1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Điều ít biết về lần duy nhất tổng thống Nga từng kích hoạt vali hạt nhân

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga và Mỹ từng suýt nổ ra xung đột hạt nhân vào năm 1995, khi các lãnh đạo Nga kích hoạt vali hạt nhân ở trạng thái chờ bấm nút vì sự cố tên lửa Na Uy.

Điều ít biết về lần duy nhất tổng thống Nga từng kích hoạt vali hạt nhân - 1

Nga từng tưởng nhầm tên lửa mang vệ tinh khí tượng của Na Uy là tên lửa hạt nhân Trident của Mỹ (Ảnh: Military Today).

Theo Russia Beyond, vụ việc hơn 25 năm trước là lần duy nhất trong lịch sử cho tới nay các lãnh đạo Nga, trong đó có tổng thống, kích hoạt vali hạt nhân.

Vào ngày 25/1/1995, "sự cố tên lửa Na Uy" từng khiến Nga "lên dây cót" chuẩn bị cho cuộc xung đột hạt nhân với Mỹ, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh mới chỉ khép lại vài năm trước đó.  

Nguyên nhân của sự cố xuất phát từ việc Na Uy đã phóng một tên lửa đẩy mang vệ tinh khí tượng lên vũ trụ vào 7h sáng (10h sáng ở Moscow) từ một đảo mang tên Andoya ở khu vực Vòng Bắc cực.

Được trang bị các thiết bị khoa học để nghiên cứu hiện tượng cực quang, tên lửa Black Brant XII của Na Uy có kích thước tương đương với tên lửa đạn đạo hạt nhân Trident D-5 của Mỹ. Hơn nữa, quỹ đạo bay của Black Brant XII phù hợp với quỹ đạo mà Bộ Quốc phòng Nga đánh giá là "tối ưu nhất trong trường hợp Mỹ tấn công Nga".

Thời gian để Moscow quyết định không nhiều vào thời điểm đó khi họ đánh giá tên lửa này có nguy cơ tấn công vào lãnh thổ Nga chỉ trong vài phút.

Trên thực tế, vào tháng 12/1994, Na Uy đã thông báo về kế hoạch vụ phóng tên lửa tới 28 nước, bao gồm cả Nga, nhưng họ không đưa ra ngày chính xác, mà chỉ nói rằng tên lửa sẽ bay vào khoảng 15/1-10/2/1995. Do các vấn đề liên quan tới hành chính, thông tin về vụ thử tên lửa đã không được chuyển tới hệ thống cảnh báo sớm của Nga, dẫn tới việc khi Na Uy phóng tên lửa, Moscow không nắm được thông tin đầy đủ.

Kích hoạt vali hạt nhân

Điện Kremlin đã triệu tập ngay cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Pavel Grachev, cựu Tổng tham mưu trưởng Mikhail Kolsnikov và cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin mỗi người đều có một vali hạt nhân và cả 3 chiếc đều đã kích hoạt ở trạng thái chờ bấm nút. Các vali này kiểm soát lực lượng tên lửa chiến thuật của Nga.

Khi đó, quân đội Nga lo ngại rằng, một tên lửa đã được phóng đi nhằm gây ra xung điện từ để hạ gục hệ thống liên lạc và radar của Nga. Sau đó, một cuộc tấn công quy mô lớn có thể xảy ra.

Trong 4-5 phút đầy căng thẳng, các lãnh đạo của Nga đã chăm chú theo dõi đường bay của tên lửa Na Uy và họ phải cân nhắc xem có nên tấn công Mỹ hay không.

Các liên lạc vô tuyến được thiết lập với nhóm tư lệnh tàu ngầm của Nga. Quân đội nước này nhận được mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu và lực lượng tên lửa chiến lược Nga được chỉ thị chuẩn bị đón nhận mệnh lệnh tiếp theo là thực hiện lệnh bắn.

Căng thẳng chỉ hạ nhiệt khi ban lãnh đạo Nga nhận được thông tin rằng tên lửa đã lao xuống biển. Các vali hạt nhân sau đó đã bị vô hiệu hóa. Về sau, Nga mới nắm được thông tin rằng đó là tên lửa mang vệ tinh khí tượng của Na Uy. 

"Đó có thể là một trong những khoảnh khắc nguy hiểm nhất trong kỷ nguyên hạt nhân. Nó cho thấy cơ chế hạt nhân cảnh giác cao độ từ thời Chiến tranh Lạnh vẫn còn hoạt động và cách mà cơ chế này có thể gây nên sai lầm thảm họa", cây viết David Hoffman của Washington Post bình luận 3 năm sau khi sự cố xảy ra.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm