DMagazine

Chiến dịch phản công có giúp Ukraine lật ngược thế cờ?

(Dân trí) - Ukraine không còn nhiều thời gian để chấm dứt xung đột với Nga trước mùa đông đầy thách thức ngay cả khi đang đạt những bước tiến đáng kể trong chiến dịch phản công chớp nhoáng.

CHIẾN DỊCH PHẢN CÔNG CÓ GIÚP UKRAINE LẬT NGƯỢC THẾ CỜ?

Ukraine không còn nhiều thời gian để chấm dứt xung đột với Nga trước mùa đông đầy thách thức ngay cả khi đang đạt những bước tiến đáng kể trong chiến dịch phản công chớp nhoáng.

MỘT MÙA HÈ CHUẨN BỊ VÀ PHẢN CÔNG BẤT NGỜ

Xung đột Nga - Ukraine đang cho thấy những bước chuyển biến nhanh chóng trong vài tuần trở lại đây sau khi Kiev tuyên bố chính thức bắt đầu phản công.

Theo giới quan sát, Kiev đã tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng với sự hỗ trợ của phương Tây, đặc biệt là Anh và Mỹ. Ukraine chọn phản công vào thời điểm khi Nga dàn mỏng lực lượng phòng thủ cho các vùng lãnh thổ mà họ giành được ở cả miền Đông và miền Nam Ukraine. Trong khi đó, Kiev có cả một mùa hè để tập hợp lực lượng, bài binh bố trận và tiếp nhận ngày càng nhiều hơn vũ khí quan trọng từ phương Tây như pháo phản lực HIMARS.

Khi lượng vũ khí do phương Tây viện trợ đổ về nhiều hơn, Kiev bắt đầu tấn công vào mạng lưới hậu cần của Nga như kho đạn dược, hệ thống đường sắt, cầu đường bộ nhằm làm suy yếu khả năng tiếp viện của Moscow ở cả miền Đông, miền Nam Ukraine, thậm chí những nơi nằm sâu phía sau chiến tuyến như bán đảo Crimea. Ukraine tuyên bố, chỉ trong vòng 1 tháng, quân đội nước này đã phá hủy ít nhất 50 kho đạn dược, nhiên liệu Nga. Chiến thuật này được cho là đã góp phần đáng kể vào chiến dịch phản công của Kiev.

Đến cuối tháng 8, Ukraine mới thông báo chính thức phản công ở miền Nam, đặc biệt là vùng Kherson - lãnh thổ bị Nga kiểm soát từ giữa tháng 3. Tuyên bố này có lẽ không quá bất ngờ với Nga hay bất cứ ai theo dõi cuộc xung đột bởi giới chức Kiev trước đó không ít lần phát tín hiệu.

Điều bất ngờ hơn chỉ diễn ra sau đó vài ngày khi Kiev phản công ở Kharkov, đông bắc nước này. Trọng tâm phản công của Ukraine ở Kharkov mà không phải là Kherson như thông báo. Kế nghi binh khiến Nga dồn lực lượng từ Donbass, Kharkov cho mặt trận miền Nam trong khi tuyến phòng thủ ở đông bắc trở nên dễ tổn thương trước các đợt phản công chớp nhoáng của Ukraine.

"Nga nghĩ rằng chiến trường sẽ ở phía nam và di chuyển quân trang đến đó. Nhưng thay vì ở phía nam, cuộc chiến diễn ra ở nơi họ ít mong đợi nhất, điều này khiến họ rút lui", ông Taras Berezovets, cựu cố vấn an ninh quốc gia Ukraine, bình luận.

Đó là lý do Ukraine nhanh chóng đẩy lùi lực lượng Nga ở nhiều khu vực của Kharkov. Trong vòng 2 tuần kể từ đầu tháng 9 đến nay, Ukraine tuyên bố đã giành lại hơn 6.000km2 lãnh thổ, lớn hơn nhiều diện tích các vùng mà Nga đã chiếm được trong tất cả các chiến dịch kể từ tháng 4 đến nay.

