1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ nêu kịch bản cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công lãnh thổ Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nêu ra tình huống mà Washington cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Mỹ nêu kịch bản cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công lãnh thổ Nga - 1

Các quân nhân Ukraine bắn một quả đạn từ lựu pháo M777 (Ảnh: Reuters).

Một quan chức Lầu Năm Góc xác nhận với Tass rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Washington nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga trong cuộc chiến phản đòn Moscow.

Quan chức trên nói với Tass: "Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp cho mục đích phản công ở khu vực Kharkov để Ukraine có thể đánh trả các lực lượng Nga đang tấn công hoặc chuẩn bị tấn công nhằm vào phía Kiev".

Ông nói thêm: "Chính sách của chúng tôi về việc cấm sử dụng tên lửa ATACMS hoặc vũ khí tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga vẫn không thay đổi".

Trước đó, báo Mỹ Politico dẫn 4 nguồn tin nói rằng Tổng thống Biden đã âm thầm cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Washington cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga. Theo Politico, Mỹ cho phép Ukraine tấn công khu vực biên giới với Nga giáp vùng Kharkov.

Thời gian qua, giới chức Ukraine đã phàn nàn rằng Nga đạt được đà tiến nhanh chóng ở Kharkov trong vài tuần là vì Kiev không được phép sử dụng vũ khí phương Tây viện trợ tấn công lãnh thổ Nga, nên họ khó ngăn chặn được các mũi quân của Moscow.

Một số quốc gia phương Tây đã thay đổi quan điểm khi cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ nhằm vào các mục tiêu quân sự trên đất Nga.

Trong bài trả lời phỏng vấn Economist, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đề nghị các đồng minh NATO nên xem xét lại liệu Ukraine có thể sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để thực hiện các cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự bên trong biên giới của Nga hay không.

Mặt khác, ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng NATO không nên đưa quân tới thực địa ở Ukraine vì nếu không, khối này sẽ khó có thể đứng ngoài cuộc xung đột.

Trong khi đó, New York Times tuần trước dẫn nguồn tin cho biết, sau chuyến thăm Kiev gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dường như đề nghị Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng vũ khí của Washington chống lại các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

Vào ngày 28/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, khi phát biểu về các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga, đại diện của các nước NATO "nên nhận thức được họ đang chơi trò chơi gì".

Theo ông Putin, Nga đang theo dõi chặt chẽ cuộc thảo luận như vậy. Ông Putin cảnh báo rằng, một khi quân đội Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa, Moscow sẽ một lần nữa phải quyết định về việc mở rộng "vùng đệm" để đảm bảo an ninh.

Hôm 18/5, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, Nga có thể phải mở rộng vùng đệm an ninh ở Ukraine đến biên giới Ba Lan nếu phương Tây tiếp tục chuyển vũ khí tầm xa cho Kiev.

Ông nói thêm, Ukraine hiện sở hữu tên lửa Storm Shadow/SCALP-EG do phương Tây cung cấp với tầm bắn ít nhất 550km, trong khi khoảng cách giữa vùng biên giới Belgorod của Nga và thủ đô Kiev của Ukraine chỉ là 429km. Do vậy, Nga cần lập một vùng đệm có khoảng cách lớn hơn khoảng cách đó 70-100km.

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine