DMagazine

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: "Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn"

(Dân trí) - 10 năm sau ngày xác lập quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực, vượt qua nhiều rào cản, biến thách thức thành cơ hội và hướng tới mối quan hệ vững mạnh hơn trong tương lai.

10 năm sau khi xác lập quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực, biến thách thức thành cơ hội và vẫn còn nhiều dư địa phát triển để phù hợp với tiềm năng, lợi ích của hai quốc gia.

Khi Việt Nam và Mỹ hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023), Báo điện tử Dân trí tổ chức tọa đàm "Quan hệ Việt - Mỹ: 10 năm đối tác toàn diện và tầm nhìn cho tương lai" nhằm đánh giá quan hệ song phương trên các lĩnh vực.

Tọa đàm có sự tham gia của 3 khách mời, gồm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, Phó giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN Vũ Tú Thành.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 1

Tổng Biên tập Báo Dân trí Phạm Tuấn Anh tặng hoa cho các khách mời tham gia cuộc tọa đàm, gồm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh (trái), Phó giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN Vũ Tú Thành (phải).

Điểm nhấn tọa đàm quan hệ Việt - Mỹ: Tầm nhìn cho tương lai

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 2

Phóng viên Anh Tùng: Nếu có 3 từ để nói về quan hệ Việt - Mỹ trong 10 năm qua, 3 ông sẽ nói gì?

Ông Marc Knapper: Từ đầu tiên mà tôi sẽ chọn, đó là "lạc quan". Tôi cho rằng 10 năm qua đã thể hiện sự lạc quan từ cả chính phủ và nhân dân hai nước. Chúng ta đang chờ đợi một tương lai tốt đẹp hơn ở phía trước. Năm nay sẽ tốt hơn năm trước và năm sau sẽ tốt hơn năm nay. Chúng ta lạc quan rằng hai quốc gia có đủ khả năng để xây dựng một mối quan hệ thậm chí còn vững mạnh hơn trong tương lai, và chúng ta đã thấy điều đó trong 10 năm qua.

Một từ nữa để mô tả mối quan hệ Việt - Mỹ trong 10 năm qua là "tôn trọng". Chúng ta tôn trọng chủ quyền, độc lập, hệ thống chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Dựa trên sự tôn trọng này, hai nước chúng ta đã có thể phát triển mối quan hệ tốt đẹp như trong 10 năm qua.

Từ cuối cùng tôi muốn nhắc tới ở đây là "chiến lược". Về bản chất, mối quan hệ giữa hai nước là một mối quan hệ mang tính chiến lược. Cho dù trong hợp tác về vấn đề Biển Đông, đối phó với đại dịch Covid-19 hay ứng phó biến đổi khí hậu, quan hệ Việt - Mỹ đều phản ánh sự tương đồng về mặt chiến lược. Tôi tin rằng điều này sẽ được thắt chặt trong thời gian tới.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 4

Đại sứ Phạm Quang Vinh và Đại sứ Marc Knapper.

Ông Phạm Quang Vinh: Chúng ta đang có một mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Đối với tôi, 3 từ để nói về quan hệ Việt - Mỹ cũng trùng ý với Đại sứ Marc Knapper.

Thứ nhất là "ấn tượng", ấn tượng về quá trình phát triển trong 27 năm qua của quan hệ Việt - Mỹ khi cả hai nước đã có những bước phát triển trên tất cả các mặt, thậm chí vượt trên kỳ vọng. Ấn tượng không chỉ đối với người trong cuộc là chính hai nước chúng ta, mà còn cả với các quốc gia bên ngoài, họ đều nhìn nhận như vậy.

Thứ hai là "tự tin", chúng ta song hành với nhau đầy tự tin. Chúng ta tự tin bởi chúng ta có những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ, chúng ta có những lợi ích chia sẻ, chúng ta lại có những điểm song trùng về nhìn nhận những vấn đề quốc tế và khu vực để cùng chia sẻ với nhau, do vậy chúng ta tự tin hợp tác với nhau.

Cuối cùng, hướng tới tương lai, tôi thấy mối quan hệ này ngày càng "chiến lược". Chiến lược là gì? Là chia sẻ lợi ích, chia sẻ giá trị và đi cùng nhau lâu dài vì những mục đích lâu dài trong quan hệ giữa hai nước, vì người dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và thế giới.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 5

Đại sứ Marc Knapper và ông Vũ Tú Thành.

Ông Vũ Tú Thành: Bên cạnh những từ mà Đại sứ Marc Knapper và Đại sứ Phạm Quang Vinh đã miêu tả, tôi xin bổ sung thêm 3 từ, từ góc độ của tôi.

Thứ nhất là "cơ hội", quan hệ giữa hai nước kể từ khi bình thường hóa, đặc biệt là kỷ niệm 10 năm đối tác toàn diện, phải nói là nổi bật khi các cơ hội mở ra cho cả hai nước cả từ góc độ cá nhân cho đến doanh nghiệp.

Thứ hai là sự "bình đẳng". Hai bên cảm thấy có thể hợp tác với nhau rất bình đẳng cả góc độ chính phủ với chính phủ, doanh nghiệp với doanh nghiệp, chứ không có sự phân biệt.

Thứ ba, đó là "đồng cảm". Việt Nam và Mỹ duy trì mối quan hệ không chỉ vì lợi ích, mà còn có sự đồng cảm. Chúng ta được chứng kiến sự đồng cảm đó không chỉ ở góc độ các quan chức, các chính trị gia mà còn ở góc độ doanh nghiệp. Những doanh nghiệp Mỹ đến đây để kinh doanh với Việt Nam tức là họ có sự đồng cảm, thiện cảm với Việt Nam và ngược lại, hiện nay, đã có những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Mỹ và thấm nhuần văn hóa Mỹ.

Phóng viên: Trở lại Việt Nam sau 15 năm kể từ khi rời Hà Nội trên cương vị tham tán chính trị, ông đánh giá như thế nào về tiến triển quan hệ Việt - Mỹ từ đó tới nay, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện?

Ông Marc Knapper: Tôi đặt chân đến Việt Nam từ năm 2004 trong nhiệm kỳ kéo dài 3 năm và khi đó, hai nước chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, các lĩnh vực hợp tác vào thời điểm đó không phải là không đáng kể. Chúng ta đã làm việc cùng nhau trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh. Chúng ta cũng đã bắt đầu tiến hành hợp tác y tế thông qua chương trình PEPFAR nhằm chống lại dịch HIV/AIDS. Kim ngạch thương mai hai chiều vẫn còn khá khiêm tốn. Thực tế, mối quan hệ Việt - Mỹ vào thời điểm đó vẫn còn rất sơ khai.

Đó là một mối quan hệ còn rất nhiều dư địa để phát triển khi tôi rời Việt Nam vào năm 2007. Nhưng hôm nay, tôi thật sự ấn tượng bởi bề rộng và chiều sâu của mối quan hệ mà chúng ta đã đạt được cùng nhau.

Quan hệ đối tác toàn diện trong gần 10 năm qua đã nâng tầm kim ngạch thương mại lên 111 tỷ USD. Hiện hai nước hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như an ninh, thực thi pháp luật, giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, y tế, hợp tác không gian và nhiều hơn thế. Chúng ta đang làm điều đó cùng nhau.

Hai quốc gia đang mở rộng và đào sâu mối quan hệ Việt - Mỹ và đó là điều mà chúng tôi cảm thấy thực sự tự hào. Chúng tôi tự hào khi nhắc về mối quan hệ này, những gì đã làm được và cả những gì sẽ diễn ra trong tương lai. Bầu trời chính là giới hạn cho mối quan hệ Việt - Mỹ và tôi thực sự rất hào hứng với những gì sẽ diễn ra trong một vài năm tới.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 6

Phóng viên: Ông từng là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ từ 2014-2018, tức là ngay sau khi hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện, ông gặp thuận lợi gì khi bước đi trên "tấm thảm" đó? Ông có bổ sung gì ngoài những đánh giá của Đại sứ Knapper về các bước phát triển của quan hệ Việt - Mỹ?

Ông Phạm Quang Vinh: Ông Knapper có nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam từ năm 2004 - 2007, còn nhiệm kỳ của tôi kéo dài từ năm 2014 - 2018 ở Mỹ, tức là 10 năm sau. Tôi bước vào nhiệm kỳ đại sứ ở Washington D.C khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ. Năm 2013 hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đến cuối năm 2014 tôi sang Mỹ. Khi đó, bối cảnh có rất nhiều điểm thuận lợi.

Thuận lợi về đà quan hệ, thuận lợi về kinh tế, thuận lợi về hiểu biết, thuận lợi trong lĩnh vực hợp tác về khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Nhìn chung, mối quan hệ đã được mở rộng rất nhiều với các lĩnh vực trọng tâm trong khuôn khổ đối tác toàn diện. Với tư cách là đại sứ mới kế thừa những thuận lợi, điều đó lại trở thành thách thức đối với tôi.

Vào thời điểm năm 2015 khi hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, tôi tự hỏi mình có thể làm gì cho dấu mốc này? Chắc chắn năm kỷ niệm không chỉ mang tính tượng trưng, mà phải mang cả tính thực chất.

Năm 2014 khi tôi vừa sang Mỹ, hai nước đạt 36 tỷ USD thương mại hai chiều. Nhưng khi tôi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 7/2018, thương mại hai chiều tăng lên 66 tỷ USD. Như vậy không gian hay dư địa cho quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, đặc biệt là hợp tác doanh nghiệp giữa hai nước, còn rất lớn và rõ ràng đó là thế mạnh của hai nước.

Mối quan hệ giữa hai nước cũng thúc đẩy chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đánh dấu lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Thực chất, cuộc trao đổi ở Nhà Trắng và những cuộc phỏng vấn lúc đó đã để lại rất nhiều dấu ấn về quan hệ giữa hai nước vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ.

Phóng viên: Đại sứ vừa nhắc đến chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ, nhìn lại chuyến thăm đó sau gần 10 năm, điều gì làm cho Đại sứ xúc động nhất về chuyến thăm có thể gọi là lịch sử này?

Ông Phạm Quang Vinh: Trước hết, bản thân chuyến thăm được gọi là lịch sử và tuyên bố tầm nhìn cũng có ghi chữ "lịch sử" đó. Cả hai nước đều nhìn nhận rằng, khi người đứng đầu hệ thống chính trị của hai nước gặp nhau, đó là điều rất quan trọng. Điều quan trọng thứ hai là hai bên đã trao đổi rất thẳng thắn.

Điều quan trọng thứ ba là sau tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013 khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có chuyến thăm Mỹ và đưa ra tuyên bố về tầm nhìn quan hệ giữa hai nước vào năm 2015, tạo cơ sở và định hướng cho phát triển lâu dài cũng như khuôn khổ ổn định để phát triển quan hệ song phương.

Đối với tôi, ấn tượng lớn nhất về chuyến thăm là khi hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Barack Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngồi ở Nhà Trắng, nói chuyện với nhau rất cởi mở, cả về quá khứ chiến tranh, về việc hàn gắn mối quan hệ, về những đau thương từng trải qua, về việc khép lại quá khứ để hướng tới tương lai và phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực trong khuôn khổ đối tác toàn diện.

Một câu nói rất đáng nhớ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng: "Chúng ta ngồi lại đây (hàm ý hai nhà lãnh đạo của Việt Nam và Mỹ), ít người có thể nghĩ rằng 20 năm trước điều này lại xảy ra, nhưng chúng ta đã ngồi đây với nhau, chúng ta bàn về quá khứ, khép lại, hàn gắn và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Việt - Mỹ trong tương lai".

Chia sẻ thêm về câu chuyện kỹ thuật của chuyến thăm. Khi chuẩn bị cho chuyến thăm, hai bên ước tính thời gian cả hội đàm và trả lời báo chí trong vòng 60 phút, nhưng trên thực tế các nhà lãnh đạo đã trao đổi cởi mở, chân thành, tự tin và kéo dài thời lượng lên đến 90 phút. Đó là điều rất hiếm thấy trong việc dự liệu và chuẩn bị cho cuộc gặp của các nhà lãnh đạo cấp cao, nhưng thực sự đây là điều rất đáng mừng cho quan hệ giữa hai nước.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 8

Phóng viên: Xin ông cho biết đánh giá của mình từ góc độ hợp tác thương mại giữa hai nước trong 10 năm qua?

Ông Vũ Tú Thành: Trong vòng 10 năm qua, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Mỹ tăng trưởng rất ấn tượng. Đó là một mối quan hệ mà chứng kiến tăng trưởng kinh tế thương mại đều, ổn định và nhanh thuộc hàng đầu thế giới trong 10 năm qua.

Cụ thể, cách đây 10 năm, kim ngạch thương mại hai nước chỉ đạt 25 tỷ USD. Đến năm 2014, khi Đại sứ Phạm Quang Vinh bắt đầu nhiệm kỳ tại Mỹ, kim ngạch thương mại lên 36 tỷ USD, và khi ông Vinh kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2018, kim ngạch thương mại đạt mức 66 tỷ USD. Trung bình, con số này tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm, và tăng đều đặn. Ví dụ trong những năm gần đây, năm 2021 so với năm 2020 cũng tăng trưởng 20%, 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2021 cũng tăng cũng khoảng 20%. Những con số này rất ấn tượng.

Xét về cơ cấu xuất nhập khẩu giữa hai bên, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang gặp Tổng thống Donald Trump, ông Trump rất lo ngại về việc các đối tác thương mại của Mỹ lấy mất công ăn việc làm của người lao động Mỹ, tuy nhiên cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ vẫn mang tính bổ sung lẫn nhau, cho nên tăng trưởng thương mại giữa hai bên lại giúp gia tăng việc làm của cả hai chứ không phải lấy đi công ăn việc làm của nước nào. Đó có lẽ là một nguyên nhân rất quan trọng để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa hai nước. Tôi cho rằng đó là điều ấn tượng nhất trong vòng 10 năm qua.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 10

Phóng viên: Trong bài phát biểu nhân chuyến thăm Việt Nam vào năm 2016, cựu Tổng thống Barack Obama chia sẻ: "Khi đến đây, tôi đã ý thức về quá khứ, ý thức về một lịch sử đầy khó khăn của chúng ta, nhưng cũng hướng tới tương lai - sự thịnh vượng, an ninh và nhân phẩm mà chúng ta cùng nhau thúc đẩy". Theo Đại sứ, hai nước đã gặp phải những khó khăn lớn nào và hai bên đã cùng nhau vượt qua thế nào?

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 12

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper.

Ông Marc Knapper: Hiện tại, tôi cho rằng chúng ta đang quan tâm đến các cuộc thảo luận về hợp tác trong việc đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Nếu chúng ta nhìn vào những gì đã xảy ra trong một vài năm trở lại đây, chúng ta sẽ thấy rõ những thách thức này là gì, từ đại dịch, biến đổi khí hậu, việc dịch chuyển sang các nguồn năng lượng bền vững phục vụ tăng trưởng cho đến thách thức từ chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 hoặc do xung đột ở châu Âu.

Đó là những thách thức mà cả Việt Nam và Mỹ phải đối mặt. Đó là những thách thức mà chúng ta có thể cùng chia sẻ và hợp tác để vượt qua.

Tôi cho rằng một điều mà chúng ta đã cố gắng đạt được trong 10 năm qua chính là lòng tin chiến lược giữa hai nước. Tôi nghĩ rằng chúng ta hiểu lợi ích của nhau, chúng ta hiểu nhu cầu của nhau và hiểu rằng chúng ta đủ tin tưởng lẫn nhau để cùng nhau tìm ra giải pháp chung cho những thách thức chung.

Chúng ta đã làm điều đó trong việc đối phó đại dịch Covid-19. Chúng ta đang làm điều đó ngay bây giờ với vấn đề biến đổi khí hậu. Các công ty của chúng tôi cũng đang làm điều đó với việc mở rộng chuỗi cung ứng của họ ra khỏi một số quốc gia nhất định để chuyển về Việt Nam.

Và đây là việc tôi cho rằng sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho tương lai. Càng có nhiều công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam, hai nền kinh tế của chúng ta càng có thể gắn kết với nhau và tạo ra mối quan hệ bền chặt hơn. Chúng tôi cũng nhận thấy điều tương tự đối với những khoản đầu tư của Việt Nam vào Mỹ và chúng tôi rất trân trọng điều đó. Một lần nữa, tôi tin rằng khi hai nền kinh tế trở nên gắn kết hơn thông qua đầu tư và thương mại, sự thịnh vượng của nhân dân và an ninh của hai nước trong tương lai cũng sẽ được tăng cường.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ một vài câu chuyện đáng nhớ về những khó khăn mà ông đối mặt trong nhiệm kỳ và cách ông vượt qua?

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 13

Đại sứ Phạm Quang Vinh.

Ông Phạm Quang Vinh: Để nói về câu chuyện nhiệm kỳ của tôi từ năm 2014 - 2018 có những thách thức gì? Tôi xin nêu một vài ý. Một là, liên quan đến thâm hụt thương mại khi Tổng thống Donald Trump đương chức. Thương mại là ưu tiên rất lớn của tân Tổng thống Mỹ. Do vậy, chúng ta có chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc đó vào tháng 5/2017, tức là khi Tổng thống Donald Trump mới nhậm chức 4 tháng. Khi chính quyền mới của Mỹ có những điều chỉnh ưu tiên, chúng ta cũng coi đó là mối quan tâm để cùng hợp tác với Mỹ.

Thứ hai, như ông Thành chia sẻ, hai nền kinh tế tương tác với nhau chứ Việt Nam không cố tình tạo ra thâm hụt thương mại đó. Hai nền kinh tế nâng đỡ nhau, cùng tạo lợi ích cho nhau và tạo công ăn việc làm cho nhau.

Thứ ba là, chúng ta có những biện pháp cùng hợp tác với Mỹ để tháo gỡ, bao gồm tái khôi phục lại TIFA, tức là cơ chế về hợp tác đầu tư thương mại để có thể bàn về những vấn đề khó khăn nhất. Trong chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó, chúng ta cũng công bố nhiều hợp đồng lớn, mua thêm hàng hóa của Mỹ, trong đó có năng lượng, dầu khí và khí hóa lỏng cũng như máy bay. Quan trọng nhất là chúng ta giải thích cho họ hiểu, hai là chia sẻ, ba là cùng tìm cách tháo gỡ.

Câu chuyện thứ hai nữa, tôi còn nhớ rằng, khi tôi sang nhậm chức đại sứ tại Mỹ thì xuất hiện câu chuyện cá ba sa và chuyện Quốc hội Mỹ ra các đạo luật về nông trại. Theo đó, Mỹ sẽ đánh thuế nếu các nguồn cá, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác, nuôi không đúng theo điều kiện và tiêu chuẩn như Mỹ mong muốn và trong trường hợp này sẽ bị đánh thuế cao hơn rất nhiều.

