DMagazine

Bài học về thời cơ trong đàm phán ký kết Hiệp định Paris

(Dân trí) - Dự báo, tạo ra và nắm bắt thời cơ là một trong những nhân tố tạo nên thành công của quá trình đàm phán Hiệp định Paris - thắng lợi đỉnh cao của ngoại giao Việt Nam.

BÀI HỌC VỀ THỜI CƠ TRONG ĐÀM PHÁN KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH PARIS

Dự báo, tạo ra và nắm bắt thời cơ là một trong những nhân tố tạo nên thành công của quá trình đàm phán Hiệp định Paris - thắng lợi đỉnh cao của ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng đất nước.

Bài học về thời cơ trong đàm phán ký kết Hiệp định Paris - 1
Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris, Pháp (Ảnh: TTXVN).

Quá trình đàm phán ký kết Hiệp định Paris kéo dài 5 năm 8 tháng và 16 ngày, với 2.002 phiên công khai, 50 phiên gặp riêng cấp cao và hơn 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc tiếp xúc về phía Việt Nam, là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Đây là cuộc đối đầu giữa hai nền ngoại giao: ngoại giao cách mạng non trẻ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nền ngoại giao chuyên nghiệp của siêu cường Mỹ.

Bài học về thời cơ trong đàm phán ký kết Hiệp định Paris - 2

Đại sứ, GS. TS. Vũ Dương Huân

Thời cơ là thời điểm hội tụ toàn diện các yếu tố khách quan, chủ quan, cả không gian và thời gian, cả thế và lực, cả bên trong và bên ngoài, để có thể hành động đột phá tạo ra những bước ngoặt lớn hay mở ra vận hội lớn đi đến thắng lợi. Hay nói như cha ông ta đã đúc kết là "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".

Dự báo thời cơ, tạo ra thời cơ, nắm bắt thời cơ là một trong những nghệ thuật cách mạng Việt Nam, là nghệ thuật ngoại giao, cũng là một trong các nhân tố tạo nên thành công của quá trình đàm phán Hiệp định Paris.

Cục diện "vừa đánh vừa đàm"

Bài học về thời cơ trong đàm phán ký kết Hiệp định Paris - 3

Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ (trái) và ông Henry Kissinger - cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ tại Paris, Pháp (Ảnh: TTXVN).

Áp dụng chiến lược "phản ứng linh hoạt" ở miền Nam Việt Nam, Mỹ thực hiện "chiến tranh đặc biệt" với nội dung chủ yếu là xây dựng quân đội Sài Gòn mạnh với cố vấn và trang bị, vũ khí của Mỹ. Tuy nhiên, chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ ở Việt Nam bị phá sản.

Thất bại trong "chiến tranh đặc biệt", từ tháng 3/1965, Mỹ phải trực tiếp đưa quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam, tiến hành chiến tranh cục bộ, đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Thực hiện chủ trương Hội nghị TW 11, 12, chúng ta kiên quyết tấn công và giành thắng lợi lớn qua hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, đồng thời đánh trả chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Trên mặt trận ngoại giao, chúng ta cũng giành được thắng lợi quan trọng: tranh thủ được sự đồng tình của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, tăng cường đoàn kết với nhân dân Đông Dương và các nước xã hội chủ nghĩa, phối hợp chống Mỹ mở rộng chiến tranh, đặc biệt đấu tranh chống các "chiến dịch hòa bình" và "đàm phán không điều kiện" của Mỹ...

Với thắng lợi trên, Hội nghị TW 13 (1/1967) đánh giá tình hình, đặc biệt so sánh lực lượng và quyết định chuyển sang chiến lược "vừa đánh vừa đàm". Hội nghị TW 13 phân tích: "Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động".

Triển khai Nghị quyết TW 13, ngày 28/1/1967, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tuyên bố: Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Mỹ mới có thể nói chuyện. Ngày 29/12/1967, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại khẳng định: Sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ nói chuyện với Mỹ về những vấn đề có liên quan.

Tháng 12/1967, Bộ Chính trị ra nghị quyết về tổng công kích và tổng khởi nghĩa và Nghị quyết đó được Hội nghị TW 14 (1/1968) thông qua. Mặc dù cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Têt Mậu Thân 1968 chưa đạt được mục tiêu đề ra, song đã làm phá sản chiến tranh cục bộ và làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ. Ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson buộc phải quyết định chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20, sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dẫn đến cuộc thương lượng Việt - Mỹ tại Paris.

Nắm bắt cơ hội buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc

Bài học về thời cơ trong đàm phán ký kết Hiệp định Paris - 4
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 (Ảnh: Lưu trữ Bộ Ngoại giao).

Cuộc thương lượng Việt - Mỹ diễn ra tại Paris, bắt đầu ngày 13/5/1968, giữa Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Xuân Thủy đứng đầu và Đoàn Mỹ do Đại sứ Averell Harriman, đại diện tổng thống Mỹ dẫn đầu, bàn về việc Mỹ chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc không điều kiện. Cuộc đàm phán rất căng thẳng do lập trường của hai bên trái ngược nhau: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đòi Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom không điều kiện, song Mỹ lại nêu phải có "hoàn cảnh thích hợp", rồi "kế hoạch hai giai đoạn", mà thực chất là có điều kiện. Họ đòi khôi phục khu phi quân sự, không bắn pháo qua khu phi quân sự, không tăng cường lực lượng từ miền Bắc cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Từ đầu tháng 9/1968, đợt 3 Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam kết thúc, lực lượng bị tổn thất, phải chuyển sang củng cố. Còn về phía Mỹ, cuộc vận động tranh cử tổng thống vào giai đoạn quyết định. Qua thăm dò dự luận, ứng viên Hubert  Humprey của đảng Dân chủ chỉ được 29%, trong khi Richard  Nixon, ứng viên đảng Cộng hòa được 45%.

Chính quyền đảng Dân chủ có "nhu cầu lớn cấp bách thúc đẩy đàm phán tiến triển để hỗ trợ cho ứng cử viên đảng Dân chủ". Harriman đề nghị Mỹ sẽ ngừng ném bom khi việc đó dẫn tới các cuộc "nói chuyện nghiêm chỉnh". "Nói chuyện nghiêm chỉnh" nghĩa là có sự tham gia vào cuộc thương lượng của Việt Nam Cộng Hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Chúng ta đã chớp lấy thời cơ này buộc Mỹ phải chấm dứt ném bom hoàn toàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không điều kiện. Ngày 31/10/1968, hai bên đã thỏa thuận được việc Mỹ chấm dứt ném bom hoàn toàn miền Bắc và họp Hội nghị 4 bên.

Như vậy, với cục diện vừa đánh vừa đàm được mở ra do phía ta tạo ra, đã xuất hiện cơ hội ép Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc hoàn toàn và không điều kiện.

Mở cục diện đàm phán thực chất, tạo thời cơ kết thúc chiến tranh

Bài học về thời cơ trong đàm phán ký kết Hiệp định Paris - 5

Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam họp bàn tại Hội nghị 4 bên về Việt Nam ở Paris, Pháp (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam).

Tháng 1/1969, Richard Nixon trở thành Tổng thống Mỹ và đề ra chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" gồm 3 nội dung: củng cố ngụy quân, ngụy quyền, làm suy yếu cách mạng miền Nam đi liền với tiến độ rút quân Mỹ và một kế hoạch toàn diện về quân sự, chính trị, kinh tế và đối ngoại.

Ngày 25/1/1969, Hội nghị 4 bên tại Paris khai mạc. Trong quá trình đàm phán vào các năm 1969-1971, kết hợp giữa diễn đàn công khai 4 bên với gặp riêng cấp cao Việt Nam - Mỹ, chủ trương của Việt Nam là phối hợp đấu tranh ngoại giao với hoạt động quân sự, chính trị, phá chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", kéo Mỹ xuống thang chiến tranh, bảo đảm cho quân và dân miền Nam tiếp tục đánh mà dư luận vẫn đồng tình.

Trên cơ sở thắng lợi đánh trả cuộc tấn công của 10 vạn quân Mỹ và ngụy quân Sài Gòn sang Campuchia năm 1970 và chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1971, từ ngày 30/3/1972, quân và dân ta mở cuộc tổng tấn công chiến lược Xuân - Hè. Đây là cuộc tổng tấn công chiến lược bằng các chiến dịch tiến công quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng, sâu vào hệ thống phòng ngự tại những hướng chiến lược quan trọng: Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, đồng bằng Khu V và Khu VIII (Nam Bộ). Mặt trận Trị Thiên là hướng tấn công chủ yếu, Khu 5, trong đó có Đà Nẵng là chiến trường phối hợp quan trọng.

Chúng ta đã giành thắng lợi lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn, tạo được chỗ đứng vững chắc cho quân chủ lực. Chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của chính quyền Nixon thất bại một bước nghiêm trọng. So sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi lớn. Mỹ buộc phải "tái Mỹ hóa" cuộc chiến tranh, đưa máy bay, tàu chiến tham gia cứu ngụy quân; đánh phá lại và phong tỏa cảng, sông ngòi miền Bắc Việt Nam. Phong trào chống chiến tranh ở Mỹ lại bùng lên.

Cục diện sau thắng lợi Xuân - Hè tạo ra khả năng kết thúc chiến tranh. Mặt khác, Mỹ còn vấp phải nhiều khó khăn lớn ở trong nước và trên trường quốc tế. Tương quan lực lượng và thế trận của ta đã được cải thiện, có thể buộc Mỹ nhận một giải pháp. Giữa năm 1972, Bộ Chính trị đánh giá tình hình và thời cơ, đưa ra quyết định mang tính chất chiến lược: Phát huy thắng lợi trên chiến trường, khai thác khó khăn nội bộ Mỹ, buộc chính quyền Mỹ chấp nhận một giải pháp kết thúc chiến tranh nhằm đạt mục tiêu "đánh cho Mỹ cút" để chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới, tiếp tục đưa cách mạng tiến lên đến thắng lợi hoàn toàn.

Bài học về thời cơ trong đàm phán ký kết Hiệp định Paris - 6
Ngoại trưởng Mỹ William P. Rogers ký Hiệp định Paris tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris, Pháp vào ngày 27/1/1973 (Ảnh: TTXVN).

Bộ Chính trị thông qua những phương hướng lớn của giải pháp nhằm đạt 4 mục tiêu: Bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta đã được Hiệp định Geneva công nhận; Chấm dứt sự dính líu quân sự của Mỹ ở Việt Nam, ngừng bắn, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam; Thừa nhận thực tế miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát; Mỹ tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; Mỹ phải bồi thường chiến tranh dưới hình thức đóng góp để hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại miền Bắc.

Sau 3 tháng thương lượng, đàm phán thực chất không có tiến triển. Phân tích tình hình đàm phán, hai bên còn có ý kiến khác nhau liên quan tới tất cả các mặt của giải pháp: quân sự, chính trị, bồi thường chiến tranh, vấn đề Đông Dương. Phức tạp nhất là vấn đề chính trị nội bộ miền Nam: Mỹ muốn giữ chính quyền Sài Gòn, giải quyết vấn đề nội bộ miền Nam trong khuôn khổ chế độ Sài Gòn. Còn chúng ta đề xuất lập chính quyền liên hiệp.

Bộ Chính trị cho rằng Mỹ âm mưu kéo dài thương lượng để vượt qua bầu cử tổng thống vào tháng 11/1972. Mặt khác, ở miền Nam, lực lượng Mỹ, ngụy bước đầu khôi phục. Bộ Chính trị chủ trương: trước bầu cử tổng thống Mỹ, ép Mỹ ký hiệp định đảm bảo ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh, rút quân, thả tù binh, công nhận trên thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát. Chúng ta quyết định gác lại các vấn đề nội bộ miền Nam, đưa lập trường hai bên gần nhau hơn và Việt Nam đưa dự thảo Hiệp định (8/10/1972). Hai bên nhanh chóng thỏa thuận Hiệp định.

