(Dân trí) - Là những nước nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới, Nga và Mỹ không chỉ tập trung vào khí tài, mà còn quan tâm tới biện pháp phòng ngừa nếu xung đột xảy ra, thể hiện qua đội máy bay ngày tận thế.
PHÁO ĐÀI THÉP BẤT KHẢ XÂM PHẠM TRÊN KHÔNG TRUNG CỦA TỔNG THỐNG NGA - MỸ
Là những nước nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới, Nga và Mỹ không chỉ tập trung vào sức mạnh khí tài, mà còn quan tâm tới biện pháp phòng ngừa nếu xung đột xảy ra, thể hiện qua đội máy bay ngày tận thế.
Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra từ ngày 24/2, giới quan sát chú ý rất sát tới đường đi nước bước của phi đội máy bay ngày tận thế của Nga và Mỹ.
Khái niệm máy bay ngày tận thế chỉ là cách diễn đạt không chính thức, nhằm ám chỉ những phi đội sẽ được triển khai trở thành Bộ tư lệnh trên không trung của một quốc gia trong kịch bản xảy ra xung đột hạt nhân, các thảm họa hoặc những cuộc chiến lớn đe dọa tới cơ sở hạ tầng chính phủ và quân sự chủ chốt.
Trên thế giới, ngoài Nga và Mỹ, không quốc gia nào sở hữu các máy bay làm nhiệm vụ này. Đây cũng chính là 2 quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân "khủng" nhất thế giới và việc biên chế các máy bay nói trên được xem là biện pháp phòng ngừa cho những kịch bản bất lợi xảy ra. Trong bất cứ trường hợp nào, máy bay ngày tận thế sẽ biến thành pháo đài thép bất khả xâm phạm nhằm bảo đảm an toàn các tổng thống, lãnh đạo quân sự, quan chức chủ chốt của cả Nga và Mỹ.
LẦU NĂM GÓC TRÊN KHÔNG
Theo Bussiness Insider, nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra hoặc toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc mặt đất của quân đội Mỹ bị phá hủy, không quân Mỹ sẽ triển khai máy bay E-4B Nightwatch, hoặc E-6B Mecury như một phương án dự phòng.
Ngoài cái tên máy bay "Ngày tận thế", E-6B và E-4B còn được gọi với những cái tên như "Văn phòng chỉ huy tác chiến trên không" hay "Lầu Năm Góc trên không".
E-6B và E-4B được quân sự hóa lần lượt từ các máy bay thương mại Boeing 707-320 và Boeing 747-200B. Nó có trị giá khoảng 200 triệu USD mỗi chiếc.
Mỹ thiết kế máy bay ngày tận thế để nó có thể tồn tại qua các vụ nổ hạt nhân và sẽ đóng vai trò trung tâm chỉ huy và kiểm soát cho các quan chức quân đội cấp cao nhất, bao gồm cả tổng thống, bộ trưởng quốc phòng, tham mưu trưởng. Trong kịch bản nguy cấp, nó có thể kết nối với bộ 3 hạt nhân của Mỹ bao gồm đội tàu ngầm, đội máy bay ném bom và các tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Nó được thiết kế với khả năng bay trong vòng nhiều ngày mà không cần tiếp nhiên liệu. Nếu được tiếp liệu trên không, thời gian hoạt động liên tục của máy bay sẽ dài hơn.
Máy bay ngày tận thế được trang bị lớp bảo vệ chống phóng xạ, có 67 ăng ten, chảo vệ tinh cùng nhiều thiết bị công nghệ cao khác. Các máy bay ngày tận thế luôn theo sát bất cứ khi nào Tổng thống Mỹ di chuyển bằng chuyên cơ Không lực Một. Từ trên máy bay, quan chức Mỹ có thể liên lạc với ai, ở bất cứ đâu trên thế giới. E-4B cũng được trang bị hệ thống có thể ngăn chặn bất cứ nguy cơ tấn công mạng nào.
Với thiết kế 3 khoang, máy bay có thể chứa tới 112 người. Đây là một trong những máy bay quân sự có số lượng thành viên phi hành đoàn lớn nhất nước Mỹ, thậm chí lớn nhất thế giới.
Theo các chuyên gia, về cơ bản cấu tạo của máy bay ngày tận thế tương tự như với chuyên cơ Không Lực Một, nhưng được trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại hơn và những công nghệ tối tân nhất của Mỹ.
