1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine tăng tốc săn lùng "vũ khí không thuốc súng" của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine đang tập trung các nỗ lực nhằm phá hủy tổ hợp tác chiến điện tử của Nga khi những "vũ khí không thuốc súng" này gây ra những thiệt hại không nhỏ cho Kiev.

Ukraine tăng tốc săn lùng vũ khí không thuốc súng của Nga - 1

Một tổ hợp tác chiến điện tử của Nga (Ảnh minh họa: Bộ Quốc phòng Nga).

Ukraine đang tập trung phá hủy các hệ thống tác chiến điện tử của Nga khi chúng ngày càng trở thành "khắc tinh" với các loại vũ khí tiên tiến phương Tây cấp cho Kiev, CNN đưa tin

Quân đội Ukraine cho biết đã phá hủy một số hệ thống tác chiến điện tử của Nga trong những tuần gần đây, bao gồm hệ thống tác chiến điện tử "Pole-21" và hệ thống Svet-KU.

Pavlo Petrychenko, chỉ huy đơn vị máy bay không người lái của Lữ đoàn cơ giới số 59 của Ukraine, nói với CNN rằng Ukraine cần phá hủy những hệ thống vũ khí đó để có thể duy trì cuộc chiến giành lại lãnh thổ từ Nga.

Ông cho biết Nga đã sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử để đánh chặn hệ thống liên lạc và máy bay không người lái của Ukraine kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng tháng 2 năm ngoái.

Gần đây, Nga đã sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử để "bắt bài" các loại vũ khí tiên tiến từ phương Tây, như HIMARS do Mỹ tài trợ, Petrychenko nói. "Khi chúng tôi bắt đầu nhận thiết bị nước ngoài, họ bắt đầu sử dụng những hệ thống này để ngăn chặn vũ khí của chúng tôi".

Các hệ thống tác chiến điện tử có thể cản trở nghiêm trọng các loại vũ khí tiên tiến, bằng cách gây nhiễu tín hiệu hoặc làm tên lửa rối loạn định vị khiến nó lao trượt mục tiêu.

Chúng được gọi là "vũ khí không thuốc súng" vì không cần dùng đến thuốc nổ nhưng có thể gây ra thiệt hại lớn cho đối phương.

Theo Economist, Ukraine hồi tháng 3 đã nhận ra rằng đạn pháo dẫn đường bằng GPS Excalibur của họ bắt đầu đi trật mục tiêu và điều tương tự cũng xảy ra với bom dẫn đường JDAM-ER do Mỹ cung cấp.

Trang tin cho biết tình trạng tương tự với tên lửa tầm xa GMLRS dùng trên tổ hợp HIMARS của Ukraine. Trước đó, UAV TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ từng "làm mưa, làm gió" trên chiến trường cũng dần mất đi hiệu quả sau khi Nga triển khai các tổ hợp tác chiến điện tử ra tiền tuyến.

Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI) tại Anh ước tính rằng trung bình cứ 10km tiền tuyến, Nga lại triển khai một hệ thống tác chiến điện tử lớn, khiến đối phương bắn trượt mục tiêu.

Các tài liệu của Lầu Năm Góc bị rò rỉ vào tháng 4 tiết lộ mối lo ngại của Mỹ rằng hoạt động gây nhiễu của Nga đang làm giảm độ chính xác của vũ khí do Mỹ sản xuất mà Ukraine đang triển khai.

CNN cho biết, so với các hệ thống vũ khí cũ, các hệ thống hiện đại như HIMARS đặc biệt dễ bị tấn công bởi tác chiến điện tử vì chúng sử dụng định vị GPS để tấn công mục tiêu.

Ukraine cũng đang tìm cách đối phó với năng lực tác chiến điện tử của riêng họ nhưng so với cường quốc quân sự như Nga, họ còn ở một khoảng cách xa, theo các chuyên gia.

Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi hồi đầu tháng nói rằng "chìa khóa chiến thắng" của Ukraine trong một cuộc chiến mà UAV đóng vai trò chủ chốt chính là có thêm các tổ hợp tác chiến điện tử.

Ông cũng thừa nhận, Nga đang vượt mặt Ukraine trong việc nâng cao năng lực này.

Theo Yahoo News
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine