DNews

Cuộc chiến "cân não" trên bàn cờ chính trị Trung Đông sau các vụ ám sát

Ngô Tiến Long

(Dân trí) - Cả Iran và Israel đều phải tính toán kỹ lưỡng trước khi tiến hành bất kỳ hành động nào vì nguy cơ xung đột quy mô lớn có thể bùng phát ở Trung Đông sau các vụ ám sát.

Cuộc chiến "cân não" trên bàn cờ chính trị Trung Đông sau các vụ ám sát
Cuộc chiến cân não trên bàn cờ chính trị Trung Đông sau các vụ ám sát - 1

Một tấm biển có hình thủ lĩnh Hamas bị ám sát Ismail Haniyeh và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, được treo trên một tòa nhà ở Tehran ngày 1/8 (Ảnh: Reuters).

Ba vụ ám sát gần như liên tiếp các nhân vật chủ chốt của Hamas và Hezbollah trong những ngày qua, đặc biệt là vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh khi ông đang ở Tehran dự lễ tuyên thệ tổng thống mới của Iran rạng sáng 31/7, là điều chưa từng có trong cuộc xung đột giữa Israel với các đối thủ ở khu vực.

Các vụ việc này đã tạo nên cơn địa chấn, không chỉ làm ngưng trệ các cuộc đàm phán đang diễn ra gần đây về một lệnh ngừng bắn giữa Hamas với Israel, mà còn một lần nữa đặt Trung Đông, khu vực vốn rất căng thẳng và bất ổn lâu nay, trước nguy cơ rơi vào một cuộc chiến toàn diện và rộng lớn.

Israel xác nhận đã tiến hành cuộc không kích vào Li Băng và hạ gục thủ lĩnh Hezbollah. Tuy nhiên, Israel cho đến nay chưa lên tiếng về vụ ám sát thủ lĩnh Hamas ở Iran, mặc dù Hamas và Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ việc này.

Bên cạnh những tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ ám sát từ phía Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và nhiều nước khác, trong đó Nam Phi còn cáo buộc hành động của Israel là bất hợp pháp, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp khẩn cấp theo yêu cầu của Iran và ra thông báo yêu cầu các bên liên quan cũng như cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở khu vực, dù nhiều khả năng Israel sẽ không nhượng bộ.

Nếu nhìn vào những phản ứng tức thì của các bên liên quan, nhiều khả năng một cuộc chiến khốc liệt trực tiếp giữa hai bên dường như khó tránh khỏi.

Về phía Iran, lãnh tụ tinh thần, Đại Giáo chủ Ali Khameini đã tuyên bố nước này "có nghĩa vụ phải đáp trả" và đã ra lệnh "tấn công trực tiếp Israel", đồng thời cảnh báo phương Tây "hãy chuẩn bị đón nhận sự trừng phạt khủng khiếp". 

Về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng quyết liệt không kém khi tuyên bố "Israel đã chuẩn bị rất kỹ cho mọi tình huống, cả phòng thủ lẫn tấn công". Mỹ cũng đã nhanh chóng điều hàng loạt tàu chiến tới khu vực.

Đáng chú ý, Mỹ và một số nước phương Tây cũng đã đưa ra những cảnh báo du lịch để người dân tránh đến khu vực này; một số hãng bay quốc tế, kể cả của Mỹ, đã quyết định dừng các chuyến bay tới Israel…

Nhưng liệu lần này nguy cơ bùng phát một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp với quy mô lớn có được ngăn chặn?

Thực tế cho thấy, từ sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023, Thủ tướng Israel Netanyahu đã thề sẽ bắt tất cả thủ lĩnh Hamas phải "đền tội". Trên thực tế, cả trong và ngoài chiến dịch tấn công ở Dải Gaza từ đó đến nay, Israel luôn nhắm mục tiêu vào các thủ lĩnh Hamas.

Tuy nhiên, việc ám sát thủ lĩnh Haniyeh ngay tại Tehran khi ông đang là quốc khách của Iran là điều chưa từng có trong cuộc chiến ở Trung Đông. Theo trang tin Jerusam Post, việc vụ việc này có tác động nhất định đối với quân đội, chính phủ và đặc biệt là cá nhân Thủ tướng Netanyahu, người mà sinh mệnh chính trị đang rất mong manh, nhưng cũng khiến Iran nổi giận và một bộ phận dân chúng Israel lo lắng, nhất là những gia đình có con tin đang bị Hamas giam giữ.

Việc bắn tên lửa chính xác vào tận phòng ngủ trong nhà khách chính phủ ở ngoại ô thủ đô Tehran, khiến thủ lĩnh chính trị của Hamas thiệt mạng, là một đòn tấn công chính xác không thể phủ nhận về công nghệ quốc phòng và tình báo đối ngoại mà Iran và Hamas cáo buộc do Israel gây ra.

Tuy nhiên, với cáo buộc của Iran và Hamas, hành động bị cho là coi thường luật pháp quốc tế và vô cùng liều lĩnh này đã đặt Israel vào tình trạng nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Vụ việc trên không chỉ là "một cái tát" như một số nhà bình luận quốc tế đã đánh giá, mà còn là một sự coi thường đối với Iran, khiến vị tổng thống mới, sau mệnh lệnh do lãnh tụ tối cao đưa ra, cũng không thể ngồi yên, dù được coi là người có quan điểm ôn hòa. 

