DNews

Cuộc chiến của những "sát thủ bầu trời" giữa Nga và Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Máy bay không người lái (UAV) sát thủ đóng vai trò quan trọng ngay từ những ngày đầu của xung đột Nga - Ukraine. Qua từng giai đoạn, tính chất cuộc chiến UAV càng phức tạp hơn.

Cuộc chiến của những "sát thủ bầu trời" giữa Nga và Ukraine

Xung đột Nga - Ukraine trải qua những ngày tháng 5 với tin tức đậm đặc về các cuộc tập kích UAV không chỉ ở chiến trường Ukraine mà cả bên trong lãnh thổ Nga. Một lần nữa, UAV cho thấy vai trò lớn trong cuộc xung đột kéo dài hơn một năm qua này.

Gian Gentile, một chuyên gia quân sự cấp cao tại tổ chức cố vấn Rand Corporation của Mỹ, cho biết UAV đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình chiến sự Nga - Ukraine.

"Mặc dù trước chiến sự Nga - Ukraine người ta đã hiểu rõ tầm quan trọng của UAV, nhưng theo tôi, quy mô và tầm quan trọng của những hệ thống UAV và sự hiện diện của chúng trên chiến trường hiện nay có phần gây ngạc nhiên", ông Gentile nói.

Do tầm quan trọng này, cả Nga và Ukraine đều đang chạy đua phát triển phi đội UAV khi họ nhận ra rằng đây là một trong những chìa khóa giúp họ chiếm ưu thế trên chiến trường.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết, chính phủ nước này đang làm việc với hơn 80 nhà sản xuất UAV có trụ sở trong nước để đáp ứng nhu cầu hàng trăm nghìn chiếc UAV.

"UAV có khả năng thay đổi cục diện chiến trường giống như cách mà các hệ thống pháo phản lực phóng loạt của phương Tây đã làm năm ngoái", Bộ trưởng Reznikov nói.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hồi cuối năm ngoái cũng nhận định:  "UAV đã chứng minh tính hiệu quả trong xung đột hiện đại. Việc sử dụng chúng ở khu vực thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt hiện nay là một nhu cầu cấp bách".

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị khởi động sản xuất hàng loạt UAV nội địa. Trong tháng này, Nga được cho là sẽ đưa ra chiến lược phát triển UAV quy mô lớn đến năm 2030.

CHIẾN THUẬT TẬP KÍCH UAV BẦY ĐÀN CỦA NGA

Cuộc chiến của những sát thủ bầu trời giữa Nga và Ukraine - 1

Ukraine đánh chặn UAV sát thủ của Nga tập kích Kiev hôm 28/5 (Ảnh: AFP).

Từ cuối mùa hè năm 2022, Nga bắt đầu tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine và áp đảo hệ thống phòng không Ukraine bằng cách phóng hàng loạt UAV Shahed giá rẻ. Tuy nhiên, khi hệ thống phòng không của Ukraine ngày càng được cải thiện nhờ vào viện trợ của phương Tây, Nga buộc phải thay đổi chiến thuật.

Trong tháng 5, Ukraine chứng kiến các cuộc tập kích "dữ dội bất thường" bằng UAV và tên lửa của Nga; diễn ra gần như hàng ngày với lượng lớn UAV, tên lửa thuộc nhiều chủng loại khác nhau, phóng đi từ nhiều hướng. Chiến thuật này nhằm làm quá tải và gây lúng túng cho lưới phòng không Ukraine, tạo điều kiện cho tên lửa Kinzhal của Nga tung đòn tấn công quyết định.

Thay vì chỉ triển khai một vài UAV Lancet nội địa hay UAV Shaed-136 nghi do Iran sản xuất cho các cuộc tấn công, Nga đang triển khai UAV theo bầy đàn và lập trình đường bay tỉ mỉ để né hệ thống phòng thủ của Ukraine. Mỗi đợt tấn công, Nga có thể tung ra 30-40 chiếc. Điều này đánh dấu một bước ngoặt khác trong cuộc chiến UAV giữa Nga và Ukraine.

"Quân đội Nga đang áp dụng chiến thuật tập kích UAV sát thủ theo bầy đàn để vô hiệu hóa các hệ thống phòng không tầm xa của đối thủ. Ví dụ, khoảng 10-12 UAV cảm tử Lancet sẽ được sử dụng để phá hủy một tổ hợp S-300PS hoặc S-300V", một quan chức quân đội Nga tiết lộ.

Theo các chuyên gia quân sự, chiến thuật UAV theo bầy đàn hiện là một trong những thách thức hàng đầu trong môi trường tác chiến hiện đại. Một số lượng lớn UAV sát thủ giá rẻ có thể làm rối loạn và gây ra thiệt hại nặng cho các hệ thống phòng không hiện đại nhất.

Ông Neil Melvin, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) đánh giá, với chiến thuật UAV bầy đàn, Nga sẽ buộc Ukraine phải đánh chặn quyết liệt vì Kiev không thể nắm rõ được UAV dùng để đánh lạc hướng hay UAV tấn công vào mục tiêu.

Điều này làm gia tăng gánh nặng cho Ukraine khi kho tên lửa đánh chặn của họ dần cạn kiệt trong khi hỏa lực cho các hệ thống phòng không do phương Tây sản xuất chỉ có giới hạn.

Ngoài ra, ông Melvin cho rằng, Moscow dùng chiến thuật này để gây sức ép tâm lý lên Kiev. Kể từ khi bắt đầu chiến sự Nga- Ukraine, còi báo động không kích ở Kiev đã vang lên gần 1.000 giờ. Tần suất các vụ tập kích của Nga vào Ukraine dồn dập hơn trong thời gian qua và Moscow có thể duy trì chiến thuật này.

TẬP KÍCH UAV VƯỢT RA NGOÀI BIÊN GIỚI UKRAINE

Cuộc chiến của những sát thủ bầu trời giữa Nga và Ukraine - 2

Một chung cư ở Moscow bị hư hại sau một cuộc tập kích UAV lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào thành phố này hôm 30/5 (Ảnh: Reuters).

Khi thủ đô Kiev và các thành phố lớn khác của Ukraine rung chuyển bởi các cuộc tập kích UAV "dữ dội bất thường", Nga cũng chứng kiến nhiều hơn các vụ tập kích bằng UAV vào lãnh thổ.

Vùng biên giới Belgorod của Nga liên tục ghi nhận các vụ tập kích bằng UAV và thậm chí mới đây nhất là cuộc đột kích của nhóm vũ trang từ Ukraine cùng với các xe bọc thép được cho là do phương Tây sản xuất.

Chưa dừng ở đó, trong vòng một tháng, thủ đô Moscow, cách biên giới Ukraine hơn 1.000km, chứng kiến hai cuộc tập kích chưa từng có tiền lệ. Hôm 1/5, hai UAV mang theo thuốc nổ đã tiếp cận ngay phía trên Điện Kremlin trước khi bị hệ thống phòng không của Nga bắn hạ. Moscow cáo buộc, vụ tập kích là một phần trong kế hoạch của Ukraine nhằm ám sát Tổng thống Vladimir Putin.

Hôm 30/5, Moscow tiếp tục bị tập kích UAV lớn chưa từng có. Trong khi Bộ Quốc phòng Nga nói 8 chiếc UAV nghi của Ukraine tập kích vào khu trung tâm của Moscow, một số nguồn tin cho biết, tổng cộng hơn 30 chiếc đã nhắm đến thủ đô của Nga.

Tất cả UAV này đều bị bắn hạ và gây thiệt hại không đáng kể. Tuy nhiên, điều đáng nói là chúng đã xuyên thủng hệ thống phòng không được đánh giá chặt chẽ nhất ở Nga nhờ tầm bay thấp và dường như không sử dụng hệ thống định vị vệ tinh khi tiếp cận mục tiêu.

Chính Tổng thống Putin phải thừa nhận, Nga cần tăng cường an ninh biên giới, cải thiện năng lực của hệ thống phòng không.

Khoảnh khắc UAV cảm tử lao vào Điện Kremlin

Ông Sam Bendett, cố vấn nghiên cứu về Nga tại CNA, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, cho biết Nga dễ bị tấn công bằng UAV một phần vì có đường biên giới chung với Ukraine lên đến hơn 2.000km. Bên cạnh đó, các radar phòng không của nước này được thiết kế để phát hiện máy bay và tên lửa lớn hơn là UAV.

"Ngoài việc tạo ra cảm giác nước Nga dễ bị tổn thương trước cuộc tấn công bằng UAV, các cuộc tập kích vào trong lãnh thổ Nga cũng dường như nhằm thăm dò điểm yếu trong hệ thống phòng không của Moscow", chuyên gia Sam Bendett nhận định.

Theo giới quan sát, sau những động thái thăm dò chiến thuật để rút kinh nghiệm có thể là đòn tấn công thực sự và cuộc chiến khi đó cuộc chiến Ukraine sẽ lan đến Nga.

Đến nay, Ukraine phủ nhận có liên quan đến các cuộc tấn công UAV vào Nga và hiện vẫn còn những câu hỏi lớn về năng lực của UAV mà Kiev sở hữu. Mùa thu năm ngoái, nhà sản xuất vũ khí thuộc sở hữu nhà nước Ukraine, Ukroboronprom, cho biết họ đã tiến gần đến việc phát triển một loại UAV có thể mang đầu đạn nặng dưới 10kg đi xa gần 1.000km, và họ đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm.

Tuy nhiên, Ukraine đã không công bố việc sử dụng UAV tầm xa như vậy trong chiến đấu.

RANH GIỚI MONG MANH

Giới quân sự và chuyên gia phương Tây cho rằng, các cuộc tấn công bằng UAV xung quanh Moscow cũng như cuộc đột kích biên giới Nga gần đây của các lực lượng thân Ukraine đánh dấu sự khởi đầu của cuộc phản công đã được lên kế hoạch từ lâu của Kiev.