Video Nga dồn quân tới Kharkov, ra sức chặn đà phản công của Ukraine

Theo nhận định của Viện nghiên cứu chiến tranh có trụ sở tại Mỹ (ISW), các lực lượng Ukraine đã xâm nhập các tuyến phòng thủ của Nga, có nơi tiến sâu khoảng 70km. Nga xác nhận đã rút quân khỏi Izyum - một thành phố chiến lược của Kharkov.

Việc Ukraine giành lại Izyum và sắp tới rất có thể là thành phố Kharkov nằm sát biên giới Nga được cho là sẽ trở thành bước ngoặt của cuộc chiến, hoặc ít nhất là ở mặt trận phía đông bắc.

"Các lực lượng Ukraine đã không dừng lại sau khi tiếp cận thị trấn đầu tiên ở mặt trận này. Họ chọn vòng qua các thị trấn để tiến sâu hơn vào sau phòng tuyến của Nga", Rob Lee, chuyên gia phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (Mỹ), nhận định.

Chiến dịch phản công có giúp Ukraine lật ngược thế cờ? - 1

Ukraine nhanh chóng mở rộng phản công, giành lại quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở Kharkov trong chiến dịch phản công chớp nhoáng (Bản đồ: Aljazeera).

CỤC DIỆN CHIẾN SỰ LIỆU CÓ THAY ĐỔI?

Xét ở khía cạnh tích cực, việc Ukraine bất ngờ đẩy mạnh phản công ở mặt trận đông bắc cho thấy sự phối hợp linh hoạt và hiệu quả giữa các cánh quân ở các mặt trận. Điều này có ý nghĩa khích lệ tinh thần rất lớn đối với quân đội Ukraine, giúp họ tin vẫn có thể xoay chuyển cục diện chiến trường.

Tuy nhiên, ở góc độ kém lạc quan, nó thể hiện quân đội nước này đang gặp khó khăn trong chiến dịch phản công tại miền nam, nơi tập trung cảng biển quan trọng của đất nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov thừa nhận, cuộc phản công ở Kherson tiến triển chậm hơn ở Kharkov vì đây là một khu vực nông nghiệp có các kênh tưới tiêu mà người Nga có thể sử dụng làm chiến hào phòng thủ. Ngoài ra, binh sĩ Chechnya (thuộc Nga) đang ở miền nam Ukraine để ngăn chặn quân đội tiền tuyến rời khỏi vị trí của họ.

Giới quân sự phương Tây nhìn chung đánh giá thận trọng về đà tiến công của Ukraine. CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Washington không coi thành quả phản công chớp nhoáng của Ukraine là bước ngoặt quyết định cục diện xung đột. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho rằng, tiềm lực quân sự của Nga vẫn còn rất lớn và họ có thể phản công quy mô lớn bất cứ lúc nào.

Tetyana Ogarkova, đại diện Trung tâm truyền thông về khủng hoảng Ukraine, cũng có chung quan điểm này. Bà đánh giá đà tiến công của Ukraine chỉ mang ý nghĩa thắng lợi chiến lược, cho thấy Kiev có khả năng tiến hành chiến dịch quy mô lớn.

Theo ISW, những diễn biến mới trên chiến trường không có nghĩa Ukraine đang trên đà giành chiến thắng chung cuộc. "Dù Ukraine đang dần thoát khỏi tình thế bất lợi nhưng cuộc phản công hiện nay của họ sẽ không thể chấm dứt xung đột", ISW bình luận. Theo ISW, Nga hiện vẫn kiểm soát khoảng 1/5 diện tích lãnh thổ Ukraine và xu hướng đó có thể sẽ còn tiếp tục cho đến năm 2023.

Chuyên gia Michael Kofman tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ (CNA) nói: "Chúng tôi chờ xem liệu Ukraine có thể khai thác thêm động lực mà họ đã phát triển ở vùng Donbass hay không. Nhiều khả năng Nga sẽ tìm cách khôi phục lực lượng sau khi rút quân và tiến hành các cuộc phản công cục bộ". Ông cho rằng, giai đoạn hiện tại được xem là cơ hội để Ukraine nắm giữ thế chủ động trên chiến trường và đạt mục tiêu giành thêm các vùng lãnh thổ ngay trong mùa đông này.

Philip Breedlove, cựu đại tướng Mỹ từng chỉ huy lực lượng NATO, cũng tỏ ra thận trọng khi đánh giá về chiến dịch phản công của Ukraine. "Tôi đồng tình rằng không nên vội vã kết luận, bởi Nga vẫn còn nhiều quân bài chưa sử dụng. Ukraine rõ ràng đang tạo ra những thay đổi lâu dài ở miền Đông và miền Bắc. Tôi cho rằng nếu phương Tây trang bị cho Ukraine một cách hợp lý, họ có thể giữ vững thành quả của mình", Washington Post dẫn lời ông Breedlove. Theo ông, bất chấp những tổn thất sau hơn 6 tháng xung đột, Nga vẫn còn rất nhiều xe tăng, xe tải và nhân sự có thể huy động cho chiến dịch.

Về phía Nga, chuyên gia phân tích quốc phòng Konrad Muzyka của tổ chức tư vấn Rochan bình luận: "Tổn thất lực lượng và khí tài ở Kharkov đồng nghĩa Nga khó có thể tấn công quy mô lớn trong ngắn hoặc trung hạn". Tuy nhiên, xét về tổng thể, Moscow vẫn giữ lợi thế về mặt quân sự và thời gian.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cảnh báo, sau khi tái tập hợp lực lượng, Nga có thể phản công, phá hủy các tuyến đường tiếp tế của Kiev hoặc lực lượng Ukraine có nguy cơ bị bao vây nếu tiến công quá xa.

Theo tình báo Ukraine, những ngày gần đây, Moscow bắt đầu tăng cường số lượng tàu chiến và tàu ngầm mang theo tên lửa hành trình ở Biển Đen. Do vậy, rất có thể Nga sẽ tung ra nhiều đợt tấn công hơn trong thời gian tới.

THÁCH THỨC CHỒNG CHẤT

Chiến dịch phản công có giúp Ukraine lật ngược thế cờ? - 2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, Ukraine chỉ có 90 ngày để phản công trước khi mùa đông đến với nhiều khó khăn hơn (Ảnh: AFP).

Theo nhiều chuyên gia, mặc dù những bước tiến gần đây có ý nghĩa quan trọng nâng cao tinh thần của quân đội Ukraine, song các binh sĩ Ukraine gần như đã kiệt sức sau hơn 200 ngày giao tranh. Sự mệt mỏi này nếu kéo dài sẽ làm giảm sức chiến đấu của họ, chưa kể đến việc Nga có thể nhanh chóng khôi phục lực lượng và đáp trả. Một số quan chức Ukraine thừa nhận, việc giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ là một chuyện, nhưng có giữ được chúng không lại là chuyện khác.

Giờ đây, quân đội Ukraine cũng phải đối mặt với những gì phía Nga đã trải qua mấy tháng trước như làm thế nào để vượt sông, tiến sâu vào khu vực mà đối phương kiểm soát hay làm sao để đảm bảo mạng lưới tiếp viện.

Ở giai đoạn tiếp theo, chiến dịch phản công của Ukraine sẽ mất dần yếu tố bất ngờ, chưa kể cần nhiều nguồn lực hơn nữa. Tim Cross, một thiếu tướng Anh về hưu, chỉ ra rằng mọi chiến dịch tấn công đều có "điểm tới hạn" nhất định khi không còn đủ nguồn lực. Theo ông, đà tiến công của Ukraine ở Kharkov đang dần chạm đến điểm này, buộc họ sẽ phải tạm ngừng tiến quân.

Ngoài ra, Kiev sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong những tháng mùa đông do thiếu nhiên liệu sưởi ấm, địa hình khó di chuyển do băng tuyết và cuộc chiến năng lượng với Nga có nguy cơ làm giảm quyết tâm của phương Tây trong việc hỗ trợ Ukraine. Để kéo dài cuộc phản công, Ukraine chắc chắn không thể thiếu sự hỗ trợ liên tục từ phía phương Tây.

Ukraine không có nhiều thời gian, tối đa là 90 ngày (trước mùa đông) cho chiến dịch vừa công, vừa thủ như Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận. Sau 90 ngày đó, khó có ai đoán được mức độ ủng hộ mà phương Tây dành cho Kiev sẽ vơi đi bao nhiêu trong một mùa đông mà họ cần nhiều khí đốt Nga và khi họ có nhiều mối bận tâm khác hơn là cuộc chiến ở Ukraine.

"Điện Kremlin tất nhiên đang tính đến khả năng chúng tôi sẽ bớt quan tâm vì cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, vì Anh có thủ tướng mới, vì Đức đang lo lắng về khí đốt, và vì sông Rhine đã cạn khô" tướng Mỹ về hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, nhận định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng giá năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu hụt khí đốt có thể xảy ra trong mùa đông này sẽ thuyết phục châu Âu gây sức ép buộc Ukraine chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn theo các điều kiện của Moscow.

Nguồn tin thân cận với giới chức Nga chia sẻ: "Chúng tôi (Nga) có thời gian, chúng tôi có thể chờ đợi. Sắp tới đây sẽ là một mùa đông khó khăn đối với người dân châu Âu. Chúng ta có thể thấy các cuộc biểu tình, bất ổn. Một số nhà lãnh đạo châu Âu có thể phải đắn đo về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine và cho rằng đã đến lúc phải đạt một thỏa thuận".

Do vậy, chiến dịch phản công của Ukraine vẫn tiềm ẩn rủi ro. Thách thức lớn nhất của Kiev hiện nay là thuyết phục đối tác phương Tây rằng Ukraine có thể tạo đột phá trên chiến trường để họ sẵn sàng viện trợ thêm vũ khí.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, cho biết phương Tây đang cung cấp cho Kiev đủ vũ khí để "không gục ngã" nhưng chưa đủ để chiến thắng. Đến nay, phương Tây vẫn từ chối đưa bộ binh tham chiến và hạn chế cung cấp một số khí tài quân sự cho Ukraine vì họ muốn tránh một cuộc xung đột lớn hơn với Nga, quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

Neil Melvin, một nhà phân tích của tổ chức nghiên cứu RUSI tại London, nhận định thực lực trên chiến trường Ukraine từ nay đến mùa đông có thể xác định hướng đi của cuộc chiến.

"Ukraine cần thuyết phục các nước ủng hộ phương Tây là họ có thể giành chiến thắng và có đà tiến. Nếu trong giai đoạn này, họ chứng minh được điều đó, nó sẽ là một chiến thắng", chuyên gia Melvin bình luận.

Ngược lại, cuộc chiến càng kéo dài thì nguy cơ chia rẽ của phương Tây về sự ủng hộ dành Ukraine càng lớn khi giá nhiên liệu, khí đốt, điện và lương thực tăng cao.

"Tất cả các chỉ số kinh tế đang chuyển sang tiêu cực. Nếu Ukraine không chứng tỏ đang chiến thắng, sẽ khó để thuyết phục ai đó khi họ đang run rẩy trong căn hộ của mình", ông Melvin nói thêm và cho rằng áp lực về một giải pháp chính trị có thể chia rẽ cả EU và liên minh quân sự NATO.

Minh Phương
Theo AP, New York Times, Washington Post, Aljazeera

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine