(Dân trí) - Chiếc vali hạt nhân bí ẩn luôn theo sát các Tổng thống Nga - Mỹ dù họ ở bất cứ đâu và được xem là một biểu tượng quyền lực của những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới.
BÍ ẨN VALI HẠT NHÂN LUÔN THEO TỔNG THỐNG NGA - MỸ NHƯ "HÌNH VỚI BÓNG"
Chiếc vali hạt nhân bí ẩn luôn theo sát các Tổng thống Nga - Mỹ dù họ ở bất cứ đâu và được xem là một biểu tượng quyền lực của những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới.
Vật bất ly thân của Tổng thống Mỹ
Trong bài phát biểu tại San Diego vào năm 2016, khi cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn đang trên đà gay cấn, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton đã hỏi các cử tri Mỹ rằng: "Các bạn có muốn ngón tay của Donald Trump ở gần nút bấm không?". Cựu Ngoại trưởng Mỹ nghi ngờ đối thủ của bà, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump, không đủ năng lực để kiểm soát vali hạt nhân - vật dụng đặc biệt có liên quan đến kho vũ khí với sức công phá gấp hàng nghìn lần quả bom nguyên tử đã hủy diệt 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki cách đây 77 năm.
Rốt cuộc, ông Trump đã giành chiến thắng trước bà Clinton và trở thành tổng thống Mỹ. Cũng giống các tổng thống Mỹ khác, vali hạt nhân đã trở thành vật "bất ly thân", luôn đi theo ông Trump "như hình với bóng".
Vali nhân hay còn gọi là "Nuclear Football" bắt đầu xuất hiện trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ John Kennedy sau khi sự kiện khủng hoảng tên lửa Cuba diễn ra vào năm 1962. Sau sự kiện này, các quan chức hàng đầu của quân đội Mỹ nhanh chóng nhận ra rằng, Tổng thống Mỹ cần phải dễ dàng tiếp cận được với các bản kế hoạch chiến tranh hạt nhân. Qua các năm, chiếc vali đã trở thành biểu tượng của sức mạnh quân sự của nước Mỹ cũng như trách nhiệm lớn mà vị tổng thống của nước này lúc nào cũng cần mang bên mình.
Chiếc vali này đi kèm với mã kích hoạt hạt nhân để Tổng thống đương nhiệm của Mỹ có thể tiếp cận trong trường hợp khẩn cấp dù đang ở bất cứ đâu, vào thời điểm nào.
Vali hạt nhân được chuyển giao chính thức giữa các đời tổng thống Mỹ vào đúng giữa trưa ngày tuyên thệ nhậm chức, đúng thời điểm diễn ra lễ chuyển giao quyền lực. Phó Tổng thống Mỹ cũng được giữ một chiếc vali dự phòng đề phòng trường hợp Tổng thống không thể tự xoay sở hay bị bắt cóc, ám sát.
Vali hạt nhân được một phụ tá quân sự của Tổng thống nắm giữ. Viên sĩ quan này "gắn chặt" với chiếc vali bằng một chiếc vòng đặc biệt gắn vào cổ tay và quan trọng là người này phải luôn ở bên cạnh tổng thống. Sĩ quan phụ trách giữ vali hạt nhân luôn ở cùng Tổng thống Mỹ ở mọi nơi, dù ở Nhà Trắng, trên đoàn xe hộ tống, hay trên chuyên cơ Không Lực Một (Air Force One) trong các chuyến công du nước ngoài. Người này đi cùng Tổng thống trong thang máy, ở cùng tầng khách sạn và được bảo vệ cẩn thận bởi các nhân viên mật vụ. Điều này nhằm đảm bảo Tổng thống có thể tiếp cận vali hạt nhân mọi lúc, mọi nơi trong những trường hợp khẩn cấp.
Có tất cả 5 viên trợ lý như vậy trực thay ca 24/24. Các trợ lý này được lựa chọn hết sức kỹ lưỡng từ các sĩ quan không quân và lực lượng thủy quân lục chiến và phải trải qua quá trình điều tra chi tiết về tiểu sử và các mối quan hệ.
Một số vụ việc liên quan tới vali hạt nhân dưới thời Tổng thống Trump buộc Bộ Quốc phòng Mỹ phải xem xét mức độ mà các quan chức Lầu Năm Góc có thể phát hiện và ứng phó nếu chiếc vali quan trọng của tổng thống bị "mất, bị đánh cắp hoặc bị xâm phạm". Tháng 11/2017, khi ông Trump công du Bắc Kinh, một cuộc xô xát vì vali hạt nhân đã diễn ra khi giới chức an ninh Trung Quốc đã chặn bước người giữ cặp hạt nhân của ông Trump. Khi phản đối hành động này, Chánh Văn phòng Nhà Trắng vào thời điểm đó là John Kelly liền bị ngăn lại và vụ va chạm đã xảy ra.
Vali hạt nhân thực chất là một chiếc cặp da màu đen, bên trong là một vali bằng titan siêu bền nặng 18kg, kích thước 45x35x25cm với khóa bằng mật mã.
Bên trong chiếc vali là một máy phát sóng vệ tinh và một số tài liệu, dựa trên cơ sở đó Tổng thống cần phải đưa ra quyết định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong số này có một "cuốn sách đen" dày 30 trang ghi những phương án sơ lược của kế hoạch đòn đánh hạt nhân.
Trong vali còn có danh sách các hầm ngầm bí mật mà Tổng thống Mỹ có thể sử dụng trong trường hợp nước Mỹ bị tấn công hạt nhân, kèm theo đó là chỉ dẫn liên lạc với Lầu Năm Góc và đề xuất về các bước hành động tiếp theo. Ngoài ra, trong vali còn có các thủ tục để kích hoạt hệ thống thông tin khẩn cấp EAS, nhờ đó Tổng thống có thể phát biểu trước toàn dân chỉ trong vòng 10 phút, sau khi tuyên bố về tình huống khẩn cấp, không phụ thuộc vào việc ông đang ở đâu.
"Phải luôn sẵn sàng trong bất cứ thời điểm nào. Bạn phải phản ứng thật nhanh vì tấn công hạt nhân sẽ có tốc độ rất nhanh. Một đầu đạn hạt nhân sẽ chỉ mất có 5 phút để tấn công Washington hay New York", Peter Metzger, người từng được chọn làm sĩ quan luân phiên giữ vali hạt nhân dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan cho biết.
Ban đầu, trong giai đoạn từ năm 1962-1977, mã kích hoạt tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ chỉ là một dãy gồm 8 con số 0. Điều này là bởi Washington cho rằng, việc kích hoạt tên lửa hạt nhân đơn giản giúp họ khởi động "càng nhanh càng tốt" loại vũ khí này để ứng phó với kẻ thù trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, từ sau năm 1977, mật mã kích hoạt tên lửa mang đầu đạn hạt nhân mới được cho là được đổi lại phức tạp hơn.
Một số nguồn tin nói rằng, từ thời cựu Tổng thống Barack Obama, người đứng đầu Nhà Trắng có khả năng cập nhật mã phóng vũ khí hạt nhân trên trang web đặc biệt của Nhà Trắng. Các chuyên gia an ninh mạng hàng đầu của Mỹ đảm nhận trách nhiệm ngăn ngừa những vụ tin tặc muốn tiếp cận chuỗi mã phóng này và ông Obama buộc phải sử dụng chữ ký trên võng mạc để mở hệ thống.
Tuy nhiên, cựu Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng, vali hạt nhân không có máy quét võng mạc hay nút bấm màu đỏ như nhiều người nghĩ.
Các sĩ quan an ninh phụ trách việc vận chuyển vali hạt nhân theo hành trình của tổng thống Mỹ (Ảnh: Getty, Reuters).
Một khi đã quyết định phát động một cuộc tấn công hoặc phản đòn hạt nhân, trước tiên Tổng thống Mỹ sẽ dùng quyền Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang để lựa chọn mục tiêu và phương án tấn công hạt nhân. Sau đó, quyền chỉ huy vụ phóng sẽ được trao cho Bộ trưởng quốc phòng.
Lệnh tấn công được chuyển tới các cơ quan của Lầu Năm Góc và các mã xác nhận sẽ được gửi tới Sở chỉ huy chiến lược Mỹ đóng tại căn cứ Offutt, bang Nebraska.
Cuối cùng, lệnh tấn công lại được đưa đến đội thực thi, đội này sẽ phải so sánh mật mã mã hóa được chuyển tới với mật mã họ đang giữ. Nếu các chuỗi mã trùng khớp, tên lửa hạt nhân mới được kích hoạt theo quy trình vận hành.
Trình tự từ khi ra mệnh lệnh đến khi kích hoạt mã phóng có vẻ dài dòng, song trên thực tế chúng diễn ra rất nhanh bởi các hệ thống về cơ bản đã được tự động hóa.
Mặc dù Tổng thống có toàn quyền ra mệnh lệnh hạt nhân, song mệnh lệnh này hoàn toàn có thể bị hủy, bị hoãn nếu có sự can thiệp của Phó Tổng thống và quốc hội hoặc sự cố trong quá trình vận hành.
Biểu tượng quyền lực của Tổng thống Nga
Tại Mỹ, Tổng thống là người duy nhất được quyền tiếp cận và sử dụng vali hạt nhân, công cụ cần thiết để phát động một cuộc tấn công hạt nhân. Trong khi đó tại Nga, có 3 quan chức cấp cao được sở hữu những chiếc vali hạt nhân như vậy. Ngoài một chiếc của Tổng thống Nga, hai chiếc vali còn lại do Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng quân đội nắm giữ.
Tương tự Tổng thống Mỹ, vali hạt nhân của Tổng thống Nga cũng do các sĩ quan tháp tùng Tổng thống mang theo và được xem là biểu tượng của ông chủ Điện Kremlin. Người này luôn theo sát tổng tư lệnh của lực lượng vũ trang Nga cả ngày lẫn đêm để việc ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Theo Hiến pháp năm 1993 của Nga, tổng thống cũng là tổng tư lệnh quân đội, nhưng trong trường hợp tổng thống không thể thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình, tất cả các nhiệm vụ của tổng thống đều thuộc về thủ tướng. Tuy nhiên, thủ tướng Nga lại không được trang bị vali hạt nhân, thay vào đó Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng sở hữu thiết bị này.
Ngay cả trong tình huống tồi tệ nhất, nếu ban lãnh đạo bị vô hiệu hóa trong một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu, quyết định đáp trả bằng vũ khí hạt nhân sẽ do một nhóm sĩ quan sống sót trong một hầm ngầm dưới lòng đất đưa ra.
Liên Xô đã tạo ra hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh đầu những năm 1980. 3 vali hạt nhân được đưa vào hoạt động ngay sau khi ông Mikhail Gorbachev trở thành nhà lãnh đạo Liên Xô vào năm 1985 và sau này được Tổng thống Vladimir Putin kế thừa.
Ba vali hạt nhân được kết nối với một mạng lưới chỉ huy dự phòng, gọi là Kavkaz, gồm cáp tín hiệu, thiết bị truyền radio và vệ tinh. 3 vali này về cơ bản là thiết bị liên lạc đầu cuối, cung cấp thông tin cho những người sử dụng chúng về một cuộc tấn công có thể xảy ra và cho phép họ tham vấn ý kiến của nhau.
Nếu Tổng thống Nga quyết định phát động một cuộc tấn công hạt nhân, mệnh lệnh sẽ đi từ vali hạt nhân đến thiết bị tiếp nhận gọi là Baksan, đặt tại sở chỉ huy của Tổng tham mưu trưởng, lực lượng tên lửa, hải quân và không quân thông qua mạng lưới thông tin liên lạc được gọi là Kazbek.
Năm 2019, lần đầu tiên kênh truyền hình của Bộ Quốc phòng Nga đã tiết lộ các thành phần bên trong chiếc vali hạt nhân nổi tiếng của Tổng thống và giới thiệu về cách thức hoạt động của vật dụng quyền lực này. Chiếc vali hạt nhân huyền thoại là một thiết bị đặc biệt được nguyên thủ quốc gia của Nga dùng để cấp quyền cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Mặc dù chiếc vali hạt nhân được giới thiệu trước công chúng là mẫu cũ với tuổi đời hàng chục năm, nhưng đây là lần đầu tiên một thiết bị như vậy được phép giới thiệu cho công chúng trong tình trạng "mở".
Trái ngược với các giả thuyết nổi tiếng về "nút đỏ", nút dùng để kích hoạt việc sử dụng vũ khí hạt nhân là nút màu trắng, trong khi nút đỏ trong vali được sử dụng để trì hoãn vụ phóng. Ngoài ra, một chiếc thẻ chứa thông tin cũng là một thành phần quan trọng của vali hạt nhân. Chiếc thẻ này sẽ chứa thông tin của cá nhân ra lệnh và sẽ được dùng như chìa khóa để thực hiện kích hoạt vali hạt nhân trước khi nó có thể được sử dụng để ra lệnh tấn công.
Các quân nhân vận hành hệ thống vũ khí hạt nhân sẽ yêu cầu rất nhiều các bước xác nhận khác nhau trước khi tiến hành một vụ tấn công hạt nhân thật sự. Tuy nhiên, vì lý do bảo mật thông tin, chi tiết về quy trình hoạt động và cấp quyền sẽ được giữ bí mật.
Ngày 25/1/1995, sự cố tên lửa Na Uy từng khiến Nga "lên dây cót" chuẩn bị cho cuộc xung đột hạt nhân với Mỹ, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh mới chỉ khép lại vài năm trước đó. Nguyên nhân của sự cố xuất phát từ việc Na Uy đã phóng một tên lửa đẩy mang vệ tinh khí tượng lên vũ trụ từ một đảo mang tên Andoya ở khu vực Vòng Bắc cực.
Thời gian để Moscow đưa ra quyết định không nhiều khi họ đánh giá tên lửa này có nguy cơ tấn công vào lãnh thổ Nga chỉ trong vài phút. Điện Kremlin đã triệu tập ngay cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Pavel Grachev, cựu Tổng tham mưu trưởng Mikhail Kolsnikov và cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin mỗi người đều có một vali hạt nhân và cả 3 chiếc đều đã kích hoạt ở trạng thái chờ bấm nút.
Trong 4-5 phút đầy căng thẳng, các lãnh đạo của Nga đã chăm chú theo dõi đường bay của tên lửa Na Uy và họ phải cân nhắc xem có nên tấn công Mỹ hay không. Các liên lạc vô tuyến được thiết lập với nhóm tư lệnh tàu ngầm của Nga. Quân đội nước này nhận được mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu và lực lượng tên lửa chiến lược Nga được chỉ thị chuẩn bị đón nhận mệnh lệnh tiếp theo là thực hiện lệnh bắn.
Căng thẳng chỉ hạ nhiệt khi ban lãnh đạo Nga nhận được thông tin rằng tên lửa đã lao xuống biển. Các vali hạt nhân sau đó đã bị vô hiệu hóa. Về sau, Nga mới nắm được thông tin rằng đó là tên lửa mang vệ tinh khí tượng của Na Uy.
"Đó có thể là một trong những khoảnh khắc nguy hiểm nhất trong kỷ nguyên hạt nhân. Nó cho thấy cơ chế hạt nhân cảnh giác cao độ từ thời Chiến tranh Lạnh vẫn còn hoạt động và cách mà cơ chế này có thể gây nên sai lầm thảm họa", cây viết David Hoffman của Washington Post bình luận 3 năm sau khi sự cố xảy ra.
Thành Đạt
Theo FP, BI, NYT