Theo họ, các cuộc tấn công sơ bộ này là nhằm phá vỡ các kế hoạch chiến đấu của Moscow, kéo quân đội Nga ra khỏi các chiến trường chính.

"Đầu tiên là đưa xung đột tới Nga và chứng tỏ rằng họ không phải bất khả xâm phạm. Thứ hai là khiến các lực lượng Nga nghiêm túc thực hiện vấn đề bảo vệ biên giới và khiến họ phải điều động lực lượng từ nơi khác đến", Michael Kofman, Giám đốc nghiên cứu về Nga tại CNA, một viện nghiên cứu ở Arlington của Mỹ, nhận định.

Việc dàn trải lực lượng sẽ khiến hệ thống phòng thủ của Nga ở chiến trường Ukraine dễ bị tổn thương hơn khi Kiev mở chiến dịch phản công cùng lúc trên nhiều mặt trận.

Trong một bài viết hôm 2/6, hãng tin Bloomberg nhận định, chiến thuật này trước mắt có thể mang lại cho Ukraine một số lợi ích về quân sự.

Trước hết, chiến thuật "nghi binh" buộc bộ chỉ huy quân sự Nga phải chuyển hướng lực lượng và sự chú ý khỏi tiền tuyến ở Ukraine. Khi đó, Moscow có thể lúng túng trong việc phán đoán hướng tấn công của Ukraine trong chiến dịch phản công quy mô lớn được chờ đợi từ lâu.

Ngoài ra, chiến thuật này cũng có thể là phép thử của Ukraine nhằm thăm dò phản ứng của các đồng minh phương Tây trước những bước đi táo bạo.

Đến nay, Mỹ và các đồng minh nhiều lần khẳng định họ không khuyến khích cũng như không hỗ trợ Kiev thực hiện những cuộc tập kích vào lãnh thổ Nga. Họ cho biết, khi nhận được vũ khí viện trợ của phương Tây, Kiev phải cam kết không dùng chúng để tấn công lãnh thổ Nga.

Trong năm đầu tiên của xung đột Ukraine, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần bày tỏ lo ngại nếu Kiev tấn công vào lãnh thổ Nga, Moscow sẽ đáp trả mạnh không chỉ Ukraine mà cả NATO và phương Tây. Tuy nhiên, hiện giờ, lo ngại này dường như đã giảm bớt.

Washington coi các cuộc tấn công xuyên biên giới là hoạt động sơ bộ cho cuộc phản công có thể đang diễn ra của Ukraine, một dấu hiệu cho thấy chiến dịch của Kiev sẽ có nhiều giai đoạn.

Họ nói rằng các hoạt động này là phép thử quan trọng đối với khả năng phòng thủ của Nga và là cách Ukraine phô diễn trước một cuộc phản công lớn. Hơn nữa, theo họ, những hoạt động kiểu này của Ukraine chưa đến mức buộc Nga đáp trả bằng hạt nhân.

Washington hiện cho rằng khó có khả năng các cuộc tập kích của lực lượng ủng hộ Ukraine ở Nga sẽ dẫn đến một cuộc tấn công của Moscow vào một quốc gia hoặc cơ sở của NATO. Nga muốn đảm bảo xung đột không lan sang các quốc gia khác, điều này có thể khiến Mỹ can dự nhiều hơn hoặc thúc đẩy chính quyền Tổng thống Biden gửi cho Ukraine các vũ khí mà Washington vốn do dự.

Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Biden bác đề xuất của châu Âu về việc gửi máy bay chiến đấu MiG-29 cho Kiev. Một năm sau, Mỹ bật đèn xanh cho phép đồng minh chuyển loại tiêm kích hiện đại này cho Ukraine.

Evelyn Farkas, quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc về Nga và Ukraine dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama và hiện là Giám đốc điều hành của Viện McCain cho biết, những lo ngại về sự leo thang vẫn còn, nhưng "không đáng sợ bằng việc Nga giành ưu thế".

Tuy vậy, vẫn có những lo ngại rằng một tính toán sai lầm hoặc sai lầm trong các hoạt động ủng hộ Ukraine có thể biến một cuộc tấn công mang tính biểu tượng bên trong nước Nga thành vấn đề gây tổn hại nhiều hơn. Khi đó, Nga có thể cảm thấy cần thiết phải đáp trả mạnh mẽ hơn, cuộc xung đột có nguy cơ vượt tầm kiểm soát.

Ngoài ra, hãng tin Bloomberg cũng chỉ ra rủi ro trong chiến thuật tập kích vào lãnh thổ Nga. Nếu chúng gây tổn thất lớn về dân sự, dư luận có thể đổi hướng bất lợi cho Ukraine. Theo Bloomberg, hiện tại, các cuộc tập kích vào Nga vẫn duy trì ở mức tổn thất không lớn.

Minh Phương

Theo New York Times, Business Insider, Bloomberg