Thông tư về dạy thêm, học thêm: Đồng thuận phải từ ngành giáo dục
Hơn 30 năm trước, thế hệ chúng tôi đã bắt đầu biết đến học thêm với các lớp luyện thi từ năm cuối cấp học phổ thông, chuẩn bị cho cuộc thi tuyển sinh vào đại học. Đó là cuộc cạnh tranh thật sự khốc liệt mà ngã rẽ cuộc đời hoàn toàn phụ thuộc vào kỳ thi do các trường đại học tự tổ chức theo 3 đợt được Bộ Giáo dục và Đào tạo ấn định.
Thi theo khối, rành mạch 3 môn, thiên hướng, năng lực cá nhân được phân luồng rất rõ. Dù hoàn cảnh kinh tế, điều kiện đi lại, ở trọ vất vả, nhưng nhiều gia đình vẫn quyết tâm đưa con lên tận các điểm luyện thi cạnh trường đại học với hy vọng thầy luyện thi hiểu rõ "gu" ra đề thi của mỗi trường, con cái thông thuộc đường đi, lối lại, lúc thi đỡ bỡ ngỡ.
Thời khó khăn đã thế, cho nên dễ hiểu, sau hơn ba thập kỷ, cùng với sự phát triển chung của xã hội, phong trào học thêm hiện nay mạnh mẽ thế nào. Bất kể nắng mưa, bất kể đêm đông gió rét, hình ảnh những bậc cha mẹ kiên nhẫn đưa con đi học đủ mọi lớp học thêm đã quá quen thuộc.
![Thông tư về dạy thêm, học thêm: Đồng thuận phải từ ngành giáo dục - 1 Thông tư về dạy thêm, học thêm: Đồng thuận phải từ ngành giáo dục - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/ad5L1FXKmFEnODJa3O8CBRejhYU=/2025/02/14/hoc-them-crop-1739496169998.jpeg)
Phong trào học thêm phát triển mạnh mẽ những năm gần đây (Ảnh minh họa: CV)
Cuộc chạy tiếp sức ấy có lẽ sẽ để lại trong lòng những đứa trẻ một tình yêu sâu đậm về tình cha, nghĩa mẹ khi chúng đã lớn lên, đi ra cuộc đời rộng lớn, nếm trải những truân chuyên, hiểu thấu cả thành công và thất bại đều có lý do của nó. Thế nhưng, ngay lúc này, khi được đón về từ các lớp học chính khóa với chương trình dày dặn, kín mít, ăn quáng quàng để lại lên xe đến các lớp học thêm, không ít cháu thầm trách cha mẹ bắt con đi học quá nhiều. Với cách thi cử hiện nay, chưa ai có thể yên tâm bình thản "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", học xong chính khóa ở trường là đủ kiến thức, thời gian còn lại dành cho vui chơi, khám phá, thư giãn với những ký ức tuổi thơ trong sáng. Áp lực điểm số, áp lực thi cử, nỗi lo con cái tụt hậu, sa vào trò chơi điện tử hay hư hỏng luôn có lý. Đầu tư cho con là đầu tư cho tương lai, không ai muốn thế hệ tiếp nối bị đẩy ra bên lề tri thức.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu lý do cha mẹ quá chạy đua thành tích khiến dạy thêm, học thêm biến tướng. Nhưng để học thêm từ một nhu cầu tự thân, dạy thêm là một năng lực đáp ứng chính đáng trở thành một nguy cơ làm méo mó quá trình giáo dục khiến cơ quan quản lý phải mạnh tay siết lại, chắc không thể thiếu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.
Nghề dạy học, cũng như nhiều nghề chuyên sâu khác như nghề thầy thuốc, rất nhiều vấn đề khó giải mã bằng con mắt đánh giá thông thường. Chỉ người trong nghề là nhìn nhau rõ nhất, hiểu ngóc ngách của nghề nhất. Và chỉ người trong nghề, trước hết là hiệu trưởng các trường mới có thể ra được những giải pháp hữu hiệu, ngăn ngừa biến tướng, làm ảnh hưởng đến uy tín người thầy.
Hiện tượng chỗ này chỗ kia, cô chỉ giảng bài lưng chừng, thầy chấm điểm thấp gây áp lực, thiên vị trò này, làm khó trò kia để dẫn dắt đến lớp học thêm không tự nguyện, chỉ lãnh đạo nhà trường đủ khả năng và quyền năng chấn chỉnh và hóa giải. Nếu việc dạy thêm, học thêm thật sự tự nguyện, lành mạnh, đúng nhu cầu thì thuận cho cả nhà trường và học sinh, tận dụng được cơ sở vật chất sẵn có, thầy trò thấu hiểu nhau, đỡ công đi lại vất vả, chắc không đến nỗi để dạy thêm, học thêm bị nhìn nhận thành vấn đề của ngành Giáo dục.
Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm, bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay 14/2 chắc chắn sẽ tạo nên nhiều thay đổi. Một quyết định quản lý dù thấu đáo đến đâu cũng khó trọn vẹn mọi bề. Nhưng có lẽ đó là liều thuốc cần thiết để hạ nhiệt một cơn sốt kéo dài vô lý. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về một tầm nhìn dài hạn, học vừa phải để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" là đúng đắn và cần được sự thấu hiểu, ủng hộ của dư luận.
Tuy thế, còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết cho thấu đáo: từ giảm tải chương trình, cách đánh giá học sinh, cải tiến các kỳ thi nhất là thi chuyển cấp, thi vào đại học, đến tạo điều kiện, môi trường dạy thêm, học thêm theo nhu cầu tự nguyện và chính đáng. Thầy cô giáo có năng lực và có quyền làm thêm, dạy thêm. Học sinh có nhu cầu học thêm, bổ sung, cập nhật kiến thức, chắp cánh cho những ước mơ cuộc đời. Nhưng dạy thêm, học thêm phải được xác lập trong mối quan hệ tự nguyện, tuyệt đối loại trừ mọi sự ép uổng, làm khó (dù có thể chỉ là số rất ít), làm ảnh hưởng đến vị thế nghề thầy và hình ảnh người thầy.
Ra được chính sách mới là bước khởi đầu, thách thức còn nằm ở khâu triển khai, thực hiện. Hy vọng, ngành giáo dục sẽ tăng cường chia sẻ, trao đổi, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao ngay chính trong ngành mình, đồng thời kiên trì mục tiêu đặt ra, để dạy thêm, học thêm thực sự mang tính tự nguyện và tích cực!
Tác giả: Ông Đỗ Chí Nghĩa là PGS.TS chuyên ngành báo chí; từng có nhiều năm công tác tại Học viện Báo chí Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Bên cạnh nghề giáo, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cũng từng giữ chức Tổng biên tập Thời báo Doanh nhân, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân. Hiện PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa là đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!