DNews

Châu Âu cởi trói vũ khí tầm xa cho Kiev: Cục diện chiến trường sẽ ra sao?

Đăng Khôi

(Dân trí) - Với tuyên bố dỡ toàn bộ hạn chế về vũ khí tầm xa cho Ukraine, phương Tây đang thay đổi lập trường, qua đó muốn gia tăng sức ép lên Nga, nhưng cũng đẩy cuộc đối đầu lên mức nguy hiểm mới.

Châu Âu cởi trói vũ khí tầm xa cho Kiev: Cục diện chiến trường sẽ ra sao?

Căng thẳng Nga - Ukraine, xảy ra từ năm 2014 khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea, bùng nổ từ tháng 2/2022, gần đây chứng kiến các diễn biến mới.

Ngày 26/5, Thủ tướng Đức Friedrich Merz tuyên bố các đồng minh phương Tây chủ chốt gồm Đức, Pháp, Anh và Mỹ, gỡ bỏ mọi rào cản đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công các mục tiêu quân sự sâu trong lòng lãnh thổ Nga.

Đây không chỉ là bước ngoặt chiến thuật, mà còn là "nước cờ" địa chính trị táo bạo, dấy lên những câu hỏi lớn: Liệu động thái này có giúp Ukraine lật ngược thế cờ? Hay sẽ đẩy xung đột vào vòng xoáy nguy hiểm hơn, với bóng ma của chiến tranh hạt nhân?

Lý do phương Tây thay đổi lập trường 

Đây là các lý do khiến phương Tây thay đổi lập trường:

Thứ nhất, áp lực từ Kiev và sóng gió chính trường phương Tây. Trong hơn 3 năm xung đột, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không ngừng kêu gọi phương Tây nới lỏng các giới hạn đối với vũ khí viện trợ. Ông lập luận rằng việc chỉ được phép tấn công các mục tiêu trong các khu vực do Nga kiểm soát như Donetsk hay Zaporizhzhia đã kìm hãm khả năng phản công của Ukraine.

“Chúng tôi như võ sĩ bị trói một tay, trong khi đối thủ tự do hành động”, ông Zelensky từng nhấn mạnh trong một bài phát biểu tại Liên hợp quốc. Những lời kêu gọi này đã tạo áp lực không nhỏ lên các nhà lãnh đạo phương Tây.

Sự thay đổi chính sách của phương Tây cũng bắt nguồn từ những biến động chính trị nội bộ. Ở Đức, Thủ tướng Friedrich Merz, người vừa lên nắm quyền, đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn người tiền nhiệm Olaf Scholz.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Merz từng cam kết cung cấp tên lửa Taurus - loại vũ khí có tầm bắn lên đến 500km - cho Ukraine, bất chấp những lo ngại về leo thang xung đột. Sau khi nhậm chức, ông Merz nhanh chóng biến lời hứa thành hành động, nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp với các đồng minh NATO để “gửi thông điệp rõ ràng” tới Mocow.

Tại Mỹ, chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden, trong những tháng cuối nhiệm kỳ vào năm 2024, đã bất ngờ phê duyệt việc cho phép quân đội Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công sâu vào sâu lãnh thổ Nga.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh áp lực từ Kiev ngày càng gia tăng, kết hợp với thông tin Triều Tiên triển khai quân hỗ trợ Nga đánh đuổi quân Ukraine ở tỉnh Kursk. Đây là một bước đi táo bạo, phá vỡ chính sách thận trọng trước đó của Washington nhằm tránh đối đầu trực tiếp với Nga - cường quốc sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

Sự trở lại của Tổng thống Donald Trump vào Nhà Trắng từ tháng 1 càng làm tăng tính cấp bách của động thái này. Với lập trường “hòa hoãn” với Nga và ý định cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine, ông Trump đã khiến các đồng minh châu Âu lo ngại về khả năng bị bỏ rơi.

Đức, Pháp và Anh, nhận thức nguy cơ trên, đã quyết định hành động nhanh chóng để đảm bảo Ukraine có đủ hỏa lực trước khi chính sách của ông Trump được triển khai. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga đã không đạt được hiệu quả mong muốn, buộc phương Tây phải chuyển sang chiến lược quân sự quyết liệt hơn để hỗ trợ Kiev.

Thứ hai, bước ngoặt chiến thuật trên chiến trường. Trên thực tế, tình hình chiến trường là động lực chính thúc đẩy quyết định dỡ bỏ hạn chế vũ khí tầm xa. Sau hơn 3 năm giao tranh, Nga đã đạt được những bước tiến đáng kể, đặc biệt ở các mặt trận Donbass, Kursk và Crimea.

Quân đội Nga không chỉ giành lại quyền kiểm soát tỉnh Kursk mà còn thiết lập các vùng đệm an ninh ở Sumy, ngăn chặn các cuộc đột kích của Ukraine. Trong khi đó, Ukraine, dù thể hiện sự kiên cường và khả năng ứng biến nhờ các hệ thống vũ khí phương Tây như HIMARS hay Storm Shadow, vẫn bị hạn chế bởi các quy định nghiêm ngặt về phạm vi sử dụng.

Trước đây, các tên lửa như Storm Shadow (tầm bắn 250km) hay ATACMS (tầm bắn 300km) chỉ được phép tấn công các mục tiêu trong các khu vực do Nga kiểm soát. Điều này khiến Ukraine không thể nhắm vào các căn cứ không quân, kho đạn dược, trung tâm hậu cần sâu trong lãnh thổ Nga - những mục tiêu có giá trị chiến lược cao.

Nga, nhận thức được điều đó, đã di chuyển nhiều tài sản quân sự ra khỏi tầm bắn của các vũ khí này, làm giảm hiệu quả chiến đấu của Ukraine.

Việc dỡ bỏ hạn chế cho phép Ukraine sử dụng các tên lửa tiên tiến để tấn công các mục tiêu cách xa tiền tuyến, từ đó làm gián đoạn chuỗi cung ứng Nga. Theo chuyên gia quân sự Riley Bailey từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), các tên lửa như ATACMS, đặc biệt với đạn chùm, có thể tấn công đồng thời nhiều mục tiêu, khai thác điểm yếu trong chiến lược tập trung lực lượng của Nga.

Điều này không chỉ làm suy yếu khả năng tiến công của Moscow mà còn tạo cơ hội cho Ukraine giành lại thế chủ động ở các mặt trận then chốt.

Hơn nữa, quyết định này còn bổ sung cho nỗ lực tự phát triển vũ khí của Ukraine. Dù đạt được những thành tựu đáng chú ý về UAV tầm xa, tên lửa Neptune, Ukraine vẫn phụ thuộc vào viện trợ phương Tây để duy trì áp lực quân sự. Việc sử dụng các hệ thống ATACMS, Storm Shadow giúp Ukraine bù đắp cho hạn chế về số lượng, công nghệ, từ đó tăng cường khả năng răn đe và phản công.

Thứ ba, thách thức từ Nga và củng cố NATO. Quyết định dỡ bỏ hạn chế vũ khí tầm xa không chỉ là vấn đề quân sự mà còn là nước đi địa chiến lược nhằm định hình lại trật tự khu vực và toàn cầu.

Châu Âu cởi trói vũ khí tầm xa cho Kiev: Cục diện chiến trường sẽ ra sao? - 1

Thủ tướng Đức Friedrich Merz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Berlin, Đức ngày 28/5 (Ảnh: Reuters).

NATO và EU xem cuộc xung đột Nga - Ukraine như một bài kiểm tra đối với an ninh châu Âu. Các hành động của Nga, từ sáp nhập Crimea năm 2014 đến các cuộc tấn công vào Ukraine, bị phương Tây coi là mối đe dọa trực tiếp đến trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Thủ tướng Merz cáo buộc Nga nhắm vào các mục tiêu dân sự trong khi Ukraine chỉ tấn công các mục tiêu quân sự đã tạo ra sự cần thiết để Kiev có thêm công cụ tự vệ.

Hơn nữa, động thái này là thông điệp cứng rắn gửi tới Moscow: Phương Tây sẽ không khoan nhượng trước các hành động gây hấn. Trong bối cảnh Nga tăng cường quan hệ với các đồng minh, phương Tây lo ngại về sự hình thành của một “trục đối trọng” chống lại lợi ích của mình.

Sự tham gia của Triều Tiên trong việc hỗ trợ quân sự cho Nga ở Kursk đã làm gia tăng những lo ngại này, khiến NATO và EU phải hành động để kiềm chế ảnh hưởng của Moscow.

Sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump càng làm thay đổi bức tranh địa chiến lược hiện nay. Với tuyên bố có thể chấm dứt xung đột trong 24 giờ, ông Trump dường như muốn thúc đẩy một giải pháp hòa bình dựa trên nhượng bộ lãnh thổ, điều mà Ukraine và nhiều nước châu Âu phản đối mạnh mẽ.

Do đó, việc dỡ bỏ hạn chế vũ khí tầm xa không chỉ nhằm tăng cường năng lực quân sự cho Ukraine mà còn giúp Kiev củng cố vị thế đàm phán, đặc biệt trong bối cảnh các chính sách của Trump có thể làm thay đổi cán cân hỗ trợ từ phương Tây.

Cảnh báo về thế chiến thứ III

Việc dỡ bỏ hạn chế vũ khí tầm xa mang lại cho Ukraine một loạt lợi thế chiến thuật.

Thứ nhất, Ukraine giờ đây có thể tấn công các mục tiêu chiến lược như căn cứ không quân, kho đạn dược và các trung tâm hậu cần sâu trong lãnh thổ Nga; buộc Nga phải phân tán lực lượng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, giảm khả năng duy trì các cuộc tiến công ở Donbass.

Tên lửa ATACMS và Storm Shadow, với khả năng tấn công chính xác và hủy diệt, có thể tạo ra những lỗ hổng trong chiến lược của Nga, đặc biệt nếu Ukraine nhắm vào các cơ sở hậu cần quan trọng.

Thứ hai, động thái này giúp Ukraine tăng cường khả năng răn đe. Việc có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga không chỉ làm suy yếu năng lực quân sự của Moscow mà còn gửi đi thông điệp rằng Ukraine sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ trước các cuộc tấn công vào dân thường. Theo chuyên gia quân sự Nga Yuri Knutov, các cuộc tập kích bằng vũ khí tầm xa có thể buộc Nga phải điều chỉnh chiến thuật, từ đó làm chậm đà tiến công ở các mặt trận then chốt.

Thứ ba, việc dỡ bỏ hạn chế bổ sung cho các nỗ lực tự phát triển vũ khí của Ukraine. Dù đã đạt được những thành công với UAV tầm xa và tên lửa Neptune, Ukraine vẫn cần các hệ thống tiên tiến từ phương Tây để duy trì áp lực liên tục. Sự kết hợp giữa vũ khí nội địa và viện trợ quốc tế có thể giúp Ukraine tạo ra một chiến lược tấn công linh hoạt hơn, từ đó thay đổi cục diện ở các khu vực như Donbass hay Crimea.

Tuy nhiên, lợi thế chiến thuật đi kèm với những rủi ro nghiêm trọng. Nga đã phản ứng gay gắt trước quyết định của phương Tây. Điện Kremlin gọi đây là một động thái “nguy hiểm, đe dọa hòa bình”.

Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo rằng Nga sẽ đáp trả bằng “các biện pháp phù hợp”, không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Việc Nga cập nhật học thuyết hạt nhân năm 2024, cho phép đáp trả mạnh mẽ hơn trước các hành động của phương Tây, càng làm gia tăng lo ngại về một cuộc xung đột quy mô lớn hơn.

Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 27/5 đã cảnh báo nguy cơ Thế chiến III sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng người đồng cấp Nga Vladimir Putin đang “đùa với lửa”. Trong phản ứng mới nhất, đặc phái viên của tổng thống Mỹ tại Ukraine, Keith Kellogg, cáo buộc ông Medvedev "leo thang", sau lời cảnh báo của ông Medvedev rằng căng thẳng với Mỹ có thể leo thang thành Thế chiến III.

"Việc khơi dậy nỗi sợ hãi về Thế chiến thứ III là bình luận đáng tiếc" của ông Medvedev và "không phù hợp với một cường quốc thế giới", ông Kellogg viết trên X hôm 28/5. Ông nói thêm: “Tổng thống Trump đang nỗ lực để ngăn chặn cuộc chiến này và chấm dứt việc giết chóc”.

Ông Kellogg cho biết Mỹ đang chờ Nga đệ trình bản ghi nhớ nêu rõ các điều khoản của lệnh ngừng bắn, theo thỏa thuận trong cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine sau ba năm, được tổ chức tại Istanbul vào đầu tháng này.

Chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin chỉ trích phương Tây “đạo đức giả” khi vừa kêu gọi hòa bình vừa cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine; chỉ rõ nếu Đức chuyển giao tên lửa Taurus, Nga có thể đáp trả bằng các biện pháp quân sự quyết liệt, từ tăng cường không kích đến sử dụng vũ khí chiến lược. Hơn nữa, Nga đã chứng minh khả năng thích nghi, di chuyển các tài sản quân sự ra khỏi tầm bắn của ATACMS và Storm Shadow, làm giảm hiệu quả của các cuộc tấn công tầm xa.

Một thách thức khác là số lượng vũ khí tầm xa của Ukraine còn hạn chế, trong khi kho dự trữ của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, không đủ để đáp ứng nhu cầu liên tục. Điều này đặt ra câu hỏi về tính bền vững của chiến lược mới và khả năng Ukraine duy trì áp lực lâu dài.

Tác động tới cục diện chiến trường Ukraine

Hiện tại, chiến trường Ukraine đang ở giai đoạn căng thẳng, với các mặt trận chính tập trung ở Donbass. Nga duy trì lợi thế về hỏa lực và nhân lực, đặc biệt sau khi giành lại quyền kiểm soát Kursk và thiết lập các vùng đệm an ninh ở Sumy.

Các cuộc tiến công của Nga ở Pokrovsk và Kupyansk cho thấy Moscow vẫn quyết tâm mở rộng kiểm soát ở Donbass, trong khi Ukraine tập trung vào các cuộc phản công chiến thuật, sử dụng UAV và tên lửa để làm gián đoạn hậu cần của Nga.

Việc dỡ bỏ hạn chế vũ khí tầm xa có thể giúp Ukraine thay đổi cục diện ở một số khu vực. Ví dụ, các cuộc tấn công vào căn cứ không quân và kho đạn dược ở Rostov hay Belgorod có thể làm suy yếu khả năng duy trì hỏa lực của Nga ở Donbass.

Tuy nhiên, Nga đã học cách thích nghi với khả năng này, sử dụng các hệ thống phòng không hiện đại như S-400 để đối phó với tên lửa tầm xa. Hơn nữa, sự hỗ trợ của lính Triều Tiên tại Kursk có thể giúp Nga duy trì lợi thế về số lượng, bất chấp các cuộc tấn công của Ukraine.

Trong ngắn hạn, Ukraine có thể giành lại một số lợi thế chiến thuật, đặc biệt ở các khu vực như Kharkov hay Zaporizhzhia, nơi các cuộc phản công có thể được hỗ trợ bởi vũ khí tầm xa.

Về lâu dài, hiệu quả của chiến lược này phụ thuộc vào khả năng phương Tây duy trì nguồn cung vũ khí và sự phối hợp giữa các lực lượng Ukraine. Nếu kho dự trữ tên lửa cạn kiệt hoặc Nga phát triển các biện pháp đối phó hiệu quả hơn, Ukraine có thể mất đi lợi thế mới giành được.

Về triển vọng hòa bình, quyết định dỡ bỏ hạn chế vũ khí tầm xa có thể tạo ra cả cơ hội và thách thức. Một mặt, việc Ukraine được trang bị tốt hơn có thể giúp Kiev củng cố vị thế trong các cuộc đàm phán, đặc biệt khi Tổng thống Zelensky đã đề xuất một lệnh ngừng bắn 30 ngày để mở đường cho ngoại giao. Cuộc gặp cấp thấp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 16/5 là một tín hiệu tích cực, dù chưa mang lại đột phá.

Mặt khác, lập trường cứng rắn của cả hai bên và sự phức tạp của các yếu tố địa chính trị khiến hòa bình vẫn là mục tiêu xa vời.

Nga tiếp tục duy trì chiến lược kéo dài xung đột, trong khi phương Tây phải đối mặt với những chia rẽ nội bộ, đặc biệt khi chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể giảm viện trợ cho Ukraine. Việc dỡ bỏ hạn chế vũ khí tầm xa, dù tăng cường sức mạnh cho Ukraine, cũng làm gia tăng nguy cơ leo thang, đẩy khu vực vào lằn ranh của một cuộc xung đột toàn diện hơn.

Giới chuyên gia nhận định, quyết định của phương Tây về việc dỡ bỏ hạn chế vũ khí tầm xa cho Ukraine là bước đi táo bạo, phản ánh sự giao thoa của các yếu tố chính trị, quân sự và địa chiến lược. Nó mang lại cho Ukraine cơ hội lật ngược thế cờ trên chiến trường, từ việc làm gián đoạn hậu cần của Nga đến củng cố vị thế đàm phán.

Tuy nhiên, quyết định này cũng giống như “con dao hai lưỡi”, khi nguy cơ leo thang, thậm chí đến mức đối đầu hạt nhân, đang hiện hữu rõ rệt. Trong bối cảnh chiến trường Ukraine vẫn là “tâm điểm” của căng thẳng địa chính trị toàn cầu, phương Tây, Nga và Ukraine cần hành động thận trọng, tránh đẩy khu vực vào cuộc khủng hoảng không thể kiểm soát.

Liệu đây sẽ là bước ngoặt đưa Ukraine tới chiến thắng, hay là chỉ dấu cho một cuộc đối đầu lớn hơn? Câu trả lời phụ thuộc vào những nước cờ tiếp theo của các bên trong ván bài địa chính trị đầy rủi ro này.