1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

F-16 có thể giúp Ukraine đối phó vũ khí "đáng sợ nhất" của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định lô tiêm kích F-16 mà phương Tây viện trợ cho Ukraine có thể giúp Kiev đối phó với bom lượn - vũ khí được xem là "đáng sợ nhất" của Moscow trên tiền tuyến.

F-16 có thể giúp Ukraine đối phó vũ khí đáng sợ nhất của Nga - 1

Tiêm kích F-16 (Ảnh: Forbes).

Forbes dẫn lời giới chuyên gia nhận định, những chiếc F-16 mà phương Tây viện trợ cho Ukraine sẽ giúp Kiev giảm mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng từ những quả bom lượn thông minh của Nga.

Trước đó, binh sĩ Ukraine Olexandr Solon'ko thừa nhận rằng các quả bom lượn thông minh UPAB-1500 và FAB-500 của Nga "là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất. Nga sử dụng chúng một cách rộng rãi. Tôi không bình luận về độ chính xác của vũ khí này, nhưng chúng rất uy lực".

Bản chất của bom thông minh Nga là các quả bom thông thường được gắn thiết bị UMPK sử dụng hệ thống định vị GLONASS của Moscow.

UMPK giúp Nga biến các quả bom không dẫn đường thành UPAB và FAB. Theo Forbes, cơ chế dẫn đường của UMPK không chính xác một cách tuyệt đối, tuy nhiên điều này là không quá cần thiết khi các quả bom Nga mang theo ít nhất 907kg thuốc nổ bên trong.

Nga sở hữu hàng loạt quả bom cũ từ thời Liên Xô nằm trong kho, nên việc tích hợp UMPK lên các vũ khí này không quá tốn kém. Thiết bị này giúp cho các máy bay ném bom Nga có thể tấn công mục tiêu Ukraine ở ngoài tầm phòng thủ của Kiev.

Bom lượn có sức công phá lớn và khả năng tấn công từ ngoài tầm tấn công của hệ thống phòng thủ đang gây ra cơn "đau đầu" với lực lượng tiền tuyến Ukraine.

Mặt khác, các tiêm kích Sukhoi Su-27 và Mikoyan MiG-29 của Ukraine gần như không thể đánh chặn các máy bay chiến đấu của Nga trước khi chúng thả bom lượn xuống.

Về mặt bản chất, Su-27 và MiG-29 có thể phát hiện mục tiêu máy bay Nga ở khoảng cách 96km, nhưng tên lửa đánh chặn R-27 của Kiev chỉ có tầm bắn vào khoảng 72,4km. Nếu tiến gần hơn tới máy bay Nga để khai hỏa, các tiêm kích có thể hứng chịu rủi ro rơi vào tầm quét của các khẩu đội phòng không Moscow.

Tuy nhiên, theo Forbes, điều này có thể thay đổi khi Ukraine bắt đầu biên chế các tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất. Nga có thể mất đi ưu thế khi F-16 có khả năng tấn công không đối không tầm trung và tầm xa nhằm vào các phi cơ Nga thả bom lượn thông minh.

Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Bỉ đã cam kết cung cấp cho Ukraine những chiếc F-16 cũ trong kho vũ khí. Theo ước tính, nếu các nước trên cùng giao F-16 trong năm sau, Ukraine có thể có 60 chiếc.

Forbes nhận định, 60 chiếc F-16 là đủ để Ukraine thay đổi thế áp đảo của Nga trên không phận và đẩy lùi các máy bay ném bom lượn của Moscow.

F-16 có cảm biến, thiết bị tác chiến điện tử phòng thủ và vũ khí tốt hơn so với Su-27 hoặc MiG-29 mà Ukraine đang sở hữu. Vì vậy, nó có thể có khả năng sống sót cao hơn khi không chiến trực diện với máy bay Nga mang bom lượn, hoặc né tránh lá chắn phòng không Moscow hiệu quả hơn.

Trong không chiến, lợi thế của F-16 chính là khả năng không chiến tầm trung bằng tên lửa AIM-120 cùng chiến thuật bắn rồi bỏ chạy. F-16 có thể bay thấp để tiếp cận mục tiêu rồi tăng độ cao bất ngờ để nhanh chóng tấn công rồi rút đi ngay lập tức. Sự linh hoạt của tiêm kích này giúp nó trở nên nguy hiểm so với các tiêm kích hạng nặng ít cơ động hơn. 

F-16 là tiêm kích do phương Tây sản xuất nên nó dễ tích hợp và phát huy tối đa hiệu quả các vũ khí tầm xa như tên lửa Storm Shadow, SCALP hay bom lượn JDAM-ER hơn là các tiêm kích có từ thời Liên Xô mà Ukraine đang sử dụng. 

Ukraine và phương Tây tin rằng F-16 có thể giúp Kiev giành ưu thế trên bầu trời trước sự áp đảo của Nga trong suốt thời gian qua. 

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine