Cánh cửa đàm phán cài đặt lại quan hệ Nga - Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP).
Ngay sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa cả thế giới từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Trong số những hoạt động dồn dập trên nhiều hướng của chính quyền Trump, nổi lên là những cuộc đàm phán nhằm cài đặt lại quan hệ Mỹ - Nga với mục đích rõ ràng là nhằm chuyển hướng sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tập trung đối phó với Trung Quốc.
Cải thiện quan hệ với Nga cũng là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm đóng vai trò trung gian giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ngược lại, việc giải quyết cuộc xung đột này cũng sẽ giúp Mỹ cải thiện quan hệ với Nga và chuyển hướng sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chỉ một tuần sau cuộc điện đàm kéo dài 90 phút giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 12/2, Mỹ và Nga mở cuộc đàm phán chính thức đầu tiên tại Riyadh, Ả rập Xê út vào ngày 18/2 giữa hai Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Sau hơn 4 giờ đàm phán, hai bên đã nhất trí 3 vấn đề gồm: xúc tiến đàm phán khôi phục nhân sự tại đại sứ quán hai nước ở Moscow và Washington, lập các nhóm đàm phán để giải quyết hòa bình cuộc xung đột Nga - Ukraine, trước hết là việc xác định "các thông số liên quan tới việc kết thúc" xung đột, trong đó có vấn đề lãnh thổ và các đảm bảo an ninh cho Ukraine, khám phá các cơ hội kinh tế và đầu tư giữa hai nước "sau khi cuộc xung đột ở Ukraine được giải quyết".
Đây là cuộc đàm phán sâu rộng nhất giữa Nga và Mỹ kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào năm 2022, nhằm đảo ngược chính sách của Washington đối với Moscow, từ chỗ trừng phạt, cô lập sang bình thường hóa quan hệ với Nga.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Rubio vẫn mô tả các cuộc đàm phán tại Riyadh là sơ bộ, nhằm thăm dò các yêu cầu của nhau, xác định kế hoạch và lộ trình cho các bước tiếp theo nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và giải quyết vấn đề Ukraine.
Tìm tiếng nói chung

Phái đoàn Nga và Mỹ gặp nhau tại Riyadh, Ả rập Xê út (Ảnh: Getty).
Vấn đề thứ nhất mà phái đoàn Nga và Mỹ đã đặt ra trong cuộc đàm phán tại Riyadh là gỡ bỏ hạn chế và khôi phục nhân sự các đại sứ quán, trước hết là việc bổ nhiệm lại đại sứ tại thủ đô hai nước. Vấn đề này hứa hẹn sẽ sớm có tiến bộ.
Ngày 27/2, tại cuộc gặp kéo dài hơn 6 giờ giữa phái đoàn Mỹ do Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Nga và Trung Âu Sonata Coulter dẫn đầu và phái đoàn Nga do Vụ trưởng Vụ Bắc Đại Tây Dương của Bộ Ngoại giao, Đại sứ Aleksandr Darchiyev dẫn đầu, hai bên đã đàm phán về cách gỡ bỏ các hạn chế đối với đại sứ quán của nhau tại Moscow và Washington, nơi hiện chỉ có nhân viên tối thiểu sau nhiều năm hai bên trục xuất các nhà ngoại giao.
Hai bên đã xác định các bước đi ban đầu cụ thể để cải thiện hoạt động liên lạc ngoại giao thông qua việc ổn định hoạt động của đại sứ quán liên quan tới các vấn đề như biên chế, thị thực và ngân hàng ngoại giao. Mặc dù đây là một vấn đề hẹp và phải cần một cuộc họp nữa, nhưng việc hoàn tất vấn đề này sẽ mở đường cho quá trình trao đổi giữa hai bên về toàn bộ mối quan hệ Nga - Mỹ trong các vấn đề lớn hơn.
Đối với vấn đề thứ hai, cuộc đàm phán Mỹ - Nga thực chất là một phần của quá trình chuẩn bị cho cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine thông qua vai trò trung gian hòa giải của Mỹ để giải quyết cuộc xung đột.
Mỹ phải vừa đàm phán với Nga, vừa đàm phán với Ukraine và phải giữ lập trường tương đối trung lập. Mỹ vốn đứng về phía Ukraine, nên để đóng vai trò trung gian hòa giải, Washington trước hết phải ưu tiên cải thiện quan hệ với Nga.
Đây chính là lý do ngày 13/2 ông Trump bày tỏ mong muốn đưa Nga trở lại nhóm G7 và ngày 24/2 ông đã chỉ đạo cho phái đoàn Mỹ cùng với Nga, Triều Tiên và Iran bỏ phiếu chống lại một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc do Ukraine soạn thảo nêu đích danh Nga mở chiến dịch quân sự.
Tuy nhiên, cũng giống như bất cứ cuộc đàm phán nào, kỳ vọng ban đầu của hai bên là rất lớn. Ukraine muốn lấy lại toàn bộ các vùng lãnh thổ Nga đã kiểm soát và được đảm bảo an ninh.
Cuộc đàm phán tại Nhà Trắng giữa Mỹ và Ukraine vào ngày 28/2 đã đổ vỡ do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chưa chấp nhận áp lực của Mỹ về việc hạ thấp yêu cầu của Kiev về lãnh thổ cũng như sự bảo đảm không rõ ràng của Washington về an ninh.
Trong khi đó, Nga vẫn muốn giữ quyền kiểm soát bán đảo Crimea và khu vực Donbass, đồng thời yêu cầu Ukraine không gia nhập NATO và phương Tây phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov còn tuyên bố Nga không chấp nhận việc triển khai quân đội châu Âu hoặc NATO tới Ukraine, kể cả với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình.
Sự khác biệt quá lớn khiến Nga và Ukraine chưa thể bắt đầu cuộc đàm phán trực tiếp. Do vậy, Mỹ sẽ phải tiếp tục dùng các đòn bẩy của mình để gây áp lực buộc cả Ukraine và Nga hạ thấp kỳ vọng từ cuộc đàm phán.
Phía Mỹ cho biết việc Nga có thể tiếp tục kiểm soát các vùng lãnh thổ của Ukraine mà Moscow tuyên bố sáp nhập kể từ 2022 hay không vẫn "đang được thảo luận". Mỹ đang lên kế hoạch nới lỏng một số biện pháp trừng phạt đối với Nga, trong đó có danh sách giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể và cá nhân cụ thể của Nga, nhưng sẽ dùng danh sách này để trao đổi lấy những nhượng bộ từ phía Nga.
Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định bất kỳ việc nới lỏng biện pháp hạn chế nào đều phụ thuộc vào các bước cụ thể nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ không đi trước một thỏa thuận hòa bình chính thức.
Để có thể bắt đầu đàm phán trực tiếp nhằm giải quyết xung đột, cả Nga và Ukraine đều phải điều chỉnh lập trường của mình. Đàm phán Mỹ - Ukraine về đất hiếm và bảo đảm an ninh cho Kiev nhiều khả năng sẽ được nối lại.
Mỹ cũng sẽ tiếp tục dùng các đòn bẩy khác nhau trong các cuộc đàm phán để thuyết phục Nga điều chỉnh lập trường đối với việc giải quyết xung đột Ukraine.
Đối với vấn đề hợp tác kinh tế, mặc dù phía Nga tỏ ra cởi mở trong nhiều kế hoạch như việc phát triển Bắc Cực cũng như việc khai thác khoáng sản đất hiếm ở Nga và các khu vực mà Nga đang kiểm soát tại Ukraine, phía Mỹ cũng gắn việc "thực hiện một số thỏa thuận phát triển kinh tế" với thời điểm "sau khi giải quyết thành công cuộc xung đột Ukraine".
Các cuộc đàm phán tại Riyadh và Istanbul được coi là những bước chuẩn bị nền tảng cho các cuộc đàm phán "cấp cao" rộng lớn hơn giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin để khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết đặc phái viên Mỹ và Nga có thể gặp nhau trong vòng hai tuần tới để mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa các quan chức cấp cao.
Tuy nhiên, trong khi phía Nga cho rằng hội nghị thượng đỉnh Putin - Trump có thể bao gồm các cuộc đàm phán sâu rộng về các vấn đề toàn cầu, không chỉ riêng việc giải quyết xung đột ở Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết một cuộc gặp tiềm năng giữa Tổng thống Trump và Putin sẽ "phụ thuộc phần lớn vào việc liệu các bên có thể đạt được tiến triển trong việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine hay không".
Như vậy, triển vọng khôi phục quan hệ Nga - Mỹ cũng như việc hòa bình giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ cần thêm không ít thời gian nữa.
Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành
Tác giả: Đại sứ Tôn Sinh Thành nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Nepal và Bhutan nhiệm kỳ 2014-2018.