Khi các nhà làm luật đã đưa ra thì chắc đó là luật của cả nước Mỹ. Nhưng chúng tôi đã có những trao đổi và phối hợp với Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam, trao đổi với các cơ quan chính quyền Mỹ, đặc biệt là Bộ Thương Mại và Bộ Nông nghiệp Mỹ. Chúng ta biến quy định khắt khe đó trở thành cơ hội hợp tác.

Phía Mỹ đã cử rất nhiều đoàn hỗ trợ kỹ thuật sang Việt Nam để vừa giúp Việt Nam hiểu những yêu cầu của luật, vừa trợ giúp kỹ thuật để nông dân Việt Nam khi nuôi cá bảo đảm những tiêu chuẩn đó. Nhờ vậy, chúng ta đã đứng vững trong thị trường Mỹ về cá ba sa.

Tuy có những khó khăn ban đầu, nhưng thực tế là chúng ta đã có được một thị trường bền vững. Do vậy, tôi muốn nói rằng, trong quá trình hợp tác với nhau, càng hợp tác, càng có khác biệt, nhưng chúng ta phải coi những khác biệt đó là một phần để hợp tác sâu rộng hơn, nhiều hơn và có rất nhiều cơ chế để có thể giải quyết các khác biệt.

Đại sứ Knapper nói ba chữ mà tôi rất chia sẻ. Một là hiểu biết, hai là xây dựng lòng tin và ba là chia sẻ. Chia sẻ ở đây là cả về lợi ích và cả về tầm nhìn. Ba chữ đó là ba chữ rất quan trọng đồng hành cùng với quá trình phát triển hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ.

Phóng viên: Theo ông, các doanh nghiệp Việt - Mỹ đã tận dụng cơ hội mở ra từ mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước như thế nào?

Ông Vũ Tú Thành: Trước hết là cộng đồng doanh nghiệp phải cảm ơn hai Chính phủ đã xây dựng, củng cố nền tảng quan hệ rất tốt để trên cơ sở đó doanh nghiệp có thể thực hiện được những hoạt động sản xuất kinh doanh, hợp tác của mình. Chúng tôi cũng cảm ơn những cá nhân, những người như Đại sứ Phạm Quang Vinh, Đại sứ Marc Knapper, những người gắn bó với doanh nghiệp và chịu khó lắng nghe, những người có năng lực để giúp vận dụng những kiến thức, kỹ năng, vốn xã hội của mình giúp doanh nghiệp xử lý những vấn đề và thách thức.

Trong những năm đầu sau khi bình thường hóa, đặc biệt là ký được những thỏa thuận thương mại như BTA hay khi Việt Nam tham gia WTO, doanh nghiệp Mỹ từ góc độ đầu tư đã tận dụng được tốt hơn những thành quả của hai nước bằng việc đầu tư vào Việt Nam và thông qua Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa sản xuất từ Việt Nam sang thị trường Mỹ cũng như các thị trường khác, tận dụng những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký với các đối tác thương mại.

Tuy nhiên, càng về sau, doanh nghiệp Việt Nam càng học hỏi được nhiều từ các đối tác thương mại lớn, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ để tận dụng tốt hơn những hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, các thị trường nước ngoài của Việt Nam như các doanh nghiệp Mỹ đã làm.

Vài năm trở lại đây, chúng ta thấy các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đơn thuần xuất khẩu sang Mỹ mà còn bắt đầu đầu tư sang Mỹ. Một lần nữa tôi có thể chia sẻ rằng, doanh nghiệp của hai nước đang hiểu thị trường của nhau và hiểu Chính phủ của nhau hơn, đồng thời hiểu văn hóa kinh doanh ở mỗi nước hơn để hiện thực hóa các cơ hội của mình.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 14

Phóng viên: Đâu là ưu tiên và kỳ vọng chính của ông trong nhiệm kỳ đại sứ Mỹ ở Việt Nam?

Ông Marc Knapper: Tôi mong muốn có một giờ đồng hồ để trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó liên quan trực tiếp tới những điều mà chúng ta đã trao đổi với nhau.

Ví dụ, tôi mong muốn hoạt động thương mại giữa hai quốc gia tiếp tục tăng trưởng, với việc nhập khẩu từ Mỹ tăng để làm giảm thâm hụt thương mại.

Tôi mong muốn hai quốc gia sẽ tăng cường quan hệ đầu tư, không chỉ đầu tư công nghệ cao từ Mỹ mà còn là các khoản đầu tư từ Việt Nam vào Mỹ dù vẫn còn nhiều thách thức.

Tôi cũng nhận thấy nhiều cơ hội trong hợp tác giáo dục giữa hai nước. Hiện có khoảng 30.000 du học sinh Việt Nam học tập tại Mỹ. Tôi mong muốn con số này tiếp tục tăng lên. Tôi cho rằng, những hoạt động hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam phụ thuộc vào mối quan hệ giao lưu giữa nhân dân hai nước.

Tôi mong muốn nhiều người Mỹ cũng sẽ tới Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng khi biết rằng nhóm 10 tình nguyện viên đầu tiên của Chương trình Hòa bình đã tới Việt Nam gần đây. Và tôi hy vọng đây sẽ là bắt đầu cho một nỗ lực to lớn nhằm đưa người Mỹ, hầu hết là người trẻ tuổi, tới Việt Nam dạy tiếng Anh và giúp vun đắp quan hệ giữa hai nước.

Tôi mong muốn hai nước gia tăng hợp tác về khoa học công nghệ. Trong bối cảnh Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc, Mỹ hiểu Việt Nam đang cần có thêm các kỹ sư và công nhân trình độ cao. Tôi cho rằng, đây là lĩnh vực mà Mỹ đã chuẩn bị để hỗ trợ Việt Nam nhờ hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ thông qua chính phủ Mỹ hoặc các công ty Mỹ như Google, Meta - những bên đã giúp đỡ người trẻ Việt Nam tham gia vào nền kinh tế thế kỷ 21.

Tôi cũng muốn gia tăng hoạt động hợp tác về năng lượng giữa Việt Nam và các công ty lớn của Mỹ hoạt động trong lĩnh vực năng lượng bền vững. Dù là năng lượng mặt trời, hay năng lượng gió, luôn có công ty Mỹ muốn đầu tư thêm vào Việt Nam, nhưng họ cần tiếp cận được với nguồn năng lượng sạch. Tôi tin sẽ ngày càng nhiều công ty công nghệ cao gia nhập thị trường Việt Nam khi họ có thể tiếp cận được nguồn năng lượng sạch.

Đó là những điều mà tôi muốn phát triển hơn nữa trong quan hệ hai nước, ít nhất là vào nhiệm kỳ của tôi.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 16

Phóng viên: Ông nghĩ sao về triển vọng nâng cấp quan hệ Mỹ - Việt Nam lên một mức mới?

Ông Marc Knapper: Tôi có thể nói rằng tôi rất lạc quan với triển vọng này. Đầu tiên, hãy nhìn lại những gì chúng ta đã đạt được trong hàng chục năm qua. Những bước tiến mà chúng ta đã đạt được rất ấn tượng và chúng không xảy ra một cách ngẫu nhiên. Mỹ và Việt Nam đã đạt được những thành tựu này sau nhiều năm nhờ những nỗ lực và sự thiện chí của người dân ở cả hai quốc gia.

Quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã tiến được xa đến mức này nhờ vào nhiều yếu tố và đó là một bước nhảy vọt về niềm tin giữa hai quốc gia. Hai đất nước là những cựu thù trong quá khứ. Chúng ta đã cố gắng gây dựng mối quan hệ, xây dựng tình bạn từ đống tro tàn của xung đột và điều này đã thành công. Chúng ta đến được ngày hôm nay nhờ vào sự tin tưởng lẫn nhau. Và có một niềm tin rằng hai quốc gia Việt Nam - Mỹ, theo một cách nào đó, có thể chia sẻ và tương trợ lẫn nhau.

Niềm tin cùng với sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì mối quan hệ này đã giúp chúng ta gặt hái được nhiều thành công. Tôi tin rằng, điều này sẽ giúp chúng ta tiến lên cấp độ tiếp theo của quan hệ đối tác chiến lược. Tôi cho rằng, việc nâng tầm quan hệ sẽ phản ánh những mục tiêu mà chúng ta đã, đang và sẽ cùng nhau thực hiện. Đó là những nhiệm vụ mang tính chiến lược vì những lợi ích, mục tiêu, tầm nhìn và niềm tin chung. Tổng hòa lại, tất cả điều này chỉ ra rằng thời điểm để nâng cấp quan hệ đã tới. Việc nâng cấp quan hệ sẽ mở ra nhiều cánh cửa cho sự hợp tác trong tương lai. Tôi cảm thấy rất lạc quan vì điều này.

Tôi muốn nói thêm rằng, từ trải nghiệm của gia đình tôi, như nhiều người đã biết, sau một thế hệ, kể từ khi cha tôi tham chiến tại Việt Nam, con trai của ông đã trở thành Đại sứ Mỹ tại quốc gia này. Điều đó nói lên tốc độ phát triển trong mối quan hệ của hai nước chúng ta. Nếu chúng ta có thể làm được những việc này, hãy thử nghĩ xem thế hệ của con trai tôi có thể làm được những gì để nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ trong tương lai.

Ông Phạm Quang Vinh: Nếu nhìn lại 27 năm qua, thực sự chúng ta đồng hành trên một chặng đường dài. Đối với tôi, trong những năm vừa qua, kể cả khi tôi vẫn còn đang tại nhiệm và quan tâm đến quan hệ hợp tác này thì quan hệ Việt Nam - Mỹ có cả tầm toàn diện và chiến lược. Đó là điều mà chúng ta cần phải nhân lên.

Không gian, dư địa cho quan hệ về kinh tế thương mại, chính trị, an ninh và tất cả các lĩnh vực khác còn rất lớn. Nếu chúng ta nhìn với góc độ rằng khi chúng ta chia sẻ càng nhiều, chúng ta càng hiểu biết và ngày càng tin cậy và làm cho đôi bên cùng có lợi cũng như cùng nhau phấn đấu vì khu vực và thế giới, thì tôi rất mong đợi mối quan hệ giữa hai nước sẽ nâng lên tầm đối tác chiến lược. Ngoài ra, nhìn chung, quan hệ và chính sách chiến lược đối ngoại của Việt Nam rất coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có khu vực ASEAN và với những đối tác lớn. Việt Nam đã có 30 đối tác vừa toàn diện, vừa chiến lược, trong đó là 17 đối tác chiến lược. Vì vậy, với tầm vóc của quan hệ Việt - Mỹ về hiểu biết chính trị, về vai trò của hợp tác với khu vực và về thương mại, chắc chắn mối quan hệ giữa hai nước xứng đáng với tên gọi đó.

Phóng viên: Kim ngạch thương mại Việt - Mỹ đã tăng từ 25 tỷ USD vào năm 2012 lên 111,5 tỷ USD vào năm 2021, và con số của năm 2021 cũng tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020, bất chấp việc kinh tế thế giới nói chung và 2 nước nói riêng gặp nhiều khó khăn do Covid-19. Ông đánh giá như thế nào về những con số ấn tượng này? Ông dự đoán gì về triển vọng quan hệ thương mại trong những năm tới?

Ông Vũ Tú Thành: Tiếp nối mạch của hai Đại sứ vừa nói, tức là nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ và gắn tới quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, chúng ta có thể dùng một từ mới để mô tả mối quan hệ đó là đối tác chiến lược. Tuy nhiên, về mặt nội hàm, lĩnh vực cụ thể nào để chúng ta có thể nhìn thấy sự hợp tác, tăng trưởng đột biến thay vì tăng trưởng tự nhiên như hiện nay. Ví dụ, về kinh tế thương mại hay y tế, năng lượng, tôi cho rằng lĩnh vực có thể tạo ra đột phá trong quan hệ hai nước trong thời gian tới để nâng cấp lên một tầm mới, đó chính là đối tác số giữa Việt Nam và Mỹ. Trên thực tế, Mỹ cần có một đối tác số với ASEAN, chứ không phải chỉ đối với Việt Nam bởi các nền kinh tế trên thế giới đang trong một quá trình chuyển đổi số cực kì mạnh mẽ và sự đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng GDP. Do đó để quan hệ hai nước có thể tăng trưởng vượt bậc trong thời gian tới, đối tác số sẽ là lĩnh vực khả thi nhất bởi vì thực tế hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là ở lĩnh vực kinh tế, khu vực tư nhân, đang diễn ra hết sức mạnh mẽ.

Chuyển đổi số cũng là nhu cầu tự thân của Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ lại là quốc gia đi đầu về chuyển đổi số, dẫn đầu về các công nghệ nguồn, nên một cách tự nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam, thị trường ở Việt Nam cũng gắn chặt với Mỹ ở trong lĩnh vực đó. Phóng tầm nhìn về quan hệ Việt - Mỹ trong vòng 5 năm, 10 năm tới, tôi thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất sẽ thể hiện ở lĩnh vực số. Hiện nay, các con số thống kê về thương mại hai chiều phần lớn là thương mại hàng hóa còn thương mại dịch vụ vẫn chỉ là dịch vụ về du lịch, giáo dục, dịch vụ kỹ thuật đi kèm theo kiểu bán máy móc, thiết bị, và vẫn chưa có thống kê về dịch vụ số. Trong khi đó, dịch vụ số trong tương lai sẽ phát triển rất mạnh. Dịch vụ số không thể một chiều mà là hai chiều. Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ số cho Mỹ và các đối tác thương mại khác. Đó là lĩnh vực tạo cơ hội tăng trưởng mạnh cho hai nước trong thời gian tới. 

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 18

 Phóng viên: Tiềm năng hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước là rất lớn? Vậy thưa ông, làm thế nào để hai nước thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này?

Ông Marc Knapper: Theo tôi, một trong những lĩnh vực hợp tác song phương tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong vài năm trở lại đây và tôi hy vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng đó chính là hợp tác giữa Lực lượng Tuần duyên Mỹ và Cảnh sát Biển Việt Nam.

Đây là mối quan hệ hợp tác trên nhiều phương diện, song mục đích cụ thể là nhằm giúp Việt Nam tăng cường năng lực hàng hải để bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và những lợi ích khác ở Biển Đông. Việt Nam và Mỹ có chung quan điểm về vấn đề này cũng như việc tuân thủ các luật pháp quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982).

Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Việt Nam về luật pháp và tăng cường năng lực giúp Việt Nam nâng cao khả năng bảo vệ lợi ích và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Do vậy, tôi hy vọng rằng, quan hệ hợp tác này sẽ còn phát triển hơn nữa. Chúng tôi đang lên kế hoạch cho một triển lãm quốc phòng quy mô lớn đầu tiên tại Hà Nội. Chúng tôi rất mong chờ sự kiện này. Sẽ có rất nhiều công ty quốc phòng của Mỹ tham gia. Ông Thành cũng đang phối hợp với Đại sứ quán Mỹ để đảm bảo các nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ có thể kết nối với những khách hàng tiềm năng ở Việt Nam.

Do vậy, một lĩnh vực nữa mà chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước là Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa, hiện đại hóa quốc phòng.

Ngoài hợp tác thúc đẩy năng lực hàng hải, an ninh mạng cũng là một trong những lĩnh vực hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước, không chỉ hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, mà còn giữa chính phủ với chính phủ. Tôi cho rằng, đây cũng là lĩnh vực thể hiện sự hợp tác ngày càng sâu sắc, hiệu quả giữa hai bên.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 20

Tổng Biên tập Báo Dân trí gửi tặng Đại sứ Mỹ bức tranh do học sinh tại trường tiểu học Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định vẽ. Ngôi trường được phía Mỹ tài trợ xây dựng và bàn giao vào năm 2021.

Phóng viên: Theo ông, liên quan tới xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng về Việt Nam thì Việt Nam có thể tận dụng được như thế nào? Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam làm gì để tận dụng những cơ hội đó?

Ông Vũ Tú Thành: Trên thực tế Chính phủ đã nhận thức được điều này rất rõ ràng, ở góc độ tổ chức, nhà nước cũng đã thành lập tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm tổ trưởng, để có thể thu thập thông tin đưa ra những quyết định nhanh chóng chứ không phải trải qua nhiều tầng lớp có thể làm mất thời gian và cơ hội. Thứ hai là, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã rất nhanh nhạy để chuẩn bị sẵn những điều kiện cần thiết, chẳng hạn cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, đất đai, các dịch vụ hỗ trợ để cho các doanh nghiệp có thể tiến hành mở nhà máy ở Việt Nam.

Hôm nay, tôi cũng đã họp với một doanh nghiệp Trung Quốc, nhà đầu tư Trung Quốc, họ thấy được xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam và rất nhiều khách hàng đối tác họ cũng chuyển sang Việt Nam. Do đó họ cũng muốn theo chân khách hàng, đối tác của họ sang Việt Nam và họ cũng có thể cắt giảm một phần quy mô sản xuất của họ ở Trung Quốc để sang Việt Nam.

Điều đó cho thấy rằng, chính sách của chính phủ Việt Nam hay là các kế hoạch của doanh nghiệp Việt Nam để đón làn sóng đầu tư dịch chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam không chỉ nên tập trung vào là các doanh nghiệp Mỹ mà phải nhìn toàn bộ chuỗi giá trị cung ứng.

Chúng ta tập trung và thu hút các doanh nghiệp Mỹ hoặc là các doanh nghiệp khác là những người dẫn chuỗi, nhưng những người dẫn chuỗi nhiều khi không trực tiếp bỏ tiền vào Việt Nam mà họ yêu cầu, đặt hàng các nhà cung cấp của họ là phải chuyển dịch vào Việt Nam, thì chính sách của chúng ta là phải đón cả những nhà cung cấp Cấp 1,2,3… trong chuỗi vào Việt Nam bao gồm cả các doanh nghiệp Trung Quốc.

Phóng viên: Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ diễn ra tại Campuchia tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố chính thức khởi động quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN - Mỹ. Vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ và ASEAN?

Ông Marc Knapper: Chúng tôi đánh giá rất cao và hoan nghênh sự lãnh đạo cũng như tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong quá trình nâng tầm mối quan hệ giữa Mỹ và ASEAN lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Chắc chắn chúng tôi không thể làm được nếu không có sự hỗ trợ của Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi rất biết ơn vì điều đó.

Tất nhiên, đã có cơ hội cho một số tương tác cấp cao giữa các nhà lãnh đạo của Mỹ và Việt Nam. Chúng tôi thực sự vui mừng khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Washington D.C tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN hồi tháng 5. Chúng tôi luôn tìm kiếm cơ hội theo hướng đó. Nhân dịp này, tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn tới các nhà lãnh đạo Việt Nam, cảm ơn tình hữu nghị của Việt Nam giúp chúng tôi đạt được cột mốc này.

Mời độc giả xem video đầy đủ về cuộc tọa đàm:

Quan hệ Việt - Mỹ: 10 năm đối tác toàn diện và tầm nhìn cho tương lai

Nội dung: Thành Đạt - Tùng Nguyễn

Ảnh: Mạnh Quân - Video: Phạm Tiến

Thiết kế: Khương Hiền