1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Medvedev cảnh báo Thế chiến III nếu Mỹ tấn công mục tiêu Nga ở Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ vào các mục tiêu của Nga ở Ukraine sẽ kéo theo một cuộc chiến tranh thế giới, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo.

Ông Medvedev cảnh báo Thế chiến III nếu Mỹ tấn công mục tiêu Nga ở Ukraine - 1

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: EPA).

"Nếu Mỹ tấn công các mục tiêu của chúng tôi, điều đó đồng nghĩa với việc khơi mào một cuộc thế chiến mới và một ngoại trưởng, thậm chí của một nước như Ba Lan, nên hiểu điều đó", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo trên mạng xã hội X ngày 26/5.

Cảnh báo trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, Mỹ đã nói, nếu Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân, Washington sẽ đáp trả bằng cách sử dụng vũ khí thông thường nhằm vào lực lượng Nga ở Ukraine.

"Phía Mỹ đã cảnh báo phía Nga rằng nếu họ (Nga) sử dụng một quả bom hạt nhân, ngay cả khi nó không làm ai thiệt mạng, Washington sẽ tấn công tất cả các mục tiêu của Nga ở Ukraine bằng vũ khí thông thường, Mỹ sẽ phá hủy tất cả chúng", Ngoại trưởng Sikorski nói với Guardian.

Ngoài ra, ông Sikorski nói thêm rằng cả Trung Quốc và Ấn Độ dường như đều cảnh báo Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nhà ngoại giao Ba Lan cho biết, ông ủng hộ việc chấm dứt các lệnh cấm ngăn Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga, tương tự như lời kêu gọi gần đây của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Ông Medvedev cho rằng, nhà ngoại giao Ba Lan đang tìm cách "hù dọa" Nga. Tuy nhiên, theo ông, không giống Ba Lan, Mỹ cho đến nay vẫn kiềm chế không đưa ra bất kỳ lời đe dọa nào như vậy một cách công khai "vì họ thận trọng hơn".

Ông Medvedev cũng nhắc lại bình luận của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda vào tháng trước rằng Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ nếu có cơ hội như vậy theo cơ chế chia sẻ của NATO.

Cựu Tổng thống Nga cảnh báo, trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân, "Ba Lan chắc chắn không thể đứng ngoài lề, mà chắc chắn sẽ nhận được phần tro phóng xạ", vậy liệu giới lãnh đạo Ba Lan có mong muốn điều đó hay không.

Hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu và hoàn toàn sẵn sàng cho một cuộc chiến hạt nhân. Tuy nhiên, ông Putin khi đó nói rằng Nga chưa bao giờ phải đối mặt với nhu cầu sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Moscow cũng cho rằng, Nga đang đối đầu không chỉ với Ukraine mà với cả phương Tây. Moscow coi phương Tây thực tế đã trở thành một bên tham chiến do tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Nga thậm chí cáo buộc phương Tây chuyển cho Kiev vũ khí tầm xa để tập kích vào lãnh thổ Nga.

Mỹ và các đồng minh khẳng định họ buộc Ukraine phải cam kết chỉ dùng vũ khí viện trợ của phương Tây bên trong lãnh thổ. Tuy nhiên, gần đây, Anh đã trở thành viên NATO đầu tiên tuyên bố không phản đối Ukraine dùng vũ khí viện trợ để nhắm vào lãnh thổ Nga.

Yehor Cherniev, một nghị sĩ của Ukraine, cho biết giới chức Mỹ cũng bắt đầu thảo luận nới lỏng hạn chế cho Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đầu tuần này phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện rằng, Washington sẵn sàng thảo luận với Kiev về khả năng sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine