DMagazine

3 "chảo lửa" quyết định cục diện chiến sự Nga - Ukraine

(Dân trí) - Cuộc xung đột Nga - Ukraine được cho là bước sang giai đoạn thứ 3 khi các bên dồn toàn bộ binh sĩ và khí tài cho cuộc chiến tổng lực nhằm kiểm soát các vùng lãnh thổ trên các mặt trận trọng yếu.

3 "CHẢO LỬA" QUYẾT ĐỊNH CỤC DIỆN CHIẾN SỰ NGA - UKRAINE

Cuộc xung đột Nga - Ukraine được cho là bước sang giai đoạn thứ 3 khi các bên dồn toàn bộ binh sĩ và khí tài cho cuộc chiến tổng lực nhằm kiểm soát các vùng lãnh thổ trên các mặt trận trọng yếu.

3 chảo lửa quyết định cục diện chiến sự Nga - Ukraine - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa vào vị trí của Nga gần thành phố Bakhmut (Ảnh: Reuters).

Các lực lượng Nga cuối tháng 1 tuyên bố phát động một cuộc tấn công mới ở tỉnh Zaporizhzhia, nhưng các binh sĩ Ukraine dường như không nao núng. Chiến tuyến ở khu vực này vẫn không dịch chuyển suốt hơn 10 tháng qua. Các binh sĩ Nga vẫn ẩn nấp trong các chiến hào, chạy qua những ngọn đồi thoai thoải của vùng đất nông nghiệp. Những người lính Ukraine cho rằng, lực lượng Nga sẽ không rời đi sớm.

"Nga có nhiều hoạt động hơn trong vài tuần qua với các cuộc pháo kích từ pháo binh, thậm chí từ xe tăng, nhưng họ không điều bộ binh vượt qua phòng tuyến vì lo ngại", Vitaly, một trung sĩ trong lữ đoàn bộ binh cơ giới 56 Mariupol, lực lượng đang kiểm soát phòng tuyến dài khoảng 100km ở phía đông thành phố Zaporizhzhia, cho biết.

Tuy nhiên, Vitaly thừa nhận chiến tuyến đang bắt đầu nóng lên sau khoảng thời gian đóng băng. Số lượng đạn pháo và rocket khai hỏa mặt trận miền Nam Ukraine đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 1, lên tới 4.000 quả mỗi ngày. trước đó, Nga đã 2 lần điều một số xe tăng tới để thăm dò các phòng tuyến của Ukraine. Nhiều khả năng trong vài tháng tới, Nga hoặc Ukraine sẽ hành động và cố gắng phá vỡ thế bế tắc. Nhưng câu hỏi đặt ra là bên nào sẽ tấn công trước và tấn công ở đâu?

"Trận chiến lớn sẽ diễn ra vào mùa xuân này, hoặc thậm chí sớm hơn. Cho dù xảy ra ở Zaporizhzhia hay bất kỳ nơi nào khác dọc theo tiền tuyến dài 1.200km, cơn bão chiến sự dự kiến sẽ càn quét mùa xuân này, mở ra giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tính đến thời điểm hiện tại", Vitaly nhận định.

Cả Nga và Ukraine được cho là sẽ tận dụng khoảng thời gian này để tăng cường phòng thủ. Các binh sĩ Ukraine mỗi ngày đều củng cố nơi tập kết của họ và băng qua khu vực đồng bằng về phía nam, trong khi Nga đã dựng thêm hai tuyến phòng thủ, bao gồm các bãi mìn, chiến hào, bẫy xe tăng và các khối bê tông nhỏ  giống kim tự tháp được gọi là "răng rồng".

Một mặt, Nga muốn bảo vệ tuyến đường sắt vận chuyển hàng tiếp tế từ Nga và thành phố Melitopol, một trung tâm chiến lược hiện do Nga kiểm soát. Tại ngôi làng Polyanivka gần đó, người dân đã được sơ tán trong tháng 1 để có thể xây dựng một phần bức tường phòng thủ. Mặc khác, Nga muốn bảo vệ tuyến công sự thứ hai là hành lang dẫn đến bán đảo Crimea.

Mặc dù kịch bản chuẩn bị phòng thủ đã rõ ràng, nhưng Ukraine vẫn chưa rõ liệu Nga có đang âm thầm tích lũy các phương tiện để triển khai chiến dịch tấn công hay không. Ukraine tiếp tục theo dõi sát sao các động thái của Nga, thông qua máy bay không người lái, vệ tinh và lực lượng trinh sát, khi Nga di chuyển các đơn vị cơ giới từ Crimea tới mặt trận phía đông ở Donetsk và Lugansk. Ukraine đang tìm kiếm các dấu hiệu để xác định liệu Nga có khả năng âm thầm chuyển hướng về phía bắc tới phòng tuyến xung quanh Huliaipole hay không. Ukraine cũng nhận ra rằng, lực lượng Nga không chỉ bao gồm tân binh mà còn có đơn vị lính thủy đánh bộ giàu kinh nghiệm.

Nga đang không ngừng củng cố lực lượng trong khi chuyển sang nền kinh tế thời chiến để sản xuất xe tăng và tên lửa mới cho chiến trường Ukraine. Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov đã được giao phụ trách trực tiếp chiến dịch quân sự tại Ukraine, một động thái được nhiều nhà phân tích cho là báo trước một cuộc tấn công lớn.

3 giai đoạn chiến sự

3 chảo lửa quyết định cục diện chiến sự Nga - Ukraine - 2

Lực lượng Ukraine ở tiền tuyến Donetsk (Ảnh: Reuters).

Giới phân tích cho rằng chiến dịch quân sự của Nga chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên kết thúc khi Nga dường như không đạt được các mục tiêu, lần lượt rút quân từ phía bắc, trước hết là thủ đô Kiev, sau đó là Kharkov và Kherson. Giai đoạn thứ hai đánh dấu nỗ lực của Nga trong cuộc chiến tiêu hao khi Nga giành được những vùng lãnh thổ nhỏ xung quanh các thành phố Bakhmut và Soledar ở miền Đông Ukraine, kết hợp với các cuộc tập kích tên lửa hàng loạt vào các cơ sở hạ tầng điện, nước. Trong giai đoạn này, Nga đã sử dụng phần lớn kho tên lửa hành trình, nhưng vẫn không làm suy giảm tinh thần chiến đấu của Ukraine.

Giai đoạn thứ ba trong chiến dịch quân sự của Nga được cho là sắp bắt đầu. Đây sẽ là một trận chiến tổng lực để giành lợi thế quyết định bằng cách kết hợp nhiều loại vũ khí như bộ binh cơ giới, pháo binh, không quân, thậm chí cả tấn công đường thủy để vượt qua các phòng tuyến kiên cố. Đây sẽ là trận chiến khốc liệt nhất mà thế giới từng chứng kiến kể từ cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980, trong khi châu Âu chưa chứng kiến cuộc chiến nào tương tự kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tiến hành một cuộc tấn công lớn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến được dự đoán sẽ là nhiệm vụ rủi ro cho cả hai bên trong cuộc xung đột. Tấn công các phòng tuyến kiên cố thường gây nhiều tổn thất về nhân mạng và máy móc hơn là bảo vệ chúng. Để chiếm ưu thế, mỗi bên phải củng cố lực lượng tấn công mạnh gấp 3 lần so với hiện tại.

Xét về khía cạnh phòng thủ, Ukraine có lợi thế đáng kể, với công nghệ vệ tinh và máy bay không người lái tích hợp tốt hơn và tên lửa chính xác hơn, bao gồm hệ thống pháo phản lực phóng loạt (HIMARS) do Mỹ cung cấp. Cả Nga và Ukraine đang cạnh tranh khốc liệt để xây dựng những lực lượng có khả năng vượt qua thách thức và đạt được bước đột phá.

Nga đã xây dựng một lực lượng quân dự bị đáng kể. Năm ngoái, Moscow đã huy động 300.000 tân binh và đưa một nửa trong số này trực tiếp tham chiến với quá trình huấn luyện tối thiểu. 150.000 người còn lại đang được huấn luyện, nhưng chưa rõ Nga sẽ triển khai họ vào mục đích là gì. Họ có thể được luân chuyển từng phần để thay thế những người bị thương vong trên chiến trường, hoặc Nga có thể xây dựng một lữ đoàn thiết giáp mới.

Việc trang bị những khí tài hiệu quả cho lực lượng đông đảo như vậy sẽ là một thách thức với Nga. Quân đội Nga đã đưa các khí tài cũ ra khỏi kho để thay thế những khí tài bị hư hại và có nhiều dấu hiệu cho thấy, Moscow đang cố gắng tiết kiệm trong việc sử dụng tên lửa và đạn pháo.

Dara Massicot, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Tập đoàn Rand và từng là nhà phân tích cấp cao của Lầu Năm Góc về năng lực quân sự của Nga, cho rằng "khả năng tiến công trên quy mô lớn của Nga đang thực sự bị thách thức".

Trong khi đó, lực lượng Ukraine ngày càng nhận thấy sự cấp bách. Kiev muốn nắm thế chủ động và tiến hành cuộc tấn công phủ đầu nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công như vậy của Nga. Tuy nhiên, Ukraine chưa có các công cụ cần thiết để thực hiện kế hoạch này.

Nhiều thiết bị đã được chuyển cho quân đội Ukraine, bao gồm hàng trăm xe chiến đấu bộ binh của Mỹ, Pháp, Thụy Điển và Đức, một đội xe tăng Challenger 2, các xe tăng chiến đấu chủ lực của Mỹ, Đức và 30 khẩu pháo tự hành của Anh. Tất cả sẽ được chuyển cho các đơn vị cơ giới có nhiệm vụ tấn công.

Tuy vậy, mỗi hệ thống vũ khí do phương Tây cung cấp cho Ukraine đều có độ trễ ít nhất vài tháng do cần có thời gian để chuyển giao và huấn luyện binh sĩ Ukraine cách sử dụng. Khoảng 20.000 binh sĩ, tương đương 1/10 lực lượng vũ trang Ukraine vào giai đoạn đầu chiến sự, cho đến nay đã được huấn luyện ở các nước NATO và con số này dự kiến sẽ tăng lên đáng kể trong những tháng đầu năm 2023.

Theo các nhà phân tích, Ukraine sẽ tìm cách tấn công bất kỳ khu vực nào mà họ đánh giá là phòng tuyến yếu nhất của Nga. Đó có thể là ở vùng Lugansk phía đông, nơi lực lượng Nga bị đánh giá là ngày càng kiệt quệ và mất tinh thần.

"Tôi nghĩ rằng bộ chỉ huy quân đội Ukraine sẽ cố gắng áp dụng cách tiếp cận giống như họ đã làm trước đây, đồng thời chuẩn bị chiến trường cho các chiến dịch có thể xảy ra theo các hướng khác nhau, sau đó tấn công vào nơi có điều kiện thuận lợi nhất", Oleksiy Melnyk, đồng giám đốc phụ trách quan hệ đối ngoại và các chương trình an ninh quốc tế tại Trung tâm Razumkov ở Kiev, nhận định.

3 mặt trận chiến lược

3 chảo lửa quyết định cục diện chiến sự Nga - Ukraine - 3

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chụp ảnh với các quan chức trước khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh EU tại Kiev, Ukraine ngày 2/2 (Ảnh: Reuters).

Có 3 mặt trận được dự đoán là nơi diễn ra những trận chiến quan trọng trong vài tháng tới và các mặt trận đều có liên kết với nhau. Một cuộc tấn công trên mặt trận này có thể là đòn đánh lạc hướng cho một cuộc tấn công lớn hơn ở mặt trận khác, hoặc có thể được lên kế hoạch để làm suy yếu khả năng chiến đấu của đối phương.

Miền Đông

Mặt trận Lugansk và Donetsk, gọi chung là Donbass, được cho là địa điểm có nhiều khả năng xảy ra các cuộc tấn công lớn của cả Nga và Ukraine vào mùa xuân. Đây cũng là nơi diễn ra cuộc chiến khốc liệt nhất trong vài tháng qua giữa lực lượng quân sự hai nước.

Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố, một trong những lý do khiến Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine là để bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Lugansk và Donetsk. Do vậy, việc để mất hai vùng lãnh thổ quan trọng này sẽ là bước lùi đáng kể trong chiến dịch quân sự của Nga.

Ngoài ra, Moscow đã chịu tổn thất lớn cả về nhân lực và khí tài để có thể giành được những thắng lợi trên chiến trường ở hai thành phố chiến lược Soledar và Bakhmut tại miền Đông Ukraine. Các nhà phân tích cho rằng, vì những lý do chính trị, Nga nhiều khả năng sẽ mở một cuộc tấn công mới ở miền Đông Ukraine.

Đối với Ukraine, Donetsk và Lugansk có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự. Chuyên gia Massicot cho rằng điểm yếu trước mắt trong hệ thống phòng thủ của Nga có thể là ở Lugansk, nơi quân đội Ukraine đang gây sức ép liên tục xung quanh thị trấn Kreminna, với mục đích cắt đứt các tuyến tiếp tế của Nga qua Lugansk và phía bắc Donetsk.

Miền Nam

Giới phân tích nhận định, những gì xảy ra ở mặt trận miền Nam Ukraine sẽ quyết định kết quả của toàn bộ cuộc chiến. Cho dù các lực lượng vũ trang Ukraine có tiến hành cuộc tấn công đầu tiên ở miền Đông hay không thì vào một thời điểm nào đó trong năm nay, họ sẽ phải chuyển hướng về miền Nam nếu muốn kiểm soát các vùng Kherson, Zaporizhzhia và cuối cùng là Crimea.

Một hướng triển khai cho Ukraine là cuộc tấn công quy mô lớn bằng thiết giáp trên tuyến đường bộ từ khu vực xung quanh Huliaipole về phía nam tới Melitopol. Một lựa chọn khác táo bạo hơn là cuộc tấn công bằng đường thủy qua sông Dnipro vào Kherson.

"Đó là cuộc chiến của các nhóm nhỏ lực lượng đặc nhiệm trên tàu thuyền", Yaroslav Honchar, người đứng đầu đơn vị Istar (tình báo, giám sát, thu thập mục tiêu và trinh sát) của Ukraine ở mặt trận miền Nam cho biết.

Ông Honchar nói rằng, Nga đã cử một đơn vị đặc nhiệm có tên gọi Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 80 thuộc Hạm đội Phương Bắc, lực lượng mà ông mô tả là "đặc nhiệm tinh nhuệ được huấn luyện để chiến đấu ở nơi lạnh lẽo và ẩm ướt", tới đây.

Ukraine được cho là đang phát triển lực lượng đặc nhiệm đường thủy, trong khi Mỹ đã cung cấp tàu tuần tra ven sông cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới nhất để triển khai trong các cuộc đột kích trên sông Dnipro.

Khu vực miền Nam cũng có thể mang lại lợi thế cho lực lượng Nga để tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ và Ukraine nhận thức được mối nguy hiểm đó. Một sĩ quan tình báo Ukraine cho rằng quân đội Nga có thể tiến quân về phía đông Huliaipole. "Đó là một địa điểm rất chiến lược, nếu Nga thành công và giành được khu vực này, họ có thể tiến quân về phía bắc và quân đội Ukraine ở Donetsk có thể bị mắc kẹt", sĩ quan Ukraine nói.

Miền Bắc

Một số binh sĩ Nga mới được huy động đang được huấn luyện ở Belarus. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích quân sự cho rằng, một cuộc tấn công quy mô lớn từ phía bắc Ukraine khó có thể xảy ra. Theo các nhà phân tích, việc Nga tăng cường lực lượng ở Belarus chỉ là mồi nhử để lôi kéo lực lượng Ukraine từ miền Nam và miền Đông. Cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy quân đội Nga ở Belarus sẵn sàng cho một cuộc tấn công vào Ukraine.

Tháng 11/1022, Belarus tuyên bố thành lập lực lượng quân sự liên hợp với Nga nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ NATO ở biên giới phía tây. Belarus khẳng định, mục tiêu quan trọng nhất của nước này là ngăn chặn xung đột lan sang lãnh thổ Belarus, đồng thời bảo vệ người dân Belarus khỏi nguy cơ bị tấn công từ các quốc gia không thân thiện trong khu vực.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin khẳng định "nhiệm vụ của lực lượng quân sự chung Nga - Belarus là đẩy lùi một cuộc xâm lược, nếu lãnh thổ của đồng minh Belarus của Nga bị xâm chiếm".

Serhii Deineko, người đứng đầu Cơ quan Biên phòng Nhà nước của Ukraine, cuối năm ngoái thông báo, Nga hiện triển khai 10.200 quân tại quốc gia đồng minh thân cận Belarus. Theo đánh giá của ông Deineko, con số binh sĩ này là không đủ để Nga mở mũi tiến công nhằm vào Ukraine.

Theo Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Mỹ, Nga có thể đang tạo ra điều kiện để tập kích nhằm vào Kiev. Tuy nhiên, ISW cho rằng rủi ro kịch bản này có thể xảy ra đang ở mức thấp.

"Belarus sẽ không tuyên chiến với Ukraine vì đó sẽ là dấu chấm hết về chính trị đối với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko", Oleksiy Danilov, thư ký hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine, cho biết.

3 chảo lửa quyết định cục diện chiến sự Nga - Ukraine - 4

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine (Ảnh: SW).

Các nhà phân tích dự đoán, dù chiến dịch quân sự của Nga hay Ukraine thành công ở bất kỳ mặt trận nào, xung đột vẫn khó có thể kết thúc. Ukraine nhận ra rằng, Nga sẽ khó chấp nhận kịch bản đầu hàng.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công và phản công trong vài tháng tới có thể sẽ đóng vai trò quyết định trong việc thiết lập quỹ đạo cho giai đoạn còn lại của cuộc xung đột. Thành công hay thất bại của Ukraine sẽ tác động đáng kể đến việc phương Tây có tiếp tục viện trợ vũ khí tối tân cho Kiev hay không, trong khi đây lại là lợi thế chiến lược của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Về phần Nga, lợi thế chiến lược quan trọng nhất của Moscow là lực lượng dự bị khổng lồ.

"Nga có đủ khả năng tung vào chiến trường (Ukraine) một số lượng lớn quân. Do vậy, đây là mối đe dọa lớn nhất đối với chúng tôi trong một cuộc chiến kéo dài", chuyên gia Oleksiy Melnyk nhận định.

Thành Đạt 

Theo Reuters, Guardian, Bloomberg

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine