Chuyện gì xảy ra nếu Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga?
(Dân trí) - Việc Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga có thể khiến xung đột leo thang và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Các chuyên gia quân sự tin rằng chính sách của Mỹ cấm Ukraine sử dụng vũ khí của Washington để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga đang mang lại cho Moscow một lợi thế quan trọng khi mở chiến dịch tấn công gần đây ở vùng Kharkov.
Đợt tấn công mới nhất bắt đầu vào ngày 10/5, nhưng Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, đã bị tấn công bằng tên lửa hàng ngày kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022. Thành phố có khoảng 1,4 triệu dân, hiện tập trung đông đúc người tị nạn từ các thị trấn và làng mạc xung quanh, đã trở thành biểu tượng cho sự kháng cự bền bỉ của Ukraine.
Việc có thể sử dụng các loại vũ khí tầm xa, uy lực do các đồng minh phương Tây cung cấp sẽ cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu xuyên biên giới Nga. Điều này sẽ giúp các nhà hoạch định quân sự của Kiev định hình chiến trường rộng lớn hơn theo hướng có lợi cho họ.
Với tình hình hiện tại, Nga có thể tập trung lực lượng và tiếp viện một cách tương đối an toàn vì cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này, chẳng hạn các căn cứ không quân và kho tiếp tế, nằm ở bên kia biên giới.
Nga đặt vũ khí ngay bên kia biên giới từ phía đông bắc Ukraine và nhắm vào Kharkov, trong khi Ukraine sẽ chỉ có thể sử dụng máy bay không người lái không phải của Mỹ và các loại vũ khí khác để nhắm mục tiêu của Moscow nhằm đáp trả.
Trong nhiều tháng qua, Ukraine tiến hành các cuộc tấn công vào các tàu, cơ sở dầu mỏ và nhà máy điện của Nga. Các khu vực biên giới Nga như Kursk, Bryansk và Belgorod, cũng như thủ đô Moscow thường xuyên trở thành mục tiêu của máy bay không người lái và tên lửa của Ukraine.
Một trong những mục tiêu của Kiev là khiến Nga phân tâm và buộc phải rút bớt lực lượng từ chiến dịch quân sự ở Ukraine để tăng cường phòng thủ biên giới. Các hoạt động này của Kiev được cho là nhằm làm gián đoạn mạng lưới tiếp tế cho quân đội Nga.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công này chủ yếu sử dụng máy bay không người lái do chính Ukraine sản xuất. Các thiết bị này không có sức mạnh và tốc độ như vũ khí của Mỹ. Trong khi đó, phía Nga ngày càng bắn hạ được nhiều máy bay không người lái và tên lửa của Ukraine, hoặc khiến chúng đi lạc hướng nhờ các kỹ thuật tác chiến điện tử được cải tiến.
Giờ đây, áp lực gia tăng đối với Mỹ trong việc giúp Ukraine nhắm mục tiêu vào các mục tiêu quân sự của Nga, ngay cả khi Washington muốn duy trì lệnh cấm tấn công các nhà máy lọc dầu và cơ sở hạ tầng khác của Moscow bằng vũ khí do Mỹ cung cấp.
Lập trường của Mỹ bị lung lay?
Washington luôn tuyên bố kiên quyết rằng, Ukraine không được sử dụng vũ khí của Mỹ để nhắm vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, một số báo cáo cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ đang thúc đẩy sự thay đổi về chính sách này sau cuộc tấn công mới của Nga ở khu vực Kharkov.
Bộ Ngoại giao Mỹ đang bùng lên cuộc tranh luận về việc chính phủ cần nới lỏng lệnh cấm nhằm cho phép Ukraine sử dụng những vũ khí do Washington cung cấp để tấn công các địa điểm phóng tên lửa và pháo binh ngay bên kia biên giới với Nga, những mục tiêu mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng đã giúp Moscow giành được các vùng lãnh thổ gần đây.
Trong chuyến thăm Kiev vào ngày 15/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngụ ý rằng đã đến lúc cho phép Ukraine sử dụng hệ thống vũ khí của Washington để tấn công các mục tiêu bên kia biên giới.
"Chúng tôi không khuyến khích hoặc cho phép các cuộc tấn công bên ngoài Ukraine, nhưng cuối cùng Ukraine phải tự mình đưa ra quyết định về cách thức tiến hành cuộc chiến này", ông Blinken nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gần đây ám chỉ rằng máy bay Nga phóng bom lượn từ không phận Nga có thể là mục tiêu hợp pháp cho tên lửa Mỹ.
Mới đây, một nhóm nghị sĩ Mỹ kêu gọi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Washington viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga. Các nghị sĩ cho rằng, Ukraine không thể tự vệ một cách hiệu quả do chính sách thận trọng của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Hiện vẫn chưa có sự thay đổi chính thức nào về chính sách của Mỹ, nhưng việc loại bỏ hạn chế đối với khả năng của Ukraine trong việc sử dụng hệ thống vũ khí của Mỹ sẽ đánh dấu một thời điểm quan trọng trong cuộc xung đột. Bất chấp tất cả trở ngại trong năm qua, Kiev phần lớn vẫn tuân thủ quy tắc do Mỹ đặt ra, lo ngại rằng những vi phạm nghiêm trọng có thể khiến viện trợ nước ngoài bị hạn chế.
Một số đồng minh của Ukraine đã "bật đèn xanh" cho Kiev sử dụng hệ thống vũ khí của họ trên lãnh thổ Nga. Ngoại trưởng Anh David Cameron gần đây đã phát biểu trong chuyến thăm Kiev rằng Ukraine "hoàn toàn có quyền tấn công lại Nga". Pháp dường như cũng sẵn sàng "theo gót" Anh trong vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cũng cho biết nước này đồng ý để Ukraine sử dụng vũ khí do Stockholm viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga. Kể từ đầu cuộc chiến tới nay, Thụy Điển đã chuyển giao một số vũ khí cho Ukraine như xe chiến đấu bộ binh CV90, tên lửa chống tăng TOW, hệ thống tên lửa phòng không cầm tay RBS 70 cũng như pháo tự hành Archer.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước tuyên bố "đã đến lúc" các thành viên của liên minh do Mỹ dẫn đầu nên xem xét lại chính sách của họ và cho phép Ukraine tự do sử dụng vũ khí phương Tây để tiến hành các cuộc tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Trong khi đó, Ukraine vẫn tiến hành các cuộc tấn công vào sâu lãnh thổ Nga bằng cách sử dụng vũ khí của Kiev, bao gồm máy bay không người lái cơ bản. Các cuộc tấn công này đã cản trở đáng kể hoạt động sản xuất nhiên liệu của Nga, thậm chí nhắm thẳng vào thủ đô Moscow, nơi có các cơ quan đầu não của Nga.
Tuy nhiên, nguồn lực của Ukraine vẫn còn nhiều hạn chế. Việc sử dụng các hệ thống do phương Tây sản xuất sẽ cho phép Ukraine tăng nhịp độ của các cuộc tấn công này, đồng thời có thể hạn chế khả năng thực hiện các cuộc tấn công của Nga.
Các cuộc tấn công của Ukraine đã bắt đầu làm gián đoạn hậu phương của Nga. Nếu các hệ thống vũ khí của Mỹ được phép sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Nga, lãnh thổ Nga sẽ không còn an toàn. Điều quan trọng là các cuộc tấn công này có thể buộc Moscow phải rút máy bay phòng không và tấn công của Nga ra khỏi tiền tuyến ở Ukraine để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng trong nước.
Tuy nhiên, khả năng mở rộng cách sử dụng vũ khí được viện trợ, bao gồm việc tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga, cũng đặt ra một số vấn đề.
Việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công các mục tiêu ở Nga không đảm bảo sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân chiến lược tổng thể. Các cuộc tấn công này sẽ làm gián đoạn các đường tiếp viện, cơ cấu chỉ huy và trung tâm hậu cần của Nga, từ đó làm giảm hiệu quả các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Nhưng về cơ bản nó sẽ không làm thay đổi cán cân quyền lực.
Các loại vũ khí như hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) của Mỹ đủ hiệu quả đối với Ukraine, nhưng chúng khó có thể thay đổi bản chất của một cuộc chiến tranh tiêu hao tàn khốc. Các đợt huy động quân liên tiếp cho thấy lực lượng Nga tăng thêm 15% kể từ khi bắt đầu xung đột. Xét trên những số liệu này, Ukraine khó có thể đuổi kịp Nga.
Ukraine đang gặp khó khăn trong việc tuyển quân và nền kinh tế đang suy yếu. Trừ khi Kiev và các đồng minh có thể thay đổi bản chất của cuộc xung đột này, nếu không triển vọng sẽ không mấy khả quan. Hiện tại, Nga tranh thủ sự suy yếu trong nỗ lực phản kháng của Ukraine và chờ đợi sự sụt giảm trong nỗ lực ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev.
