Dàn vũ khí "làm mưa, làm gió" trên chiến trường năm 2023
(Dân trí) - Hai cuộc chiến giữa Nga - Ukraine và Israel - Hamas trong năm 2023 ghi nhận sự xuất hiện của dàn vũ khí "khủng", có uy lực xoay chuyển tình thế trên chiến trường.
Năm 2023, thế giới chứng kiến những cuộc đối đầu nảy lửa, không khoan nhượng ở châu Âu và Trung Đông. Các bên đều huy động các vũ khí cả mới và cũ, với mục tiêu tạo ra lợi thế trên chiến trường.
UAV: Vũ khí cho tác chiến tương lai
Sự xuất hiện và màn trình diễn của các UAV trên các chiến trường trong năm qua cho thấy đây thực sự là tương lai của tác chiến hiện đại. Giá thành rẻ hơn nhiều tên lửa, khả năng phá hủy vũ khí uy lực trên chiến trường, giảm thiểu tối đa thiệt hại về nhân lực là những ưu điểm khiến các bên tin dùng UAV.
Một trong những UAV nổi bật nhất trên chiến trường năm qua là Lancet. Chuyên gia quân sự David Hambling nhận định với chuyên trang 19fortyfive rằng, đây được xem là một thành công nổi bật của Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
Lancet thể hiện hiệu suất đáng kinh ngạc khi có thể phá hủy hàng loạt các mục tiêu từ khoảng cách xa, bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực, tiêm kích đậu trong căn cứ, pháo binh và hệ thống phòng không.
Lancet từng tấn công và phá hủy xe tăng Leopard-2 do Đức sản xuất có giá 11 triệu USD. Mục tiêu Lancet tấn công nhiều nhất chính là pháo binh Ukraine, bao gồm cả pháo tự hành. Theo Viện RUSI (Anh), Nga giờ đây sử dụng Lancet như vũ khí phản pháo.
Theo thống kê từ các chuyên gia, tính đến tháng 10, Lancet đã đánh trúng khoảng 142 lần vào pháo tự hành và 170 vào súng cối cùng hệ thống hỏa lực khác của Ukraine. Theo cơ sở dữ liệu do trang phân tích nguồn mở Oryx tổng hợp, Ukraine đã có 222 khẩu pháo tự hành bị phá hủy hoặc hư hỏng. Điều này cho thấy Lancet có thể là nguyên nhân gây ra 64% tổn thất cho pháo tự hành của Ukraine.
Chiến sự Nga - Ukraine cũng ghi nhận 2 bên sử dụng ngày càng gia tăng UAV góc nhìn thứ nhất (FPV). Đây là những UAV chỉ có giá vài trăm tới vài nghìn USD, có cấu tạo tương đối thô sơ. Điểm nổi bật là chúng được trang bị camera giúp người điều khiển quan sát chính xác mục tiêu để thả thuốc nổ hoặc cho UAV lao thẳng xuống để phá hủy.
Trong giai đoạn đầu năm, Ukraine được xem đã đi trước Nga trong việc phát triển UAV FPV, khi ứng dụng các UAV này gây ra không ít thiệt hại cho Nga.
Tuy nhiên, Nga - cường quốc quân sự hàng đầu thế giới - đã nhanh chóng bắt kịp và giờ đây thậm chí có tiềm lực UAV FPV gấp 5-7 lần đối phương, một chỉ huy đơn vị Ukraine thừa nhận.
Tại cuộc chiến Israel - Hamas, UAV cũng được xem đã giúp cho lực lượng vũ trang của người Palestine đạt lợi thế ban đầu khi tấn công bất ngờ vào lãnh thổ do Tel Aviv sản xuất.
Theo đó, vào ngày 7/10, Hamas đã sử dụng một phi đội UAV thô sơ để kích hoạt vụ tấn công quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu Israel.
Tổ chức tình báo máy bay không người lái tư nhân DroneSec (Australia) nhận định, có 2 loại UAV chính đã được Hamas sử dụng, gồm UAV FPV được gắn thuốc nổ và UAV cánh cố định có nhiệm vụ bay lảng vảng để chờ thời cơ lao xuống mục tiêu tấn công cảm tử.
DroneSec cho biết, các UAV này đã được triển khai để Hamas tiến qua hàng rào ranh giới ở Dải Gaza trót lọt bằng cách cho chúng lao vào các tháp liên lạc, đồn canh gác và vũ khí của Israel.
Ngoài ra, các UAV của Hamas còn chủ động tấn công vũ khí hạng nặng của Israel, như xe tăng Merkava-4, làm giảm bớt năng lực quân sự của đối phương để tấn công hiệu quả hơn.
UAV có thể hỗ trợ cho lực lượng yếu thế hơn trong một cuộc chiến bất đối xứng. Sự nguy hiểm của vũ khí này có thể giúp các bên có được lợi thế trong hoạt động tác chiến tương lai.
"Sát thủ vô hình" tác chiến điện tử
Pavlo Petrychenko, chỉ huy đơn vị máy bay không người lái của Lữ đoàn cơ giới số 59 của Ukraine, nói với CNN rằng kể từ khi chiến sự với Nga bùng phát từ năm ngoái, Moscow đã sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử để đánh chặn hệ thống liên lạc và máy bay không người lái của Ukraine.
Trong năm qua, Nga đã sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử để "bắt bài" các loại vũ khí tiên tiến từ phương Tây, như HIMARS do Mỹ viện trợ. "Khi chúng tôi bắt đầu nhận thiết bị nước ngoài, họ bắt đầu sử dụng những hệ thống này để ngăn chặn vũ khí của chúng tôi", quân nhân trên cho hay.
Các hệ thống tác chiến điện tử có thể cản trở mạnh mẽ các loại vũ khí tiên tiến, bằng cách gây nhiễu tín hiệu hoặc làm tên lửa rối loạn định vị khiến nó lao trượt mục tiêu. Chúng được gọi là "vũ khí không thuốc súng" vì không cần dùng đến thuốc nổ nhưng có thể gây ra thiệt hại lớn cho đối phương.
Theo Economist, Ukraine hồi tháng 3 đã nhận ra rằng đạn pháo dẫn đường bằng GPS Excalibur của họ bắt đầu đi trật mục tiêu và điều tương tự cũng xảy ra với bom dẫn đường JDAM-ER do Mỹ cung cấp.
Trang tin cho biết tình trạng tương tự với tên lửa tầm xa GMLRS dùng trên tổ hợp HIMARS của Ukraine. Trước đó, UAV TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất từng "làm mưa, làm gió" trên chiến trường cũng dần mất đi hiệu quả sau khi Nga triển khai các tổ hợp tác chiến điện tử ra tiền tuyến.
Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi hồi đầu tháng 11 nói rằng "chìa khóa chiến thắng" của Ukraine trong một cuộc chiến mà UAV đóng vai trò chủ chốt chính là có thêm các tổ hợp tác chiến điện tử.
Trong khi đó, tại Gaza, cả Israel và Hamas đều đã triển khai các hệ thống tác chiến điện tử (EW) tối tân nhằm vô hiệu vũ khí của đối phương.
Theo chuyên gia, Hamas đang ngày càng làm chủ năng lực tác chiến điện tử, nhờ sự ủng hộ từ những lực lượng đồng minh trong khu vực và mức độ phổ biến của công nghệ hiện đại. Với những vũ khí này, Hamas có thể cản trở năng lực do thám, trinh sát tình báo (ISR) và mạng lưới UAV của Israel ở tầm thấp hoặc trên mặt đất ở Gaza.
Trong khi đó, Israel đã phát triển nhiều module tấn công điện tử vác vai của riêng mình và đã bán các hệ thống phản ứng gây nhiễu MCTECH MC-4/8-RA từ năm 2018. Việc phát triển các mô-đun nhỏ như vậy đã được thúc đẩy nhanh chóng kể từ đó và các lực lượng Israel sẽ tìm cách tận dụng lợi thế của nó trong phạm vi giới hạn của thành phố Gaza.
Xuồng tự sát: Cơn "ác mộng" của chiến hạm
Một trong những vũ khí nổi bật trong năm 2023 không thể không nhắc tới là xuồng không người lái tấn công tự sát.
Trong thời gian qua, bán đảo Crimea và Hạm đội Biển Đen của Nga nhiều lần trở thành mục tiêu bị tấn công bằng xuồng tự sát. Điều này cho thấy mối nguy hiểm của xuồng tự sát với các mục tiêu quan trọng của Moscow tại khu vực mà họ đang chiếm ưu thế áp đảo trước Kiev.
Hồi tháng 7, xuồng tự sát Sea Baby của Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công vào cầu Kerch vào tháng 7, khiến cây cầu nối đất liền Nga và bán đảo Crimea bị hư hỏng.
Tháng 11, Ukraine tuyên bố 2 xuồng tự sát nước này đã lao vào tàu lớp Akula và lớp Serna của Nga trên Biển Đen. Ukraine tuyên bố 2 tàu của Nga đã bị chìm sau vụ tấn công.
Theo phía Kiev, kể từ khi Ukraine tăng cường tấn công ở Biển Đen, khả năng phòng không của hải quân Nga đã suy giảm và các tàu đổ bộ đã đóng vai trò như một phương tiện thay thế cho các hệ thống phòng không.
Ukraine cho biết một số tàu hải quân Nga đã di dời khỏi Sevastopol tới Novorossiysk trên đất liền Nga để tránh trở thành mục tiêu cho xuồng tự sát của Kiev.
