DMagazine

Các tỷ phú Mỹ giàu lên, nhưng bắt họ đóng thuế còn "khó hơn lên trời"

(Dân trí) - Bất bình đẳng về thu nhập và tài sản ở Mỹ đã gia tăng theo thời gian, nhưng luật thuế hiện tại lại tạo điều kiện để các tỷ phú đôi khi không phải đóng đồng thuế nào.

CÁC TỶ PHÚ MỸ GIÀU LÊN, NHƯNG BẮT HỌ ĐÓNG THUẾ CÒN "KHÓ HƠN LÊN TRỜI" 

Bất bình đẳng về thu nhập và tài sản ở Mỹ đã gia tăng theo thời gian, nhưng luật thuế hiện tại lại tạo điều kiện để các tỷ phú đôi khi không phải đóng đồng thuế nào.

Các tỷ phú Mỹ giàu lên, nhưng bắt họ đóng thuế còn khó hơn lên trời - 1

(Từ trái sang phải) Các tỷ phú Mỹ Elon Musk, Jeffrey Bezos, Mark Zuckerberg và Bill Gates (Ảnh: Getty).

Giữa lúc hàng chục triệu người Mỹ mất việc làm và phải tiêu tiền tiết kiệm, tổng giá trị tài sản của các tỷ phú nước này đã tăng thêm 70% kể từ đầu đại dịch, lên đến hơn 5.000 tỷ USD. Con số này tương đương GDP của Nhật Bản và gần gấp đôi  GDP Ấn Độ. Cùng thời gian, số lượng tỷ phú ở Mỹ cũng tăng lên, từ 614 thành 745 người.

Song, một đề xuất về việc đánh thuế tài sản các tỷ phú Mỹ đã "chết yểu" chỉ vài tiếng sau khi được giới thiệu tại quốc hội cuối tháng trước. Đề xuất của Thượng nghị sĩ Dân chủ Ron Wyden mang tên "Billionaire Income Tax" ("Thuế thu nhập tỷ phú", gọi tắt là "thuế tỷ phú"). Nguồn thu từ thuế này dự kiến được dùng cho chương trình trọng điểm đối nội của Tổng thống Joe Biden, "Build Back Better" (Xây dựng lại tốt đẹp hơn).

Thất bại của ông Wyden, cũng như những nỗ lực "đánh thuế nhà giàu" khác, một lần nữa cho thấy những thách thức tồn tại dai dẳng trong việc bắt những người giàu có nhất nước Mỹ đóng góp "công bằng" vào ngân sách liên bang.

Các tỷ phú Mỹ giàu lên, nhưng bắt họ đóng thuế còn khó hơn lên trời - 2

Thượng nghị sĩ Ron Wyden (Ảnh: AP).

Những lỗ hổng thuế tại Mỹ

Số liệu về tài sản của các tỷ phú nói trên được trích từ báo cáo mới cập nhật gần đây của tổ chức Người Mỹ đấu tranh cho Công bằng Thuế (Americans for Tax Fairness) và Viện Nghiên cứu Chính sách (Institute for Policy Studies). Họ đã theo dõi sự gia tăng tài sản của các tỷ phú Mỹ trong đại dịch Covid-19, tính từ tháng 3/2020.

Tính đến giữa tháng 10, khối tài sản của Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã tăng thêm 750% (đến giữa tháng 11 là hơn 1.000%), trong khi "ví tiền" của Jeff Bezos tăng 79% và của Bill Gates tăng 34%, theo báo cáo trên.

Các tỷ phú Mỹ giàu lên, nhưng bắt họ đóng thuế còn khó hơn lên trời - 3

Đám đông tuần hành tại New York vào tháng 7/2020 kêu gọi đánh thuế đối với các tỷ phú (Ảnh: Getty).

Dù vậy, tất cả những điều đó cũng không đáng nói bằng việc mức thuế thu nhập mà các tỷ phú Mỹ đóng trên thực tế đang thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của người lao động Mỹ. ProPublica, một trang điều tra phi lợi nhuận, đã dùng cụm từ "thuế suất thực" (true tax rate) để mô tả tỷ lệ phần trăm của khoản thuế thu nhập mà 25 người giàu nhất nước Mỹ đã đóng so với khối tài sản khổng lồ của họ. Theo bài viết, từ năm 2014 đến năm 2018, "thuế suất thực" mà những người này phải đóng trung bình chỉ là 3,4%. Trong khi đó, mức thuế thu nhập mà các gia đình Mỹ phải đóng hàng năm trung bình là 14%, cao nhất là 37% (thuế tăng theo thu nhập).

Đó là vì trong khi khối tài sản của các tỷ phú gia tăng hàng tỷ USD mỗi năm, thì theo luật Mỹ, những thứ góp phần giúp họ giàu càng thêm giàu như giá trị gia tăng của cổ phiếu và bất động sản lại không được coi là thu nhập chịu thuế, trừ khi họ bán chúng.

Hiểu một cách đơn giản là, nếu Jeff Bezos được trả lương 83.000 USD/năm thì dù giá trị cổ phiếu mà tỷ phú này nắm giữ tăng thêm 20 tỷ USD trong năm đó, ông vẫn chỉ phải đóng thuế thu nhập trên số tiền 83.000 USD. Khoản 20 tỷ USD đó không bị đánh thuế cho đến khi ông chủ Amazon bán đi cổ phiếu của mình.

Các tỷ phú Mỹ giàu lên, nhưng bắt họ đóng thuế còn khó hơn lên trời - 4

Nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez mặc chiếc đầm in dòng chữ "Tax The Rich" (Đánh thuế người giàu) tại sự kiện Met Gala hồi tháng 9. Cô ủng hộ tăng thuế đối với người giàu để thúc đẩy sự cân bằng (Ảnh: Getty).

Không ai trong số 25 người giàu nước Mỹ nhất tránh được nhiều tiền thuế như

Theo điều tra được công bố hồi tháng 6 của ProPublica, đã có những năm mà các tỷ phú không đóng một đồng thuế nào, như Jeff Bezos vào năm 2007 và 2011, Elon Musk vào năm 2018. George Soros hay Michael Bloomberg và những người khác cũng đều có những năm như vậy, nhờ vào các lỗ hổng trong luật thuế.

ông trùm đầu tư Warren Buffett. Điều này có lẽ gây ngạc nhiên khi tỷ phú này từng công khai ủng hộ việc đánh thuế cao hơn đối với người giàu. Theo Forbes, tài sản của ông đã tăng 24,3 tỷ USD từ năm 2014 đến năm 2018. Trong những năm đó, dữ liệu cho thấy tỷ phú này nộp 23,7 triệu USD tiền thuế thu nhập, tức "thuế suất thực" chỉ là 0,1%.

Bất kỳ người nào nắm giữ khối tài sản kếch xù - dù là tỷ phú hay không - đều có thể có "thuế suất thực" thấp hơn tỷ lệ phần trăm thu nhập mà họ phải đóng thuế cho liên bang và tiểu bang. Song các con số trên cũng khiến nhiều người kinh ngạc.

"Thuế tỷ phú" đánh vào đâu?

Những quan ngại về tình trạng bất bình đẳng thu nhập và tài sản đã gia tăng trong những thập niên qua tại Mỹ, từ đó dẫn đến phong trào kêu gọi "tax the rich" (đánh thuế nhà giàu). Phong trào này được tiếp thêm sức lực sau khi cuốn sách Capital in the 21st Centutry (Tư bản trong thế kỷ 21) của nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty, xuất bản bằng tiếng Anh năm 2014 (bản tiếng Pháp ra mắt năm 2013). Cuốn sách bàn về việc tài sản được phân chia không đồng đều trong xã hội và chủ nghĩa tư bản có khuynh hướng càng ngày càng làm nới rộng khoảng cách giàu nghèo, chỉ trừ những giai đoạn chiến tranh hay khủng hoảng. Và giải pháp mà ông Piketty đề ra là "thuế tài sản" (wealth tax).

Công chúng Mỹ ủng hộ ý tưởng này. Khoảng hai phần ba số người Mỹ được hỏi cho rằng các tỷ phú nên bị đánh thuế tài sản, theo cuộc thăm dò của The Hill và Harris X hồi tháng 2/2020. Một cuộc thăm dò khác, do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện vào mùa hè vừa rồi, cho thấy ngày càng có nhiều người trưởng thành ở Mỹ bất mãn trước sự giàu lên của các tỷ phú. Khoảng 30% người được hỏi nói rằng các tỷ phú là "điều tệ hại đối với đất nước", tăng so với mức 25% vào tháng 1/2020.

Các tỷ phú Mỹ giàu lên, nhưng bắt họ đóng thuế còn khó hơn lên trời - 5

Xe mang biểu ngữ kêu gọi đánh thuế nhà giàu với hình ảnh tỷ phú Jeff Bezos đậu gần trụ sở quốc hội Mỹ (Ảnh: Getty).

Trong bối cảnh đó, đề xuất "thuế tỷ phú" của Thượng nghị sĩ Wyden ra đời với nội dung căn bản là đánh thuế dựa trên tổng tài sản (net worth) thay vì đánh thuế dựa trên thu nhập (income) đối với các tỷ phú.

"Chúng tôi kỳ vọng rằng những tỷ phú này, gần được 800 người, kiếm được tới 2.000 tỷ USD trong thời kỳ đại dịch, sẽ phải đóng thuế, theo tỷ lệ công bằng dành cho họ, giống các y tá và lính cứu hỏa", nhà lập pháp bang Oregon nói về đề xuất của mình.

Theo kế hoạch nay đã bất thành, thuế này sẽ chỉ được áp dụng cho những người có khối tài sản trị giá ít nhất 1 tỷ USD hoặc có thu nhập 100 triệu USD trong 3 năm liên tiếp. Dựa trên tiêu chuẩn đó, chỉ có khoảng 700 người Mỹ sẽ bị đánh thuế với bất kỳ sự gia tăng nào về giá trị ở một số tài sản của họ, dù họ không bán chúng, theo AP.

Tuy nhiên, theo CBS News, "thuế tỷ phú" không hẳn là "thuế tài sản" dù gần giống nhau. Lý do là thuế này chỉ được áp dụng với phần giá trị tăng thêm của tài sản chứ không phải toàn bộ tài sản. Ví dụ, nếu tài sản của một tỷ phú đầu năm là 10 tỷ USD và cuối năm tăng lên thành 11 tỷ USD, thuế sẽ ảnh hưởng đến khoản 1 tỷ USD tăng thêm, còn khoản 10 tỷ USD ban đầu sẽ không phải chịu thuế này.

Đề xuất của Thượng nghị sĩ Wyden không phải là kế hoạch đánh thuế người giàu đầu tiên mà phe Dân chủ đề xuất. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, cùng với một số thành viên khác của đảng, đã giới thiệu "Ultra-Millionaire Tax Act" (Đạo luật thuế đối với các siêu triệu phú) vào đầu năm nay. Kế hoạch này sẽ đánh thuế 3% hàng năm đối với tài sản trên 1 tỷ USD và 2% hàng năm đối với tổng tài sản của các hộ gia đình và quỹ tín thác trị giá từ 50 triệu đến 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, chưa có kế hoạch nào trở thành hiện thực. Đề xuất của ông Wyden đã bị loại khỏi dự luật "Build Back Better", trong khi gói ngân sách này cũng bị "bóp lại" từ mức mục tiêu 3.500 tỷ USD ban đầu xuống chỉ còn 1.750 tỷ USD mà vẫn đang bị treo. Thay vào đó, một đề xuất khác về thuế được đưa vào dự luật, đó là áp khoản thuế thêm ở mức 5% đối với thu nhập trên 10 triệu USD, và thêm 3% nữa với thu nhập trên 25 triệu USD. Thuế này sẽ áp dụng cho khoảng 20.000 người, hầu hết là triệu phú, theo New York Times. Tuy nhiên, số phận cuối cùng của đề xuất này vẫn chưa ngã ngũ.

Thách thức của việc "đánh thuế nhà giàu"

Bất chấp sự ủng hộ của công chúng đối với "thuế tài sản", đề xuất của Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren hay Thượng nghị sĩ Ron Wyden đều vấp phải những trở ngại về chính trị và luật pháp.

"Các tỷ phú và siêu triệu phú có tiếng nói ở Washington hơn những người khác. Họ đóng góp cho các chiến dịch tranh cử nhiều hơn. Họ thuê nhiều nhà vận động hành lang hơn. Họ tài trợ cho các tổ chức nghiên cứu nhiều hơn. Và họ khiến một số người ở Washington thực sự khó khăn khi tìm cách đánh thuế dù chỉ là 2 xu đối với khối tài sản khổng lồ của họ", Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren từng nói trong một cuộc phỏng vấn với Marketplace.

Một vài tổng thống Mỹ gần đây đã thành công trong việc tăng thuế đối với người giàu, nhưng những nỗ lực đó không mang lại phần thưởng chính trị, theo giáo sư Monica Prasad của Viện Nghiên cứu Chính sách  thuộc Đại học Tây Bắc. Viết cho Politico, bà chỉ ra việc cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama đều chứng kiến cả hai viện quốc hội rơi vào tay đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 1994 và năm 2014, sau khi thông qua các chính sách tăng thuế trong năm trước đó.

Dĩ nhiên thất bại trong các cuộc bầu cử này không phải là do việc tăng thuế gây ra, nhưng việc tăng thuế cũng không giúp ích cho cả Clinton và Obama. Do đó, nhận thức rằng việc đánh thuế nhà giàu không mang lại phiếu bầu hẳn là một phần lý do khiến một số đảng viên theo đường lối ôn hòa của phe Dân chủ tỏ ra thận trọng lần này.

"Tôi không thích ý tưởng rằng chúng ta nhắm vào những nhóm người khác nhau", Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin của bang West Virginia, một trong những người phản đối "thuế tỷ phú", nói sau khi đề xuất được đưa ra, theo NPR. Ông cũng cho rằng giới siêu giàu không nên bị gièm pha khi họ đã "tạo ra nhiều việc làm và nhiều tiền, và đóng góp rất nhiều cho các hoạt động từ thiện".

Các tỷ phú Mỹ giàu lên, nhưng bắt họ đóng thuế còn khó hơn lên trời - 6

Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Ảnh: AP).

Cũng như nhiều tỷ phú khác, Elon Musk đã bày tỏ sự phản đối trên Twitter, nói rằng Thượng nghị sĩ Wyden chỉ nhắm vào những người như mình. "Cuối cùng, họ tiêu hết tiền của người khác và rồi họ đến tìm bạn", nhà sáng lập Tesla và SpaceX viết trên Twitter. Vài ngày sau dòng tweet đó, Elon Musk đã thăm dò ý kiến của 63 triệu người theo dõi về việc liệu mình có nên bán 10% cổ phiếu của mình hay không. Đây được xem là màn truyền thông của tỷ phú vừa chuyển đến sống ở bang Texas, nơi không đánh thuế thu nhập, "vào thời điểm mà sự bất bình của công chúng đối với giới tỷ phú ngày càng tăng", như ý kiến trên báo Washington Post.

Kể cả khi đề xuất của ông Wyden được đưa vào dự luật và được thông qua, nhiều khả năng luật này sẽ bị thách thức ở tòa án. Điều I, Mục 2, Khoản 3 của hiến pháp Mỹ quy định "thuế trực thu" phải được xác định tương ứng với quy mô dân số của từng bang. Thuế trực thu là thuế đánh vào tài sản hoặc thu nhập. Do đó, quy định trên trong hiến pháp có thể là rào cản cho việc đánh thuế đối với tài sản của các tỷ phú vì những người này có xu hướng tập trung ở những nơi như California và New York, do đó khoản thu từ thuế này có thể sẽ không tương ứng với quy mô dân số bang. Trên thực tế, chỉ có các bang và thành phố mới được phép áp thuế đối với tài sản là bất động sản, trong khi chính phủ liên bang không thể đánh thuế bất động sản hay bất cứ hình thức tài sản nào nếu không xảy ra giao dịch.

Tuy nhiên, Tu chính án thứ 16 đã cho phép chính phủ liên bang áp và thu thuế thu nhập không cần tương quan với dân số bang dù cũng là thuế trực thu. Vì vậy, vấn đề là liệu Tòa án Tối cao sẽ diễn giải "thuế tỷ phú" là thuế trực thu đối với "tài sản", tức vi hiến, hay về bản chất đây là loại thuế đánh vào thu nhập, tức được phép.

Dù thế nào, bất kể khoản thuế nào có thể được áp dụng đối với tài sản của những người giàu nhất nước Mỹ, cũng là giàu nhất thế giới này, cũng đều không dễ dàng.