1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu 6 bài học quý báu từ Hiệp định Paris

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Nhân Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nêu 6 bài học quan trọng của Hiệp định lịch sử này đối với ngành ngoại giao Việt Nam.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu 6 bài học quý báu từ Hiệp định Paris  - 1

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam (Ảnh: Phong Sơn).

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Hiệp định Paris là "một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta và nền ngoại giao Việt Nam", là minh chứng cho nguyên tắc độc lập, tự cường và toàn vẹn non sông mà dân tộc Việt Nam luôn kiên định giữ vững trong suốt hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris có thể đóng vai trò như là "một pho sách vô cùng quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học mãi mãi còn nguyên giá trị".

"Nhìn lại cuộc đấu tranh ngoại giao đưa đến ký kết Hiệp định Paris là ôn lại một chặng đường hào hùng trong lịch sử dân tộc, lan tỏa và giáo dục truyền thống vẻ vang của nền ngoại giao Việt Nam độc đáo và đặc sắc. Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris là một pho sách vô cùng quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học mãi mãi còn nguyên giá trị, trong đó có những bài học đã trở thành triết lý, quan điểm xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay", ông Bùi Thanh Sơn nói.

Theo Bộ trưởng, trước hết, đó là bài học về kiên định độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Đây vừa là nguyên tắc nhất quán, vừa là bài học lớn của cách mạng Việt Nam nói chung và đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris nói riêng. Độc lập, tự chủ trong mọi quyết sách, trong từng bước đi, đã giúp Việt Nam luôn giữ vững thế chủ động tiến công, kiên định mục tiêu và nguyên tắc nhưng linh hoạt trong sách lược đàm phán, nhờ đó luôn bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Thứ hai, bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh dân tộc là sức mạnh của giương cao ngọn cờ chính nghĩa: Hòa bình, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; là sức mạnh của đường lối, sách lược cách mạng đúng đắn của Đảng; là sức mạnh khối đại đoàn kết, truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa và ngoại giao của dân tộc; là sức mạnh từ sự kết hợp tài tình giữa các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao… Sức mạnh thời đại thể hiện ở khát vọng chung của các quốc gia, dân tộc về hòa bình, phát triển, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, tôn trọng công lý và phẩm giá con người… Sức mạnh dân tộc kết hợp với sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình.

Thứ ba, bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Mục tiêu và nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tôn trọng chủ quyền quốc gia như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi". Sách lược của chúng ta là "vừa đánh, vừa đàm", sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm, từng đối tác trên cơ sở kiên định mục tiêu chiến lược.

Thứ tư, bài học về phong cách, nghệ thuật đối ngoại và ngoại giao mang đậm tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh như bài học về nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, "biết mình, biết người", "biết thời, biết thế"; về biết giành thắng lợi từng bước để đi đến thắng lợi cuối cùng; về tạo dựng và nắm bắt thời cơ để chuyển hóa thắng lợi trên chiến trường thành thắng lợi trên bàn đàm phán; về kết hợp tài tình giữa chiến lược và sách lược, giữa chính trị - quân sự và ngoại giao, giữa ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, giữa độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế, giữa các lực lượng ngoại giao của miền Bắc và miền Nam, tuy hai mà một, tuy một mà hai...

Thứ năm, bài học về chủ động, tích cực xây dựng lực lượng ngoại giao, trong đó cán bộ là khâu then chốt. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ đạo việc xây dựng lực lượng cán bộ nhằm đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Từ Hội nghị Geneva năm 1954 đến Hội nghị Paris, đội ngũ cán bộ ngoại giao Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc, có phẩm chất cách mạng, được trang bị kiến thức đối ngoại, phương pháp, kỹ năng và nghệ thuật đàm phán. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn lựa, rèn luyện và tin tưởng giao trách nhiệm cho những cán bộ xuất sắc tham gia mặt trận ngoại giao, góp phần rất quan trọng làm nên thắng lợi tại Hội nghị Paris.

Thứ sáu, bài học bao trùm là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx - Lenin, phát huy truyền thống giữ nước của dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh, đánh giá chính xác thực tiễn cách mạng trong nước và tình hình quốc tế, Đảng ta đã đề ra chủ trương, đường lối và sách lược cách mạng đúng đắn, mở ra mặt trận ngoại giao chủ động tiến công, phối hợp chặt chẽ và thống nhất với các mặt trận chính trị, quân sự, "vừa đánh, vừa đàm", tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành toàn thắng.

"Ngoài những bài học nổi bật nói trên, còn nhiều bài học phong phú từ Hội nghị Paris, nhất là các bài học về phong cách, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và tổng kết để truyền lại cho các thế hệ ngày nay và mai sau", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.