nga đã nhiều lần chơi "quân bài hạt nhân" trong 27 tháng kể từ khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tướng Mark A. Milley, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, từng nói về "nghịch lý hạt nhân" rằng, khi Nga nhận thấy họ càng có xu hướng thua cuộc ở Ukraine, nguy cơ hạt nhân càng tăng cao.
Theo New York Times, Politico, NBC, Reuters