Mỗi máy bay Ngày tận thế được trang bị nhiều thiết bị thông tin liên lạc khác nhau. Chúng bao gồm các ăng-ten tần số rất thấp có thể được đặt ở phía sau máy bay, cũng như thiết bị siêu cao tần và hệ thống liên lạc Milstar ở đầu thân máy bay.
Milstar là hệ thống liên lạc vệ tinh phục vụ chung cung cấp thông tin liên lạc toàn cầu an toàn, chống nhiễu, đáp ứng các yêu cầu thiết yếu trong thời chiến cho các nhân vật quan trọng. Nó có thể liên kết các cơ quan chỉ huy với nhiều loại khí tài, bao gồm cả tàu nổi, tàu ngầm, máy bay và các căn cứ mặt đất.
Trong kịch bản chiến sự xảy ra, việc giữ liên lạc xuyên suốt là thiết yếu để đảm bảo việc chỉ huy không bị gián đoạn.
Thông tin chính xác về việc máy bay ngày tận thế có thể chống đỡ các cuộc tấn công hạt nhân bằng cách nào vẫn chưa được giải mật. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, toàn bộ máy bay và thiết bị trên máy bay đều được gia cố bằng các lớp bảo vệ chống nguy cơ bị phá hủy bởi năng lực hạt nhân.
Những máy bay này không có cửa sổ ở phần thân mà chỉ có cửa sổ ở buồng lái. Mỗi cửa sổ này đều được trang bị lưới chắn xung điện từ (EMP) để bảo vệ các hệ thống nhạy cảm của máy bay khỏi bị tổn hại.
Mỗi máy bay sẽ có 3 khu vực chính trên bên trong. Trong kịch bản khủng hoảng xảy ra, các sĩ quan đại diện từ toàn bộ các quân chủng sẽ tập hợp ở khoảng giữa, đóng vai trò như bộ phận tham mưu. Cabin chính sẽ có phòng họp cách âm. Ngoài ra, máy bay còn có phòng riêng biệt cho các quan chức cấp cao nghỉ ngơi.
Toàn bộ các sĩ quan trên máy bay ngày tận thế đều có khả năng sẵn sàng thay thế cấp trên để chỉ huy khi có sự cố xảy ra. Khi họ làm việc cùng nhau, họ dễ dàng nắm được bức tranh toàn cảnh của chiến sự. Họ buộc phải nắm rõ được cơ sở hạ tầng của Mỹ, bao gồm cả mạng lưới điện.
Để luôn đảm bảo phi đội vận hành máy bay trong tình trạng sẵn sàng, họ luân phiên chia kíp để làm việc và nghỉ ngơi. Phi công, nhân viên thông tin liên lạc, chuyên gia, nhân viên điều hướng, kỹ sư, tiếp viên luôn luôn có các đội ngũ song song có thể thay thế.
Với hệ thống kỹ thuật phức tạp, việc vận hành một chiếc máy bay ngày tận thế được xem là rất tốn kém, ước tính khoảng 160.000 USD/giờ. Do tình huống thảm họa là rất khó dự đoán khi nào xảy ra, máy bay ngày tận thế luôn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động khi cần.
Vì lý do bảo mật, hiện không rõ Mỹ có bao nhiêu chiếc máy bay ngày tận thế, dù trước đó có thông tin họ có 4 chiếc E-4B.
Từ năm 2021, hải quân Mỹ đã công bố kế hoạch nâng cấp máy bay vận tải C-130J-30 Hercules trở thành máy bay ngày tận thế mới, với tên gọi EC-130J TACAMO.
SỞ CHỈ HUY ĐẦU NÃO CỦA TỔNG THỐNG NGA
Giống Mỹ, Nga cũng có đội máy bay ngày tận thế của riêng họ, chuyên để phục vụ Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức thân cận khi tình huống nguy hiểm xảy ra. Nga khá kín tiếng trong việc công khai thông tin về máy bay ngày tận thế so với Mỹ, vì lý do bảo mật.
Theo RT, máy bay ngày tận thế được thiết kế chở các tướng cấp cao, sĩ quan và tổ bay gồm cả kỹ thuật viên trong trường hợp căn cứ trên mặt đất bị đe dọa, thông tin liên lạc bị gián đoạn và chỉ huy các cuộc tấn công ngay từ trên không tại mọi mặt trận.
Các máy bay Ilyushin Il-80 hiện đang đóng vai trò là trạm chỉ huy trên không của Nga. Chúng được phát triển từ cuối những năm 1980 dựa trên máy bay Ilyushin Il-86 và gia nhập biên chế quân đội vào năm 1992. Ba trong bốn chiếc Il-80 vẫn còn hoạt động và đóng tại căn cứ Chkalovsky ngoại ô Moscow.
Il-80 có hình thức khác biệt với các máy bay thương mại thông thường khi chúng không có cửa sổ trên phần thân máy bay. Buồng lái là khu vực duy nhất có cửa sổ nhưng có vách ngăn đặc biệt. Cấu tạo này giúp cho Il-80 bảo vệ những người ngồi bên trên khỏi mối đe dọa từ một vụ tấn công xung điện từ hoặc một vụ nổ hạt nhân.
Phần đầu của máy bay có một khối nổi lên trên, bên trong chứa hệ thống truyền thông vệ tinh SATCOM. Đuôi của máy bay được lắp đặt ăng-ten tần số rất thấp (VLF). Il-80 cũng được lắp hàng loạt các cảm biến, ăng-ten cho phép nó có thể duy trì liên lạc mọi lúc mọi nơi.
Trong kịch bản xảy ra xung đột hạt nhân, Nga sẽ dùng chiếc máy bay để đảm bảo đường dây thông tin liên lạc giữa các nhân vật cấp cao với các cơ sở quân sự và khí tài không bị đứt gãy. Il-80 cũng có thể được tiếp liệu giữa không trung, cho phép nó có thể bay lơ lửng trong một thời gian dài.
Nga hiện có 4 chiếc Il-80. Hệ thống giá trị nhất trên máy bay này chính là Zveno-S, hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến đảm bảo Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo Nga có thể chỉ đạo từ xa.
Il-80 dài 60m, sải cánh 48m, tốc độ tối đa 850km/h, tầm hoạt động 3.600km.
Il-80 Maxdome sẽ trở thành sở chỉ huy trên không của Nga trong kịch bản xảy ra chiến tranh toàn diện. Khi đó, Il-80 sẽ được điều động tới đón tổng thống Nga - người trong thời bình thường di chuyển bằng chuyên cơ của Rossiya.
Khác với chuyên cơ Rossiya, những chiếc Il-80 được bảo vệ toàn diện hơn nếu gặp phải vụ nổ hạt nhân và là một bộ phận được tích hợp đầy đủ trong hệ thống chỉ huy của lực lượng hạt nhân Nga. Khi ngồi trên Il-80, Tổng thống Nga có thể ra lệnh phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa từ đất liền hoặc trên biển, hoặc đưa ra những quyết định chiến đấu quan trọng.
Tháng 7/2021, Nga đã bắt đầu dự án chế tạo loại máy bay mới, đóng vai trò trạm chỉ huy và điều khiển trên không đề phòng kịch bản nước này bị tấn công hạt nhân. Theo các nguồn tin, máy bay ngày tận thế mới của Nga sẽ dựa trên chiếc Il-96-400M.
Các máy bay ngày tận thế mới sẽ thuộc lớp Zveno-3C. Chúng sẽ có khả năng tiếp dầu trên không và được trang bị hệ thống vô tuyến tiên tiến cho phép người điều hành đưa ra các mệnh lệnh cho lực lượng hàng không chiến lược, lực lượng cơ động đường bộ, lực lượng hạt nhân sử dụng giếng phóng và tàu ngầm hạt nhân, trong trường hợp các hệ thống liên lạc thông thường bị đối thủ phá hủy. Ngoài ra, giống các máy bay tiền nhiệm, những máy bay ngày tận thế mới được cho sẽ có hệ thống phòng thủ để chống lại các cuộc không kích hoặc tấn công bằng tên lửa.
Theo RIA, các máy bay ngày tận thế mới của Nga dự kiến sẽ có tầm bay xa hơn các phi cơ hiện tại, và có thể liên lạc một cách hiệu quả với lực lượng hạt nhân chiến lược trong khoảng cách gần 6.000km. Dự kiến, Nga sẽ nhận những chiếc phi cơ mới vào năm 2026.
Đức Hoàng
Theo Business Insider, Popular Mechanics, Aviationist