Cuộc chiến cân não trên bàn cờ chính trị Trung Đông sau các vụ ám sát - 2

Một phụ nữ Palestine tham gia cuộc biểu tình tại Beirut, Li Băng để phản đối vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh (Ảnh: Reuters).

Lập trường cứng rắn của Thủ tướng Netanyahu không chỉ phản ánh các tính toán chính trị cá nhân, mà còn thể hiện sự sẵn sàng của Israel trong việc đối mặt với các cuộc xung đột khu vực.

Israel tự nhận thấy mình bị bao vây bởi nhiều mối đe dọa tiềm tàng, đồng thời tin rằng việc thể hiện sức mạnh và sự cương quyết đóng vai trò vô cùng quan trọng cho chiến lược an ninh và răn đe của mình. Sự tự tin của Israel trong việc đối mặt với căng thẳng khu vực bắt nguồn từ ưu thế quân sự, năng lực tình báo vượt trội so với các nước láng giềng, và quan trọng nhất là liên minh chặt chẽ với Mỹ.

Quan hệ đồng minh này mang lại cho Israel lợi thế chiến lược đáng kể, cho phép nước này có những hành động táo bạo hơn trong khu vực.

Về mặt ngoại giao, mặc dù bị lên án từ các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Trung Quốc, Israel dường như đã chuẩn bị để đối phó với các áp lực từ bên ngoài. Giới lãnh đạo Israel tính toán rằng lợi ích chiến lược của các hành động quyết đoán sẽ lớn hơn "chi phí" ngoại giao.

Đặc biệt, Israel xem mối đe dọa từ Iran và các lực lượng ủy nhiệm là mối quan tâm cấp bách hơn việc duy trì quan hệ hòa hảo với tất cả các cường quốc khu vực.

Về phía Iran, nước này đang ở thế không thể "án binh bất động". Nhưng việc trả đũa như thế nào, mức độ, thời điểm ra sao lại là điều phải tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng. Bởi với tương quan lực lượng hiện nay, chưa có gì đảm bảo chắc thắng cho Iran nếu bước vào một cuộc chiến trực tiếp và toàn diện với Israel.

Vì thế, chủ động tuyên chiến trực tiếp và toàn diện với Israel chưa phải là ưu tiên và cũng không phải là cách đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia của Iran, dù có thể vẫn gây ra những tổn thất toàn diện và nặng nề chưa từng có cho quân đội và nhà nước Do Thái.

Vào tháng 4, sau khi Israel phóng tên lửa dẫn đường chính xác vào tòa nhà Tổng lãnh sự quán Iran ở Syria, khiến một viên tướng cao cấp của Iran thiệt mạng, Tehran đã thề sẽ trả thù.

Sau đó, Iran đã có màn "báo thù" mang tính biểu tượng mạnh mẽ, nhưng không gây thiệt hại nhiều đối với Israel, dù tung ra tới 300 máy bay không người lái (UAV) và hàng loạt tên lửa hành trình dẫn đường tấn công vào bên trong lãnh thổ Israel.

Dư luận khi đó đã tiết lộ, thời điểm và mục tiêu tấn công đã được chủ ý thông báo trước cho Israel. Chính nhờ vậy, sau đó xung đột không leo thang, đôi bên đều giữ được thể diện và lợi ích.

Tel Aviv cũng có hành động "trả đũa và răn đe" lại bằng cách phóng vài quả tên lửa vào một tỉnh miền trung của Iran, nơi có cơ sở hạt nhân. Nhưng theo báo chí nước ngoài, cuộc tấn công chỉ phá hủy một radar thuộc hệ thống S-300 được bố trí để bảo vệ khu vực đó.

Có thể thấy, Tehran đang ở tình thế rất khó khăn. Lý trí đặt ra với Iran là phải tránh chiến tranh vì Israel vẫn nắm ưu thế vượt trội, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. Còn về mặt tinh thần, Iran vẫn muốn hành động vì không muốn để Israel "coi thường".

Tuy nhiên, tính đến tiền lệ xử lý mâu thuẫn hồi tháng 4, cả Iran lẫn Israel cần có những "cái đầu lạnh" và sự minh mẫn để có thỏa hiệp thích hợp thông qua giải pháp trả đũa mang tính "biểu tượng" là chính, tức là áp dụng biện pháp quân sự dữ dội về hình thức, nhưng thực chất lại không khiến đối phương bị tổn thất quá lớn.

Một số quan điểm cho rằng Tehran sẽ phối hợp chặt chẽ với các "binh đoàn đồng minh" (Hezbollah, Hamas, Houthi và lực lượng Shiite ở Iraq và Syria), chọn thời điểm thích hợp để đồng loạt mở một cuộc tấn công mang tính biểu tượng vào các mục tiêu ở Israel, rồi nhanh chóng tuyên bố thành công để chấm dứt chiến dịch trả đũa.

Tuy nhiên, luôn có những sai số dẫn đến những hệ quả khôn lường. Do đó, chỉ cần Tehran quyết định sử dụng vũ lực, dù mang tính chất biểu trưng hay không, vẫn không thể loại trừ khả năng sẽ thực sự nổ ra chiến tranh quy mô lớn giữa Iran và Israel. Nhất là khi ở cả bên này lẫn bên kia vẫn có những "cái đầu nóng" chỉ tìm cách "quyết đấu" trong một trận chiến.

Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).