Tâm điểm
Trần Văn Thọ

Học thêm và dạy thêm

Gần đây trong nước bàn luận nhiều về vấn đề học thêm, dạy thêm, nhất là sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm. Một trong những nội dung chính của dự thảo này là cho phép thầy cô giáo đang dạy chính khóa (theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018) được dạy thêm, nhưng phải tuân thủ các quy định nêu trong Thông tư để tránh những tiêu cực đã thấy trong thời gian dài vừa qua.

Cuộc tranh luận khiến tôi nhớ lại thời tôi đi học trước đây. Hồi đó thầy cô giáo tiểu học và trung học chỉ dạy chính khóa, thu nhập thuộc nhóm khá trong xã hội và được học trò yêu mến, kính trọng. Hầu như chúng tôi ai cũng có nhiều kỷ niệm đẹp với thầy cô giáo. Tôi không biết có quy định cấm các thầy cô chính khóa dạy thêm hay không, nhưng suốt hơn 10 năm học tiểu học và trung học tôi không thấy có hiện tượng dạy thêm.

Học thêm thì có, và hầu như chỉ có ở các thành phố. Đó là trường hợp những gia đình có điều kiện kinh tế muốn con em mình có người dạy kèm để học tốt hơn. Người dạy kèm, thường được gọi là gia sư hay người kèm trẻ ở tư gia, là những học sinh ở cấp trung học phổ thông (THPT) dạy kèm học sinh cấp trung học cơ sở (THCS) hoặc tiểu học. Có hai hình thức phổ biến. Một là người dạy kèm đến ở hẳn trong nhà để có thể hướng dẫn mỗi tối cho học sinh cần học thêm. Hai là mỗi tuần đến hai, ba buổi tối.

Ngoài ra, ở các thành phố lớn có đại học, một số sinh viên giỏi toán, ngoại ngữ thường mở các lớp luyện thi Tú tài hay luyện thi vào đại học. Thời đó thị trường chưa phát triển nên các hoạt động dạy kèm, luyện thi hầu hết là phi chính thức, thông tin cung và cầu lan truyền giữa bạn bè, người quen, ngoài những lớp luyện thi có quy mô tương đối lớn được quảng cáo trên các báo.

Học thêm và dạy thêm - 1

Việc dạy thêm kéo dài hàng chục năm nay, được dư luận nói đến nhiều, là một vấn đề nổi cộm trong xã hội (Ảnh minh họa: CV)

Ở Nhật Bản, nơi tôi nghiên cứu khoa học và làm việc mấy chục năm qua, kinh tế thị trường đã phát triển ở giai đoạn cao nên dịch vụ đáp ứng nhu cầu học thêm là những lớp, những trường có đăng ký kinh doanh.

Đại thể có hai loại hình. Một là những trường luyện thi, giúp học sinh cấp THPT tăng cường khả năng những môn chính như toán, lý hóa, Anh ngữ, lịch sử, quốc văn để có thể thi đỗ vào những đại học danh tiếng. Ở đây giáo viên ngoài dạy chuyên môn còn nghiên cứu những đề thi cũ của các đại học để biết khuynh hướng ra đề thi và phản ảnh trong bài giảng hoặc giúp học sinh kỹ năng viết đáp án. Do đó học sinh học thêm ở các trường này vừa bổ túc chuyên môn vừa quen với các đề thi ở đại học mà mình có nguyện vọng vào học. Những trường luyện thi có uy tín (phản ảnh trên thành tích số lượng học sinh thi đỗ vào các đại học hàng đầu) học sinh cấp 3 xin vào học rất đông nên hằng năm họ mở kỳ thi để chọn lựa.

Loại hình thứ hai là những tổ chức dạy bổ túc cho học sinh muốn học thêm để theo kịp nội dung các môn chính học ở trường như toán, quốc văn, Anh ngữ,... Người dạy thường là sinh viên ở các đại học danh tiếng. Ở các đại học này sinh viên có nguyện vọng dạy thêm đăng ký ở bộ phận giới thiệu việc làm thêm của đại học. Phụ huynh các học sinh có nhu cầu học thêm sẽ liên lạc với đại học và chọn sinh viên đến tư gia dạy kèm cho con em mình. Ngoài ra, có một số cơ sở kinh doanh làm trung gian giữa sinh viên đại học có nhu cầu làm thêm và phụ huynh có con em có nhu cầu học thêm. Việc học thêm này có thể thực hiện tại tư gia hoặc tại cơ sở của đơn vị kinh doanh.

Tóm lại, ở Nhật học sinh đi học thêm tập trung ở các năm cuối cấp THPT để chuẩn bị thi vào đại học. Ở các cấp bậc khác, chỉ có một bộ phận học sinh có nhu cầu học thêm tại gia hay các cơ sở có tổ chức. Điểm cần nhấn mạnh nữa là thầy cô giáo dạy ở các trường chính quy (cả trường công và trường tư thục) không tham gia vào việc dạy thêm ở cả hai trường hợp trên. Người dạy thêm có thể là những thầy cô giáo đã về hưu, sinh viên đang học đại học (thường là sinh viên giỏi và hoàn cảnh kinh tế khó khăn), hoặc giáo viên chuyên trách ở cơ sở tổ chức dạy thêm.

Trở lại chuyện ở Việt Nam hiện nay. Việc dạy thêm kéo dài hàng chục năm nay, được dư luận nói đến nhiều, là một vấn đề nổi cộm trong xã hội. Có thể tóm tắt ba vấn đề mà nhiều người đã thấy.

Thứ nhất, do đồng lương quá thấp, các thầy cô giáo xem việc dạy thêm là nguồn thu nhập cần thiết, và đáng tiếc là đã có một số trường hợp "ép" học sinh mình học thêm bằng cách này hay cách khác, mất đi hình ảnh cao quý của người thầy, ảnh hưởng xấu đến quan hệ thầy trò và đạo đức xã hội.

Thứ hai, học sinh phải luôn bận rộn trong việc học, không có thì giờ cho thể thao, văn hóa, đọc sách hay giao lưu với bè bạn, v.v…, những hoạt động kích thích sáng tạo và ảnh hưởng tốt đến hình thành nhân cách.

Thứ ba, học thêm trở thành khoản chi phí đáng kể, gây khó khăn cho những gia đình có thu nhập thấp, nhất là ở các bậc tiểu học hay trung học cơ sở là những bậc học phải được miễn phí hoàn toàn.

Theo tôi, với 3 hệ lụy như nêu trên của việc dạy thêm, thì nên có kế hoạch chấm dứt, chứ không nên tiếp cận theo hướng tìm cách quản lý chặt hơn để duy trì hiện trạng. Hay nói cách khác là không nên duy trì việc cho phép thầy cô giáo đang dạy chính khóa ở các trường công lập được dạy ngoài giờ cho học sinh của mình. Dĩ nhiên song song với quy định này phải có biện pháp tăng lương giáo viên.

Có thể nhiều người cho rằng việc tăng lương cho giáo viên là không khả thi, vì tăng lương phải tăng đồng loạt nhiều ngành khác. Và vừa qua đã tăng rồi, nếu tăng nữa thì ngân sách không đáp ứng được. Nhưng ta cần đặt câu hỏi nghiêm túc: Bao giờ chấm dứt tình trạng thầy cô giáo phải sống bằng thu nhập ngoài lương? Cần có lộ trình sớm giải quyết vấn đề này. Chẳng hạn trong 5-6 năm tới, cải cách hệ thống thuế để tăng nguồn thu, thắt chặt quản lý để tránh thất thoát trong đầu tư công, cắt giảm hoặc trì hoãn những hạng mục đầu tư, chi tiêu chưa cần thiết, v.v.

Nên chăng có một ủy ban cấp nhà nước nghiên cứu thực trạng chi thu ngân sách trung ương và địa phương, nghiên cứu hệ thống thuế và đề ra lộ trình tăng lương cho công chức, viên chức, bao gồm giáo viên.

Nếu xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, và xét đến các hệ lụy trong việc dạy thêm, việc cải cách tiền lương nên bắt đầu từ lĩnh vực giáo dục rồi dần dần chuyển sang các lĩnh vực khác. Chẳng hạn đặt mục tiêu hai hay ba năm tới thầy cô giáo sẽ sống bằng tiền lương chính thức và từ đó không được dạy thêm nữa.

Còn việc học thêm thì nên để thị trường quyết định như kinh nghiệm Nhật Bản nêu trên.

Tác giả: Giáo sư Trần Văn Thọ lấy bằng tiến sĩ kinh tế Đại học Hitotsubashi, Tokyo. Ông từng nghiên cứu, giảng dạy tại Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản; và từng tham gia tư vấn kinh tế cho nhiều lãnh đạo Chính phủ Việt Nam. Ông cũng là một trong ba người nước ngoài đầu tiên được mời làm việc trong Hội đồng tư vấn kinh tế nhiều đời của Thủ tướng Nhật; đã xuất bản một số cuốn sách bằng tiếng Nhật và tiếng Việt về kinh tế châu Á, Nhật Bản và Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!