Chiến thuật mới giúp Nga đối phó tên lửa "sát thủ diệt tăng" của Ukraine
(Dân trí) - Chuyên gia nhận định rằng Nga đã sử dụng chiến thuật mới để làm giảm hiệu quả của các tên lửa "sát thủ diệt tăng" mà phương Tây cấp cho Ukraine như Javelin.
Khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022, Moscow đã tích cực đưa xe tăng chủ lực và các phương tiện chiến đấu bọc thép được trang bị vũ khí hạng nặng lên tuyến đầu. Tuy nhiên, do thiếu bộ binh hộ tống để phát hiện và ngăn chặn các cuộc phục kích, Nga đã chịu không ít thiệt hại khi Ukraine khai hỏa các tên lửa "sát thủ diệt tăng", điển hình là Javelin của Mỹ.
Sau khi bị mất lượng lớn tăng thiết giáp sau 15 tháng xung đột, Nga dường như đã có chiến thuật mới, thận trọng hơn, huy động công nghệ và kỹ năng chiến đấu để giảm hiệu quả của Javelin, theo viện RUSI (Anh).
Theo Popular Mechanics, các vũ khí giúp Ukraine phá hủy được lượng lớn vũ khí Nga bao gồm tên lửa chống tăng tầm xa Javelin, tên lửa dẫn đường dự đoán tầm ngắn NLOS và tên lửa dẫn đường bằng laser Stugna-P cũng như UAV tự sát.
Giờ đây, theo RUSI, Nga đang sử dụng phần lớn xe tăng với vai trò hỗ trợ, thay vì đẩy lên trên tuyến đầu ở tiền tuyến. Họ sẽ để xe tăng ở khoảng cách 2km so với Ukraine, bên ngoài tầm tấn công của các tên lửa chống tăng tầm ngắn. Ở vị trí này, lính tăng Nga sử dụng hệ thống quang học của mình để phát hiện các vị trí của đối phương và khai hỏa súng chính để tấn công.
Ngoài ra, Nga cũng đang sử dụng chiến thuật mang tên "đột kích hỏa lực" bằng xe tăng 0020T-80BVM. Chiến thuật này hiệu quả nhất vào ban đêm khi xe tăng Nga được trang bị hệ thống quang học tiên tiến cho phép quan sát hiệu quả các mục tiêu vào ban đêm và tập kích chính xác.
Trong các cuộc đột kích như vậy, xe tăng Nga sẽ cơ động nhanh chóng để có thể bắn thẳng vào một vị trí của Ukraine, khai hỏa hết đạn, rồi di chuyển ra khỏi tầm phản công của Ukraine. Những cuộc tập kích như vậy thường diễn ra vào lúc lực lượng Ukraine đổi ca trực trên tiền tuyến để gây hỗn loạn tình hình một cách tối đa.
Các xe tăng đời cũ của Nga sẽ được sử dụng như là pháo binh hỗ trợ tấn công cho các xe tăng hiện đại. Những chiếc xe như T-54 hay T-62 có thể cũ kỹ nhưng vẫn có tên lửa chống tăng tầm xa đủ để gây ra mối đe dọa cho Ukraine và hiệu quả hơn các khẩu súng tầm ngắn trên xe hỗ trợ chiến đấu bọc thép.
Một phương pháp để Nga làm giảm hiệu quả của tên lửa "sát thủ" Javelin là tấn công vào lúc hoàng hôn và bình minh. Lúc này, các thiết bị ảnh nhiệt của Javelin gặp khó khăn trong việc xác định mục tiêu, làm giảm đáng kể hiệu quả đánh trúng xe tăng.
Nga cũng phủ lên xe tăng các lớp nhằm làm giảm tín hiệu hồng ngoại, khiến các xe này khó bị phát hiện hơn. Ngoài ra, họ tìm cách thoát nhiệt hiệu quả hơn để tránh nguy cơ bị camera ảnh nhiệt quét, ví dụ nâng cấp khoang động cơ để giảm luồng nhiệt tỏa ra.