50 năm Hiệp định Paris: Việt Nam lựa chọn hòa bình, đứng về chính nghĩa
Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp như hiện nay, rất nhiều quốc gia có lợi ích trái ngược, đối đầu. Trong những tình huống như vậy, Việt Nam đứng về lẽ phải, đứng về chính nghĩa.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp như hiện nay, rất nhiều quốc gia có lợi ích trái ngược, đối đầu. Trong những tình huống như vậy, Việt Nam đứng về lẽ phải, đứng về chính nghĩa, lấy đó làm hệ quy chiếu trong việc bày tỏ quan điểm trong quan hệ quốc tế.
Trước khi diễn ra đàm phán tại Paris, đế quốc Mỹ mở Chiến dịch hòa bình Pinta, vận động 113 Chính phủ và cử các đoàn đi tới 40 nước để xuyên tạc và đổ lỗi chiến tranh cho Việt Nam. Lợi dụng ưu thế về hệ thống thông tin, họ liên tục tung tin, xuyên tạc rằng Việt Nam đối xử không nhân đạo với tù binh Mỹ. Đích thân Nixon còn hòa vào dòng người tưởng nhớ tù bình trên đường phố Mỹ, gây sức ép với chúng ta trên bàn đàm phán Paris, buộc chúng ta phải trao trả tù binh. Thế nhưng tất cả những ngụy biện phi nghĩa đã không thắng nổi tinh thần chính nghĩa, và yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Âm mưu đổi trắng thành đen, lật ngược thế cờ của người Mỹ bị phá sản. Quy luật khắc nghiệt, chính sẽ thắng tà, thiện sẽ thắng ác, chí nhân sẽ thay cường bạo, người Mỹ không muốn nhưng vẫn phải chấp nhận, không thể đảo ngược.
Ngay khi Hội nghị hòa bình về Việt Nam được mở màn tại Paris, hai tiếng Việt Nam trở thành tiếng nói của lương tri và trái tim thời đại. Thường trực ở Paris, có hàng nghìn nhà báo, phóng viên, nhà nhiếp ảnh của các nước. Họ đến để phản ánh về cuộc đàm phán lịch sử có một không hai trong lịch sử nhân loại. Cũng vì thế, từ Trung tâm Paris, tin tức, diễn biến của hội nghị được truyền đi khắp thế giới.
Bằng mặt trận báo chí, chúng ta đã đưa cuộc chiến tranh vào trong lòng nước Mỹ. Chính người Mỹ cũng đã phải thừa nhận, nước Mỹ thua trong cuộc chiến tranh, trước hết là thua ngay trên mặt trận báo chí. Chúng ta đã giương cao ngọn cờ chính nghĩa và thiện chí hòa bình, vạch trần bản chất xâm lược của đế quốc Mỹ. Vì thế, ở khắp nơi trên thế giới, phong trào phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ diễn ra khắp nơi. Khắp các lục địa Á, Phi, Mỹ La tinh đến các lực lượng dân chủ ở các nước tư bản Tây Âu, các nước có căn cứ quân sự Mỹ như Nhật Bản, hay chính trong lòng nhân dân nước Mỹ, tất cả đều hướng về Việt Nam.
Khắp nơi trên thế giới, những tuần, những tháng, những cuộc đi bộ vì hòa bình, những cuộc mít tinh, biểu tình ủng hộ Việt Nam dậy sóng. Đại hội hòa bình thế giới họp tại Berlin năm 1969 với sự tham gia của 56 tổ chức quốc tế và 320 tổ chức của 101 quốc gia ở khắp năm châu, đã ủng hộ cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam. Điều đó cho thấy sức mạnh của tinh thần chính nghĩa.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh họp báo quốc tế sau Lễ ký Hiệp định Paris về Việt Nam ngày 27/1/1973.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng cho biết, khi ấy, nhà thơ Tố Hữu viết: "Ta vì ta ba chục triệu người. Cũng vì 3 ngàn triệu trên đời". Có nghĩa là cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam, không chỉ vì ba chục triệu người Việt Nam, mà còn vì 3 tỷ người trên thế giới, vì công lý, vì lẽ phải trên thế giới. Như thế là chúng ta đã tranh thủ được nhân dân thế giới, và hình thành trên thực tế mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược. Và trong mặt trận ấy, có không ít công dân của nước đối phương, tức là công dân của Mỹ. Họ cũng ủng hộ Việt Nam, và thậm chí có người còn tự thiêu trước tòa Bạch Ốc để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của chính quyền Mỹ.
Trụ sở của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Paris ở Trường Đảng Choisy le Roi, ngoại ô Paris. (Nguồn: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng)
Tại Pháp - nơi diễn ra cuộc đàm phán, Tổng thống Pháp và nhiều chính đảng, đoàn thể, nhân dân Pháp đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ, ủng hộ quý báu. Đảng Cộng sản Pháp cho Việt Nam mượn Trường Đảng làm trụ sở của đoàn trong suốt 5 năm đàm phán. Công nhân Pháp nhiều người về hưu đã tình nguyện làm bảo vệ suốt ngày đêm cho nơi làm việc của phái đoàn. Nhân dân Pháp và người Việt Nam ở Pháp, hàng ngày đều tự nguyện gom góp lương thực, thực phẩm, rau xanh đến tận nơi phái đoàn chúng ta ở để biếu tặng.
Ông Đặng Đình Quý, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng, điều đó cho thấy, tính chính danh, chính nghĩa của chúng ta phù hợp với công lý và đạo lý, nên bạn bè quốc tế luôn ghi nhận và giúp đỡ. Cụ thể, theo ông Đặng Đình Quý, chính nghĩa là phù hợp với công lý và phù hợp với đạo lý. Và công lý là các nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế, của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Còn đạo lý là những giá trị chung của nhân loại, những nguyên tắc ứng xử chung của nhân loại. Cho nên việc ứng xử phù hợp với công lý và đạo lý, cũng là cốt lõi của ngoại giao tâm công Hồ Chí Minh. Chính vì thế chúng ta được bạn bè quý mến và đối tác nể trọng.
Cộng đồng người Việt tại Pháp chào mừng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Nguồn: Sách "Hội nghị Paris về Việt Nam - Nhìn lại, 1968-1973", Nhà xuất bản Thế giới)
Cách đây 50 năm, dư luận quốc tế gọi Việt Nam là lương tri loài người. Cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã huy động được toàn dân tham gia và động viên nhân loại yêu chuộng hòa bình đoàn kết cùng Việt Nam chống lại bạo tàn. Bài học đó vẫn luôn sáng soi, rọi rõ cho chúng ta trên con đường bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thời gian gần đây, thế giới diễn ra nhiều bất ổn chính trị, các nước đối đầu, cạnh tranh quyết liệt, nhiều nơi đã xảy ra những cuộc xung đột, va chạm quân sự. Trong bối cảnh đó, nhiều người đưa ra lập luận cho rằng, Việt Nam cần đứng về bên này hay bên kia, cần lựa chọn ủng hộ nước này, chống lại nước kia. Cũng có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần phải chọn, đi theo nước này hay nước kia mới có thêm đồng minh, có thêm lực lượng ủng hộ, giúp đỡ gia tăng sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.
Theo Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, nếu đi theo nước này, nước kia, lựa chọn phe này, phe kia, chúng ta sẽ tự chuốc thêm kẻ thù, sẽ trở thành một bên trong cuộc đối đầu giữa các nước lớn. Việt Nam không đứng về bên nào, mà Việt Nam chọn lẽ phải, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ Hiến chương Liên Hợp Quốc và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Trong quan hệ với bạn bè thế giới, Việt Nam luôn tỏ rõ thiện chí là bạn, là đối tác tin cậy với sự chân thành, cởi mở. Vì thế, Việt Nam sẽ không bị cô lập trong cộng đồng quốc tế.
"Là bạn tốt chúng ta có thể huy động được sức mạnh của cộng đồng quốc tế ở phạm vi rất rộng, toàn diện. Và chúng ta cũng góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, loại trừ được nguy cơ xung đột chiến tranh. Nếu chúng ta chọn bên sẽ mất độc lập, tự chủ", Trung tướng Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Đại sứ, Tiến sĩ Luận Thùy Dương. (Ảnh: VTV)
Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn tỏ rõ thiện chí Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp như hiện nay, rất nhiều quốc gia có lợi ích trái ngược, đối đầu. Trong những tình huống như vậy, Đại sứ, Tiến sĩ Luận Thùy Dương cho rằng, Việt Nam đứng về lẽ phải, đứng về chính nghĩa, lấy đó làm hệ quy chiếu trong việc bày tỏ quan điểm trong quan hệ quốc tế.
"Lẽ phải chúng ta chọn ở đây là vì hòa bình và phát triển thịnh vượng của thế giới. Chính nghĩa chúng ta kiên định phải hiểu là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển của đất nước. Khi chúng ta chọn lẽ phải và đứng về chính nghĩa chúng ta không phải chọn bên này, bên kia, không phải chọn đi theo nước này hay nước kia", Đại sứ, Tiến sĩ Luận Thùy Dương khẳng định.
Không chọn bên mà chọn hòa bình, chính nghĩa, đó cũng là thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi thuyết trình tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Hoa Kỳ trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 5/2022 vừa qua. Thủ tướng nêu rõ: "Giữa thương lượng và đối đầu chúng tôi chọn thương lượng. Giữa đối thoại và xung đột chúng tôi chọn đối thoại. Giữa hòa bình và chiến tranh chúng tôi chọn hòa bình. Giữa hợp tác và cạnh tranh chúng tôi chọn hợp tác. Và cạnh tranh thì phải lành mạnh, tôn trọng quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhau. Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng".
Hiện nay quan hệ ngoại giao nhà nước Việt Nam phủ sóng tới 191 quốc gia. Quan hệ quốc phòng với trên 80 quốc gia thuộc cả 5 châu lục, đặc biệt chúng ta có quan hệ quốc phòng với tất cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây là điều chưa từng có từ trước tới nay. Đó là cơ hội thuận lợi để chúng ta ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột, duy trì hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Từ cuộc đàm phán ở Paris cách đây 50 năm và từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cho thấy, một đất nước đã phải chịu quá nhiều những khổ đau, mất mát do chiến tranh, dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh, bạo lực. Và như một lẽ tự nhiên, Việt Nam được quốc tế coi là biểu tượng của đất nước vì hòa bình. Đúng như Bộ trưởng Xuân Thủy đã viết trong bài thơ Mừng xuân thắng lợi:
Ta đánh giặc bằng gươm, bằng súng
Vừa bằng lời, bằng bút sắc hơn dao
Trước bàn tròn, chính nghĩa đã nêu cao
Trên dư luận lại dạt dào tình lý.
Trường Giang/Phát thanh Quân đội