Về vấn đề này, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ là một thời điểm quan trọng. Một nhiệm kỳ tổng thống mới của cựu Tổng thống Donald Trump có thể chứng kiến việc Mỹ tái tập trung vào các vấn đề trong nước, thậm chí có thể cắt giảm nguồn cung viện trợ quân sự cho Ukraine.
Nguy cơ leo thang căng thẳng
Việc sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga được cho là sẽ dẫn đến tác động đáng kể về địa chính trị. Nó có thể thổi bùng căng thẳng giữa Nga và các nước thành viên NATO nếu các nước này cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Nguy cơ leo thang, bao gồm khả năng Nga trả đũa các thành viên NATO, là mối lo ngại thực sự, đặc biệt khi Moscow liên tục sử dụng các mối đe dọa hạt nhân nhằm khơi dậy nỗi sợ hãi của phương Tây.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo nếu Mỹ tấn công các mục tiêu của Nga, điều đó đồng nghĩa với việc "khơi mào một cuộc chiến tranh thế giới mới". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng tuyên bố, Moscow sẽ tấn công đáp trả vào các mục tiêu của Anh nếu Ukraine sử dụng vũ khí do London cung cấp để tập kích lãnh thổ Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc "những cái đầu nóng" trong Quốc hội Mỹ dường như muốn kích động thêm căng thẳng xung quanh Ukraine và muốn đối đầu với Nga "tới người Ukraine cuối cùng". Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết những tuyên bố khiêu khích của Kiev và phương Tây "vô cùng nguy hiểm và liều lĩnh", kéo Mỹ tham gia sâu hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngoài ra, không thể bỏ qua khả năng tính toán sai lầm và những hậu quả ngoài ý muốn nếu Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây. Việc tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga có thể gây ra phản ứng mạnh mẽ và khó lường từ phía Moscow. Các mối đe dọa hạt nhân của Điện Kremlin không thể bị loại bỏ hoàn toàn, đặc biệt nếu Nga coi các cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ như một mối đe dọa hiện hữu. Học thuyết quân sự của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu trường hợp này xảy ra.
Quân đội Nga ngày 21/5 bắt đầu các cuộc diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin. Đây là lần đầu tiên Nga công khai thông báo về cuộc diễn tập liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến thuật. Các nhà phân tích cho rằng cuộc diễn tập nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới Ukraine và phương Tây, trong bối cảnh các nước đồng minh tăng cường viện trợ quân sự, thậm chí "mở đường" cho Kiev sử dụng các vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Theo các chuyên gia, cuộc diễn tập là lời cảnh báo rõ ràng nhất từ phía Nga rằng, nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến chống Ukraine. "Rõ ràng đây là một nỗ lực nhằm răn đe hạt nhân", Jeffrey Lewis, chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, nhận định.
Cuộc tranh luận về việc có nên cho phép Ukraine sử dụng viện trợ quân sự của phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga hay không liên quan đến sự tác động qua lại phức tạp giữa chiến lược quân sự và các cân nhắc về địa chính trị. Mặc dù động thái này có thể mang lại lợi thế chiến thuật đáng kể cho Ukraine, nhưng về cơ bản nó sẽ không làm thay đổi bức tranh chiến lược tổng thể. Kịch bản này cũng mang lại những rủi ro đáng kể cần phải được cân nhắc cẩn trọng.
Emma Ashford, chuyên gia tại Trung tâm Stimson, cho rằng, việc dỡ bỏ các hạn chế về vũ khí của Mỹ có thể có lợi cho Ukraine, nhưng chưa chắc là tín hiệu tốt cho Washington.
"Có sự căng thẳng rõ ràng giữa việc giúp Ukraine làm tất cả những gì họ muốn để giành chiến thắng trong cuộc chiến và nguy cơ leo thang. Tôi nghĩ rằng phần lớn chính quyền Tổng thống Biden đã khá nhạy bén trong vấn đề này", bà Ashford nhận định.
Theo chuyên gia, đòn đáp trả của Nga không nhất thiết là một cuộc tấn công hạt nhân, mà Moscow có thể tiến hành các hoạt động gây nhiễu GPS hay đốt cháy các kho vũ khí mà Nga nghi ngờ đang được tập kết ở Tây Âu.
Bản chất ngày càng leo thang của cuộc xung đột tại Ukraine đòi hỏi phải có sự đánh giá liên tục và cách tiếp cận thận trọng để đảm bảo rằng các hành động được thực hiện góp phần tạo ra một giải pháp bền vững và công bằng mà không leo thang thành một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, tàn khốc hơn.
Theo Conversation, New York Times, Newsweek