Scott Savitz, nhà phân tích cấp cao của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, nhận định các xuồng tự sát gắn thuốc nổ của Ukraine có thể được xem là vũ khí đáng gờm chống lại các hạm đội và thậm chí cả cơ sở hạ tầng quan trọng của Nga ở Biển Đen.
Theo ông Savitz, xuồng tự sát thậm chí còn nguy hiểm hơn các loại vũ khí trên không như tên lửa và bom. Chi phí tương đối thấp của xuồng tự sát cũng có thể cho phép Ukraine thực hiện các cuộc tấn công với số lượng lớn, khiến tàu chiến Nga khó phát hiện và đánh chặn toàn bộ mục tiêu.
Để đối phó với Ukraine, Nga đã phát triển xuồng tự sát và bắt đầu đưa tới chiến trường để "thử lửa".
Hồi tháng 9, nhà máy chế tạo máy Kingisepp của Nga đã trình làng chiếc xuồng không người lái điều khiển từ xa có tên GRK-700 Vizir, có thể làm nhiệm vụ "săn lùng" xuồng tự sát của đối phương. Bộ Quốc phòng Nga đang có kế hoạch đưa GRK-700 vào biên chế Hải quân.
Theo Defense Express, sự xuất hiện của Vizir có thể gây ra mối đe dọa với lực lượng Ukraine ở Biển Đen.
Bom lượn thông minh: "Mưa hỏa lực" hạng nặng
Khi chiến sự với Ukraine bùng phát vào năm ngoái, Nga thường điều động máy bay hiện đại mang theo các quả bom cũ, không dẫn đường ném xuống mục tiêu của Kiev. Forbes đánh giá, sự kết hợp này không mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi vào tháng 3 khi các máy bay Nga lần đầu ném bom lượn dẫn đường chính xác xuống mục tiêu của Kiev. Gần 6 tháng sau đó, các quả bom có cánh UPAB-1500 và FAB-500 (Ukraine gọi là KAB) đang ngày càng khiến các binh sĩ Kiev lo ngại.
Các quả bom UPAB và FAB của Nga chính là câu trả lời cho việc Mỹ cấp thiết bị JDAM-ER để Ukraine biến bom thông thường thành bom thông minh. Nếu JDAM-ER sử dụng hệ thống dẫn đường GPS thì các thiết bị UMPK Nga lắp lên bom thông minh sử dụng hệ thống định vị GLONASS của Moscow.
Tuy nhiên, Politico dẫn lời một quan chức ẩn danh của Lầu Năm Góc nói rằng, tỷ lệ đánh trúng mục tiêu của JDAM-ER là chưa cao vì Nga đã dùng vũ khí tác chiến điện tử để đánh chặn bom.
Trong khi đó, năng lực tác chiến điện tử của Ukraine không thể so sánh với Nga, khiến việc đánh chặn UMPK đặc biệt trở nên thách thức với Kiev, trong bối cảnh Nga đang sở hữu một lượng lớn bom thường trong kho vũ khí.
UMPK giúp cho các máy bay ném bom Nga có thể tấn công mục tiêu Ukraine ở ngoài tầm phòng thủ của Kiev. Kết hợp với các UAV trinh sát như Orlan, Zala, bom dẫn đường của Nga đang gây ra "cơn đau đầu" cho Ukraine vì khả năng tấn công chính xác hơn với khối lượng thuốc nổ có thể lên tới 1 tấn, san phẳng mọi mục tiêu trong một khu vực rộng lớn bằng hỏa lực.
Để đối phó với bom thông minh của Nga, Ukraine cần các hệ thống phòng thủ như S-300. Tuy nhiên, Kiev đang rơi vào thế khó khi kho tên lửa phòng không của họ đang ở mức thấp.
Giá cả một quả tên lửa phòng không cũng có thể lên tới hàng trăm nghìn tới hàng triệu USD, khiến việc đánh chặn có thể trở nên tốn kém so với chi phí chỉ hơn 20.000 USD cho mỗi thiết bị UMPK.
Bom chùm: Vũ khí gây tranh cãi
Vào tháng 7, Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định viện trợ bom chùm - loại vũ khí gây tranh cãi - cho Kiev.
Hơn 120 quốc gia đã cấm bom chùm vì những mối đe dọa nghiêm trọng và dai dẳng nó để lại, nhưng Mỹ, Nga và Ukraine không có trong danh sách này. Quyết định của ông Biden thậm chí cũng bị một số đồng minh NATO phản đối và gây ra tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ.
Tuy nhiên, với Ukraine, quốc gia khi đó phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng, bom chùm đã giúp họ trong việc chặn đà tiến của Nga.
Bom chùm phát nổ bên trên mục tiêu, giải phóng hàng chục đến hàng trăm quả đạn nhỏ trên một khu vực rộng bằng vài sân bóng đá. Các quả đạn nhỏ sau đó phát nổ thành các mảnh kim loại có thể gây chấn thương nghiêm trọng. Nhiều quả đạn con có khả năng chưa phát nổ hết và nằm lại dưới đất, gây ra nguy cơ dai dẳng trong hàng chục năm sau.
Bom chùm đã giúp Ukraine tấn công mục tiêu của Nga trên diện rộng, với ưu điểm là bán kính tấn công cao, khả năng dọn đường hiệu quả.
Một trong những vụ tấn công hiệu quả nhất của Ukraine diễn ra vào tháng 10, khi Ukraine tuyên bố đã tấn công 2 sân bay quân sự Nga đang kiểm soát ở Lugansk và Berdyansk tại Zaporizhia, phá hủy của đối phương 9 trực thăng, kho đạn và một số vũ khí khác.
Ukraine dùng tên lửa ATACMS phiên bản mang đạn chùm có tầm tấn công 165km. Mỗi quả ATACMS chứa 950 viên đạn chùm bên trong, có khả năng bung ra sau khi khai hỏa, gây ra khả năng tàn phá trên diện rộng.
Nếu Ukraine sở hữu nhiều bom chùm hơn, họ có thể tấn công Nga sâu hơn so với tiền tuyến, gây ra mối đe dọa đáng kể.
Mặt khác, Nga cũng cảnh báo sẽ đáp trả lại bom chùm của Ukraine. Bộ Quốc phòng Anh ngày 29/11 công bố bản báo cáo tình báo nói rằng, Không quân Nga dường như đang gia tăng sử dụng bom chùm hạng nặng để thực hiện các cuộc tấn công gây tổn hại trên diện rộng cho Ukraine ở Vuhledar và Avdiivka.
Theo phía Anh, Nga có thể đã bắt đầu triển khai thường xuyên hơn bom RBK-500 nặng 498kg trong tháng qua. Tùy vào biến thể, loại bom này có thể chứa từ 100-350 quả đạn nhỏ bên trong dưới dạng các mảnh đạn xuyên phá hoặc đạn chống tăng kích thước lớn hơn.
Những "thế lực" trên chiến trường
Ngoài những công nghệ mới và vũ khí mang tính chất xu hướng, giới quan sát nhận định, vai trò của những vũ khí truyền thống là không thể xem nhẹ trên chiến trường.
Ví dụ, xe tăng vẫn đóng vai trò quan trọng trong tác chiến. Dù xe tăng ngày càng dễ tổn thương hơn trên tiền tuyến và mất đi vai trò "pháo đài di động", nhưng không thể phủ nhận vai trò của vũ khí này trong việc giành và duy trì kiểm soát với các lãnh thổ.
Mặt khác, pháo binh vẫn là một "thế lực" trên chiến trường. Các chiến dịch quân sự nhịp độ nhanh trên thế giới vào những năm 1990 và 2000 dường như đã không còn đề cao vai trò của pháo binh. Sức mạnh của không quân và những vũ khí hiện đại khác dường như được xem là lấn át đi các khẩu pháo nặng nề, tốc độ không quá cao.
Tuy nhiên, chiến sự Nga - Ukraine cho thấy pháo binh vẫn có vai trò rất quan trọng trên chiến trường, trong cả nỗ lực phòng thủ lẫn tấn công bao vây đối thủ. Cuộc chiến hỏa lực giữa Nga và Ukraine đã diễn ra khốc liệt trên các mặt trận và trong nhiều trường hợp, bên có hỏa lực chiếm ưu thế hơn đã buộc phía còn lại phải rút lui để tránh thương vong thêm nghiêm trọng.
Mặt khác, vai trò của hệ thống mìn - vũ khí giúp tạo ra "phòng tuyến lửa" trên bộ - là khó lay chuyển. Trong một năm mà đường ranh giới giữa Nga và Ukraine gần như không thay đổi nhiều, vai trò của các loại mìn là không thể xem nhẹ.
Nga được đánh giá đã có chiến lược phòng thủ thành công trước Ukraine trong suốt nửa năm qua nhờ triển khai bãi mìn lớn nhất thế giới, dọc chiến tuyến trải dài hơn 1.200km ở Ukraine. Lượng mìn khổng lồ này, kết hợp với việc bố trí và sử dụng chiến lược các bẫy mìn sát thương, gây ra thách thức chưa từng có đối với nỗ lực phản công của Kiev ngay cả khi Ukraine được trang bị xe tăng, xe chiến đấu bộ binh hiện đại của phương Tây.
Ngoài ra, các cuộc chiến trong năm qua cũng chứng kiến sự xuất hiện của những công nghệ mới nổi trong tác chiến, ví dụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, công nghệ này cũng gây tranh cãi vì việc để máy móc ra quyết định tấn công vũ trang có thể gây ra rủi ro lớn cho con người.