(Dân trí) - Giám đốc Cơ quan Kiểm kê Tù binh và Quân nhân Mất tích Mỹ Kelly McKeague cho rằng việc hợp tác tìm kiếm quân nhân mất tích là "viên gạch" giúp xây dựng quan hệ song phương như hiện nay.
HỢP TÁC TÌM KIẾM QUÂN NHÂN MẤT TÍCH - VIÊN GẠCH XÂY DỰNG QUAN HỆ VIỆT - MỸ
Giám đốc Cơ quan Kiểm kê Tù binh và Quân nhân Mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ Kelly McKeague cho rằng việc hợp tác tìm kiếm quân nhân mất tích và khắc phục hậu quả sau chiến tranh là "viên gạch" nền tảng giúp xây dựng quan hệ song phương phát triển như hiện nay.
Trong cuộc phỏng vấn với Dân trí ngày 11/6 nhân chuyến thăm Việt Nam, ông Kelly McKeague, Giám đốc Cơ quan Kiểm kê Tù binh và Quân nhân Mất tích, Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA), đã chia sẻ về chặng đường hơn 3 thập niên hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh và tìm kiếm quân nhân mất tích.
"Năm nay đánh dấu năm thứ 37 Mỹ và Việt Nam hợp tác trong việc tìm kiếm, phát hiện và định danh những quân nhân mất tích trong chiến tranh. Chúng tôi cảm thấy tự hào khi công việc này trở thành nền tảng cho sự phát triển lòng tin, sự tin cậy và sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai quốc gia", ông McKeague nói.
Nỗ lực từ cả hai phía
Theo ông McKeague, trong 37 năm qua, Mỹ và Việt Nam đã học hỏi được nhiều điều từ sự phối hợp hoạt động trong việc tìm kiếm quân nhân mất tích sau chiến tranh. Ông đánh giá đây là công việc có bản chất "nhân đạo và nhân văn".
"Đây là công việc phức tạp, khó khăn và cả người Việt Nam và người Mỹ khi tham gia công việc này đều có sự hy sinh lớn lao. Tuy nhiên, trong quá trình học hỏi đó, chúng tôi đã có nhiều tiến bộ, phát triển và công nghệ bây giờ cũng hiệu quả hơn so với thời điểm năm 1985", ông McKeague nói thêm.
Xét về sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong việc hỗ trợ tìm kiếm các quân nhân mất tích, ông McKeague cho rằng có hai khía cạnh chính cần nhấn mạnh.
Đầu tiên là công nghệ xét nghiệm ADN. Trước đây, các bên cần phải có các mẫu phẩm lớn để có thể xác định ADN, nhưng bây giờ với sự phát triển của công nghệ, lượng mẫu phẩm cần thiết để xét nghiệm có thể chỉ cần nhỏ bằng móng tay. Các bộ hài cốt thu thập được đều trong tình trạng dễ bị tổn thương, nếu vào 37 năm trước, các bên không thể xác định được mẫu ADN từ những mẫu phẩm như vậy, nhưng bây giờ có thể làm được.
Thứ hai, công nghệ hỗ trợ hoạt động điều tra và khai quật hài cốt dưới biển. Nhiều hoạt động tìm kiếm của Mỹ hiện được tiến hành ở dưới biển, dọc các bờ biển của Việt Nam. Với công nghệ mới như công nghệ quét từ tính hay công nghệ không người lái, các đội tìm kiếm của Mỹ có thể bám sát mặt biển và tìm ra những điểm bất thường, từ đó hỗ trợ hoạt động tìm kiếm.
Theo ông McKeague, tính từ năm 1985 khi Mỹ và Việt Nam bắt đầu các hoạt động hợp tác tìm kiếm hỗn hợp, cho đến nay, hai bên đã tổ chức được 147 hoạt động hỗn hợp, mỗi đợt kéo dài 45 ngày để tìm kiếm quân nhân mất tích. Ở thời điểm năm 1985, Mỹ có hơn 2.000 quân nhân mất tích tại Việt Nam và các hoạt động hỗn hợp đã giúp trao trả và định danh hơn 700 quân nhân Mỹ mất tích. Đến thời điểm hiện nay, Mỹ chỉ còn hơn 1.200 quân nhân mất tích tại Việt Nam.
Quan chức Mỹ cho rằng Việt Nam cũng đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc tìm kiếm quân nhân mất tích. Ông McKeague cho biết trong thời gian qua, Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam nhiều thông tin, cũng như cấp quyền truy cập vào trung tâm lưu trữ hồ sơ của Mỹ - nơi có thể tìm được các thông tin liên quan đến quân nhân Việt Nam mất tích. Ông khẳng định cả hai quốc gia đều cam kết sẽ cùng tiếp tục tăng cường hơn sự hợp tác trong lĩnh vực này.
Thách thức phải đối mặt
Ông Kelly McKeague, Giám đốc Cơ quan Kiểm kê Tù binh và Quân nhân Mất tích, Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA), trong chuyến thực địa tới tỉnh Quảng Ngãi năm 2018 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).
Giám đốc Cơ quan Kiểm kê Tù binh và Quân nhân Mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng "thời gian dường như không ủng hộ hai nước chúng ta".
"Một trong những phần quan trọng nhất trong công việc của chúng tôi là cần thông tin từ nhân chứng, từ đó giúp chúng tôi đưa ra kết luận điều tra và dẫn đến các vụ khai quật. Hiện nay cả Việt Nam và Mỹ đều nhận thấy cấp độ khẩn cấp của tình trạng hiện tại. Các cựu chiến binh của cả hai nước đều đang già đi và trí nhớ của họ đang suy giảm. Nếu không có sự kết nối với các cựu chiến binh này, rất khó để chúng tôi hoàn thành công việc của mình. Hiện bên phía Việt Nam đã cam kết giúp chúng tôi tìm kiếm các cựu chiến binh Việt Nam có thông tin, từ đó có thể dẫn đến kết quả ngoài hiện trường và chúng tôi cảm thấy rất vui vì cam kết này của Việt Nam", ông McKeague chia sẻ.
Ông McKeague cũng thừa nhận, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của cơ quan tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm tại Việt Nam.
"Chúng tôi có hoạt động ở 46 quốc gia trên thế giới. Vào thời điểm chúng tôi mới biết thông tin về đại dịch Covid-19, chúng tôi ngay lập tức rút các nhân viên đang hoạt động khắp nơi trên thế giới và đưa họ trở về Mỹ. Vào thời điểm đó tại Việt Nam, chúng tôi đang có một số đội hoạt động. Trong suốt hơn 10 tháng, các nhân viên của chúng tôi không thể đến các nước để thực hiện hoạt động tìm kiếm. Họ chỉ có thể ở lại Mỹ trong lúc chúng tôi tìm kiếm thông tin về đại dịch Covid-19, đồng thời tìm hiểu cách thức để đảm bảo an toàn cho các nhân viên của chúng tôi", ông McKeague chia sẻ.
Ông McKeague đánh giá Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn có năng lực để làm việc tại chỗ, trong lúc không có các nhân viên Mỹ tại Việt Nam do dịch Covid-19.
"Đây là điều đáng ngạc nhiên và đáng tự hào, vì sau hơn 30 năm hợp tác giữa hai bên, Việt Nam đã có thể xây dựng năng lực để tự làm việc và duy trì công việc được tiếp tục", ông McKeague nhận định.
Theo ông McKeague, chỉ có 4 quốc gia trên thế giới đủ khả năng thực hiện công việc tìm kiếm quân nhân mất tích ở mức độ cẩn trọng, có chiều sâu và đảm bảo tiêu chuẩn, gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
"Nhờ sự hợp tác và năng lực của các quốc gia này, chúng tôi có thể làm việc với họ trong việc tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh. Tôi cảm thấy rất ngạc nhiên vì thậm chí một số quốc gia phương Tây cũng không có sự chủ động làm việc trong lĩnh vực này như 4 quốc gia tôi kể trên", quan chức Mỹ nói.
Hoạt động ưu tiên
"Khi nhìn lại, tôi nghĩ rằng cả hai bên đều không thể tưởng tượng được rằng, công việc này đã xây dựng nền tảng cho mối quan hệ hợp tác sâu rộng như ngày hôm nay giữa hai nước", ông McKeague khẳng định.
Theo ông McKeague, khi Mỹ và Việt Nam quyết định nắm lấy cơ hội hòa giải sau chiến tranh, cả hai quốc gia đều có sự thấu hiểu chung, và sự hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm quân nhân mất tích sẽ mang lại lợi ích giá trị cho quan hệ song phương.
"Khi nhìn lại, tôi nghĩ rằng cả hai bên đều không thể tưởng tượng được rằng, công việc này đã xây dựng nền tảng cho mối quan hệ hợp tác sâu rộng như ngày hôm nay giữa hai nước", ông McKeague khẳng định.
Quan chức Mỹ cho rằng khi cả hai quốc gia cùng nhau hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm quân nhân mất tích, đây là bước đi đầu tiên giúp xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau. Tương tự các lĩnh vực khác trong nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh như tẩy rửa dioxin, rà phá bom mìn hay hỗ trợ người khuyết tật, sự hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm quân nhân mất tích cũng trở nên tốt đẹp và hiệu quả hơn. Điều đó dẫn đến sự hợp tác trong quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực khác.
Chúng ta đã nhìn vào quá khứ, học được những bài học trong quá khứ và muốn khắc phục những hậu quả trong quá khứ. Chúng ta sẽ tiếp tục duy trì việc khắc phục hậu quả sau chiến tranh, đồng thời hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Ông McKeague cho biết vào thời điểm năm 1985, cả hai bên đều nhận ra bản chất nhân đạo của công việc này. Theo ông , đây là giá trị chung, giúp hai cựu thù có thể đến với nhau trên tinh thần hòa giải, từ đó bắt đầu xây dựng lòng tin, sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
Ông McKeague cho rằng khó có thể so sánh mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam ở thời điểm hiện tại và thời điểm năm 1985.
"Bây giờ, chúng ta có sự hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực, như chia sẻ thông tin, kinh tế, an ninh. Hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm quân nhân mất tích là nền tảng, là viên gạch đầu tiên giúp xây dựng mối quan hệ hợp tác của hai nước như hiện nay", ông McKeague tuyên bố.
Theo ông McKeague, việc tìm kiếm quân nhân mất tích không chỉ là công việc của hai chính phủ, mà hoạt động này cần sự hỗ trợ rất lớn từ các địa phương, đặc biệt là người dân Việt Nam. Khi các đội hỗn hợp của Mỹ đến các khu vực xa xôi hẻo lánh ở Việt Nam, họ đã xây dựng được sự kết nối với các người dân địa phương và hướng đến các giá trị chung mà cả hai bên cùng chia sẻ.
"Tôi luôn cảm thấy rất cảm động trước kết quả đạt được từ sự phối hợp giữa những người Mỹ xa nhà và người dân địa phương Việt Nam hỗ trợ cho công việc của chúng tôi", ông McKeague chia sẻ.
Hợp tác trong tương lai
Theo ông McKeague, trong 37 năm qua, Mỹ và Việt Nam đã học hỏi được nhiều điều từ sự phối hợp hoạt động trong việc tìm kiếm quân nhân mất tích sau chiến tranh.
Ông McKeague cho biết Việt Nam vẫn đang tăng cường sự tập trung vào hoạt động tìm kiếm quân nhân mất tích. Mỹ rất hân hạnh khi được đóng góp vào trong nỗ lực này của Việt Nam.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp quyền truy cập vào hồ sơ lưu trữ của chúng tôi cũng như giúp tăng cường khả năng về công nghệ khoa học cho Việt Nam, qua đó giúp xây dựng năng lực của Việt Nam trong việc tìm kiếm quân nhân mất tích", ông McKeague nói thêm.
Ông McKeague khẳng định hoạt động tại Việt Nam vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch hoạt động của DPAA.
"Cơ quan của chúng tôi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 cho đến cuộc xung đột tại Iraq, trong đó, hoạt động tìm kiếm tại Việt Nam vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu. Cùng với những hoạt động đó, chúng tôi cũng mong muốn duy trì mối quan hệ với các cơ quan của Việt Nam như Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an cùng các địa phương và người dân Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào công việc này để đảm bảo sự tiến triển tốt hơn, hiệu quả hơn. Trong chuyến thăm lần này, tôi đã nhận được cam kết rất lớn từ các cơ quan của Việt Nam, ngoài ra chúng tôi cũng truyền tải cam kết của Mỹ với Việt Nam. Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cam kết tiếp tục hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh và ngoài ra, chúng tôi sẽ luôn cải tiến và làm cho công việc trở nên tốt đẹp hơn", ông McKeague khẳng định.
Theo ông McKeague, sự hợp tác giữa hai nước trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh ban đầu là công việc một chiều, nhưng bây giờ nó đã trở thành công việc đa chiều và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực.
"Chúng ta đã nhìn vào quá khứ, học được những bài học trong quá khứ và muốn khắc phục những hậu quả trong quá khứ. Chúng ta sẽ tiếp tục duy trì việc khắc phục hậu quả sau chiến tranh, đồng thời hướng tới tương lai tốt đẹp hơn", ông McKeague nhấn mạnh.
Ông Kelly McKeague chia sẻ ấn tượng về Việt Nam
Thực hiện: Thành Đạt
Ảnh: Mạnh Quân - Video: Minh Hoàng - Đình Tiến