Như vậy, với thắng lợi của chiến dịch Xuân - Hè, làm thất bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ, mà chúng ta là bên chủ động, đã tạo cục diện mới trên chiến trường. Cùng với những khó khăn trong nội bộ nước Mỹ và cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 1972, chúng ta đã tạm gác vấn đề nội bộ miền Nam, tạo ra thời cơ buộc Mỹ ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, đáp ứng 4 yêu cầu của chúng ta.

Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không"

Bài học về thời cơ trong đàm phán ký kết Hiệp định Paris - 7
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973 ở Paris, Pháp (Ảnh: TTXVN).

Dự thảo ngày 8/10/1972 của Việt Nam đã được hai bên hoàn chỉnh và nhất trí ngày 20/10/1972. Tuy nhiên, lấy lý do chính quyền Sài Gòn đòi chỉnh sửa 69 điều, trong đó có những điều rất cơ bản như quân miền Bắc ở lại miền Nam, phủ nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, chức năng của Hội đồng hòa giải và hòa hợp dân tộc, vấn đề khu phi quân sự… nên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ phải thương lượng bổ sung cho đến ngày 13/12/1972. Khi đó chỉ còn lại vấn đề qua lại khu phi quân sự.

Ngày 18/12/1972, đổ lỗi cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ tiến hành ném bom bằng máy bay chiến lược B -52 với quy mô chưa từng có vào thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số thành phố khác ở miền Bắc Việt Nam. Mục tiêu chính của Mỹ là gây sức ép tối đa nhằm buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhân nhượng, sửa đổi nội dung Hiệp định.

Chiến dịch ném bom bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng thất bại thảm hại. Mỹ bị mất 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52. Mỹ không thể buộc Việt Nam nhân nhượng theo yêu cầu của chính quyền Sài Gòn; những vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc vẫn được giữ nguyên. Bộ Chính trị họp và đánh giá đây là "bước đường cùng trong thế yếu" của Mỹ. Chúng ta ký trên thế mạnh, thế thắng để cho "Mỹ cút" rồi cũng sẽ đánh cho "ngụy nhào". Đó là quyết sách đúng thời cơ.

Ngày 30/12/1972, Mỹ phải dừng cuộc ném bom và đề nghị nối lại cuộc thương lượng. Ngày 8/1/1973, hai bên gặp lại nhau và ngày 23/1/1973, Hiệp định Paris được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H. Kisinger ký tắt. Ngày 27/1/1973, Hiệp định được ký kết chính thức. Cuộc thương lượng kết thúc.

Bài học kinh nghiệm

Bài học về thời cơ trong đàm phán ký kết Hiệp định Paris - 8
Những người vẫy cờ Việt Nam bên ngoài Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris, Pháp, trong ngày Hiệp định Paris được ký kết 27/1/1973 (Ảnh: Getty).

Cuộc thương lượng tại Paris giữa Việt Nam và Mỹ là cuộc đàm phán lịch sử. Đây là chiến thắng có tính chất chiến lược của nhân dân ta.

Có nhiều nhân tố tạo nên thắng lợi. Đó là đường lối kháng chiến chống Mỹ, đường lối đối ngoại độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế đúng đắn và sáng tạo, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, kết hợp chặt chẽ quân sự, chính trị, ngoại giao, "dĩ bất biến ứng vạn biến"... theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng là sự chỉ đạo tài tình của Bộ Chính trị và đàm phán lúc cương, lúc nhu, khôn khéo của hai đoàn đàm phán, đứng đầu là cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy.

Chúng ta đã tạo ra thời cơ. Thời cơ thường gắn liền với chiến trường. Chiến thắng hai đợt phản công mùa khô 1965-1966, 1966-1967 và chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 đã mở ra cục diện đánh - đàm. Trong đàm phán, tranh thủ Mỹ có nhu cầu chấm dứt ném bom hoàn toàn miền Bắc để tạo lợi thế cho ứng cử viên Đảng Dân chủ, chúng ta liền chớp lấy cơ hội. Chúng ta cũng là người tạo ra thời cơ chuyển sang đàm phán thực chất kết thúc chiến tranh với cuộc tổng tấn công chiến dịch Xuân - Hè 1972, kết hợp với bầu cử tổng thống Mỹ năm 1972 và các khó khăn khác của nội bộ Mỹ, đồng thời gác vấn đề nội bộ miền Nam đưa ra dự thảo Hiệp định. Cuối cùng với chiến thắng vang dội trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ở thế yếu, không có sự thay đổi đáng kể nào Hiệp định đã thỏa thuận.

Đàm phán đã để lại nhiều bài học quý báu cho ngoại giao Việt Nam như độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại; kết hợp đánh đàm và các binh chủng ngoại giao; đấu tranh dư luận; nghiên cứu chiến lược; nghệ thuật đàm phán, trong có bài học về tạo thời cơ, chuẩn bị đón thời cơ, nắm bắt thời cơ, chuyển thách thức thành cơ hội, bài học chủ động mở đầu và kết thúc...

Bài học độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói độc lập tự chủ là tự đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, không có sự can thiệp của nước ngoài và độc lập tự chủ còn là tự lực tự cường. Trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris, độc lập tự chủ được vận dụng sâu sắc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước hết là độc lập tự chủ đề ra đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài ra còn độc lập tự chủ về đường lối đối ngoại. Trên mặt trận ngoại giao, chúng ta cũng đề ra chiến lược, sách lược đàm phán độc lập tự chủ. Độc lập tự chủ nhưng không cô lập, vẫn có sự phối hợp với các nước, đặc biệt là xử lý hài hòa, khéo léo mối quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc, tranh thủ sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của các nước.

Bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

Đối thủ của nước ta là đối thủ lớn, muốn đánh được đối thủ lớn phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh dân tộc là sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của quân sự, chính trị, ngoại giao. Sức mạnh thời đại là sức mạnh của tất cả lực lượng cách mạng như xã hội chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân, lực lượng hòa bình, tiến bộ thế giới. Hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam là một trong những thành tố tạo nên thắng lợi của đàm phán Hiệp định Paris nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung.

Bài học kết hợp quân sự, chính trị, ngoại giao

Mặt trận quân sự tạo cơ sở cho mặt trận ngoại giao, tạo kết quả cho mặt trận ngoại giao. Mặt trận ngoại giao khẳng định kết quả của mặt trận quân sự bằng hiệp định được ký kết. Quân sự, ngoại giao được kết hợp hài hòa, mở ra đàm phán, chuyển sang đàm phán thực chất kết thúc chiến tranh. Cụ thể, chiến dịch Điện Biên Phủ trên không buộc Mỹ phải ký kết hiệp định theo đúng những gì đã thỏa thuận.

Bài học chiến thuật đàm phán, đấu tranh dư luận

Toàn bộ chiến lược đàm phán Hiệp định Paris là "vừa đánh vừa đàm", nhưng được thể hiện qua các chiến thuật khôn ngoan và thành công. Việc đấu tranh dư luận cũng được chú trọng khi các nhà báo, nhà tuyên truyền giỏi từ các cơ quan truyền thông được tập hợp thành mặt trận đấu tranh dư luận thành công. Chúng ta đã tiến hành 500 cuộc họp báo, hơn 1.000 cuộc tiếp xúc tạo thành dư luận ủng hộ Việt Nam.

Các bài học trên cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, làm phong phú, sâu sắc truyền thống ngoại giao Việt Nam và cần vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong bối cảnh mới.

Đại sứ, GS. TS. Vũ Dương Huân

Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, Nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Ngoại giao, Bộ Ngoại giao